Nỗi ám ảnh đằng sau cá voi sát thủ bị nhiễm độc chưa từng thấy

N. Thương, Theo Người Lao Động 17:30 06/05/2017

Các nhà khoa học cho biết xác của cá voi sát thủ Lulu dạt vào bờ biển Scotland bị nhiễm chất độc PCB cao gấp 100 lần ngưỡng độc hại mà loài cá voi có thể chịu được.

Con cá voi cái này được đặt tên là Lulu, một trong những con cá voi sát thủ cuối cùng trên vùng biển quanh nước Anh.

Sau khi Lulu chết vì bị mắc kẹt vào dây câu vào tháng 1-2016 và trôi dạt vào đảo Tiree của Scotland, Chương trình Nghiên cứu xác động vật dạt biển Scottland (SMASS) cùng với Trường ĐH Aberdeen đã tiến hành nghiên cứu kỹ xác của Lulu và không khỏi bàng hoàng.

Trang chủ của chương trình nghiên cứu này thậm chí đã đăng dòng tít gọi cá voi Lulu là "cá thể ô nhiễm nặng nhất hành tinh" với mức độ nhiễm chất độc PCB được ghi nhận cao chưa từng thấy.

Nỗi ám ảnh đằng sau cá voi sát thủ bị nhiễm độc chưa từng thấy - Ảnh 1.

Xác cá voi sát thủ Lulu dạt vào bờ biển của hòn đảo Tiree, Scotland. Ảnh: RSPB Tiree/HEMEDIA

PCB là chữ viết tắt của polychlorinated biphenyl, một chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy được quy định trong công ước Stockholm và lần lượt bị cấm sử dụng tại nhiều nước trên thế giới.

Chuyên gia nghiên cứu bệnh lý thú y Andrew Brownlow nói các nghiên cứu cho thấy các quần thể cá voi sát thủ có thể đã bị nhiễm PCB ở mức độ rất cao.

Ông cho biết: "Mức ô nhiễm trong trường hợp này vào loại ô nhiễm nặng nhất mà chúng tôi từng thấy. Chúng ta đều biết Lulu chết vì mắc vào dây câu nhưng với mức nhiễm PCB nặng như thế này, chúng ta cũng phải cân nhắc đến khả năng việc bị nhiễm độc đã ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của nó".

Theo báo cáo của SMASS, kết quả nghiên cứu trên xác của Lulu hé lộ mức độ nhiễm PCB cao gấp 100 lần ngưỡng độc hại mà cá voi sát thủ có thể chịu được. Việc nhiễm PCB nặng có thể dẫn đến sức khỏe kém, suy giảm chức năng miễn dịch, dễ bị ung thư và vô sinh.

Theo ông Brownlow, một khi PCB bị thải vào môi trường biển, chất độc này sẽ tích lũy dần trong chuỗi thức ăn của sinh vật và vô cùng khó loại bỏ.

Nghiên cứu cũng cho thấy cá voi Lulu ít nhất cũng đã được 20 năm tuổi nhưng chưa bao giờ sinh con mặc dù nó già hơn nhiều so với độ tuổi trung bình của loài cá voi sát thủ. Ông Brownlow cho rằng sự vô sinh của Lulu là lời cảnh báo khẩn cấp rằng loài cá voi chỉ còn lại rất ít cá thể này có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Chất độc PCB đã bị cấm tại Mỹ từ năm 1979. Từ những năm 1920 cho đến khi bị cấm, ước tính đã có 700.000 tấn PCB được sử dụng trong chất cách điện trong các thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện, chất lỏng thủy lực, tủ lạnh, tivi… PCB còn được phun lên những con đường đất để ngăn bụi bay lên. Dù đã bị cấm tại nhiều nước nhưng "vết tích" của PCB vẫn được phát hiện khắp nơi trên thế giới ở cả người và động vật.

Bộ xương của cá voi Lulu đang được bảo quản tại Bảo tàng quốc gia Scotland.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày