Ông Tây cầm bảng xin tiền suốt một năm ở Sài Gòn bị nhiều người nghi lừa đảo, Lãnh sự quán Phần Lan lên tiếng

PV, Theo Thời Đại 07:59 09/01/2018

Liên tiếp trong thời gian gần đây, hàng loạt bạn trẻ lên tiếng tố cáo một người Phần Lan có biểu hiện lừa đảo khi đứng cầm bảng xin tiền trên đường phố TP.HCM.

Nhiều người lên tiếng cảnh báo hành vi xin tiền của ông Tây ở Sài Gòn

Chỉ trong vòng vài tháng gần đây, có rất nhiều bài viết cảnh báo trên các diễn đàn lớn việc người đàn ông ngoại quốc cầm bảng xin tiền có dấu hiệu lừa đảo. Vì đã có rất nhiều người thương cảm, cho tiền nhưng người này vẫn xuất hiện liên tục. Khi có ai tỏ ý giúp đỡ đưa đến đại diện nước Phần Lan, người này lập tức tỏ ra bị kích động, mắng chửi và không hợp tác. Các khu vực người đàn ông này thường đứng là ở đường Mai Chí Thọ, công viên Tao Đàn, cầu Đen (gần cầu Sài Gòn)…

Theo anh Nguyễn Ngọc Tú, nhân viên truyền thông tại TP.HCM cho biết, tháng 10 năm ngoái, anh đang chạy xe hướng về hầm Thủ Thiêm để đi dự đám cưới ở đường Mai Chí Thọ, anh thấy một ông Tây mặc áo thun, quần đùi, tay cầm cuốn sổ lớn mở ra, trên có ghi dòng chữ tiếng Anh mà dịch ra tiếng Việt là "Xin chào! Cần sự giúp đỡ! Tôi bị giật mất hết đồ bao gồm Passport, ví tiền, điện thoại… Bây giờ tôi cần được giúp đỡ để có thể ra Hà Nội để đến Đại sứ quán Phần Lan. Xin hãy giúp đỡ! Cảm ơn!" .

Ông Tây cầm bảng xin tiền suốt một năm ở Sài Gòn bị nhiều người nghi lừa đảo, Lãnh sự quán Phần Lan lên tiếng - Ảnh 2.

Anh Tú đăng hình ảnh của người đàn ông lên Facebook và cho rằng có nhiều biểu hiện nghi vấn lừa đảo.

Dù lúc đó đang vội, nhưng thấy người gặp chuyện không may, lại là người nước ngoài đến Việt Nam mà lâm vào tình cảnh éo le, nên anh đã vòng xe lại khoảng 2km để xem có thể giúp gì được. Anh đi được một đoạn thì thấy ông ta đang đi bộ trên vỉa hè, tay xách một túi đựng đồ ăn thức uống. Anh cho ông đi nhờ xe, được kể là người này bị giựt đồ 4 ngày, đã ở TP.HCM rất nhiều ngày. Theo chỉ dẫn của người này, anh chở về một khách sạn nhỏ ngay vòng xoay Trần Não dưới chân cầu Sài Gòn để thuê phòng ở cho ngày hôm sau. Trước khi tới khách sạn, anh móc trong túi ra thiệp đám cưới, rút tờ 500.000 đồng ra khỏi bao rồi đưa cho người này.

Tuy nhiên, có nhiều nghi vấn sau đó. Khi anh đến khách sạn, ở đây cho biết khách sạn đã hết phòng vì đêm trước anh này không về, lại không trả tiền phòng nên cho người khác thuê. Anh chở ông này qua khách sạn kế bên thì chủ báo giá 400.000 đồng/đêm. Anh xin cho ông một góc ngủ chỉ với giá 200.000 đồng/đêm nhưng người này không đồng ý, trả ngay 400.000 đồng để ở. Khi ra về, anh còn lên mạng kêu gọi thêm sự giúp đỡ. Lúc này mới được nhiều bạn bè cảnh báo ông Tây có dấu hiệu lừa đảo. Một người bạn còn cho biết mình từng gặp anh này và đã cho tiền với kịch bản tương tự đến cả… 1 năm trước đó. Tú cũng cho biết đã quay lại khách sạn nơi người này cư ngụ thì được nhân viên cho biết anh ta có nhiều biểu hiện nghiện ma túy khi ở tại đây.

Hoàng Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CEO K35 cho biết, ngày 31/12 vừa qua, anh đi trên đường Lê Thánh Tôn, TP.HCM thì gặp một người Tây đứng cầm tờ giấy ghi bị mất passport và ví. Anh dừng lại để xem hỗ trợ được không thì người này nói mình đến từ Phần Lan và cần tiền đi Hà Nội để đến Đại sứ quán Phần Lan.

Tuy nhiên, khi anh đề nghị đưa anh này tới Tổng Lãnh sự quán Phần Lan tại TP.HCM nhưng người này cho biết bảo chỉ ở Hà Nội mới có nơi giúp đỡ. Sau khi anh lấy điện thoại và cho anh địa chỉ cơ quan nước này ở TP.HCM, người này liền nổi xung và văng tục rất kinh khủng. Ban đầu, anh Hoàng nghĩ có lẽ anh này vừa bị giật đồ nên đang kích động nên ráng nhịn và ôn tồn giải thích. Tuy vậy, càng lúc anh Tây càng đàn áp, kích động nên anh nghi ngờ anh này đang cố lừa người qua lại để lấy tiền. Chỉ đến khi anh Hoàng nói sẽ báo cảnh sát thì anh tây đổi thái độ, trở nên dịu lại, vừa đi thật nhanh vừa không dám chửi nữa.

Clip: Người đàn ông ngoại quốc vội đi khi có người phát hiện hành vi nghi lừa đảo của ông.

Sau khi về đến nhà, anh Long cho biết mình có tìm hiểu thì biết anh Tây này đã bị rất nhiều người tố cáo sử dụng cùng một màn kịch này để xin tiền. Có nhiều người cho biết anh này bị nghiện ma tuý, đã lấy tiền của rất nhiều người nhưng đã sống ở đây cả năm mà không hề đi ra Hà Nội.

Ông Tây cầm bảng xin tiền suốt một năm ở Sài Gòn bị nhiều người nghi lừa đảo, Lãnh sự quán Phần Lan lên tiếng - Ảnh 4.

Người đàn ông Tây cầm theo tờ giấy với nội dung mất ví, mất giấy tờ và cần được giúp đỡ.

Anh Tôn Long Hạ, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cũng cho biết giữa tháng 11 vừa qua, anh và con gái có dừng lại cho người này 500.000 đồng. Nhưng anh ta bắt tay cám ơn hời hợt và từ chối khi được đề nghị đưa đến cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ.

Diễn đàn có nhiều người nước ngoài sinh sống tại TP.HCM tham gia nhất cũng đã có cảnh báo này. Đa phần ý kiến tham gia đều lên án hành vi này và mong muốn chính quyền trục xuất người này về nước.

Ông Tây cầm bảng xin tiền suốt một năm ở Sài Gòn bị nhiều người nghi lừa đảo, Lãnh sự quán Phần Lan lên tiếng - Ảnh 5.

Thông tin người đàn ông ngoại quốc nghi trục lợi lòng tin của nhiều người vẫn được đăng cảnh báo trên mạng xã hội.

Đại diện Lãnh sự quán Phần Lan tại TP. HCM lên tiếng

Liên hệ với Tổng Lãnh sự Danh dự của Phần Lan tại TP.HCM vào ngày 2/1/2018, người đại diện tại đây xác nhận vụ việc này họ đã giải quyết suốt trong một năm nay. "Chúng tôi cũng đã báo cáo lên Đại sứ quán, Đại sứ quán cũng đã báo cáo về Phần Lan nhưng dù đã lo hết giấy tờ cần thiết để cho vị khách Tây có thể mua vé máy bay hoặc đi xe buýt ra Hà Nội để làm visa".

Khi được hỏi về việc anh này có mất giấy tờ thật hay không thì người đại diện cho biết: "Khi chúng tôi bắt đầu tiếp nhận thông tin này, thì anh báo mất giấy tờ ở khách sạn nào đó ảnh không nói rõ và vì ảnh hay quên, thần kinh không bình thường nên khó xác định. Có thể là anh ấy mất thật, thì chúng tôi cũng đã hỗ trợ hết mức để ra Hà Nội làm lại giấy tờ rồi nhưng anh ấy vẫn không đi".

Trước đây, người này liên tục lên Tổng lãnh sự để xin giấy để sống tạm tại TP.HCM, có biểu hiện hay kích động, không kiềm chế được cảm xúc của mình. Nhưng lần gần nhất là cách đây 4 tháng, Tổng lãnh sự kiên quyết cấp một giấy cuối cùng để người này làm thủ tục bay ra Hà Nội. Nếu người này vẫn tiếp tục đến đây, Đại sứ quán Phần Lan đã cho phép Tổng Lãnh sự gọi công an can thiệp, cưỡng chế.