Ở nước ngoài, trẻ con được dạy dỗ ra sao để bảo vệ mình trước nguy cơ bị lạm dụng tình dục?

Skye, Theo Thời Đại 13:05 13/03/2017

Khi vấn đề lạm dụng tình dục ngày càng trở nên nhức nhối trên toàn thế giới, người ta lại đặt ra câu hỏi cho xã hội, nhà trường và các bậc phụ huynh: Dạy con trẻ như nào để chúng biết bảo vệ mình trước nguy cơ bị lạm dụng tình dục?

Bạo hành tình dục, lạm dụng tình dục trẻ em, quấy rối, xâm phạm trẻ em... đó là những cụm từ xuất hiện trong nhiều câu chuyện và trên khắp các mặt báo thời gian gần đây. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã khiến ngày càng nhiều câu chuyện như vậy được phanh phui ra trước ánh sáng.

Tuy nhiên, người ta cũng tự hỏi, khi thời đại thông tin nhanh nhạy như vậy, tại sao các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội vẫn chưa tìm cách để giáo dục con cái biết cách bảo vệ mình trước những tên "yêu râu xanh"? Trong khi với nhiều người, họ vẫn coi đây là vấn đề "tế nhị" thì ở nước ngoài, trẻ con đã được dạy dỗ ngay từ nhỏ để biết cách tự bảo vệ bản thân.

Ở nước ngoài, trẻ con được dạy dỗ ra sao để bảo vệ mình trước nguy cơ bị lạm dụng tình dục? - Ảnh 1.

Bạo hành tình dục để lại nỗi đau lâu dài cho trẻ em trên toàn thế giới.

Dạy các con về quấy rối tình dục

Với trẻ con, việc cho chúng biết về cơ thể mình cũng như các vùng nhạy cảm, riêng tư trên cơ thể ngay từ khi còn nhỏ là một điều rất quan trọng. Các trường học phương Tây và gia đình luôn giúp con mình có ý thức về cơ thể mình ngay từ nhỏ. Bên cạnh đó, trẻ con được dạy về những "vùng riêng tư" trên cơ thể và không ai được phép xâm phạm, quấy rối hay có những hành vi không phù hợp.

Trẻ con cũng được dạy không được chạm vào những phần cơ thể nhạy cảm của bất cứ ai. Đây là điều mà nhiều bậc phụ huynh thường quên khi nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em xuất phát từ việc, lũ trẻ được yêu cầu động vào vùng nhạy cảm của những tên ấu dâm.

Ở nước ngoài, trẻ con được dạy dỗ ra sao để bảo vệ mình trước nguy cơ bị lạm dụng tình dục? - Ảnh 2.

Trẻ con cần hiểu rõ về cơ thể mình.

Để tự vệ khỏi những tên tội phạm ấu dâm, trẻ em cũng được dạy cách sử dụng các từ ngữ theo dạng mật mã. Đây là phương pháp tốt nhất trong trường hợp lũ trẻ không muốn bị lộ việc thông báo với cha mẹ và có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng khi bị những kẻ lạm dụng tình dục khống chế.

Trong nhiều trường hợp, các vụ án lạm dụng, quấy rối tình dục trẻ em lại do chính những người thân xung quanh, như câu chuyện của cô bé 7 tuổi người Hàn Quốc, gây ra. Chính vì thế, những nguyên tắc dạy dỗ con trẻ cũng được áp dụng với tất cả các đối tượng, không phải chỉ những người xa lạ mà kể cả hàng xóm, họ hàng.

Đừng sợ hãi, hãy lên tiếng!

Với nhiều trẻ em châu Á, bản tính nhút nhát ngay từ nhỏ cộng với sự hoài nghi của các bậc phụ huynh đôi khi đã làm những câu chuyện chỉ được phát giác khi mọi chuyện đi quá xa. Các bậc phụ huynh cần có lòng tin ở con em mình cũng như khuyến khích các em lên tiếng để bảo vệ bản thân.

Trẻ em được dạy "các bí mật cơ thể là không đúng" khi nhiều kẻ quấy rối tình dục thường xuyên ép các nạn nhân phải giữ bí mật câu chuyện dưới hình thức một lời đe dọa. Do lo sợ và bị sức ép tâm lý, các em thường không dám kể lại vấn đề của bản thân cho bố mẹ hay những người thân trong gia đình. Nhiều vụ việc xảy ra cũng do các em không dám từ chối khi người lớn xâm hại cơ thể vì cho rằng đó là hành động "bất kính" với người lớn.

Ở nước ngoài, trẻ con được dạy dỗ ra sao để bảo vệ mình trước nguy cơ bị lạm dụng tình dục? - Ảnh 3.

Thông thường, lũ trẻ đều được dọa nạt "không được kể với ai" khi bị bạo hành tình dục.

Theo Natasha Daniels, một chuyên gia về vấn đề bạo hành tình dục trẻ em tại Mỹ cho biết lũ trẻ thường không dám kể lại câu chuyện mình bị xâm hại tình dục vì lo sợ rằng, các em sẽ gặp rắc rối. Chính vì thế, trong nhiều chương trình giáo dục về vấn đề này, các giáo viên luôn khuyến khích trẻ em hãy nói ra những vấn đề mình gặp phải và chắc chắn, sẽ không có ai làm hại em cả.

Những chương trình giáo dục trong trường học

Theo một nghiên cứu, trẻ em được học về việc bảo vệ cơ thể trong nhà trường sẽ thường xuyên lên tiếng và báo cáo những vụ việc xảy ra hơn những đứa trẻ không được dạy. Tác giả của nghiên cứu, Kerryann Walsh từ đại học công nghệ Queensland, Brisbane, Australia cho biết.

"Các chương trình sẽ giúp cải thiện kiến thức của trẻ em liên quan tới vấn đề bạo hành tình dục và các kỹ năng đối mặt với những trường hợp khẩn cấp". Các chuyên viên nghiên cứu đã phân tích 24 chương trình tại nhiều quốc gia với hơn 6,000 học sinh tiểu học và trung học tại Mỹ, Canada, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù các phương pháp có khác nhau nhưng nhìn chung, các em đều được dạy vấn đề an toàn, bảo vệ cơ thể, các vùng riêng tư trên cơ thể, cách phân biệt những cử chỉ đụng chạm...

Ở nước ngoài, trẻ con được dạy dỗ ra sao để bảo vệ mình trước nguy cơ bị lạm dụng tình dục? - Ảnh 4.

Các chương trình khuyến khích trẻ em lên tiếng về dấu hiệu của xâm hại tình dục.

Để buổi học thêm trực quan và giúp học sinh dễ hiểu, lũ trẻ được xem các phim giáo dục, đọc sách, chơi game, thảo luận hoặc tham gia kịch nhập vai. Mỗi chương trình như vậy sẽ kéo dài trong 1 tiết học, khoảng 45 phút hoặc chia ra làm các bài giảng nhỏ.

Những chương trình như vậy được áp dụng tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Tại Canada, Hội Chữ Thập Đỏ đã làm việc với nhiều trường học trên cả nước để cho ra đời chương trình "Be Safe!" - một dự án giúp các trẻ em từ 5-9 tuổi biết bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại tình dục. Nhiều trường học tại Mỹ cũng đưa vào các chương trình chống xâm hại tình dục cho trẻ em để nâng cao nhận thức của học sinh về vấn đề này.

Tại các quốc gia Đông Nam Á, nơi vấn nạn bạo hành, xâm phạm trẻ em đang có chiều hướng phức tạp thì các chương trình như vậy vẫn rất ít ỏi. Theo báo cáo của tổ chức Project Childhood Prevention Pillar, phần lớn các bậc phụ huynh tại Đông Nam Á coi việc bạo hành tình dục trẻ em chỉ đơn giản là "việc hiếp dâm các bé gái", trong khi vấn đề phức tạp nhiều hơn những gì tưởng tượng.

Ở nước ngoài, trẻ con được dạy dỗ ra sao để bảo vệ mình trước nguy cơ bị lạm dụng tình dục? - Ảnh 5.

Người lớn cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề của con trẻ.