Những năm tháng chìm trong xấu hổ của phóng viên với bức ảnh đoạt giải báo chí thế giới

Skye, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 16/06/2016

Để có được một bức ảnh đẹp, đôi khi các nhiếp ảnh gia phải đánh đổi rất nhiều, kể cả mạng sống và sự thanh thản suốt cuộc đời. Với Mike Well, tác giả của bức ảnh em bé Uganda, ông cũng đang trải qua những thời khắc khó khăn trong suốt phần đời của mình.

Sự nghiệp của mỗi nhiếp ảnh gia đôi khi chỉ cần một bức ảnh cũng làm thay đổi cả cuộc đời: một khoảnh khắc bắt kịp đủ để đưa tên tuổi của họ lên tầm thế giới. Tuy nhiên, đôi khi để có một tác phẩm ghi dấu ấn lịch sử, nhiếp ảnh gia phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều, thậm chí là cả những cái chết treo lơ lửng trên đầu hoặc cả phần đời còn lại sống trong dằn vặt. 

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện khác nhau nhưng nhiều nhiếp ảnh gia đều có chung một kết cục với tác phẩm để đời của mình. Mike Wells, nhiếp ảnh gia người Anh cũng không phải ngoại lệ khi ông phải sống cả phần đời còn lại trong xấu hổ sau bức ảnh bàn tay em bé Uganda trong tay một người da trắng được giải thưởng ảnh báo chí thế giới.

Những năm tháng chìm trong xấu hổ của phóng viên với bức ảnh đoạt giải báo chí thế giới - Ảnh 1.

Bức ảnh em bé châu Phi chết đói nổi tiếng của tác giả Mike Wells nhận được nhiều sự chỉ trích từ dư luận.

Tháng 4 năm 1980, nhiếp ảnh gia Mike Wells đến Uganda đúng vào thời điểm nạn đói đang hoành hành tại quốc gia này. Uganda được coi là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nơi nền văn minh hiện đại vẫn chưa chạm ngõ cuộc sống người dân. Chắc chắn, không một người dân Uganda nào có thể quên được nạn đói năm 1980 khi hơn 21% dân số nước này chết vì đói và đến 60% trẻ sơ sinh tử vong. Đây được đánh giá là nạn đói thảm khốc nhất trong lịch sử.

Mike Wells đã chụp được bức hình để đời, đưa tên tuổi của ông đến tầm cỡ thế giới. Bức ảnh mô tả bàn tay của một người đàn ông da trắng khỏe mạnh đang nắm lấy tay một em bé da đen gầy trơ xương vì nạn đói. Hai con người với đôi bàn tay thể hiện sự đối lập giữa cuộc sống phương Tây và các nước nghèo châu Phi. Tuy nhiên, đằng sau những lời chỉ trích, xót thương cho đứa bé là tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa người với người mà không mấy ai nhận ra.

Khi trở về Anh, Mike Wells đã gửi bức ảnh cho nhà xuất bản. Tuy nhiên, bức ảnh của ông vẫn không được đưa ra công chúng mà thay vào đó, nhà xuất bản đã gửi bức ảnh của ông đến một cuộc thi. Tác phẩm của ông sau đó đã được giải nhất của cuộc thi với nhiều lời tán dương về thông điệp của bức hình.

Nhưng chính từ sau cuộc thi đó, cuộc đời Mike Wells đã có những thay đổi, cả tiêu cực và tích cực. Ông luôn cảm thấy xấu hổ và dằn vặt vì chưa bao giờ, ông có ý định đem bức ảnh về một em nhỏ chết đói đi thi và giành giải thưởng. Mike đã từng muốn trở lại Uganda để tìm em bé kia nhưng không có bất cứ thông tin gì.

Những năm tháng chìm trong xấu hổ của phóng viên với bức ảnh đoạt giải báo chí thế giới - Ảnh 2.

Bức ảnh "kền kền chờ đợi" là một trong những nguyên do dẫn tới việc nhiếp ảnh gia Kevin Carter tự tử.

Bên cạnh những lời tán dương, ông cũng nhận được nhiều lời chỉ trích từ người xem ảnh. Tại sao ông có thể nhẫn tâm chụp bức ảnh của một đứa trẻ đang chết đói như vậy. Một thời gian dài, ông đã không cầm máy lại cũng như không chụp ảnh về những đứa trẻ đang chết đói. Giải thưởng không mang lại niềm vui cho ông mà trái lại khiến tâm trạng của Mike đi xuống.

Tuy nhiên, may mắn khi Mike Wells đã không chọn giải pháp tự tử như Kevin Carter, tác giả của bức ảnh "kền kền chờ đợi" khắc họa hình ảnh của một đứa bé châu Phi gầy trơ xương đang bò tới trại tị nạn. Ông đã bị chỉ trích vì sự nhẫn tâm sau khi chụp xong bức ảnh đã bỏ đi. Cuối cùng, Kevin đã lựa chọn kết liễu cuộc đời mình, một phần vì áp lực của bức hình.