Những kiểu ăn lẩu cực kỳ độc hại mà 90% các gia đình Việt đều đang mắc phải, khiến dạ dày và thực quản bị tổn thương nghiêm trọng

Đậu Đậu, Theo Nhịp sống Việt 10:57 24/11/2021

Lẩu dù rất ngon nhưng việc ăn lẩu quá nhiều, quá lâu, quá nóng đều có thể là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe của người Việt.

Mùa đông lạnh giá là thời điểm lý tưởng để hàng loạt món ngon "trỗi dậy", nhưng có lẽ khó có món nào đánh bại được lẩu trong những ngày thời tiết giá rét này. Người Việt Nam thường thêm thắt, biến tấu để chế biến nhiều món lẩu đa dạng, hợp khẩu vị từng vùng miền, từ lẩu riêu cua, lẩu thái, lẩu tôm... món nào cũng được yêu thích vì sự ngon lành, ấm cúng.

Ăn lẩu đã nhiều nhưng có lẽ bạn không biết rằng món ăn này thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc. PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: Lẩu thực chất là phiên âm của một từ Trung Quốc, có nghĩa là cái lò. Ngày xưa, ở Trung Quốc quá lạnh nên người dân đã nghĩ ra việc dùng bếp lò đun nóng canh trên bàn ăn. Khi vào Việt Nam, món ăn này được cải tiến và đi sâu vào đời sống sinh hoạt của người Việt, hễ trời lạnh hay những dịp tụ họp là lẩu sẽ được nhắc đến đầu tiên.

Người Việt thích ăn lẩu thật lâu, nhúng rau thịt thật nhiều

Vào mùa đông, còn gì lý tưởng hơn việc cùng gia đình quây quần bên nồi lẩu. Người Việt thích ngồi ăn lẩu thật lâu, nhúng thật nhiều thực phẩm trong một bữa ăn mà không biết điều này có thể gây hại.

Theo PGS.TS Phạm Văn Hoan (Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cảnh báo, thói quen ăn lẩu thật lâu, trong vài tiếng sẽ khiến dạ dày của chúng ta phải làm việc liên tục. Điều ấy khiến cho các dịch vị dạ dày, dịch mật, tụy phải tiết ra nhiều để xử lý thức ăn, có thể gây đau bụng và rối loạn tiêu hóa.

Những kiểu ăn lẩu cực kỳ độc hại mà 90% các gia đình Việt đều đang mắc phải, khiến dạ dày và thực quản bị tổn thương nghiêm trọng - Ảnh 1.

Thêm vào đó, việc ăn lẩu với quá nhiều thực phẩm cũng có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu. PGS.TS Phạm Văn Hoan khuyên các gia đình tốt nhất chỉ nên ăn lẩu trong khoảng 2 tiếng trở lại, không nên ăn quá 1 lần/tuần.

Người Việt thích húp nước lẩu nóng

Uống phần nước lẩu vừa thơm ngọt, béo ngậy là sở thích của nhiều người. Ngoài ra, không ít người khi ăn lẩu cũng rất thích ăn đồ nóng, nồi lẩu vừa sôi đã vội vàng gắp thức ăn và cho luôn vào miệng khi còn nóng.

Thực tế, đồ ăn vừa được gắp ra từ nồi lẩu nóng hơn 100 độ C vẫn có thể sẽ nóng ở mức 50-60 độ C, nếu ngay lập tức được cho vào miệng rất dễ làm tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản.

Đáng nói, theo khuyến cáo của WHO, nếu tiêu thụ thực phẩm quá nóng có nguy cơ mắc ung thư thực quản, ung thư khoang miệng, vòm họng vì nhiệt độ cao có thể làm tổn thương các cơ quan này. Đồng thời, đồ ăn quá nóng cũng làm hệ thống tiêu hóa cũng như đường ruột dễ bị tổn thương nặng nề.

Những kiểu ăn lẩu cực kỳ độc hại mà 90% các gia đình Việt đều đang mắc phải, khiến dạ dày và thực quản bị tổn thương nghiêm trọng - Ảnh 2.

Vậy nên để bảo vệ cho sức khỏe, chúng ta không nên ăn những thức ăn quá nóng. Trước khi ăn, nên chờ thực phẩm nguội bớt trong khoảng 50-60 độ C. Các chuyên gia khuyên cách ăn lẩu an toàn nhất là: Gắp những đồ ăn đã chín ra bát để nguội bớt rồi mới từ từ thưởng thức.

Khi ăn lẩu, người Việt thường thích ăn thịt tái

"Thịt bò, thịt gà chỉ cần chín tái, vậy mới ngon, ngọt và không bị dai" là suy nghĩ của hầu hết người Việt. Chính vì vậy thịt thường chỉ được nhúng chín tái là có thể thưởng thức được ngay. 

Tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo: Các gia đình nên từ bỏ ngay thói quen nhúng thịt tái trong nồi lẩu bởi thịt khi được nhúng qua loa trong nước sôi thì không thể tiêu diệt được hết ký sinh trùng, sán. Số ký sinh trùng đó sau khi đi vào cơ thể sẽ sinh sôi, phát triển, gây hại cho nhiều cơ quan của cơ thể.

Những kiểu ăn lẩu cực kỳ độc hại mà 90% các gia đình Việt đều đang mắc phải, khiến dạ dày và thực quản bị tổn thương nghiêm trọng - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định mọi người có thể thoải mái ăn lẩu mà không lo hiểm họa gì cho sức khỏe, lẩu chỉ là món ăn bình thường như mọi món ăn khác. Tuy nhiên, cần lưu ý ăn chín uống sôi, rau rửa thật sạch, không dùng chung dụng cụ cho đồ sống và đồ chín...