Phải làm gì khi học sai ngành?

Anh Tuan Le, Theo Trí Thức Trẻ 10:24 06/11/2019

Thật ra sẽ không có quyết định nào đúng hay sai với các chọn lựa ở trên đâu, quan trọng là khi chúng ta đưa ra một quyết định, chúng ta thể hiện với bản thân và những người xung quanh rằng, bản thân chúng ta sẵn sàng chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình – như vậy đã là một bước hướng nghiệp rất rất tốt rồi.

Khi làm chương trình tư vấn hướng nghiệp cá nhân và đến các trường đại học để nói chuyện với các bạn sinh viên, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi tựa như là "Nếu em thấy mình học sai ngành, em phải làm thế nào?".

Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ chia ra làm hai trường hợp:

TRƯỜNG HỢP 1: HỌC SAI NGÀNH VÀ THẤY KHẢ NĂNG CỦA BẢN THÂN KHÔNG PHÙ HỢP

Ví dụ là có một bạn nào đó chọn thi ngành Kế toán vì được mọi người chia sẻ rằng "Học kế toán ra trường thì sẽ có cơ hội việc làm tốt" hay kiểu "Người nhà có người làm kế toán, cứ học xong chắc chắn có việc".

Tuy nhiên vấn đề là bạn này lại không phải là người thích con số, không chú ý đến tiểu tiết và không có kiên nhẫn khi ngồi trước một đống số liệu để làm. Vậy nên khi học các môn trong ngành Kế toán, bạn rất là chán, học chả hiểu gì cả, bị trượt môn liên tục.

Nếu bạn nào đang rơi vào trường hợp này, tôi khuyên bạn ngồi xuống và suy nghĩ thật kĩ, cân nhắc thật cẩn thận việc dừng học ngành này để tìm hiểu thêm về bản thân xem mình hợp với lĩnh vực nào hơn, từ đó ôn thi lại tốt hơn.

Nếu bạn đã bỏ ra mất một năm, hai năm để theo đuổi ngành này rồi – chắc bây giờ bảo nghỉ thì cũng ngại. Nhưng bạn ơi, phải can đảm lên. Thử nghĩ mà xem, nếu bạn bỏ ra 2-3 năm nữa để theo đuổi một ngành hoàn toàn chẳng hợp gì với khả năng tự nhiên của bản thân, hậu quả sẽ thế nào? Đó là điểm không cao, rồi thì ảnh hưởng đến tâm lý, dễ bị tự ti và cũng chẳng có nhiều thời gian rảnh để theo đuổi những cái mình thích.

Phải làm gì khi học sai ngành? - Ảnh 1.

TRƯỜNG HỢP 2: CẢM THẤY HỌC SAI NGÀNH NHƯNG THẤY VẪN HỌC TẠM ĐƯỢC

Ví dụ, một bạn học ngành Kế toán, điểm số ở trường vẫn khá ổn, vẫn hiểu được các thuật ngữ của ngành, vẫn trả lời được các câu hỏi từ thầy cô, vẫn làm được việc nếu giao – chỉ đơn giản là thấy chán và không có động lực khi làm công việc này thôi, học cho xong hoặc cố gắng làm vừa đủ là được chứ không tìm hiểu sâu về nó. Bạn này có thể nhận ra là mình thích Marketing hơn hoặc một ngành nào đó hơn chẳng hạn.

Với trường hợp này, tôi nghĩ rằng có thể có hai chọn lựa như sau:

1) Tiếp tục học

Tuy rằng bản thân cảm thấy không thích, nhưng bạn vẫn có thể lựa chọn việc tiếp tục học – vì bạn vẫn có thể học rất tốt. Tuy nhiên, trong quá trình học, bạn dành thời gian quan sát về những kĩ năng và kiến thức mà mình học được trong những môn học này và suy ngẫm xem những kiến thức này có thể giúp ích được cho mình trong tương lai ra sao. Ví dụ thật ra những bạn học kế toán mà có nền tảng tốt về tài chính, sau này "nhảy" sang ngành marketing sẽ rất có lợi vì có khả năng nắm bắt con số rất tốt, từ đó làm các kế hoạch liên quan đến tài chính tốt hơn.

Tuy học ngành mình không thích, nhưng vì bạn vẫn có khả năng học được, không cần bỏ ra nhiều thời gian mà vẫn không trượt môn, nên bạn vẫn có thể bỏ ra thời gian rảnh để tham gia các câu lạc bộ hoặc đi làm thêm bên ngoài ở lĩnh vực mình thích.

Ví dụ nếu bạn đang quan tâm marketing chẳng hạn, bạn có thể tham gia CLB Marketing ở trường, tìm các hội thảo liên quan đến marketing ở ngoài để tham gia hoặc nếu học năm cuối thì bạn có thể xin thực tập một công ty Marketing không lương chẳng hạn. Tương tự như trên, khi tham gia và làm các hoạt động ngoại khóa này, bạn cũng nên dành thời gian để suy ngẫm xem mình đang thu góp được kiến thức và kĩ năng gì và những cái này phục vụ ra sao cho công việc tương lai mà bản thân đang theo đuổi.

Phải làm gì khi học sai ngành? - Ảnh 2.

2) Ngừng lại một thời gian

Đây là lựa chọn của khá nhiều bạn bây giờ – gap year để hiểu bản thân hơn. Thật ra bạn không nhất thiết phải nghỉ 1 năm, nhưng có thể đặt ra một thời hạn nhất định cho bản thân như là nghỉ 3 tháng hoặc 6 tháng chẳng hạn.

Mà nghỉ không phải là để ở nhà đi du lịch, xem phim các kiểu đâu nhé. Nghỉ là để dành thời gian suy ngẫm, tham gia các hoạt động để hiểu hơn về bản thân hơn. Sau khoảng thời gian nghỉ là lúc phải đưa ra quyết định cho bản thân mình. Có thể là tiếp tục, hoặc quyết định dừng để học một ngành khác.

Thật ra sẽ không có quyết định nào đúng hay sai với các chọn lựa ở trên đâu, quan trọng là khi chúng ta đưa ra một quyết định, chúng ta thể hiện với bản thân và những người xung quanh rằng, bản thân chúng ta sẵn sàng chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình – như vậy đã là một bước hướng nghiệp rất rất tốt rồi.

Chúc các bạn đang lạc lối sớm tìm ra con đường của mình.