Phần lớn chúng ta không hề biết rằng phải dọn dẹp rác của mình ở các cửa hàng tự phục vụ!

Toàn Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 21/01/2017

Đa số khách hàng đến cửa hàng tiện lợi hoặc các quán cafe tự phục vụ luôn có một thói quen đó là "dùng xong đi luôn". Họ bày thức ăn ra và để lại rác, họ uống nước và để nguyên ly giấy trên bàn. Sau đó rời đi vì nghĩ việc còn lại là của nhân viên, không phải của mình.

Những năm gần đây, hệ thống các cửa quán cà phê tự phục vụ hay cửa hàng thức ăn nhanh được du nhập và phát triển mạnh mẽ tại các thành phố lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, những mô hình cửa hàng này mang văn hoá ngoại nhập nên đa phần khách hàng người Việt vẫn còn lúng túng. Và cũng bởi suốt một thời gian dài, người Việt luôn có tâm lý "khách hàng là thượng đế", nên chuyện tự bưng bê rồi dọn rác sau khi sử dụng hoàn toàn xa lạ với họ.

Phần lớn chúng ta không hề biết rằng phải dọn dẹp rác của mình ở các cửa hàng tự phục vụ! - Ảnh 1.

Rất nhiều khách hàng ở các thương hiệu cafe tự phục vụ nổi tiếng ở Việt Nam không nghĩ đến việc mình phải tự dọn rác sau khi dùng xong.

Nói về các mô hình cafe, cửa hàng tự phục vụ ở nước ngoài thì có 2 dạng chính. Dạng thứ nhất là cửa hàng tự phục vụ hoàn toàn. Nghĩa là sẽ không có sự xuất hiện của người bán trong cửa hàng, khách hàng tự do vào lựa chọn món đồ mình muốn mua, tự ăn và tự trả tiền theo đúng giá niêm yết.

Dạng thứ hai, là những quán cà phê tự phục vụ hay cửa hàng đồ ăn nhanh như McDonald's, Burger King, KFC... Tại các cửa hàng này, khách phải tự đến quầy để nhận thức ăn, và ăn xong sẽ phải tự dọn đồ ăn của mình. Điều này tuy không bắt buộc nhưng nó thành một nét văn hóa và nếp sống của người dân.

Tự phục vụ kiểu... nửa mùa ở Việt Nam

Ở Việt Nam hình thức cửa hàng tự phục vụ 100% vẫn chưa phổ biến. Có một cửa hàng Hà Nội, chuyên bán chocolate tươi, kem cùng các loại nước giải khát. Khách đến đây, đều phải tự làm mọi việc từ lựa chọn món hàng, check giá, trả tiền, dọn dẹp phần rác của mình... Và hầu như mọi người đều thực hiện khá nghiêm túc.

Phần lớn chúng ta không hề biết rằng phải dọn dẹp rác của mình ở các cửa hàng tự phục vụ! - Ảnh 2.

Bảng hướng dẫn của một cửa hàng tự phục vụ 100% ở Hà Nội.

Tuy nhiên tại các quán cà phê tự phục vụ và cửa hàng thức ăn nhanh thì khách hàng Việt vẫn chưa có thói quen tự dọn dẹp phần rác của mình. Hầu hết mọi người chỉ tự phục vụ... một nửa. Họ đến quầy nhận thức ăn, tự lấy khăn giấy, uống hút hay nước sốt... và để nguyên rác trên bàn sau khi rời đi khiến khu ăn uống chẳng khác gì bãi rác.

Phần lớn chúng ta không hề biết rằng phải dọn dẹp rác của mình ở các cửa hàng tự phục vụ! - Ảnh 3.

Mọi người đều tự đến quầy nhận thức ăn theo quy định của cửa hàng.

Phần lớn chúng ta không hề biết rằng phải dọn dẹp rác của mình ở các cửa hàng tự phục vụ! - Ảnh 4.

Tuy nhiên đa phần mọi người để nguyên rác trên bàn chứ không dọn chúng vào thùng rác.

Không khó để chúng ta bắt gặp những bàn ăn đầy rác, hay những ly giấy ngổn ngang trong các quán tự phục vụ khi nhân viên chưa kịp đến dọn dẹp. Bên cạnh đó tại các cửa hàng tiện lợi 24h, có rất nhiều nhóm học sinh vô tư vứt rác bừa bãi trong khu vực ăn uống mặc dù thùng rác được đặt cách đó vài bước chân.

Phần lớn chúng ta không hề biết rằng phải dọn dẹp rác của mình ở các cửa hàng tự phục vụ! - Ảnh 5.

Ở nhiều nơi, khi khách ra về để lại nguyên một "chiến trường" đầy rác.

Vấn đề ở đây không hoàn toàn là do ý thức của khách hàng, vì trong các cửa hàng tự phục vụ ở Việt Nam chẳng ai nhắc nhở họ phải làm công việc đó. "Chẳng có một bảng thông báo nào, hay một lời nhắc nào về việc phải tự dọn dẹp rác bỏ vào thùng rác trước khi rời đi. Thế nên bọn em nghĩ đó là công việc của các nhân viên trong cửa hàng, tụi em chỉ cần để gọn trên bàn là được rồi" - bạn L.B (học sinh lớp 9) chia sẻ.

Phần lớn chúng ta không hề biết rằng phải dọn dẹp rác của mình ở các cửa hàng tự phục vụ! - Ảnh 6.

Ở các cửa hàng tiện lợi luôn bố trí sẵn bình nước nóng để khách tự pha mỳ ăn liền, và thùng rác để bỏ rác, thế nhưng khách hàng ít khi tự bỏ rác vào thùng.

Phần lớn chúng ta không hề biết rằng phải dọn dẹp rác của mình ở các cửa hàng tự phục vụ! - Ảnh 7.

Và việc xả rác bỗng chốc thành thói quen.

Chính vì sự im lặng của các cửa hàng vô tình khiến sự bừa bộn của khách hàng trở thành thói quen. Hay nói đúng hơn vì sợ làm mất lòng khách hàng nên các cửa hàng ngầm thỏa hiệp rằng các bạn cứ bày ra chúng tôi sẽ dọn. Đơn giản, khách hàng là thượng đế.

Phần lớn chúng ta không hề biết rằng phải dọn dẹp rác của mình ở các cửa hàng tự phục vụ! - Ảnh 8.

Nhân viên ở các cửa hàng tự phục vụ vẫn phải làm công việc dọn dẹp khi khách ra về.

Bạn Viên (21 tuổi) nhân viên quán cà phê H.L cho biết: "Ở quán mình thì khi khách đến mua cà phê sẽ được phát cho một thiết bị điện tử, khi thiết bị điện tử đó rung thì khách hàng sẽ tự đến quầy để nhận nước. Tuy nhiên nếu khách hàng không tự dọn dẹp phần rác của mình bỏ vào thùng rác, thì nhân viên sẽ đến dọn".

Phần lớn chúng ta không hề biết rằng phải dọn dẹp rác của mình ở các cửa hàng tự phục vụ! - Ảnh 9.

Khi uống hết cà phê, chiếc ly nhựa sẽ thành rác. Và dù bạn có đặt nó ngay ngắn trên bàn thì bạn cũng đang vứt rác bừa bãi.

Thực tế, chuyện tạo nên một văn hoá tự phục vụ ở một đất nước đã quen với kiểu phục vụ truyền thống là điều không phải dễ dàng thực hiện trong ngày một ngày hai. Để tạo tiền đề tốt, các cửa hàng có thể nghĩ đến việc đặt các bảng thông báo nho nhỏ để khách hàng bắt đầu làm quen.

Tạo nên một văn hoá tốt là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, nếu bạn đã quen với kiểu phục vụ ở các cửa hàng truyền thống thì có thể tìm đến các quán ăn đó, suy cho cùng sự lựa chọn vẫn nằm trong tay của chúng ta.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày