Tại sao “Mad Max: Fury Road” lại đáng được tôn vinh?

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 16:09 18/12/2015

“Mad Max: Fury Road” không chỉ đại thắng trên mặt trận phòng vé, mà còn đang là ứng viên của nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá. Tại sao một bộ phim thuần về hành động như Mad Max lại chiếm được nhiều cảm tình của người bình chọn đến thế?

Danh sách giải thưởng vẫn tiếp tục được nối dài

Tạm gác thành công rực rỡ của phòng vé sang một bên, chúng ta sẽ điểm lại thành tích “lẫy lừng” của Mad Max: Fury Road trên mặt trận giải thưởng điện ảnh. Hiện Mad Max đang là cái tên được nhắc tới nhiều nhất tại Critics’ Choice Award với 13 đề cử, trong đó 2 diễn viên chính là Charlize TheronTom Hardy mỗi người hai tay “ẵm” hai đề cử danh giá. Chiến thắng 7 trong tổng số 12 đề cử của Australian Academy of Cinema and Television Arts Awards là dấu mốc quan trọng của George Miller và các cộng sự. Sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua 2 đề cử Quả Cầu Vàng – được coi là tiền đề cho Oscar, một dành cho Phim chính kịch xuất sắc nhất và một đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất.

Điểm “sơ sơ” ra thì Mad Max đã “chinh chiến” trên 40 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ và đều gặt hái được thành công. Ngoài ra, tác phẩm tiếp nối thiên sử thi hậu tận thế của đạo diễn George Miller được National Board of Review bình chọn là Bộ phim xuất sắc nhất năm, nằm trong top 3 phim hay nhất năm 2015 do IMDb bình chọn dựa trên sự quan tâm của khán giả, đứng đầu danh sách phim hay nhất năm trên The New York Times. Vậy điều gì làm nên thành công cho một tác phẩm đậm chất hành động cháy nổ như Mad Max: Fury Road?

Công thức làm nên thành công

Từng có một số ý kiến cho rằng nhân vật của Tom Hardy bị “lép vế” so với nữ chính của phim, trong khi Max mới là tên phim. Tuy nhiên họ quên rằng, Max vẫn luôn là thế, người anh hùng bị cuốn vào cuộc chiến điên cuồng ở cả những phần phim trước đây. Max của Hardy biết “nhường sân khấu” cho nữ chính lúc cần thiết. Tuy nhiên điều đó không làm giảm đi sự mạnh mẽ, phong trần và cả những ám ảnh vây quanh nhân vật này. Đừng quên Tom Hardy là người từng thành công với những Bronson, The Dark Knight Rises hay mới đây nhất là Legend, gồm toàn những tác phẩm hành động và cũng nặng tính nghệ thuật.

Về phía Furiosa, nếu như Sigourney Weaver nhận được một đề cử Oscar cho vai diễn trong Aliens, thì điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra với Charlize Theron. Đạo diễn George Miller từng nhận xét: “Bạn có thể ăn mặc như Furiosa, nhưng để trở thành Furiosa, bạn phải là Charlize Theron[…] Cô ấy sở hữu thứ vẻ đẹp không thể hoà trộn, vì thế cô không cần phải che giấu nó. Người phụ nữ ấy sẽ chấp nhận lăn lộn trong đất cát và để nước mắt tuôn dài trên khuôn mặt”. Đó cũng là những gì mà người ta thấy ở một Furiosa trên màn ảnh – mạnh mẽ và xinh đẹp như một bông hoa xương rồng trên cát. Diễn xuất của Charlize Theron xứng đáng được vinh danh với màn thể hiện xuất sắc kiểu nhân vật nữ anh hùng như Furiosa.

Cả Max (Tom Hardy) và Furiosa (Charlize Theron) đều chinh phục khán giả trên màn ảnh

Ngoài ra, thật khó có thể “làm lơ” trước đội ngũ biên tập hình ảnh, với sự hoà trộn tinh tế giữa thực tế và công nghệ CGI bằng bàn tay của Jason Ballantine và Margaret Sixel. Nếu như những cảnh phim được thực hiện điên cuồng đến nhường nào thì cũng phải cần ngần đó nghị lực và sự khúc chiết để lắp ráp lại chúng với nhau, cho ra những thước phim mãn nhãn người xem.

“Cinematographer” là những nhà quay phim chịu trách nhiệm mọi thứ liên quan đến hình ảnh, từ màu sắc, ánh sáng, bố cục thậm chí là máy quay phải zoom vào chi tiết nào. Thật may mắn khi “đứng mũi chịu sào” ở vị trí này trong Mad Max là cái tên John Seale, người từng tuyên bố nghỉ hưu cho tới khi chịu rời chiếc ghế bành ấm cúng để xách máy quay lăn lộn tại phim trường giữa sa mạc.

Nhà quay phim kì cựu từng được đề cử Oscar nhiều lần cho những Witness (1985), Rain Man (1988), hay Cold Mountain (2003) và chiến thắng tại Academy Award với The English Patient (1996). Không làm người cộng sự George Miller thất vọng, John Seale lấp đầy khung hình bằng những cảnh chiến đấu bắt mắt mà đầy chất nghệ thuật, hơn là một bộ phim cháy nổ nhiều tiền đơn thuần. Nếu như đây là dự án “cuối của cuối” mà John tham gia, thì Mad Max cũng là lần cuối thế giới được vinh danh đóng góp của người cựu chiến binh Úc trước khi ông giã từ nghiệp cầm máy quay của mình.

Nhà chỉ đạo quay phim gạo cội John Seale trên phim trường “Mad Max: Fury Road”

Những nỗ lực của Seale được hỗ trợ bởi tầm nhìn của nhà thiết kế sản xuất Colin Gibson, người được một đề cử BAFTA cho The Adventures of Priscilla, Queen of the Desert (1994) và nhà thiết kế trang phục Jenny Beavan, chủ nhân một Oscar và 8 đề cử khác. Cùng với đội ngũ hoá trang và trang điểm, hai con người tài năng này đã khiến người xem ấn tượng với từng chi tiết nhỏ nhất trong phim. Chỉ riêng tạo hình của Immortan Joe (Hugh Keays-Byrne) cũng xứng đáng được nhận một giải thưởng riêng.

Thành công của Mad Max một phần dựa vào phần âm thanh được phối kết hoàn hảo bởi bàn tay “ma thuật” của Junkie XL, người từng hợp tác với Hans Zimmer đảm trách phần nhạc phim trong The Dark Knight Rises và Inception.

Cuối cùng, không thể không nhắc tới công sức của George Miller khi đánh dấu màn quay trở lại không thể “điên rồ” hơn sau 30 năm ngủ yên kể từ thành công của Mad Max những phần trước. Tác phẩm đúng như Tom Hardy từng nói, sẽ khiến bạn không nghĩ nó là một bộ phim, mà bạn đang ở trong tâm trí của George Miller. 14 năm “thai nghén” từ một ý tưởng trên chuyến bay, 3.500 bản vẽ trên giấy trước khi cho ra một kịch bản hoàn thiện; “ngốn” hết khoản kinh phí khổng lồ là 150 triệu USD; hơn 8 tháng quay phim tại những cồn cát khổng lồ Namibia hay các hoang mạc rộng lớn ở Australia; 480 giờ phim được cô đọng thành 114 phút ra rạp. Điểm “sơ sơ” qua những con số để thấy rằng, George Miller kĩ tính đến như thế nào trên phim trường để cho ra từng thước phim hoàn hảo nhất.

Đạo diễn George Miller trên trường quay của “Mad Max: Fury Road”

Mặc dù có vẻ như Mad Max: Fury Road không được coi là một ứng cử viên nặng kí cho Oscar mùa này, tuy nhiên chắc chắn đây vẫn sẽ là cái tên không thể vắng mặt tại lễ trao giải danh giá. Phim hành động chưa bao giờ là niềm ưa thích của các nhà phê bình tại Academy Award, tuy nhiên nếu tác phẩm của George Miller và các đồng sự tiếp tục thắng lợi tại các giải thưởng phim lớn nhỏ, thì Oscar có lẽ sẽ không thể tiếp tục làm ngơ Mad Max được nữa.