Những ngày Sài Gòn nắng nóng cao điểm, cần nhớ ngay một số lưu ý để phòng tránh say nắng

Xuân Xù, Theo Helino 09:08 14/03/2018

Tình trạng say nắng khi nhiệt độ tăng cao gây mệt mỏi, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Thời tiết Sài Gòn trong những ngày gần đây có xu hướng chuyển nắng nóng đột ngột. Nhiệt độ những ngày này có thể lên đến 35 – 37 độ C và đạt đỉnh điểm trong khung giờ trưa và đầu giờ chiều.

Những ngày Sài Gòn nắng nóng cao điểm, cần nhớ ngay một số lưu ý để phòng tránh say nắng - Ảnh 1.

Thời tiết thay đổi nhanh với nhiệt độ cao có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là tình trạng say nắng. Lúc này, thân nhiệt sẽ có xu hướng tăng cao và kèm theo tình trạng mất nước. Với những trường hợp không xử lí kịp thời, say nắng còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là đột quỵ. Do đó, nhận biết biểu hiện của chúng và cách xử lí sẽ giúp bạn phòng tránh tối đa nguy hại từ tình trạng này.

Triệu chứng khi bị say nắng

Sau khi ở ngoài trời lâu trong thời tiết nắng nóng, hoặc vừa từ trong phòng điều hòa ra ngoài có thể gây nên tình trạng say nắng. Lúc này, nếu thấy cơ thể có những biểu hiện sau thì bạn cần đặc biệt chú ý bởi chúng có thể cảnh báo tình trạng say nắng:

- Người bỗng nhiên mệt lả kèm theo trạng thái hoa mắt, chóng mặt.

Những ngày Sài Gòn nắng nóng cao điểm, cần nhớ ngay một số lưu ý để phòng tránh say nắng - Ảnh 2.

- Da đỏ, khô và người không toát mồ hôi dù thời tiết nóng.

- Tim đập mạnh, nhịp tim và nhịp thở tăng nhanh hơn bình thường.

- Chân tay mỏi, các cơ yếu và có thể bị chuột rút.

- Dễ nhầm lẫn trong nhận thức, mất phương hướng.

- Nôn kèm theo sốt cao.

- Ngất xỉu hoặc hôn mê.

Cách xử lí khi bị say nắng

Việc chủ quan và xử lí chậm khi bị say nắng có thể gây ra những nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là đột quỵ. Do đó, ngay khi nhận thấy những biểu hiện trên thì bạn hãy thực hiện những điều sau đây để xử lí kịp thời và hạn chế tối đa tác hại:

- Ngay khi thấy cơ thể có xuất hiện những biểu hiện ban đầu của chứng say nắng, cần đưa ngay người mắc vào chỗ thoáng gió, nới lỏng quần áo, quạt mát để sơ cứu tạm thời.

- Làm mát cơ thể bằng cách cho người bệnh uống nước, dùng khăn mát lau người và chườm ở các vị trí như bẹn, nách, cổ.

Những ngày Sài Gòn nắng nóng cao điểm, cần nhớ ngay một số lưu ý để phòng tránh say nắng - Ảnh 3.

- Nếu thấy có những biểu hiện như nôn, sốt cao, tim đập nhanh, co giật… cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lí, trên đường đi vẫn tiếp tục làm mát cơ thể cho người bệnh.

Cách phòng tránh say nắng

Bên cạnh việc nắm bắt cách xử lí tình trạng trên, bạn cũng nên chủ động thực hiện những điều sau để phòng tránh mắc chứng say nắng:

- Do cơ chế say nắng sẽ kèm theo tình trạng mất nước nhanh nên hãy uống đủ lượng nước cần thiết trong suốt cả ngày.

- Hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời trong thời tiết nắng nóng, đặc biệt là các hoạt động thể thao dễ gây mất sức.

- Nếu phải ra ngoài trong thời tiết nắng nóng, hãy trang bị các dụng cụ che chắn, mặc quần áo rộng rãi để tránh làm tăng thân nhiệt.

Những ngày Sài Gòn nắng nóng cao điểm, cần nhớ ngay một số lưu ý để phòng tránh say nắng - Ảnh 4.

- Nếu ra ngoài sau khi vừa ngồi trong phòng điều hòa, hãy đứng ở nơi thoáng mát khoảng 5 phút để cơ thể thích nghi và tránh bị sốc nhiệt.

- Tránh uống các đồ uống giàu caffeine, cồn trước khi đi nắng, bởi chúng có thể gây mất nước nhanh hơn.

Những ngày Sài Gòn nắng nóng cao điểm, cần nhớ ngay một số lưu ý để phòng tránh say nắng - Ảnh 5.

- Chú ý màu sắc nước tiểu để nhận biết tình trạng cấp nước của cơ thể: nước tiểu sẫm màu cảnh báo cơ thể đang thiếu nước.

- Nếu không cần thiết, bạn nên tránh ra đường vào khung giờ trưa và đầu giờ chiều.