Phải đỗ bằng mọi giá: Học sinh Trung Quốc di dân về nông thôn, làm giả hộ khẩu để tăng cơ hội vượt vũ môn trong kỳ Cao Khảo

Đạt Lê, Theo Helino 15:25 03/06/2019

Chỉ còn 4 ngày nữa, kì thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc được mệnh danh khốc liệt nhất thế giới, sẽ chính thức bắt đầu. Trước đó, hàng trăm ngàn học sinh đã chuyển nhanh về vùng nông thôn vì nơi đây ít cạnh tranh hơn. Chính quyền cũng tuyên bố sẽ ngăn chặn triệt để tình trạng gian lận này.

Kì thi cao khảo đang đếm ngược từng giờ để chính thức bắt đầu vào ngày 7/6. Năm nay có 10 triệu thí sinh tham dự, khiến nó tiếp tục giữ vững danh hiệu kì tuyển sinh "khó nhằn" nhất thế giới. Khó, không chỉ vì câu hỏi khiến học sinh toát mồ hôi mà còn khó vì tỷ lệ chọi quá cao. Dù vậy, kì thi này lại vô cùng quan trọng, quyết định tương lai của hàng triệu người trẻ ở đất nước tỷ dân với thị trường việc làm đang ngày càng khốc liệt.

Để chuẩn bị cho kì thi này, bên cạnh việc ôn luyện, nhiều học sinh cố gắng dùng những "phương kế" khác nhằm tăng cơ hội đỗ cho mình. Trong đó, có một nhóm thí sinh được gọi là "cao khảo di dân". Đa số họ cảm thấy học lực của mình không đủ tốt nên đã chuyển về những khu vực thưa dân, ví dụ như Ninh Hạ hay Tân Cương. Ở đây thường không có nhiều thí sinh thực lực, việc gác thi - chấm bài cũng không quá áp lực và điểm số giành được sẽ có thể tăng lên.

Hiện tượng "cao khảo di dân" không phải mới ở Trung Quốc. Nhiều năm nay, đến hẹn lại lên, trước kì thi cao khảo khoảng 1 tháng thì nhiều trường trung học ở vùng nông thôn lại tiếp nhận học sinh mới. Thậm chí, nhiều cha mẹ sẵn sàng làm giả hộ khẩu để con cái có thể an tâm ứng thí ở một điểm thi dễ thở hơn.

Phải đỗ bằng mọi giá: Học sinh Trung Quốc di dân về nông thôn, làm giả hộ khẩu để tăng cơ hội vượt vũ môn trong kỳ Cao Khảo - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: EPA-EFE)

Nhưng điều này liệu có công bằng với các thí sinh học tập suốt 12 năm ở nông thôn? Chắc chắn là không, và cuộc chiến chống gian lận của những người làm giáo dục đã diễn ra trước khi kì tuyển sinh bắt đầu.

Tháng 5 vừa qua, cục khảo thí tỉnh Quý Châu đã đưa ra thông báo rằng 3 học sinh làm giả giấy báo dự thi cao khảo năm ngoái đã bị trường đại học đình chỉ học tập, trong đó có ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh và ĐH Phục Đán ở Thượng Hải - những trường danh tiếng hàng đầu xứ Trung. Trong khi đó, Quý Châu ở miền nam là một trong những tỉnh nghèo và thưa dân nhất Trung Quốc. Việc đưa ra thông báo đình chỉ 3 học sinh gian lận "trót lọt" vào năm ngoái trước thềm tuyển sinh năm nay là một động thái cứng rắn của tỉnh Quý Châu.

Phải đỗ bằng mọi giá: Học sinh Trung Quốc di dân về nông thôn, làm giả hộ khẩu để tăng cơ hội vượt vũ môn trong kỳ Cao Khảo - Ảnh 2.

Phụ huynh vẫy chào sĩ tử đến trường dự thi cao khảo (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, không chỉ có học sinh với học lực trung bình mới di dân để tăng cơ hội đỗ, mà thí sinh khá muốn giành suất vào trường top đầu cũng sử dụng chiêu thức này. Ví dụ như suốt tháng 5 vừa qua, tỉnh Quảng Đông phát hiện ra cứ 10 học sinh xuất sắc nhất trường THPT tư thục Fuyuan thì có 1 người chuyển về từ trường THPT Hành Thủy ở tỉnh Hà Bắc.

Fuyuan là một trong 4 trường trung học nổi trội nhất thành phố Thâm Quyến, học sinh luôn đạt điểm số cao hàng đầu. Năm 2018, 9 em của trường này đã được nhận vào ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh danh giá. 

Từ năm 2016, trường Fuyuan liên kết với trường Hành Thủy ở tỉnh Hà Bắc để trao đổi giáo viên dạy tốt. Chương trình liên kết này cũng kéo theo nhiều học sinh ở Hà Bắc được phép dự thi ở ngôi trường có "tiếng tốt nhiều năm" Fuyuan.

"Nhiều học sinh Hà Bắc đột ngột xuất hiện tại trường tôi ở Thâm Quyến khoảng 2 ngày trước kì thi và biến mất sau khi thi xong" - một học sinh trường Fuyuan cho biết. Nhiều học sinh ở Thâm Quyến cảm thấy vô cùng áp lực, vì bước chân vào trường cấp 3 danh giá đã khó mà lúc cận kề thi cử, họ còn phải cạnh tranh với những thí sinh từ một nơi khác đột nhiên xuất hiện. Những người này còn được dạy dỗ bởi các thầy cô giỏi ở trường mình. Việc này nhất định sẽ tạo ra gánh nặng tâm lí trước một kì thi vốn đã quá căng thẳng như cao khảo.

Phải đỗ bằng mọi giá: Học sinh Trung Quốc di dân về nông thôn, làm giả hộ khẩu để tăng cơ hội vượt vũ môn trong kỳ Cao Khảo - Ảnh 3.

Đấu trường sinh tử mang tên "Thi Đại học"

Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Đông trong tháng 5 đã tiến hành điều tra hồ sơ tất cả học sinh chuyển về gần đây từ những nơi khác trong cả nước, để xem có bao nhiêu người làm giả giấy tờ thuộc vào diện "cao khảo di dân". Tuy vậy việc rà soát cũng vô cùng phức tạp và tốn nhiều thời gian. Những vụ việc như 3 thí sinh an toàn "vượt vũ môn", đến khi nhập học mới bị phát hiện gian lận và đuổi học ở tỉnh Quý Châu là điều có thể sẽ tiếp tục diễn ra.

Cao khảo thật sự là kì thi khắc nghiệt nhất thế giới. Nhưng cũng có câu "học tài thi phận", bên cạnh bồi đắp năng lực, nhiều phụ huynh và thí sinh không ngại dùng nhiều mưu mẹo để tăng cơ hội cạnh tranh cho bản thân mình. Việc đem "cá chép" thả về vùng nước êm đềm hơn nhằm tăng khả năng "hóa rồng" chính là 1 trong những chiêu trò gian lận ấy. Điều này càng tạo nên nhiều sự đè nén tâm lí đầy mệt mỏi và nghi kỵ lẫn nhau giữa các thí sinh vốn đã quá vất vả trước kì thi của cuộc đời.

(Theo SCMP)