Ông bố "lắm chuyện" Việt Max kể chuyện dạy "thằng con trai để tóc dài": Không bao giờ ép con vào khuôn khổ nào cả!

Lê Ái, Theo Helino 00:07 22/05/2019

"Nếu Pid thực sự muốn làm điều gì, tôi sẽ để Pid trải nghiệm, va vấp, thậm chí thất bại để tìm ra bài học cho chính mình", Việt Max chia sẻ quan điểm dạy con.

Ở Sài Gòn anh yêu nơi nào nhất?

- Ở nhà.

Việt Max - đạo diễn, thủ lĩnh đời đầu của Hip Hop Việt kiêm Graphic designer... đã đáp như thế trên ELLE Man số ra tháng 12/2016.

Với cựu thành viên nhóm Big Toe, nhà không chỉ là nơi trở về mà nó còn là chỗ cho gã đàn ông bôn ba cảm giác được chăm sóc và yêu thương từ những người quan trọng nhất cuộc đời. Bởi thế, trong tất cả những nghề nghiệp, vai trò mà Việt Max đã từng trải nghiệm, anh xem nghề làm bố của bé Pid là nghề nghiệp hấp dẫn nhất mình từng đảm đương.

Pid ra đời năm 2013 là kết quả tình yêu của "chàng ngầu" Việt Max và "nàng cool" Quỳnh Trâm (Stu). Sinh ra trong môi trường đậm đặc hiphop, con trai của cặp đôi này sớm thừa hưởng phong cách biến hóa cực kỳ đa dạng: lúc cực cute đáng yêu, lúc lại thật phong cách, lịch lãm. Pid cũng rất nổi tiếng trên Instagram với lượt followers cao gấp đôi bố mẹ - 56,9k. 

Chẳng quá lời khi nói Việt Max là ông bố lắm tài mà cũng... "lắm chuyện". Bởi từ ngày làm bố anh đã có kha khá những bài viết chia sẻ quan điểm nuôi dạy con gây bão MXH: Từ tuyên bố Đừng biến ước mơ của bố mẹ thành ước mơ của con đến chia sẻ gây bão khi cho con trai để tóc dài mới đây. 

Thông qua góc nhìn của mình, Việt Max cất tiếng nói của một vị phụ huynh cá tính. Dù nhận được không ít ý kiến trái chiều song ở khía cạnh nào đó, những chia sẻ của Việt Max thể hiện quan điểm riêng trong việc nuôi dạy con của những ông bố bà mẹ hiện đại, chấp nhận sự khác biệt của con cái.

Việt Max và cậu con trai để tóc dài không thôi khiến dân mạng thấy thích thú lẫn xì xào bàn tán.

Dùng quần áo, tóc tai để phân biệt nam nữ là tư tưởng hạn hẹp

Chào anh Việt Max,

Câu chuyện "Một ông bố có thằng con trai để tóc dài" anh chia sẻ trên Facebook cá nhân đang thu hút khá nhiều sự quan của dân tình. Dẫu có nhiều ý kiến đồng tình với anh, song cũng không ít bình luận cho rằng tóc tai và quần áo vẫn là 2 thứ chính để phân biệt nam/nữ. Nếu hôm nay con để tóc dài, ngày mai con bỗng muốn… mặc váy thì anh nghĩ sao?

Nếu chúng ta sống trong thời đại này mà nghĩ tóc tai hay quần áo được dùng để phân biệt nam/nữ thì đó vẫn là những tư tưởng hạn hẹp. Xã hội ngày nay đã thay đổi và có những định nghĩa rất rõ ràng về luật con người. Tôi là người luôn luôn ủng hộ cho sự tự do, bình đẳng và công bằng nên những việc đó không phải là vấn đề để tôi phải suy nghĩ hay bận tâm.

Việc nuôi tóc dài của Pid nhà anh đã bắt đầu như thế nào?

Việc này xuất phát từ khi bé Pid 2 tuổi, khi chúng tôi muốn cắt tóc cho bé vì sợ bé nóng thì bé nói bé không thích cắt tóc, muốn để tóc dài và chúng tôi tôn trọng quyết định của bé Pid.

Ông bố lắm chuyện Việt Max kể chuyện dạy thằng con trai để tóc dài: Không bao giờ ép con vào khuôn khổ nào cả! - Ảnh 2.

Pid không muốn cắt tóc và bố mẹ chiều theo ý cậu.

Ngoài câu chuyện tóc tai, Pid nhà anh còn được làm gì mà những đứa trẻ khác bị cấm hoặc bố mẹ hạn chế?

Gia đình chúng tôi không hề cấm bé Pid làm bất cứ điều gì, Pid được tự do làm những gì bé thích miễn là không vi phạm đạo đức.

Trước phản ứng và bình phẩm của những người xung quanh về cá tính/ngoại hình của Pid mà bạn ấy vô tình nghe thấy… anh giải thích thế nào với con?

Tôi luôn giải thích với Pid rất rõ ràng về việc không bao giờ được đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài và ta cũng không có quyền để đánh giá hay phán xét bất kì một ai. Gia đình chúng tôi luôn có một câu cửa miệng: "Mỗi người một phong cách".

Mỗi người một phong cách: Bạn thấy có đúng không?

Trước khi sinh con, vợ chồng anh có ngồi lại thảo luận về cách nuôi dạy con - khi cả 2 đều là những người có cá tính đậm nét đến thế?

Công cuộc nuôi dạy con trẻ không hề đơn giản một chút nào, nó bắt đầu ngay từ khi bé chào đời. Trong suốt quá trình này, chính bố mẹ phải là những "học viên" chăm chỉ liên tục tiếp thu, tìm hiểu, rút kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn trong việc chăm sóc và dạy con. 

Có những cá tính hay tiêu chí nuôi dưỡng nào anh nhất quyết không thoả hiệp với… vợ mình trong việc dạy dỗ Pid? Và nó khác với thế giới phụ huynh ngoài kia như thế nào?

Trong việc trở thành người bố, người mẹ và đặc biệt trong việc dạy con thì khó mà nói đến việc đúng hay sai. Vì mỗi gia đình, mỗi đứa trẻ đều có những tính cách, quan điểm khác nhau. Gia đình tôi không khác biệt với tất cả các gia đình dạy con khác, tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn dạy con một cách tốt nhất theo chính quan điểm, suy nghĩ của họ. 

Chúng ta cũng không thể đánh giá việc dạy con của mỗi gia đình đúng hay sai vì mỗi thời một khác, mỗi gia đình một hoàn cảnh và quá trình định hình nhân cách một con người nó cũng còn phụ thuộc vào chính bản thân của đứa trẻ và môi trường sống. 

Nếu nói về tiêu chí trong việc dạy con của tôi và vợ tôi luôn đồng nhất quan điểm, quan điểm của chúng tôi là sự tự do, bình đẳng và công bằng trong tất cả mọi việc cũng như không bao giờ ép con mình theo một khuôn khổ nhất định nào cả.

Ông bố lắm chuyện Việt Max kể chuyện dạy thằng con trai để tóc dài: Không bao giờ ép con vào khuôn khổ nào cả! - Ảnh 4.

"Chúng ta cũng không thể đánh giá việc dạy con của mỗi gia đình đúng hay sai"

Nhưng có bao giờ anh phải đành… nhượng bộ Pid?

Chúng ta không thể dùng từ nhượng bộ mà dùng từ kiên nhẫn thì mới đúng. Nếu bạn không biết kiên nhẫn thì bạn sẽ không làm được bất cứ việc gì chứ đừng nói đến việc dạy trẻ.

Dù là 1 đứa trẻ song chúng vẫn sẽ có những bất đồng ý kiến với bố mẹ, vợ chồng anh đã xử lý những tình huống đó như thế nào?

Không biết tương lai sẽ như thế nào nhưng thời điểm hiện tại từ lúc Pid sinh ra đến giờ thì chúng tôi chưa bao giờ có những bất đồng quan điểm với nhau. Mọi vấn đề đều được chúng tôi bóc tách để đưa ra kết luận cũng như cách giải quyết hợp lí tình cảm. Tôi nghĩ vấn đề sẽ bị tiêu cực nếu chúng ta có suy nghĩ tiêu cực. Hãy suy nghĩ và sống tích cực thì mọi chuyện sẽ được giải quyết dễ dàng.

Ông bố lắm chuyện Việt Max kể chuyện dạy thằng con trai để tóc dài: Không bao giờ ép con vào khuôn khổ nào cả! - Ảnh 5.

"Mọi vấn đề đều được chúng tôi bóc tách để đưa ra kết luận cũng như cách giải quyết hợp lí tình cảm" - Việt Max

Thế nào được xem là "yêu cầu" và "yêu sách" của 1 đứa trẻ đối với bố mẹ nó?

Việc này thực ra không khó, mọi đứa trẻ đều hiểu, phân biệt tất cả các vấn đề muốn và không muốn, được và không được. Muốn trẻ hiểu mình và nghe mình thì mọi điều giải thích cho trẻ phải hợp lí và đúng. Những trường hợp khó mà ta không muốn sẽ chỉ xảy ra khi chúng ta không phân biệt được thế nào là nuông chiều hay yêu chiều, thế nào là khiêm khắc hay đàn áp.

Có quy tắc hay luật riêng nào đã được đề ra trong gia đình anh giữa 3 con người: bố - mẹ - con?

Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Thành công là trở thành một người tốt

Không có kỳ vọng vào con cái, không áp lực con làm 1 điều gì đó hay ho/trở thành 1 ai đó thú vị… liệu có khiến đứa trẻ lớn lên với tâm lý: Sống sao cũng được, làm gì cũng được không cần cố gắng làm gì vì ông bà già có kỳ vọng gì vào mình đâu mà?

Nếu chúng ta gây áp lực cho một đứa trẻ phải trở thành 1 ai đó thú vị thì liệu đó có còn là con của chúng ta, hay đó có phải là con người mà con chúng ta muốn trở thành?

Quan điểm của gia đình tôi thì sẽ luôn luôn ủng hộ hết mình cho bé Pid theo những định hướng đúng đắn mà cả chúng tôi và Pid nhận thấy. Chắc chắn chúng tôi sẽ không ép buộc hay bắt Pid phải theo ý mình, nếu Pid thực sự muốn làm điều gì, tôi sẽ để Pid trải nghiệm, va vấp, thậm chí thất bại để tìm ra bài học cho chính mình. 

Kỳ vọng hay ước mơ phải xuất phát từ chính bản thân mình cũng như tự mình phải chinh phục thành công đó, chứ có ép cũng không thành được.

Theo chia sẻ của anh, Pid đã 6 tuổi nhưng không đến lớp mẫu giáo mà ở nhà - vì sao vậy?

Chúng tôi đảm bảo được thời gian chăm sóc, dạy dỗ bé và chúng tôi luôn nghĩ thời gian này là thời gian cần thiết cho sự gắn bó của một đứa trẻ với bố mẹ trong giai đoạn hình thành tính cách.

Nếu một ngày Pid bảo con cảm thấy áp lực gì không thể nổi tiếng như bố, kiếm tiền tốt như mẹ… thì anh sẽ nói gì với con?

Như những gì chúng tôi đang giáo dục chia sẻ cũng như cảm nhận về Pid thì chắc chắn sẽ không có chuyện này xảy ra. Điều này chỉ xảy ra khi ta ép đứa trẻ phải giống ta và theo định hướng của ta.

Ông bố lắm chuyện Việt Max kể chuyện dạy thằng con trai để tóc dài: Không bao giờ ép con vào khuôn khổ nào cả! - Ảnh 6.

Anh định nghĩa thế nào là một đứa-trẻ-thành-công và một-phụ-huynh-thành-công?

Một đứa trẻ thành công hay một phụ huynh thành công đó là trở thành một người tốt.

Cảm ơn những chia sẻ của Việt Max. 

Lược trích chia sẻ của Việt Max trong post "Một ông bố con thằng con trai để tóc dài" nhận được 48k like cùng hàng trăm bình luận, chia sẻ trên Facebook.

Tâm sự của một ông bố có một thằng con trai để tóc dài.

(Phải đóng ngoặc mở ngoặc là cái việc để tóc dài là do nó thích và tự chọn chứ không phải do bố mẹ hay ai ép cả)

Cái việc mà tôi thấy bình thường như chuyện ban ngày thì trời sáng, buổi tối thì trời tối nhưng lại chẳng bình thường với cái xã hội bây giờ từ người già đến người trẻ, người lạ đến người quen.

Hầu hết ngày nào cũng gặp vài ánh mắt, lời nói hay sự việc xảy ra với cái tóc của nó.

- Ơ con trai hay con gái thế?

(Ơ con nào mà chẳng là con người)

- Ơ sao con trai lại để tóc dài?

(Ơ con gái để tóc ngắn có được không và tại sao con trai lại không được để tóc dài, ai cấm, luật nào cấm?)

- Để con trai tóc dài không thấy nóng à?

( Ừm thế con gái cắt trọc hết cho mát nhỉ)

Chưa kể có lần đi vệ sinh công cộng bên N* bị một thằng cản không cho đi vệ sinh và bị mình chửi... Xong lúc nãy mua cà phê ở T*, thì có 2 bạn nhân viên nhìn Pid xong xì xầm, xong 1 bạn trai bĩu môi khẳng định như đúng rồi: "Ông này chắc mong có con gái".

[..]

Nhưng thực tế mình quen quá mấy cái vụ tóc dài của Pid rồi nên vận khí đan điền hít sâu thở nhẹ cho qua. (Mình là người yêu hòa bình mà )

Chỉ một sự việc bình thường thôi nhưng cũng đủ để thấy ta đang sống trong môi trường giáo dục và tư tưởng của một xã hội hay những cá nhân cần phải thay đổi.

Đánh giá, áp đặt tư tưởng, lối sống của mình cho người khác sẽ chỉ khiến bạn luẩn quẩn trong chính cái lồng mà mình đã tạo ra.

BE DIFFERENT!