Ở nhà nhiều thời gian, hãy học thêm 4 nghề này để chuẩn bị cho tương lai "làm việc từ xa"

An Anh Vũ; Thiết kế: Jordy, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 03/04/2020

Chúng ta bắt đầu phải làm quen với cụm từ “work from home” (làm việc tại nhà), mở ra một khái niệm làm việc từ xa mà ở Việt Nam còn khá lạ lẫm với số đông mọi người. Điều đó khiến thế hệ trẻ chúng ta buộc phải thích nghi, đồng thời mở ra nhiều cơ hội công việc phù hợp với việc làm từ xa.

Giống như sử gia Yuval Noah Harari đã chia sẻ trong bài viết mới đây nhất của ông: “Nhân loại đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu, có lẽ là cuộc khủng hoảng lớn nhất với thế hệ chúng ta. Khi cân nhắc giữa nhiều lựa chọn, chúng ta không chỉ tính tới cách thức để bước qua biến cố của hiện tại mà cả thế giới của chúng ta sau này sẽ ra sao khi cơn bão đi qua. Mọi biến cố rồi sẽ trôi dạt về quá khứ, số đông loài người vẫn sẽ tồn tại - nhưng trong một thế giới khác so với bây giờ”.

Đối với thế hệ các bạn trẻ ngày nay cũng vậy, đại dịch COVID-19 đã và đang dần thay đổi cuộc sống của chúng ta. Chúng ta bắt đầu phải làm quen với cụm từ “work from home” (làm việc tại nhà), mở ra một khái niệm làm việc từ xa mà ở Việt Nam còn khá lạ lẫm với số đông mọi người. Điều đó khiến thế hệ trẻ chúng ta buộc phải thích nghi, đồng thời mở ra nhiều cơ hội, góc nhìn mới lạ hơn về các ngành nghề - công việc phù hợp với việc làm từ xa.

Nếu bạn vẫn còn đang đi học hay đang chuẩn bị tìm kiếm một công việc mới để phù hợp hơn với bối cảnh xã hội ngày nay, hãy để chúng tôi giúp bạn bằng cách giới thiệu danh sách những công việc có thể làm từ xa mà vẫn đảm bảo được thu nhập dài hạn cho bạn. Đây cũng đều là những công việc mà bạn đều có thể tự học tại nhà và đương nhiên, công việc nào cũng cần thời gian trau dồi để gặt hái thành quả.

Lập trình viên

Dưới thời đại kỹ thuật số như hiện nay, công nghệ thông tin xuất hiện ở khắp tất cả các lĩnh vực trong đời sống. Chính bởi vậy nên nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngành luôn ở mức rất cao. Lập trình viên (hay còn gọi là developer) là những kỹ sư phần mềm, sử dụng các ngôn ngữ lập trình khác nhau để thiết kế và xây dựng các chương trình máy tính. Công việc của lập trình viên rất phong phú và đa dạng như: lập trình website, hệ thống, cơ sở dữ liệu, game, mobile…

Công việc này cho phép bạn làm việc từ xa một cách dễ dàng, thậm chí là xuyên quốc gia nếu bạn có thực lực. Tuy nhiên vì là công việc đứng đầu trong danh sách vì mức độ hot của nó nhưng để đến được với nghề lập trình viên, bạn cũng phải trải qua quá trình đào tạo gian khổ.

Thành thạo toán học và tiếng Anh gần như là hai yếu tố nền móng cơ bản để bạn biết xem mình có phù hợp với nghề này không. Tiếp đến là hàng loạt yếu tố cần thiết khác như:

- Cẩn thận, tỉ mỉ vì tính chất phức tạp của công việc

- Tư duy độc lập và làm việc nhóm

Khả năng thiết kế sáng tạo và tư duy logic

Tự học hỏi nâng cao kiến thức để trau dồi và thực hành thường xuyên

Ánh hào quang của lập trình viên luôn là một công việc trong mơ nhưng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và khả năng tự học của bạn. Trước tiên, bạn cần xác định ngôn ngữ lập trình mình muốn học rồi tìm kiếm những bài giảng tương ứng. Hiện nay có rất nhiều website dạy về lập trình miễn phí như: coursera, codecademy, edx, khanacademy...

Viết lách tự do

Nếu như trước đây, mọi người thường chỉ thấy phổ biến nhất của nghề viết là ngành báo chí truyền thông thì với thời đại số hóa như hiện nay, công việc viết lách đã mở rộng ra hơn rất nhiều về cơ hội việc làm. Về cơ bản, đây là một công việc dễ tiếp cận vì ai cũng có thể viết, nhưng lại không dễ làm giỏi. 

Trong thời đại internet có thể dễ dàng tiếp cận, “nội dung chính là vua” (content is king). Việc kết nối thông tin toàn cầu đã khiến “quyền lực thứ tư” trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bạn có thể dễ dàng làm công việc này từ xa vì bạn có thể viết ở bất cứ nơi đâu và bất kì lúc nào. Đối với phóng viên, công việc này cũng đòi hỏi áp lực lớn và đặc thù riêng vì bạn sẽ phải trực tin bài và đưa tin nhanh nhất có thể.

Ở nhà nhiều thời gian, hãy học thêm 4 nghề này để chuẩn bị cho tương lai làm việc từ xa - Ảnh 1.

Đối với một phóng viên được đào tạo bài bản qua trường lớp, bạn sẽ thấy được họ có kĩ năng tác nghiệp và tư duy thu thập thông tin tốt hơn rất nhiều so với những tay ngang. Nếu bạn là một người mới làm quen, không có cách nào khác để giỏi nhanh hơn cả, bạn buộc phải viết và viết càng nhiều càng tốt. Đồng thời trong quá trình rèn luyện, việc đọc báo, đọc sách cũng sẽ giúp bạn tích lũy vốn từ và mở rộng kiến thức của mình. Biết ngôn ngữ thứ hai cũng sẽ là một lợi thế lớn, giúp ích cho bạn trong việc dịch tin tức và tiếp cận thông tin.

Thiết kế đồ họa 

Nếu bạn là một người yêu thích sáng tạo, lúc nào cũng có những ý tưởng thú vị trong đầu hoặc đơn giản là nhạy cảm với hình ảnh, màu sắc thì có thể thiết kế đồ họa là một ngành bạn quan tâm. Những tấm ảnh quảng cáo, poster phim, cách trình bày bố cục của tạp chí, logo các công ty… chính là các sản phẩm của ngành thiết kế đồ họa. Đó là công việc kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và khả năng cảm nhận thẩm mỹ, sau đó thông qua các công cụ thiết kế đồ họa để truyền tải bằng hình ảnh.

Ở nhà nhiều thời gian, hãy học thêm 4 nghề này để chuẩn bị cho tương lai làm việc từ xa - Ảnh 2.

Sự bùng nổ của internet kéo theo sự phát triển hàng loạt các nền tảng (platform) như các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội… đã tạo ra nguồn nhu cầu công việc khổng lồ cho ngành thiết kế đồ họa. Nói không ngoa khi cũng có thể coi đây là mỏ vàng của tương lai. 

Vì liên quan đến cảm nhận mỹ thuật và sáng tạo nên thiết kế đồ họa cũng đòi hỏi người học phải có những tố chất để đáp ứng. Thiết kế đồ họa cũng là một công việc đòi hỏi phải có sự đầu tư vào máy móc để đảm bảo yêu cầu. Bạn có thể tìm kiếm rất nhiều khóa học online hoặc các hướng dẫn (tutorial) từ cộng đồng thiết kế, youtube… Nếu đã là dân trong nghề, bạn cũng cần phải liên tục đổi mới và cập nhật xu hướng chung trên toàn thế giới để có thể bắt kịp được xu thế thị trường. 

Video editor

Có phần đôi chút giống với thiết kế đồ họa, video editor cũng là một nghề được săn đón bởi sự nở rộ của nội dung qua các nền tảng, thay vì thể hiện bằng hình ảnh thì bạn cần thể hiện bằng video. Video editor giải nghĩa nôm na là những người biên tập, chỉnh sửa, lắp ghép những đoạn video bằng phần mềm dựng theo kịch bản có sẵn từ người yêu cầu. Và trên hết là công việc này hầu hết cũng có thể làm từ xa.

Đặc biệt hiện nay, ngành giải trí rất cần có bàn tay của các video editor nhúng tay vào. Chỉ cần lướt qua Youtube, bạn có thể thấy đó là một mỏ vàng. Từ các vlogger, youtuber, các game thủ live stream… tất cả đều cần có những video nội dung hấp dẫn, qua bàn tay nhào nặn của các video editor, để thu hút người xem và từ đó mang lại doanh thu cho kênh. Trên thế giới, rất nhiều mô hình cộng tác giữa người nổi tiếng và các video editor để ăn chia lợi nhuận một cách sòng phẳng để có thể hợp tác với nhau lâu dài.

Ở nhà nhiều thời gian, hãy học thêm 4 nghề này để chuẩn bị cho tương lai làm việc từ xa - Ảnh 3.

Tương tự về cơ bản, bạn cũng cần phải trang bị một bộ máy tính có cấu hình tương đối (thậm chí còn cao hơn cả với thiết kế đồ họa) vì công đoạn render video thực sự là ác mộng với ngành này. Bạn sẽ bắt đầu làm quen và học cách sử dụng các phần mềm dựng video. Tiếp đó là trau dồi kiến thức và kĩ năng của bạn qua việc dựng và biên tập. Kĩ xảo, hiệu ứng, âm thanh… là những kĩ năng cuối cùng bạn cần để hoàn thiện công việc của mình.

Lời kết

“Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” - công việc nào cũng sẽ có khó khăn riêng của mình. Trên đây chỉ là một vài công việc tiêu biểu trong thời đại số và bối cảnh như hiện nay. Với việc tình hình liên tục thay đổi, thay vì chịu trận thì bạn hãy chủ động nắm bắt thời cơ và cơ hội. Thích ứng thay đổi là một trong những yếu tố tiên quyết giúp con người tiến hóa hàng triệu năm nay. Hãy tìm ra cho mình một định hướng phù hợp để có thể phát triển lâu dài nhé!

Ở nhà nhiều thời gian, hãy học thêm 4 nghề này để chuẩn bị cho tương lai làm việc từ xa - Ảnh 4.