Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim"

Bình Bồng Bột - Design: Hoàng Anh, Theo Helino 00:00 12/09/2019

Nghe nhạc của Phan Mạnh Quỳnh nhiều, có lẽ bạn đọc sẽ nhận ra “nhạc trung hữu họa” bởi vì Quỳnh cũng có một niềm đam mê lớn dành cho điện ảnh. Hãy cùng nhìn lại hành trình lập thân của chàng trai nghèo đất Nghệ An, và thử lý giải vì sao mỗi bài hát của anh đều là một trải nghiệm hình ảnh kể chuyện thật đặc biệt.

Xin được hỏi ngay: Thánh ca ảnh hưởng thế nào đến cách sáng tác của anh?

Tôi mày mò tự học nhạc chứ không qua trường lớp bài bản nào cả. Những nốt nhạc đầu tiên mà tôi biết chính là từ thánh ca. Thánh ca hướng đến cộng đồng, nên kỹ thuật tương đối đơn giản.

Một điều mà tôi nghĩ thánh ca đã ảnh hưởng đến việc sáng tác sau này của mình, đó là dù vẫn duy trì một điệp khúc như bao bài hát khác, nhưng luôn có lời hai, lời ba. Ngày xưa, các nhạc sĩ của ta luôn viết kiểu này để cho bài nhạc dày dặn ý nghĩa hơn. Nhưng bẵng đi một thời gian, các nhạc sĩ hiện đại gần như không viết thêm lời hai cho bài hát. Nhưng tôi nhận thấy khi dụng công viết thêm lời hai, ý sẽ mở rộng hơn và câu chuyện mình muốn truyền tải sẽ rõ ràng hơn. Bởi vì một bài hát tuy có dài mấy cũng không thể dài được như trường ca, nên viết thêm lời sẽ làm cho trải nghiệm của người nghe được phong phú hơn.

Giờ thì mọi người viết lời hai cũng nhiều rồi. Tôi không dám nói mình là đã khơi lại cách viết của các bậc tiền bối, nhưng chắc cũng… ảnh hưởng tí tí (cười).

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 1.

Lần đầu tiên anh nhận ra trong người mình có nhạc là khi nào?

Hồi bé mẹ đã hát cho tôi nghe, rồi tập cho tôi hát rồi. Lớp 8 tôi vô ca đoàn, lớp 9 đã tìm hiểu về nốt. Lên cấp 3 tập viết. Rồi từ ca đoàn, tôi nghe thêm… Làn sóng xanh. Nhạc trẻ trên đài phức tạp hơn thánh ca nhà thờ nhiều, và trong quá trình tự học, tôi cảm giác giống như mình được… lên lớp vậy. Và trong quá trình ấy, tôi cứ cặm cụi lấy giấy, kẻ khuông rồi móc những nốt nhạc lên đó.

Học xong cấp 3, tôi đậu vào hai trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Cao đẳng Công nghiệp. Tôi xin bố mẹ đi học nhạc nhưng bố mẹ không cho. Thế là tôi bèn đi học quản trị kinh doanh cho gia đình yên tâm. Nhưng đầu mình quả thực không phù hợp với tính toán, trong đó chỉ toàn là nốt và nốt thôi. Năm hai, khi thi môn xác suất thống kê, nốt nhạc nó cứ muốn tuôn ra. Tôi bèn viết thành một bài hát. Và tôi xác định: âm nhạc phải là con đường của mình.

Sau khi trình bày bố mẹ hiểu, tôi bắt đầu tìm hiểu phần mềm viết nhạc. Tôi đi tìm đến những bạn trẻ cũng đang loay hoay như mình. Các bạn chỉ tôi phần mềm, tôi chỉ nốt cho các bạn. Từ 2011-2014, tôi cứ viết bài, thu âm, bán bài. Nhưng quay cuồng mãi không khá nổi, ở lại Sài Gòn e chết đói mất, tôi bèn về quê, để không phải trả tiền sinh hoạt phí quá đắt đỏ ở Sài Gòn. Về quê, sinh hoạt lại trong nhà thờ, gặp lại những người bạn cũ, có chút tiền cho bố mẹ, tôi như tái sinh năng lượng. Và trong thời gian này, tôi viết "Vợ người ta" và "Nước ngoài". Mọi thứ sau đó thì mọi người cũng đã biết rồi.

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 2.

Vì sao giữa một rừng những nhạc sĩ tài hoa của thế hệ trước, anh lại cho Trịnh Công Sơn và Trúc Phương là đại diện cho những tâm tình Việt Nam?

Trịnh Công Sơn như mọi người đã biết, là một nhạc sĩ vì hòa bình, luôn nói lên khát vọng được sống an lành, vui vẻ của mọi người Việt Nam. Ông là người đã mang được âm nhạc Việt Nam ra thế giới (đến cả Google cũng làm một cái doodle để kỷ niệm ngày mất của ông). Cách viết của ông dù mộc mạc, nhưng đã vận dụng tối đa vốn từ ngữ của dân tộc, và khơi lại những từ Hán Việt rất đẹp, và ca từ của Trịnh Công Sơn mang trọn vẹn hồn người Việt Nam trong đó.

Còn Trúc Phương là tiếng nói của dân lao động, của những con người mà ta có thể gặp bất kỳ nơi đâu trên đường. Như trong bài "Thói đời", ta thấy những từ ngữ không có gì khó hiểu, nhưng lại vừa đẹp lại vừa khắc họa rất rõ thân phận của người Việt Nam, tuy đau khổ nhưng vẫn tràn đầy tin tưởng, như "nghe xót xa ngời lên tròng mắt. Đoạn đường xa ta đã đi qua, ngày vui tới ta vẫn chờ".

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 3.

Trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn và Trúc Phương, ta thấy rất rõ trải nghiệm của cá nhân họ. Đó là nỗi đau của họ, nhân sinh quan của họ. Trong khi dường như anh lại thích mô tả chuyện của… người khác?

Đâu có. Đấy toàn là chuyện của tôi đó chứ. Nhưng trời đã cho tôi sự nhạy cảm, để có thể rung động và cảm xúc trước câu chuyện của người khác. Nên tôi hòa cảm xúc ấy với trải nghiệm của cá nhân và cho ra những tác phẩm. Như khi viết bài "Bước qua thế giới" thì tôi đã… chết đâu, nhưng đấy là thứ xúc cảm bật lên khi tôi về quê chơi đàn trong một lễ an táng, khi tôi nhìn thấy người ta mang quan tài của người vừa mất vào nhà thờ.

"Hồi ức" hay "Có chàng trai viết lên cây" cũng đều là chuyện của tôi cả, nhưng vậy thì chưa đủ để tạo thành câu chuyện, nên tôi phải thêm những chất liệu từ bên ngoài. Giống như đạo diễn của một bộ phim vậy thôi, họ có thể làm phim dựa trên kịch bản của người khác, nhưng rốt cục bộ phim vẫn mang dấu ấn của người đạo diễn ấy, vì nó được làm dựa trên những trải nghiệm rất cá nhân.

Như "Nước ngoài" chẳng hạn. Ai nghe bài ấy cũng nghĩ chắc tôi đã từng đi nước ngoài rồi. Nhưng không phải. Chẳng qua ở quê tôi, người ta rời Việt Nam đi lao động nhiều lắm. Trong số đó, có ông anh con của bà dì. Tôi đã đặt mình vào vị trí của người ấy, tưởng tượng những thứ mình sẽ phải trải qua nơi đất khách quê nhà. Ngày ấy bố anh bệnh nặng, nên mới có câu "cha có đỡ đau ốm hơn không". Nhưng như thế thì vẫn chưa đủ. Nên tôi lại mượn thêm ông anh của người bạn thân, đi nước ngoài và người yêu ở nhà đi lấy chồng. Tôi đã viết bài này trong hai năm, với toàn bộ những chất liệu có thật, được cô đặc lại để nói về thân phận của người nước mình xa xứ đi làm việc.

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 4.

Vì sao anh lại muốn trong âm nhạc của em có hình ảnh, có cả… vai chính vai phụ?

Có lẽ vì tôi luôn ước mơ được làm phim. Tôi vẫn nuôi dưỡng ước mơ này thông qua những vở kịch tôi dựng hàng năm cho bà con quê tôi xem. Tôi yêu làng quê mình. Tất cả những gì học được ở thành phố, tôi đều mang về phục vụ bà con.

Vì vừa yêu nhạc vừa yêu phim, nên trong nhạc của tôi luôn có hình ảnh là vậy. Tôi cũng tập tành thử đạo diễn mấy cái MV. Và cũng vì trong nhạc của tôi luôn có hình ảnh nên dạo này tôi bén duyên với nhạc phim cũng nên.

Ừ, nghe bài "Có chàng trai viết lên cây" của anh vang lên trong teaser "Mắt biếc", nhiều người nổi da gà vì sao mà nó lại quá hợp như vậy?

Thực ra bài ấy ra đời là có uyên nguyên với "Mắt biếc" ấy chứ. Vì bài ấy nhạc đã có rồi, nhưng tôi chưa đặt lời. Tình cờ thế nào tôi đọc được cuốn "Mắt biếc" của bác Nguyễn Nhật Ánh, tôi thấy hai chữ này đúng là hai chữ mà tôi vẫn đang tìm kiếm, và thế là tôi đã mang hai chữ ấy vào bài.

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 5.

Tôi thấy dù hữu ý hay vô tình, anh đã chịu sự ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn và Trúc Phương, đặc biệt là cách họ viết lời ca?

Tôi nghĩ mỗi người nhạc sĩ tôi nghe, mỗi nhà thơ tôi đọc đều có ảnh hưởng chút gì đó lên nhạc của tôi. Nhưng tôi không dám nhận mình là truyền nhân hay hậu duệ gì của những bậc tiền bối ấy. Như Trịnh Công Sơn, lời của bác ấy viết là đỉnh cao của ngôn ngữ, trong mộc mạc lại có hàn lâm. Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng mạnh hơn một chút của Trúc Phương. Bởi vì trong âm nhạc của Trúc Phương, những từ ngữ gần gũi, mộc mạc nhưng nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy một sự dụng công không nhỏ, để làm sao vừa có thể kể được một câu chuyện gần gũi mà không bị lặp từ, mà vẫn nhịp nhàng và cảm xúc.

Còn một người nữa có ảnh hưởng đến tôi là nhạc sĩ Trần Tiến. Sau này, tôi mới nhận ra mình rất muốn được như bác ấy: có một gia tài sáng tác đồ sộ, nhưng bài nào chất bài ấy và mỗi bài hát là một câu chuyện được đào xới rất kỹ, đào đến tận cùng của một thân phận. Lời hát của bác bình dị nhưng rất đẹp và rất khó bắt lỗi.

Nhưng ảnh hưởng là ảnh hưởng vậy thôi, chứ làm sao có thể sáng tác theo các vị ấy được. Tôi có cảm giác ngày xưa các nhạc sĩ họ sống để viết nhạc vậy. Cứ có cảm xúc là viết ra thôi. Thời đại bây giờ khác quá rồi. Mỗi một giai đoạn ta chỉ ưu tiên viết một đề tài nhất định, và còn nào view nào Top trending nữa. Mình không thể thoát ra khỏi những guồng quay ấy nữa. Thế nên, có những dự án mà mình nghĩ là hay thì phải để dành, có thể là sau năm 30 tuổi mới dám viết. Vì mình phải để khán giả họ hiểu mình đã.

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 6.

Ồ, fan của Quỳnh sẽ càng có lý do để yêu mến và chờ đợi anh hơn đây. Nhưng anh có nghĩ: sự toan tính trong nghệ thuật sẽ làm giảm nghệ sĩ tính nơi anh?

Thật ra nghệ sĩ tính nơi tôi cũng không mạnh lắm đâu. Hoặc giả nó có mạnh, tôi cũng phải chủ động đè nó xuống, vì cuộc sống mình có nhiều những lo toan quá. Huống chi sự nghiệp của tôi lại xảy ra những cơ duyên lạ lùng, theo cái cách mà mình không thể nào ngờ tới nổi. Như "Vợ người ta" chẳng hạn, một bản hit rất lớn đã mở ra cho tôi rất nhiều cánh cửa, nhưng cũng ném cho tôi vô vàn phiền toái. Ban đầu, tôi chỉ xem đấy là một trong chuỗi những bài viết về quê hương mình, ừ thì nó cũng bình dị, cũng dễ thương, dễ nghe. Nhưng cái mình nghĩ chỉ là cơn gió, rốt cục đã trở thành cơn bão. Nó khiến cho những tính toán trong sự nghiệp của mình sai bét hết. Và mình phải suy nghĩ lại và làm lại. Mà phàm đã suy nghĩ, tính toán thì đâu còn là… nghệ sĩ nữa, đúng không?

Nhưng có một bản năng nghệ sĩ mà tôi vẫn còn duy trì được, đó là khả năng thấu hiểu người khác, để có thể buồn nỗi buồn của họ, hạnh phúc và khổ đau với những biến cố của họ. Còn lại thì vì quá nhiều nỗi lo nên mình phải tính, và tính kỹ hết anh à.

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 7.

Nhiều thứ phải lo, cụ thể là những nỗi lo gì? Tôi nghe nói anh từng phải trả nợ cho gia đình?

Trên đời này ai mà không nợ hả anh (cười). Tôi không muốn nhắc đến câu chuyện ấy sâu. Nhưng tôi là con cả trong gia đình mà, lại là một thanh niên Việt Nam, mình phải hiếu đạo với cha mẹ và nghĩa tình với các anh em chứ. Ngày tôi đi học, cả nhà đã làm thay việc của mình cả rồi.

Mà ngay cả không có món nợ ấy thì tôi còn bao nỗi lo chứ. Mình là thanh niên nghèo từ quê vào Sài Gòn lập nghiệp mà. Lúc tôi kiếm được nhiều tiền nhất giai đoạn "Vợ người ta" thì tôi đang ở trong một công ty, nên tiền tích lũy cũng không được bao nhiêu. Sau đó rời công ty thì gần như phải làm lại từ đầu.

Vì sao anh lại thích thơ Hàn Mạc Tử?

Trong văn học Việt Nam tôi thích thơ Hàn Mạc Tử và văn của Nam Cao. Với Hàn Mạc Tử, ban đầu tôi chỉ thích bài "Đây thôn Vỹ Dạ" thôi. Không hiểu sao trong nguyên chương trình văn phổ thông, tôi lại thấy thích bài đó nhất. Xuân Diệu cũng hay, Chế Lan Viên cũng hay, và mình phân tích được cái hay của họ cả. Nhưng không hiểu sao bài "Đây thôn Vỹ Dạ" cứ ám ảnh mình hoài. Tôi đã nói là mình có năng lực thấu hiểu nỗi buồn của người khác rồi đúng không? Không hiểu sao tôi có cảm giác mình hiểu được những gì Hàn Mạc Tử đã trải qua. Rồi vài năm sau, tôi đến Quy Nhơn, nơi nhà thơ mất. Tôi đến viếng mộ ông, nhìn thấy phía trên là tượng Đức Mẹ. Như ta cũng biết, Thiên Chúa đã cứu rỗi linh hồn Hàn Mạc Tử trong giai đoạn ông gần như đã phát điên vì bệnh cùi. Rồi tôi tìm hiểu thêm về đời ông, càng tìm hiểu càng thêm yêu thơ và càng cảm thấy thơ ông thật ám ảnh. Và rồi tôi tự nhủ: mình phải viết một bài cho Hàn Mạc Tử.

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 8.

Nhưng "Đây thôn Vỹ Dạ" lại là một bài thơ đẹp, và lúc đó Hàn Mạc Tử dường như chưa làm "Thơ điên"?

Tôi không nghĩ nó đẹp lắm đâu (cười). Khi tôi đọc bài thơ đó lần đầu, tôi chỉ cảm thấy buồn vì một mối tình đơn phương trong đó. Bởi vì sau hàng loạt câu thơ tả cảnh tuyệt đẹp, ông kết bài với một câu trách móc nhẹ nhàng: "Ai biết tình ai có đậm đà". Trong câu thơ này ta thấy sự tự ti, nỗi buồn và sự bất lực. Không có một tình yêu nồng nàn, người ta sẽ không viết ra một câu trách móc tình đến như vậy. Bởi vì suốt thời trẻ tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm… yêu đơn phương mà. Nên nghe mùi đơn phương là tôi biết ngay.

Ồ, Phan Mạnh Quỳnh yêu đơn phương…

Hồi trẻ mà anh. Tương tư một người phải vài năm ấy. Mà tôi phải tương tư được… vài người.

Trời, tương tư một lần đã muốn chết rồi, anh lại có cả một… lịch sử đơn phương?

Thời ấy tôi nhát lắm anh ạ. Ở dưới quê mà, yêu ai thì… để trong lòng vậy thôi chứ có dám nói ra đâu. Có một nghịch lý là ngày ấy tôi đã rất nổi tiếng trong trường rồi. Vì tôi tham gia văn nghệ và được mọi người hâm mộ lắm. Nhưng càng nổi tiếng thì mình lại càng nhát mới lạ chứ. Yêu ai cũng không dám nói ra. Mình biết có nhiều người cũng thích mình đó. Và mình cũng thích vài người đó. Nhưng mình không cách gì biết cái người mình thích nó có thuộc nhóm… thích mình không. Cứ vậy mà ngại cho hết những năm phổ thông.

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 9.

Trời, nghe giống truyện Nguyễn Nhật Ánh ghê. Vậy ra anh chính là cái chàng trai yêu thầm một cô bạn nhưng chả dám nói, nên bèn… viết lên cây?

Đúng rồi . Những nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh khá là gần với tôi. Họ cũng yêu mấy người trong trường thầm lặng cho đến khi… ra trường thì thôi.

Thật là quá tiếc đi. Bởi vì nổi tiếng trong trường, lại ca hát giỏi là một lợi thế tuyệt vời để tán gái. Nhưng có gì mâu thuẫn không khi anh có thể hát trước toàn trường, nhưng lại không thể tỏ bày cảm tình với một cô gái?

Hai chuyện khác nhau hoàn toàn mà anh. Tỏ tình phải khó hơn nhiều chứ. Mà tôi nổi tiếng có phải do chủ động đâu. Hồi ấy tôi chăm chỉ nên được bầu làm lớp trưởng. Mấy lần có văn nghệ thì cán sự phải đi đầu làm gương chứ. Mình cũng sinh hoạt trong ca đoàn nên cứ thế mà hát thôi. Hồi đó mình mê Đan Trường nữa chứ, nên nhái cái giọng y như anh Đan Trường luôn. Làm sao anh Bo có thể ngờ ở một miền quê xa lắc của Nghệ An, có một thanh niên lôi mấy bài nổi tiếng của anh ra cover cho bằng hết. Mà vì mọi người thích Đan Trường nên… cũng thích tôi luôn.

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 10.

Anh luôn nhắc nhiều về miền quê, từ trong những câu chuyện anh kể lẫn trong nhạc anh viết. Vì sao quê hương lại có ý nghĩa với anh đến vậy?

Quê tôi là một giáo xứ. Mọi người đều sinh sống xung quanh một nhà thờ. Nơi tôi ở, không có nhiều người muốn đi nơi khác sống đâu. Mỗi lần trở về quê, đặc biệt là Giáng sinh, tôi đều có cảm giác kết nối thật mạnh mẽ, rằng mình thuộc về nơi này. Nên tôi có thể rời xa quê, nhưng quê hương chưa bao giờ rời khỏi tôi cả. Đâu có ai quên tuổi trẻ của mình. Như bài "Hồi ức" chẳng hạn, tôi viết về những người mình đã từng quen biết, nhưng nay đã mất.

Có một đặc điểm trong nhạc của anh rất dễ nhận ra: chúng đều buồn, và thấm đẫm một sự bi quan.

Tôi luôn có sự hoài nghi nhất định cho những câu châm ngôn kiểu self-help, như "Vinh quang chỉ dành cho người cố gắng". Càng sống và càng làm việc ta sẽ thấy: đôi khi mình đã cố dữ dội rồi, mà cũng chả đạt được thành tựu gì. Tôi biết một gia đình ở Phú Thọ có 5 người con, cả 5 người sinh ra đều bị dị dạng vì nhiễm chất độc màu da cam hết. Đời có cho họ chọn lựa đâu, và rồi họ có cố đến mấy cũng thoát khỏi số phận đâu? Người mẹ của 5 người con này chỉ có một ước nguyện: sáu mẹ con ăn một bữa cơm thật ngon rồi tự sát chết hết. Phải, có những người hoàn toàn không được phép lựa chọn cho cuộc đời họ. Như những người trong bài "Nước ngoài" đi, họ cũng là những thanh niên có hoài bão, có tấm lòng yêu quê hương và gia đình, nhưng họ vẫn phải chịu cảnh đau khổ xa quê đó thôi.

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 11.

Ôi, nếu nghĩ thế thì thật là bi thảm…

Nói như thế để thấy: nếu ta có tay chân lành lặn, nếu trời cho ta năng lực làm việc hay năng lực sáng tạo, hãy biết ơn cuộc sống. Nhiều người làm được một vài việc hay ho, họ đều nghĩ mình có trí tuệ hơn người cả. Không, các anh chỉ may mắn hơn người thôi. Và đừng nói là xuất thân không ảnh hưởng gì đến mình. Hai người cùng sống một nơi, vì sao có người phất lên có người lụn bại. Có khi vì người phất lên có một người bố tuy không giàu nhưng lại có chí cầu tiến, luôn biết cách dạy con. Còn người kia thì bố sáng say chiều xỉn.

Suy nghĩ này không phải khiến tôi bi quan, mà để tôi luôn nhắc nhở bản thân mình thật là may mắn khi sinh ra lành lặn, khi được gia đình yêu thương và được ông trời cho một chút tài năng. Và mình phải trả lại sự may mắn ấy cho đời bằng cách làm việc thật nghiêm túc.

Tôi nghĩ là mình đã luôn nghiêm túc trong mọi việc mình làm. Những bài hát tôi luôn cố viết thêm lời hai cho dày dặn, mà viết thêm lời thì phải lựa chọn chữ thật cẩn thận. Nên tôi có viết đùa trên Facebook là trời ơi sao mà chữ Việt Nam ít quá, xài một hồi thấy hết mất tiêu rồi. Tôi nghĩ khi mình đã tung bài ra thì ít ai có thể bắt lỗi ca từ của mình, vì tôi luôn rà soát và chọn lựa kỹ. Thấy trùng ý hay lặp từ là tôi phải sửa ngay.

Khi viết "Hồi ức", cùng một chủ đề là cái chết, tôi rất vất vả để tìm ra một cách tiếp cận mới, để không bị lặp lại bài "Bước qua thế giới". Nói chung là… muốn điên cái đầu luôn. Nên tôi không dám nhận mình là tài năng, tôi chỉ dám tự hào là mình làm việc vất vả và cực kỳ nghiêm túc với nghề.

Luôn tìm những chủ đề mới, có lẽ sẽ chẳng bao lâu nữa anh sẽ hết chủ đề mất thôi.

Có lẽ cũng sẽ đến lúc đó thôi. Tôi sẽ trở về làm mấy cái dự án cho quê hương mình và biết đâu nếu có cơ duyên, sẽ đi làm phim để thực hiện nốt ước mơ còn lại của mình thì sao.

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 12.

Vậy còn show diễn sắp tới ở Hội An với Hà Anh Tuấn, cùng 4 bài hát anh sáng tác riêng? Anh có thể chia sẻ thêm được không?

Mãi tới vài năm trước, ê kíp của anh Tuấn mới thu xếp cuộc gặp với tôi và đề nghị mình tôi hợp tác làm một show tác giả. Tất nhiên là tôi phải đồng ý ngay rồi. Anh Tuấn luôn chọn bài rất kỹ và hát rất chuẩn mực, thế nên khi anh chọn hát bài của tôi, tôi rất yên tâm.

Ở Việt Nam chỉ có 3 người làm show mà tự tin bán vé một là sold out luôn, đó là Sơn Tùng, Mỹ Tâm và Hà Anh Tuấn chứ đâu còn ai nữa. Điều đó có thể giải thích khi mà những đêm nhạc của anh luôn được đầu tư nhiều cả về dàn nhạc và hiệu ứng thị giác. Cách anh Tuấn chuyện trò thì thầm với khán giả, và cách hát gợi tả được tinh thần của một người đàn ông đã trải nghiệm hết những cung bậc tình yêu - tất cả đều khiến khán giả luôn đắm chìm dõi theo và để lại những dư âm không dứt.

Còn về 4 sáng tác mới, đó là những điều tôi cảm nhận được, gặp được trong quá trình sống và làm nghề. "Thương em" là câu chuyện về những người phụ nữ mất chồng, với 1 thân một mình cùng cả gia đình phải cáng đáng. "Cô gái và cây dương cầm" lại là câu chuyện về người nhạc công có tình yêu đơn sơ với một cô gái hát hay, nhưng rồi điều như ước mơ đến với cô gái thì lại là lúc họ không thể là những người yêu nhau đơn thuần bên phím đàn. "Xuân thì" là câu chuyện của những người đã vượt qua nỗi đau cũ, và trải qua nhiều những thăng trầm, để rồi họ gặp lại nhau khi đã trưởng thành và bình tâm dành cho nhau sự trân trọng. "An" là một chút tản mạn về cô gái tên An, về Hội An và sự bình an mà những người yêu nhau hứa hẹn.

Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc của tôi giàu hình ảnh, vì tôi luôn mơ ước được làm phim - Ảnh 13.
Chúc anh may mắn với những dự định của mình.