Nữ giáo viên ngoại quốc cùng sinh viên Đà Nẵng tạo nên chú cá Bống khổng lồ "ăn" rác thải nhựa trên bờ biển

Hà Nam, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 30/05/2019

Chú cá Bống khổng lồ bụng ăn đầy rác thải nhựa xuất hiện ở bãi biển T18 (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) khiến nhiều người dân và du khách thích thú. Đây là dự án nhằm mong muốn tuyên truyền ý thức vứt rác đúng chỗ và kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường.

Cho Bống xin rác

Những ngày gần đây, mô hình một chú cá bằng tre, trong bụng chứa đầy rác thải nhựa được đặt ở bãi biển T18 (ngã ba Nguyễn Văn Thoại – Võ Nguyên Giáp, Đà Nẵng) đã thu hút được sự chú ý của nhiều người.

Đây là một dự án có tên "Goby", lấy bối cảnh phong trào bảo vệ môi trường qua giảm thiểu rác thải và sử dụng vật liệu thân thiện với thiên nhiên đang nhân rộng ở châu Á.

Nữ giáo viên ngoại quốc cùng sinh viên Đà Nẵng tạo nên chú cá Bống khổng lồ ăn rác thải nhựa trên bờ biển - Ảnh 1.

Mô hình chú cá Bống khổng lồ "ăn" rác thải nhựa tại bờ biển Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, dự án này có tên "Goby The Fish" hay còn gọi là "Cho Bống xin rác"được cô Sarah Field (giáo viên dạy tiếng anh ở Đà Nẵng đến từ Zimbabwe), cùng một số người bạn ngoại quốc và đội tình nguyện viên, phối hợp thực hiện.

"Dự án Bống là tâm huyết của các giáo viên người nước ngoài kết hợp với các tình nguyện viên sinh viên nhiệt huyết mong muốn đóng góp và thay đổi nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường biển do các hoạt động du lịch gây ra. Đồng thời, lan truyền thông điệp bảo vệ đại dương, môi trường biển với người dân, du khách và nhất là trẻ em.", ông Vũ chia sẻ.

Nữ giáo viên ngoại quốc cùng sinh viên Đà Nẵng tạo nên chú cá Bống khổng lồ ăn rác thải nhựa trên bờ biển - Ảnh 2.

Trước đó, hình ảnh chú cá bống ăn rác đã có mặt ở một số nước châu Á, với mô hình được dựng lên để nhắc nhở và kêu gọi du khách đi biển bỏ rác vào.

Nữ giáo viên ngoại quốc cùng sinh viên Đà Nẵng tạo nên chú cá Bống khổng lồ ăn rác thải nhựa trên bờ biển - Ảnh 3.

Không chỉ là 1 chiếc thùng rác độc đáo, hình ảnh Bống chứa đầy rác nhựa trong bụng như một sự cảnh tỉnh con người về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa với đại dương.

Là chủ nhân của ý tưởng này, bà Sarah Field cho biết, mình đến Đà Nẵng làm việc được 9 tháng và rất yêu mến cuộc sống nơi đây. Trong những lần đi dạo trên bờ biển, thỉnh thoảng thấy những chai nhựa, vỏ bao ni lông trôi dạt hoặc nằm vương vãi trên bãi cát, đã khiến bà trăn trở.

"Sau đó, khi xem trên facebook, tôi đã ấn tượng với hình ảnh Goby (cá bống) ở bãi biển Bali với vô số chai nhựa bên trong, đã thôi thúc tôi quyết tâm thực hiện một dự án tương tự như vậy để lan tỏa thông điệp bảo vệ đại dương khỏi rác thải nhựa ở Đà Nẵng”, Sarah kể.

Khi chia sẻ ý tưởng cùng chồng và những người bạn, Sarah nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Cuối tháng 3/2019, một người bạn của Sarah đã kết nối cô với Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà. Và rồi, dự án Cho Bống ăn rác với slogan “Hãy cho Bống ăn rác thải nhựa chứ không phải đại dương!” của nữ giáo viên này nhanh chóng nhận được cái gật đầu của ông Vũ, cùng sự tham gia của đông đảo các tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học ở Đà Nẵng.

Nữ giáo viên ngoại quốc cùng sinh viên Đà Nẵng tạo nên chú cá Bống khổng lồ ăn rác thải nhựa trên bờ biển - Ảnh 4.

Bà Sarah Field, người đề xuất dự án Cho Bống xin rác tại bãi biển Đà Nẵng.

Chú cá bống được làm từ những vật liệu rất thân thiện với môi trường như: tre, nứa, dừa, xốp...

Theo Sarah, Bống là loài cá rất quen thuộc với văn hóa Việt Nam, gần gũi với trẻ nhỏ nên bà cùng các "cộng sự" chọn hình ảnh chú cá bống với mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng.

Mô hình cá bống được thực hiện thông qua nghệ thuật sắp đặt với các loại vật liệu khác nhau. Có thể hiểu theo 2 cách: Một là khi chứng kiến hình ảnh chú cá nuốt phải rất nhiều rác thải ra đại dương, con người sẽ ý thức tác hại của rác thải nhựa. Hai là hình ảnh chú cá nuốt rác thải con người sử dụng, thay vì để chúng nằm rải rác và trôi ra đại dương, sẽ gây ấn tượng. Thông qua hình ảnh của Bống, những người thực hiện dự án sẽ mong muốn tạo được một trào lưu lan tỏa trong xã hội để cùng chung tay giữ gìn đại dương không rác thải nhựa.

"Ban đầu nhóm muốn thực hiện phiên bản Bống từ vật liệu tái chế quyên góp trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc đó khá khó khăn và sẽ tốn nhiều thời gian, chưa kể việc thi công là rất khó. Do đó, chúng tôi chuyển sang phương án dùng các vật liệu thân thiện với môi trường và đặc trưng cho Việt Nam như: Tre, dừa, gỗ... để tạo nên Bống", bà Sarah, chia sẻ.

Lan tỏa thông điệp đại dương không nhựa

Với mục đích tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, vứt rác thải đúng chỗ và góp phần làm trong sạch bãi biển Đà Nẵng, sau hơn 3 tuần thi công ròng rã, chú cá Bống với chiều dài 5m, cao 3m và rộng 2,5m được hoàn thành. Bống được dựng bằng khung tre và dừa, phần đuôi và phần đầu được trang trí bằng lá dừa, phần thân được bao phủ bằng lưới đánh cá.

"Các vật liệu chúng tôi sử dụng đều thân thiện với môi trường và đều được xử lý kỹ nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia để đảm bảo Bống có thể bền vững trước thời tiết khắc nghiệt của biển”, bà Sarah nói.

Nữ giáo viên ngoại quốc cùng sinh viên Đà Nẵng tạo nên chú cá Bống khổng lồ ăn rác thải nhựa trên bờ biển - Ảnh 6.

Dự án ý nghĩa, góp phần làm sạch bãi biển Đà Nẵng đã thu hút nhiều tình nguyện viên tham gia.

Nữ giáo viên ngoại quốc cùng sinh viên Đà Nẵng tạo nên chú cá Bống khổng lồ ăn rác thải nhựa trên bờ biển - Ảnh 7.

Chú cá được đặt trên biển Đà Nẵng không chỉ truyền bá thông điệp về môi trường, mà còn khuyến khích của mọi người mang rác thải từ nhựa cho cá “ăn”.

Ngày 11/5, Bống chính thức “chuyển hộ khẩu” về bãi biển T20 (Đà Nẵng). Sự xuất hiện của chiếc thùng rác độc đáo này khiến các du khách trong và ngoài nước thích thú. Đặc biệt, chú cá Bống "mắc cạn", há miệng... chờ rác rất thu hút các em nhỏ. Em nào nhìn thấy Bống cũng nhao nhao hỏi bố mẹ: “Cá gì đây ạ?”. Khi được bố mẹ giải thích về ý nghĩa của Bống được viết trên tấm bảng đặt cạnh, một số em còn hào hứng chạy dọc bờ biển tìm vỏ chai nhựa, bao ni lông để cho Bống “ăn”.

“Con trai tôi rất thích chú cá Bống này. Thật sự, mô hình này có ý nghĩa giáo dục rất lớn với trẻ em. Với hình ảnh thú vị như thế này, cháu nhà tôi sẽ nhớ rất lâu về bài học không vứt rác thải nhựa ra biển”, anh Trần Minh Tuấn, nói.

Nữ giáo viên ngoại quốc cùng sinh viên Đà Nẵng tạo nên chú cá Bống khổng lồ ăn rác thải nhựa trên bờ biển - Ảnh 8.

Nhiều người dân và du khách thích thú hưởng ứng việc nhặt rác thải nhựa trên bãi biển bỏ vào bụng Bống.

Chú cá Bống ngộ nghĩnh thu hút sự chú ý đặc biệt của các cháu nhỏ.

Thích thú chụp hình bên chú cá Bống, chị Nguyễn Thị Thanh (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hào hứng chia sẻ: "Tôi đã từng thấy ý tưởng này trên facebook nhưng không ngờ lại có một dự án mang nó về Việt Nam. Tôi thường ra biển để chơi và sử dụng nước uống tại đây. Nên khi thấy chú cá Bống này tôi rất thích, thậm chí khi có chai nhựa đã dùng xong sau khi chơi ở biển tôi cũng muốn mang đến cho Bống, một ý tưởng rất hay".

Nữ giáo viên ngoại quốc cùng sinh viên Đà Nẵng tạo nên chú cá Bống khổng lồ ăn rác thải nhựa trên bờ biển - Ảnh 10.

Người dân thích thú cho“Bống” ăn các sản phẩm nhựa một lần.

Trao đổi với PV, anh Hoàng Phúc Lâm, Cố vấn trực tiếp cho dự án chia sẻ, do team thực hiện chỉ có ý tưởng chứ không có kỹ năng chuyên nghiệp, nên khi quyết định thực hiện với tre, không ai hiểu rõ về vật liệu này cả. Do đó mất một thời gian để nhóm học hỏi từ các thợ tre, dừa ở Hội An (Quảng Nam). Quá trình làm cũng có lúc không thành công, tuy nhiên các bạn đã khắc phục được thông qua hỏi han và sự giúp đỡ.

"Nếu Bống thành công sẽ mang lại hiệu ứng chia sẻ xã hội hết sức to lớn không chỉ ở Đà Nẵng mà các du khách quốc tế cũng sẽ đến check in tại sản phẩm, chia sẻ trên mạng xã hội, sẽ giúp lan tỏa rộng hơn những thông điệp mà dự án muốn chia sẻ không chỉ trên khắp Việt Nam mà ra toàn thế giới. Tiếp theo Bống, chúng tôi sẽ triển khai thêm các hoạt động gây quỹ để thực hiện các dự án khác tương tự như rùa biển và các loài khác trên bãi biển Đà Nẵng", anh Lâm kỳ vọng.

"Zero Waste" là một chuyên đề do Kenh14 thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo vệ môi trường, đồng thời đem đến cho các bạn cái nhìn gần gũi, tự nhiên hơn về chủ đề nghe có vẻ thô cứng này. Đến với chuyên đề "Zero Waste", bạn sẽ được lắng nghe những câu chuyện từ chính những bạn trẻ đã và đang cố gắng từng ngày bằng những hành động thiết thực nhất nhằm cứu lấy môi trường.
Nữ giáo viên ngoại quốc cùng sinh viên Đà Nẵng tạo nên chú cá Bống khổng lồ ăn rác thải nhựa trên bờ biển - Ảnh 12.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày