Ninja Rùa : Đập Tan Bóng Tối - Lựa chọn an toàn và tươi sáng của dòng phim siêu anh hùng

Minh Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 04/06/2016

Trong khi các bom tấn siêu anh hùng khác ngày càng tăm tối và nghiêm túc hơn thì phần phim mới của Ninja Rùa lại chọn con đường ngược lại.

Là phần tiếp theo của phim điện ảnh Ninja Rùa từng rất thành công vào năm 2014, Ninja Rùa: Đập Tan Bóng Tối (TMNT 2: Out of the Shadows) được xây dựng một kịch bản ít gai góc, thân thiện với đối tượng khán giả nhí hơn tập phim tiền nhiệm. Đây vừa là một bước tiến bộ nhưng đồng thời cũng là sự thụt lùi.

Sau các sự kiện diễn ra trong phần 1, anh chàng phóng viên Vern Fenwick (Will Arnet) được nhóm Ninja Rùa giao cho nhiệm vụ "cao cả" là nhận công đánh bại gã ác nhân Shredder và hưởng hết mọi vinh quang. Trong khi đó, 4 chú rùa và cô nàng April O’Neil (Megan Fox) vẫn là những người bảo vệ âm thầm cho thành phố New York. 

Tuy nhiên, lão tiến sĩ điên Baxter Stockman đã giúp Shredder trốn thoát trên đường đến nhà giam. Cùng lúc đó, chúng cũng nhận được sự giúp đỡ bởi kẻ ngoài hành tinh Krang từ chiều không gian X. "Liên đoàn ác nhân" mới này tạo ra hai kẻ đột biến gen là Bebop và Rocksteady để đối phó với anh em nhà rùa, cùng với đó là âm mưu mở cổng không gian để Krang xâm lăng Trái đất. Với sự giúp đỡ của "anh dân phòng" Casey Jones (Stephen Amell), cả nhóm Rùa và April, Vern phải hợp sức để giải cứu cả thế giới trước mối hiểm họa khổng lồ này.

Ninja Rùa : Đập Tan Bóng Tối - Lựa chọn an toàn và tươi sáng của dòng phim siêu anh hùng - Ảnh 1.

Các chú Rùa trở lại nhưng liệu có lợi hại hơn xưa?

Toàn bộ dàn diễn viên chính của phần trước đều trở lại với vai diễn của mình. Megan Fox tiếp tục thủ vai nàng April O’Neil nóng bỏng. Dù diễn xuất có tốt hơn so với hồi Transformers nhưng vẫn cực kì "đơ" và thiếu điểm nhấn. Có vẻ như vai trò của Megan trong phim chỉ là chạy loanh quanh và "đẹp" là đủ. Nhưng đối với một bộ phim dành cho thiếu nhi và gia đình thì "cái đẹp" không mang nhiều tác dụng cho lắm. Mà ngược lại sự "yếu kém" trong diễn xuất của Megan nhiều khi gây khó chịu cho người xem.

Ninja Rùa : Đập Tan Bóng Tối - Lựa chọn an toàn và tươi sáng của dòng phim siêu anh hùng - Ảnh 2.

Megan Fox không có nhiều khác biệt trong diễn xuất

Vai diễn lần này của tài tử Stephen Amell là Casey Joes, một người hùng đường phố đầy cá tính từng là đồng minh đắc lực của bốn chú rùa trong nguyên tác cũng như các phiên bản hoạt hình. Tuy nhiên, nhân vật này khi lên phim lại quá trùng lặp với nhân vật đã làm nên tên tuổi anh là Green Arrow (TV series Arrow); trừ việc Casey Jones nói rất nhiều và dùng vũ khí là gậy khúc côn cầu thay vì cung tên. Dù có cố gắng thoát khỏi hình ảnh của vai diễn cũ nhưng diễn xuất của Amell là không có gì đặc sắc, thậm chí là nhạt nhòa. Có vẻ hãng phim cũng tính toán kĩ khi cho Stephen Amell đóng cặp với Megan Fox để không ai "hơn" ai.

Ninja Rùa : Đập Tan Bóng Tối - Lựa chọn an toàn và tươi sáng của dòng phim siêu anh hùng - Ảnh 3.

Nhân vật mới nhưng diễn xuất "không hề mới"

Điểm nhấn trong diễn xuất lại là 4 chú Rùa, mặc dù họ được làm hoàn toàn bằng CGI. Leonardo lạnh lùng và quyết đoán, Raphael mạnh mẽ và thích "xài nắm đấm", Donatello hiền lành và "mọt sách", Michelangelo đầy nhiệt huyết và cảm xúc. Người xem có thể dễ dàng phân biệt 4 chú Rùa với nhau mà không cần dựa vào màu khăn bịt mặt. Ngoài ra, phần tâm lý và biểu cảm của từng chú Rùa cũng được khắc họa sâu sắc hơn, khi lần này thứ mà nhóm rùa đối mặt không chỉ những gã đột biến độc ác, mà còn là sự kỳ thị từ chính những người dân lẽ ra phải chịu ơn họ.

Vern Fenwick của Will Arnett, cùng hai gã quái vật mạnh mẽ nhưng ngớ ngẩn Bebop và Rocksteady lại là những điểm sáng và đồng thời cũng là những cây hài của phim. Mỗi lần xuất hiện của ba nhân vật trên là báo hiệu cả tràng cười cho khán giả. Trái lại, hai phản diện chính là Shredder và Krang thì quá một chiều và "làm lố", như kiểu ác trùm thường thấy trong loạt phim "5 anh em siêu nhân".

Ninja Rùa : Đập Tan Bóng Tối - Lựa chọn an toàn và tươi sáng của dòng phim siêu anh hùng - Ảnh 4.

Có vẻ ngoài đáng sợ là thế, nhưng hai gã đột biến lại trở thành nguồn thư giãn chính của phim

Dù không do Michael Bay trực tiếp đạo diễn nhưng sự góp mặt của vị đạo diễn ở vị trí sản xuất khiến bộ phim khá giống với Transformers. Những pha hành động vì thế cũng được chăm chút kỹ lưỡng hơn và mang những nét đặc trưng riêng của "thương hiệu vua cháy nổ".

Đẹp mắt hơn, các chú Rùa còn có cách chiến đấu theo nhóm phối hợp rất bài bản, cống hiến những trường đoạn cận chiến đầy ấn tượng. Góc quay cận và cùng slow-motion hợp lý cũng khiến những pha hành động thêm phần gay cấn và khiến người xem thích thú. Phần kĩ xảo của phim được đầu tư rất chất lượng khá mượt mà và không tạo ra cảm giác "giả" cho khán giả. Đặc biệt, trường đoạn cuối cùng khi New York bị Krang xâm lăng rất hoành tráng và có phần giống với cuộc tấn công của Chitauri trong The Avengers.

Ninja Rùa : Đập Tan Bóng Tối - Lựa chọn an toàn và tươi sáng của dòng phim siêu anh hùng - Ảnh 5.

Phần nhìn của phim thành công không bàn cãi

Do hướng tới đối tượng gia đình nên Ninja Rùa : Đập Tan Bóng Tối không thiếu những đoạn hài hước theo phong cách "hoạt hình" dành cho thiếu nhi. Đây là một bước đi "ngược dòng" đáng được hoan nghênh, vì nếu để ý kỹ thì chúng ta sẽ thấy phim đề tài siêu anh hùng dạo gần đây rất thích "tăm tối hóa" nhân vật. Những Batman v Superman: Dawn of Justice hay Captain America: Civil War và sắp tới là Suicide Squad đều cố gắng xây dựng những hình ảnh anh hùng trầm tư hơn, nhiều góc tối hơn; và điều này có lúc đã bị cho là "quá đà".

Tuy nhiên, cũng vì thế mà cốt truyện của phim lại cực kì dễ đoán và không có nhiều điểm nhấn. Tình tiết của Ninja Rùa: Đập Tan Bóng Tối còn chứa rất nhiều lỗ hổng và phi logic. Những màn hài hước nhiều khi dài lê thê và không liên quan tới mạch phim khiến người xem cảm thấy sốt ruột hơn là buồn cười.

Ninja Rùa : Đập Tan Bóng Tối - Lựa chọn an toàn và tươi sáng của dòng phim siêu anh hùng - Ảnh 6.

Nhìn chung, Ninja Rùa: Đập Tan Bóng Tối dù mang giá trị giải trí cao nhưng vẫn còn không ít khiếm khuyết. Riêng đối tượng khán giả nhí cũng như các fan trung thành chắc chắn vẫn yêu thích phần hai này. Dù vậy, chúng ta vẫn chưa biết nếu có phần ba, câu chuyện về các chú rùa sẽ được triển khai theo hướng nào: U ám nhưng chân thực và vui tươi nhưng trẻ con, hay "lửng lơ" ở giữa lằn ranh cho "an toàn"?