Phát hiện lỗ hổng lớn trong phòng chống dịch Covid-19, chủ tịch HN họp khẩn: "Trận tuyến quan trọng mà có sơ hở là rất nguy hiểm"

Minh Nhân, Theo Nhịp Sống Việt 18:38 07/04/2020

Liên quan đến bệnh nhân 243, Chủ tịch Hà Nội đánh giá huyện Mê Linh đã hiểu sai cách làm và nếu cách ly đúng 14 ngày từ ngày 29/3 thì không có chuyện bệnh nhân đi lại, tiếp xúc nhiều nơi.

Chiều 7/4, trước diễn biến mới của dịch bệnh liên quan đến bệnh nhân số 243, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp đột xuất với các quận huyện, phường xã, ngành y tế, Giám đốc các bệnh viện.

Lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch tại huyện Mê Linh

Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND TP thông tin, ca bệnh 243 là ở huyện Mê Linh có diễn biến vô cùng phức tạp. Người này có lịch trình đi lại tiếp xúc đông người. 

"Như ở trường hợp ca bệnh ở huyện Mê Linh. Chúng ta đang có cách hiểu nhầm lẫn. Trong công điện 01, 02 đã yêu cầu xác minh toàn bộ trường hợp có yếu tố liên quan đến bệnh viện Bạch Mai và phải có quyết định cách ly ngay lập tức và lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 28 có công điện, thì quyết định cách ly 24 ngày phải tính từ ngày 29, chứ không phải căn cứ vào thời điểm bệnh nhân đến bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 để không quyết định cách ly", ông Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP đánh giá huyện Mê Linh đã hiểu sai cách làm và nếu cách ly đúng 14 ngày từ ngày 29/3 thì không có chuyện bệnh nhân đi lại, tiếp xúc nhiều nơi.

"Đây là lỗ hổng rất nguy hiểm cần chấn chỉnh ngay lập tức", ông Chung nói. 

Phát hiện lỗ hổng lớn trong phòng chống dịch Covid-19, chủ tịch HN họp khẩn: Trận tuyến quan trọng mà có sơ hở là rất nguy hiểm - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

Từ đó, ông Chung đặc biệt nêu rõ, các quận huyện cần tiếp tục rà soát số người liên quan đến bệnh viện Bạch Mai; tổ chức cách ly tính từ ngày phát hiện, không căn cứ vào thời gian vào viện bởi như bệnh nhân 243 ở Mê Linh trong thời gian dài không có biểu hiện gì, nhưng vẫn lây nhiễm cho người khác.

"Tôi tin sẽ các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp này mà không đeo khẩu trang khả năng cao sẽ bị lây nhiễm bởi theo các chuyên gia, thời gian ủ bệnh lâu thì lượng virus càng cao", Chủ tịch UBND TP nói.

Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Mê Linh ra quyết định phong tỏa với thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh với 457 hộ, 1825 nhân khẩu. Xã Mê Linh, huyện Mê Linh phải tổ chức lực lượng phong tỏa theo quy định của Bộ y tế. Tất cả trường hợp F1, F2 lấy mẫu ngay lập tức, 457 hộ dân ở đây phải ở trong nhà. Huyện và xã tổ chức cung cấp thực phẩm cho nhân dân…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị lãnh đạo huyện và xã Mê Linh làm tốt công tác tuyên truyền để người dân ổn định tâm lý thực hiện cách ly. 

Từ bệnh nhân 243, và bài học của bệnh nhân 17, 237, Chủ tịch UBND TP nhắc đến việc đã có 700 y bác sỹ phải cách ly vì liên quan đến việc tiếp xúc với các bệnh nhân Covid -19 và cho rằng: "Trận tuyến quan trọng mà có sơ hở là rất nguy hiểm. Các bệnh viện phải quán triệt đến tất cả y bác sỹ không được chủ quan".

Không được bỏ sót trường hợp nào có yếu tố "Bạch Mai"

Về ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Chung nói, trong 120 nhân viên của công ty Trường Sinh và công ty làm vệ sinh trong bếp ăn, đã có 26 người dương tính với Covid -19. Tính thêm 2 nữ điều dưỡng (BN86, 87) trước đó, theo ông Chung, tỷ lệ lây nhiễm là 28/4000 (tổng số cán bộ y tế của bệnh viện). 

Những người đến chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện có tỷ lệ lây nhiễm là 8/6562 ca dương tính. 

"Các ca bệnh đã lan ra 5 khoa của bệnh viện Bạch Mai; đã có lây nhiễm chéo ở cộng đồng; có trường hợp F3 trở thành F0... Vì vậy diễn biến của dịch này nó còn đang rất phức tạp", ông Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP nhắc lại yêu cầu các đơn vị phải tập trung rà soát lại toàn bộ người có yếu tố liên quan đến bệnh viện Bạch Mai. Các trường hợp F1 phải được đưa đi cách ly kịp thời, tất cả phải được xét nghiệm ngay cả bằng test nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Nhận định bệnh viện Bạch Mai vẫn là "ổ dịch nguy hiểm nhất, nguy cơ lớn nhất", ông Chung nêu rõ, các trường hợp liên quan đến yếu tố "Bạch Mai" phải được giám sát chặt chẽ quá trình đi lại, tiếp xúc.

Phát hiện lỗ hổng lớn trong phòng chống dịch Covid-19, chủ tịch HN họp khẩn: Trận tuyến quan trọng mà có sơ hở là rất nguy hiểm - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tái khẳng định, không được chủ quan do nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất lớn. Các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai cần làm triệt để và không bỏ sót, rà đi rà lại. Khi có đủ số lượng test nhanh, thành phố sẽ tổ chức xét nghiệm tất cả các trường hợp. 

Chủ tịch đề nghị, tổ chức tuyên truyền để những người đến thăm khám phải tự giác khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ.

Chính quyền Hà Nội giao CDC phối hợp với Bộ Y tế, công khai tất cả diễn biến đi lại của 26 bệnh nhân của công ty TNHH Trường Sinh và Hoàn Mỹ; phối hợp với Bộ Y tế điều tra dịch tễ của các trường hợp tại Bệnh viện Bạch Mai để biết rõ được nguồn gốc bệnh cũng như tình trạng lây nhiễm chéo giữa các ca và các khoa, phòng. Đồng thời, công bố công khai sơ đồ bệnh để người dân nắm rõ, phòng ngừa và thấy được sự nguy hiểm của ổ dịch; trên cơ sở đó, có các biện pháp phòng, tránh.

"Khi các trường hợp âm ỉ càng lâu, thì độ phát tán càng nhanh và lây nhiễm cho nhiều người như trường hợp bệnh nhân ở quận Long Biên và huyện Mê Linh (F1, F2, F3 thành F0)…Với đặc điểm dân số Hà Nội tương đương với Vũ Hán và New York, các yếu tố về y tế lại kém hơn. Hà Nội đã làm quyết liệt công tác phòng chống dịch và có các biện pháp dãn cách xã hội sớm. Song, nguồn lây nhiễm ra cộng đồng vẫn rất cao, giống Vũ Hán và New York ở thời điểm đầu của dịch nên thành phố vẫn cần cảnh giác cao.

Hà Nội vẫn là địa bàn "nóng" nhất trên cả nước do nguồn gốc các ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn chưa được làm triệt để", Chủ tịch UBND TP khẳng định.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày