Ồn ào quanh tranh chấp về vở "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam"

T.H, Theo Thời Đại 11:13 02/11/2017

Vở diễn thực cảnh "Thuở ấy xứ Đoài" của đạo diễn Việt Tú được nhà đầu tư thay bằng một vở diễn khác cũng được quảng bá là "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" khiến nhiều người đặt ra câu hỏi.

Vào tháng 6/2017, đạo diễn Việt Tú đã công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên "Thuở ấy xứ Đoài" tại Sài Sơn - Chùa Thầy. Đây là vở diễn lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, với diễn viên chính là 140 người nông dân Sài Sơn. Tuy nhiên, vở diễn "ngốn" hàng trăm tỉ lại bị đóng sau chưa đầy 10 buổi công diễn. 

Ngày 28/10, đơn vị chủ đầu tư của "Thuở ấy xứ Đoài" - tập đoàn T.C công bố vở diễn "Tinh Hoa Bắc Bộ" và gọi rằng đây là "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" trên cùng một không gian sâu khấu và địa điểm Sài Sơn. Bên cạnh đó, ông Đ.H.T, Chủ tịch tập đoàn T.C cũng cho biết mình đã kết thúc hợp tác với đạo diễn Việt Tú khi vở "Thuở ấy xứ Đoài" được ông cho là không thành công. Ông cũng cho rằng vở diễn mới này chính là ý tưởng của mình từ 6 năm trước và chắc chắn nó sẽ giúp ông hoàn vốn trong thời gian ngắn. 

Vậy, đạo diễn Việt Tú nói gì trước những phát biểu của ông Đ.H.T, người đã từng là chủ đầu tư của mình? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh. 

Ồn ào quanh tranh chấp về vở sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 1.

Đạo diễn Việt Tú

Xin chào anh, vở diễn "Thuở ấy xứ Đoài" do anh làm đạo diễn đã chính thức dừng hoạt động. Ngay sau đó phía đơn vị đầu tư mà đại diện là ông Đào Hồng Tuyển đã cho ra mắt một vở diễn khác có tên là "Tinh Hoa Bắc Bộ". Ông Tuyển có tuyên bố rằng đây là vở diễn ông đã thai nghén suốt 6 năm và khác hẳn với vở diễn của anh trước đó. Anh nghĩ sao?

Tôi cũng thấy lạ, trong bài quảng cáo về show diễn mới này, họ đã từng thừa nhận, vở diễn của tôi rất tốt, rồi họ ảnh hưởng và kế thừa vở diễn này, rồi bây giờ lại tuyên bố khác hẳn.

Còn về chuyện thai nghén thì nó là thế này, lần đầu tiên tôi gặp anh Tuyển tại Sài Sơn, tôi đã hỏi: Anh muốn làm gì ở đây ạh. Thì anh Tuyển có trả lời: Nếu anh mà biết anh muốn làm gì, thì đã không phải gọi đến em. Anh Tuyển có đưa ra yêu cầu với tôi đúng 1 thứ đó là làm sản phẩm cho khách du lịch, bán được vé. Về bản chất đây là sự cộng hưởng: tôi thì startup anh Tuyển thì đầu tư kiểu mạo hiểm. Mong muốn ban đầu của cả hai bên rất tốt đẹp.

Vậy ý tưởng cho vở diễn "Thuở ấy xứ Đoài" của anh bắt nguồn từ đâu?

Tôi lại phải kể một câu chuyện. Năm 2009, tôi có xem một triển lãm "Hồn nước, mặt người" của nghệ sĩ Chu Lượng – hiện là giám đốc nhà hát múa rối Thăng Long. Khi xem triển lãm của chú xong, chú tặng tôi cuốn sách mà tôi vẫn giữ đến bây giờ. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ mình phải làm gì đấy, theo cách của tôi. Hồi đó tôi chưa định nghĩa được là vở diễn thực cảnh gì cả. Mà tôi gọi là show diễn dựa trên bối cảnh thiên nhiên (tôi vẫn còn tài liệu đó). Và khi anh gặp anh Tuyển tại Sài Sơn, tất cả những thứ đó nó lóe lên trong đầu tôi. Sau đó tôi đã đăng ký và được ghi nhận Ngày xưa (hay còn gọi Thưở ấy xứ Đoài) như vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam.  

Ồn ào quanh tranh chấp về vở sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 2.

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ hình ảnh sân khấu thực cảnh mà anh đã tạo nên trên đất Sài Sơn

Ông Đ.H.T cũng cho rằng lý do ngừng hợp tác với anh là do vở diễn "Thuở ấy xứ Đoài" chưa đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư, anh có phản hồi thế nào? 

Đơn giản là như này, nếu bạn đầu tư ra hàng trăm tỉ, có ai đó làm hỏng việc của bạn, bạn có để yên cho họ tung tăng cầm tiền đi chỗ khác, rồi âm thầm bỏ ra thêm tiền để xây dựng sản phẩm mới trên nền sản phẩm mà họ đã làm hỏng không?

Về chuyên môn cứ hiểu đơn giản như này, Tứ Phủ của tôi diễn 300 buổi vẫn chỉnh sửa, Lion King tại Broadway vừa diễn xong cũng chỉnh sửa và bây giờ tiếp tục chỉnh sau buổi diễn thứ vài nghìn. Một vở diễn bị coi là thất bại tại Broadway là Spider man phải diễn 2 năm mới đánh giá được. Bên cạnh đó đánh giá một sản phẩm triệu đô cần có cả công ty làm hồ sơ nghiên cứu thị trường tên, địa chỉ, ngành nghề, số % phản hồi chứ không nói khơi khơi được. Nếu ai làm ra được một vở diễn bán vé sau 10 buổi mà biết là được hay hay dở thì tôi sẵn sàng trả lại hết tiền cho anh Đ.H.T.

Trong hợp đồng thoả thuận giữa hai bên thay vì lấy 10 đồng, tôi lấy 4 đồng thôi và đổi 6 đồng vào doanh thu tiền vé 10% đến suốt vòng đời sản phẩm. Và giờ đây, với lí do show diễn không đáp ứng được tour du lịch, một vở diễn giống thế lại ra đời thì chúng ta đã hiểu bản chất của vấn đề.

Ồn ào quanh tranh chấp về vở sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 3.

Được biết anh đã đăng kí bản quyền tác giả cho "Thuở ấy xứ Đoài", vậy hai bên có tranh chấp gì về quyền tác giả không? 

Tôi đã đăng kí bản quyền tác giả của vở diễn "Ngày xưa", tên "Thuở ấy xứ Đoài" là tên nhà đầu tư bắt tôi dùng, và tôi yêu cầu họ gửi công văn xin phép tôi đổi tên để phục vụ mục đích kinh doanh vì họ rằng như vậy sẽ ăn khách hơn. Liên quan đến vở diễn "Ngày xưa", phía T.C Hà Nội đã gửi 2 công văn lên Cục, yêu cầu 1 là hủy quyền tác giả của tôi, 2 là hủy quyền chủ sở hữu của tôi. Và cục đã trả lời họ không thể làm điều đấy vì tôi đã đăng kí đúng trình tự và khi T.C Hà Nội chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì đòi hỏi này là vô lối.

Họ tiếp tục tấn công tôi bằng 1 công văn nói tôi không trung thực khi đăng kí bản quyền bởi họ là chủ đầu tư, họ phải là chủ sở hữu. Và tôi có thêm 2 cái mail nữa chứng minh đã nhắc họ về vấn đề này. Họ nghĩ rằng giá đăng kí bản quyền là quá đắt, cần gì phải đăng kí bản quyền. Điều này thể hiện sự không tôn trọng bản quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ.

Cục Bản quyền đã ra văn bản rõ ràng với T.C là không thể huỷ quyền tác giả của tôi.

Tại sao đến giờ anh mới lên tiếng sau rất nhiều tháng hai bên tranh chấp? 

Tôi đã im lặng trong mấy tháng qua, vì tôi cho rằng chúng ta cần tôn trọng nhau, nếu anh Đ.H.T không phát ngôn sai sự thật tôi cũng không lên tiếng. Chúng tôi sẽ cùng để cho chuyện này im ắng. Chỉ cần họ xin phép và nói rằng đây là tác phẩm phái sinh, dựa trên những gì có sẵn tôi sẽ đồng ý, không phải vì họ mà vì 140 bà con nông dân cần phải có công ăn việc làm như họ đã hứa. Nhưng họ đã không làm thế.

Vậy sau những phát biểu của ông Đ.H.T, anh đã nói chuyện với anh ấy chưa?

Tôi không nói chuyện với anh Đ.H.T. Bởi tôi nghĩ có nói chuyện cũng là hình thức và tôi nghĩ anh Đ.H.T cũng có quan điểm như vậy. Chúng ta có sự tôn trọng ngầm với nhau. Mình không cần phải nói mà người ta sẽ tự hiểu. Người ta là doanh nhân lớn, và là một người so với tôi thì cũng lớn. Tôi nghĩ chuyện như thế này không nên. Chúng ta phải lịch sự với nhau, nhìn thẳng vào vấn đề.

Ồn ào quanh tranh chấp về vở sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 4.

Vậy anh có định kiện phía T.C khi anh đã nắm giữ bản quyền không?

Mục đích của tôi lên tiếng không phải là đòi tiền hay ăn vạ, mà là bảo vệ uy tín danh dự 15 năm trong nghề của mình, sáng tạo của ai, ở chỗ nào, trả về chỗ đấy, và giờ đây sau khi dư luận lên tiếng tôi nghĩ mọi người đã hiểu đúng bản chất của sự việc.

Câu chuyện này tôi nghĩ có thể đóng lại ở đây sau những thông tin đa chiều từ các phía qua đó giúp độc giả hiểu đúng bản chất của câu chuyện.

Xin cảm ơn anh.

Sau những chia sẻ của đạo diễn Việt Tú trên truyền thông, phía nhà đầu tư, cụ thể là bà T.Đ - con gái của ông Đ.H.T đã có những chia sẻ trên trang cá nhân. Chúng tôi trích đăng lại toàn bộ nội dung được bà T.Đ chia sẻ:

"Dù là vở "Thuở ấy xứ Đoài" hay "Tinh Hoa Bắc Bộ" thì đều là mong mỏi, tâm huyết của Chủ đầu tư được chuyển tải những hình ảnh đầy tự hào về văn hoá truyền thống của người dân Việt nói chung và Bắc bộ nói riêng. Dù là vở nào thì cũng đều là đam mê của các đạo diễn, trăn trở cho từng ý tứ hay hình thức biểu hiện nhằm đạt được sự thống nhất cao giữa ý tưởng chủ đạo có tính định hướng của chủ đầu tư, ngôn ngữ nghệ thuật chuyển tải của đạo diễn và sự hài lòng của công chúng.

Phải khẳng định Việt Tú là đạo diễn có tài, có nhiệt huyết và đam mê vì cái đẹp văn hoá, vì một công trình giới thiệu hình ảnh đất nước với những phong tục truyền thống tốt đẹp, không chỉ tới bạn bè quốc tế mà với cả các thế hệ tương lai, khi khả năng tiếp cận tinh hoa văn hoá dân gian truyền thống của các con các cháu ngày càng bị hạn chế.

Tuy nhiên, việc không thống nhất giữa quan điểm nghệ thuật của đạo diễn và quan điểm của chủ đầu tư là chuyện không hề hiếm xưa nay, cũng xảy ra với trường hợp của chúng tôi. Cũng như với mọi mối quan hệ không xuôi chèo mát mái tương tự, dù không mong muốn, chúng tôi đã nghiêm túc tuân thủ hợp đồng đã ký kết với đạo diễn.

Việc đạo diễn Việt Tú đăng ký bản quyền chương trình Ngày xưa (đang được hiểu là Thuở ấy xứ Đoài) cho cá nhân anh trên nền tảng đầu tư của chúng tôi, đã đẩy chúng tôi vào một lựa chọn đầy mất mát và mạo hiểm là dựng vở mới dựa trên ý tưởng ban đầu của chủ đầu tư. Đây là sự lựa chọn công bằng cho cả hai bên, nên chúng tôi cho rằng không cần tranh cãi nhiều về vấn đề này. Mọi vấn đề được xử lý rất hợp pháp và đầy đủ với các căn cứ chính thống.

Và các bên chúng tôi cũng như các đạo diễn, đều mong muốn có được một sản phẩm văn hoá - du lịch đặc sắc để có thể tự hào giới thiệu một cách khá đầy đủ về văn hoá, phong tục tập quán, con người Việt Nam, rất nhân văn, đặc sắc, với bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Đó là điều làm chúng ta đáng tự hào và là mong ước của chúng tôi, dù là chủ đầu tư - người khởi nguồn ý tưởng, cho đến anh Việt Tú - người đã cùng chúng tôi những bước ban đầu của dự án, tới những đạo diễn sau này.

Chúng tôi rất mong muốn công trình này sẽ được đón nhận bởi công luận và bạn bè quốc tế, làm tăng lòng yêu nước và niềm tự hào về truyền thống dân tộc trong mỗi người Việt, và nâng cao hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế".