Nói rát cổ mà con vẫn giả vờ điếc, đừng vội đánh mắng vì nguyên nhân sâu xa có thể từ chính bố mẹ

Thanh Hương, Theo Nhịp sống Việt 14:06 12/10/2019

Nhiều khi chính những sai lầm trong cách dạy dỗ của bố mẹ đã dẫn đến tình trạng con... giả vờ điếc.

Rất nhiều đứa trẻ có xu hướng lờ đi khi nghe bố mẹ nhắc nhở, yêu cầu làm việc gì đó. Những lúc như vậy, nhiều bố mẹ có xu hướng nóng giận và quay ra quát mắng, thậm chí đánh đòn trẻ.

Tuy nhiên việc này chẳng những không hiệu quả mà thậm chí còn gây ra hệ lụy tiêu cực. Muốn dạy dỗ, uốn nắn trẻ biết nghe lời, bố mẹ cần phải có phương pháp mềm mỏng, khéo léo, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng trên.

Thực tế, việc trẻ không nghe lời lại do chính 5 sai lầm kinh điển dưới đây của bố mẹ.

1. Bố mẹ nói đi nói lại nhiều lần

Nhiều ông bố bà mẹ có một thói quen rất điển hình. Đó là nếu nói lần đầu tiên mà con không nghe lời hoặc cố tình lờ đi thì sẽ tiếp tục nói đến lần thứ 2, thứ 3 thậm chí đến lần thứ 5.

Điều này là vô cùng có hại, bởi nó truyền đến cho con bạn thông điệp: Đằng nào mà bố mẹ chẳng nói lại, việc gì mà phải nghe ngay từ lần đầu.

Muốn con nghe lời, bố mẹ hãy chỉ nói một lần duy nhất. Sau đó nếu con không làm theo, bố mẹ hãy đưa ra hình phạt phù hợp.

Nói rát cổ mà con vẫn giả vờ điếc, đừng vội đánh mắng vì nguyên nhân sâu xa có thể từ chính bố mẹ - Ảnh 1.

2. Bố mẹ đưa ra những hình phạt vô nghĩa

Đôi khi bố mẹ đưa ra một số lời đe dọa thái quá đến con, chẳng hạn như "Không dọn phòng là mẹ không cho ra ngoài chơi nữa" hay "Không dọn đồ chơi đi là mẹ cho người khác hết". Những hình phạt này hoàn toàn không có hiệu quả với con vì chúng đều là những lời nói quá mức trong lúc nóng giận. Bố mẹ chắc chắn chẳng phạt con đến mức ấy.

Và khi đó, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ chỉ biết nói suông chứ không làm. Trong trường hợp muốn phạt con, thay vì đe dọa quá mức, bố mẹ nên đưa ra những hình phạt thiết thực, tước đi đặc quyền như: Không cho trẻ xem tivi, không cho trẻ sử dụng món đồ chơi yêu thích…

Nói rát cổ mà con vẫn giả vờ điếc, đừng vội đánh mắng vì nguyên nhân sâu xa có thể từ chính bố mẹ - Ảnh 2.

3. Bố mẹ tranh cãi với con

Đôi lúc khi con không nghe lời, bố mẹ có thể bị cuốn vào một cuộc tranh cãi mất thời gian với chúng mà không hề cần thiết. Chẳng hạn như khi con lờ đi, cố tình không tắt tivi để lên phòng học bài, bố mẹ bắt đầu quát và giục giã.

Bố mẹ hãy nhớ, đừng bao giờ để bị phân tâm và cuốn vào cuộc tranh cãi với con. Thay vào đó, bố mẹ chỉ cần đưa ra lệnh và hình phạt nếu con không tuân thủ.

Nói rát cổ mà con vẫn giả vờ điếc, đừng vội đánh mắng vì nguyên nhân sâu xa có thể từ chính bố mẹ - Ảnh 3.

4. Bố mẹ dọa phạt nhưng rồi lại nhượng bộ

Đôi khi bố mẹ đưa ra những cảnh cáo, hình phạt cho con nhưng sau đó lại mủi lòng khi thấy con khóc lóc, năn nỉ. Thế là bố mẹ nhượng bộ rồi bảo: "Tha cho nốt lần này thôi nhé, lần sau là mẹ phạt đấy". Khi đấy cả bố mẹ, cả con đều vui mừng hớn hở vì tình trạng "hòa cả làng".

Nhưng sau đó, hậu quả rồi mới dần dần kéo đến. Việc bố mẹ cứ nói suông rồi nhượng bộ như vậy sẽ khiến con dần bị nhờn. Con sẽ có xu hướng phớt lờ lời nói của bố mẹ vì nghĩ bố mẹ chỉ dọa cho vui thôi, còn lâu mới bị phạt.

5. Bố mẹ quát mắng con nặng lời

Khi một đứa trẻ không nghe lời, nhiều bố mẹ thường có xu hướng quát mắng lớn tiếng để khiến con sợ. Điều này chẳng những không có tác dụng mà con gây hậu quả tiêu cực.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc la hét, quát mắng có thể gây hại như đánh đòn. Quát mắng sẽ làm tổn thương mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái, khiến con bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Trong nhiều trường hợp, khi bị bố mẹ quát mắng, trẻ có phản ứng chống đối bằng cách gia tăng các hành vi xấu, cố tình không nghe lời.

Nói rát cổ mà con vẫn giả vờ điếc, đừng vội đánh mắng vì nguyên nhân sâu xa có thể từ chính bố mẹ - Ảnh 6.