Ông trùm chuyển phát nhanh trở thành người giàu có thứ 3 tại Trung Quốc

Hương Cherry, Theo Trí Thức Trẻ 09:40 02/03/2017

Sau khi công ty chuyển phát nhanh S.F. Express chính thức lên sàn chứng khoán, ông Vương Vệ đã trở thành người giàu thứ ba tại Trung Quốc với tổng giá trị tài sản lên tới 26,5 tỷ USD.

Ngày 24/02 vừa qua, cổ phiếu của S.F. Express đã chính thức xuất hiện trên Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến với sự chấp thuận và giúp đỡ tích cực từ chính quyền Trung Quốc.

Sự kiện này khiến giá trị cổ phiếu của công ty mẹ S.F. Holding Co. - một đơn vị cũng do ông Vương Vệ sở hữu tăng thêm tới 59%, góp phần đẩy tổng giá trị tài sản của ông lên mức hơn 26,5 tỷ USD.

Ông trùm chuyển phát nhanh trở thành người giàu có thứ 3 tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Lễ ra mắt trên Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến của S.F. Express vào ngày 24/02.

Năm 1993, ông Vương Vệ chính là một trong số những người đầu tiên nhìn thấy được tiềm năng của việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

"Do Hồng Kông chưa chính thức trở về với Trung Quốc đại lục nên chỉ có bưu điện tại Trung Quốc mới có quyền vận chuyển hàng hoá đi khắp nơi. Vì vậy, tôi quyết định cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa lậu qua biên giới", ông Vương chia sẻ.

Vào thời điểm S.F. bắt đầu dịch vụ chuyển phát trong thập niên 1990, nó vẫn là một hình thức kinh doanh bị cấm và phải hoạt động chui. Theo pháp luật khi đó, họ sẽ bị phạt nặng nếu hoạt động của mình bị những nhân viên bưu điện bắt quả tang.

Ông trùm chuyển phát nhanh trở thành người giàu có thứ 3 tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Một nhân viên chuyển phát hàng hoá ở Thượng Hải.

Trong suốt 16 năm tiếp theo, công ty của ông Vương vẫn tiếp tục vận chuyển lậu hàng hóa cho tới khi chính quyền Trung Quốc chính thức gỡ bỏ lệnh cấm đối với những dịch vụ chuyển phát tư nhân vào năm 2009.

Cùng với sự phát triển rầm rộ từ loại hình kinh doanh bán lẻ trực tuyến, đặc biệt là ông lớn Alibaba đã mang đến cơ hội chưa từng có cho nhiều công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát hàng hóa như S.F. Express.

Tới năm 2015, S.F. Express đã trở thành đơn vị chuyển phát nhanh nội địa lớn nhất Trung Quốc với 36 máy bay chở hàng và 15.000 phương tiện vận tải hàng hóa các loại. Doanh thu năm 2015 của S.F. Express lên tới 48,1 tỷ nhân dân tệ.

Ông trùm chuyển phát nhanh trở thành người giàu có thứ 3 tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Bên trong một trung tâm phân loại hàng hóa tại Thượng Hải.

Bên cạnh S.F. Express, 5 công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh khác của Trung Quốc cũng quyết định đưa cổ phiếu của mình lên sàn giao dịch chứng khoán trong những năm gần đây, chiếm tổng giá trị tài sản lên tới 47 tỷ USD.

Đa phần họ đều sử dụng phương thức lên sàn bằng "cửa sau" – có nghĩa là thâu tóm một công ty đã có mặt trên sàn chứng khoán từ trước thay vì trực tiếp đưa cổ phiếu của công ty mình lên sàn như S.F. Express.

"Khi dịch vụ chuyển phát nhanh tại Trung Quốc đã đạt tới mức bão hoà, việc mở rộng quy mô kinh doanh là điều quá dễ hiểu.

Họ chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra để cạnh tranh với nhau trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là khi những ông lớn của ngành chuyển phát nhanh quốc tế như FedEx Corp., United Parcel Service Inc. và DHL Express đang đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường màu mỡ này", ông Vương Vệ nhấn mạnh.

Ông trùm chuyển phát nhanh trở thành người giàu có thứ 3 tại Trung Quốc - Ảnh 4.

Một cửa hàng ký gửi – giao nhận hàng hóa của công ty S.F. Express tại Hồng Kông.

Để tiếp tục tồn tại, các công ty nội địa của Trung Quốc cần nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động, kiếm đủ nguồn vốn để vươn "xúc tu" tới những thành phố nhỏ hơn, xây dựng đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cần thiết tại địa phương nhằm giảm thấp chi phí vận chuyển cũng như thu hút thêm khách hàng.

"Ngành dịch vụ chuyển phát hàng hóa đã vượt qua giai đoạn phát triển hoàng kim. Giờ đây, các doanh nghiệp buộc phải nâng cao hiệu quả hoạt động nếu không muốn bị thâu tóm hoặc đào thải", ông Tô Bảo Lai - một chuyên gia phân tích kinh tế của công ty Sinolink Securities Co., cho biết.