Nỗi đau khắc khoải 1 năm sau vụ thảm sát tại Bình Phước

Tuổi Trẻ, Theo 16:43 07/07/2016

Đúng ngày này một năm về trước, ngày 7-7-2015, dư luận đã bàng hoàng hay tin cả gia đình ông chủ xưởng gỗ tại Bình Phước bị giết hại.

Nỗi đau khắc khoải 1 năm sau vụ thảm sát tại Bình Phước - Ảnh 1.

Nét mặt lạnh lùng của Nguyễn Hải Dương tại phiên tòa xét xử - Ảnh: Xuân An

Đúng một năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát gia đình sáu người gây rúng động dư luận (ngày 7-7-2015), xưởng gỗ của gia đình nạn nhân Lê Văn Mỹ trên quốc lộ 13, tỉnh Bình Phước đã hoạt động trở lại.

Nạn nhân duy nhất còn sống sót trong vụ thảm sát này - Bé Na, khi ấy 18 tháng tuổi, hiện đang được một người thân trong gia đình đưa về TP.HCM nuôi dưỡng.

Sau một năm, người thân các nạn nhân và của chính những sát thủ trong vụ án đều cố gắng vượt qua những nỗi đau khắc khoải của vụ án để trở lại cuộc sống bình thường.

Quặn thắt những nỗi đau

Đó là lời tâm sự của một người em trai nạn nhân Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (vợ ông Mỹ) một năm sau ngày xảy ra thảm sát.

“Đến tòa nghe lại cáo trạng, những lời khai mô tả hành vi của các hung thủ thì nỗi đau trong lòng chúng tôi lại bị khơi lại. Thâm tâm tôi mong bản án sớm có hiệu lực thi hành để cuộc sống của cháu tôi và gia đình chúng tôi được bình yên” - ông cho hay.

Theo thông tin được biết, hiện bé Na đã được đưa về TP.HCM nuôi dưỡng. Bé nay gần 3 tuổi và đang đi học mẫu giáo. Chịu trách nhiệm nuôi dưỡng bé là một người dì của bé (em gái của bà Ánh Nga).

Dì của bé chưa có gia đình riêng nhưng có công việc, thu nhập ổn định tại TP.HCM và rất yêu thương bé nên hi vọng có thể bù đắp, chăm sóc tốt nhất cho bé.

Về ngôi nhà và xưởng gỗ của gia đình nạn nhân, luật sư Đào Xuân Thành - Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, là người đại diện quyền lợi cho gia đình bị hại tại tòa sơ thẩm cho hay hiện nay gia đình nạn nhân đã thống nhất toàn bộ tài sản do bé Na thừa kế.

Trong thời gian chờ bé Na tới tuổi trưởng thành, một người em gái khác của bà Ánh Nga được giao quản lý khối tài sản này. Được biết, hiện nay xưởng gỗ của Công ty Quốc Anh đã được khôi phục sản xuất trở lại.

Những dấu lặng trong vụ án mạng kinh hoàng

Vụ thảm sát tại Bình Phước không chỉ gây nỗi đau cho gia đình các nạn nhân mà còn để lại nỗi buồn thăm thẳm cho thân nhân chính các bị cáo.

Đã gần một năm nay kể từ khi con trai bị bắt, bà Vũ Thị Thi (mẹ bị cáo Vũ Văn Tiến) tuy tuổi đã cao nhưng vẫn phải chạy đôn chạy đáo mong xin tòa giảm nhẹ hình phạt tử hình cho con trai.

Có những lần từ trại giam thăm Tiến về nhà, bà lại khóc. Khi tòa xử sơ thẩm hồi tháng 12-2015, người mẹ này cũng có mặt nhưng chỉ lặng lẽ đứng từ xa, hòa lẫn giữa đám đông coi xét xử.

Khi đã có bản án sơ thẩm, bà Vũ Thị Thi lại đi vận động mọi người ký tên để xin giảm án cho con. Rồi bà cũng gom góp được 20 triệu đồng để đền bù cho gia đình nạn nhân, mong bù đắp một phần nỗi mất mát cho họ và cũng là để mong giảm án cho con mình.

Còn với Nguyễn Hải Dương - bị cáo chủ mưu trong vụ giết người man rợ này, đã chấp nhận phán quyết tử hình của tòa sơ thẩm và không kháng cáo.

Tại tòa sơ thẩm, có những lúc nghe nhắc về hành vi giết người của mình, Dương lại lặng lẽ cúi mặt. Khi được nói lời sau cùng, Dương đã xin lỗi gia đình các nạn nhân vì đã gây ra đau khổ cho họ.

Nhưng còn có một điều khác dù Nguyễn Hải Dương chưa nói, nhưng chính Dương cũng đã tự gây ra những mất mát to lớn cho chính mình và những người thân của mình. Những đau khổ, mất mát ấy, dù sau một năm hay 10 năm nữa có lẽ cũng khó có thể bù đắp lại được.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày