Những câu chuyện đầy xúc động về thảm họa kép tại Nhật Bản năm 2011 không ai có thể quên

Hana, Theo Helino 16:15 11/03/2018

Đã tròn 7 năm trôi qua kể từ ngày thứ 6 đen tối ấy tấn công vào ký ức người dân Nhật Bản như một trong những thiên tai ám ảnh nhất trong vòng hơn 140 năm qua, đẩy đất nước Mặt trời mọc vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Ngày 11/3/2011, một trận động đất kinh hoàng đã xảy ra ngoài khơi Thái Bình Dương làm rung chuyển khu vực phía Bắc Nhật Bản, đồng thời gây ra cơn sóng thần cao tới 10m ập vào đất liền nuốt chửng nhiều thành phố, kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất kể từ vụ nổ nhà máy Chernobyl năm 1986. Thảm họa tồi tệ ấy đã cướp đi mạng sống của hơn 20.000 người, làm mất tích 2.500 người, phá tan hoang nhà cửa, đường xá và toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất của nhiều tỉnh thành của Nhật Bản.

Vậy mà ở đâu đó trên khắp xứ sở Hoa anh đào, vẫn tồn tại những câu chuyện, những bài học cảm động về đức tính nhẫn nại, hy sinh và sự gắn kết cộng đồng của những con người hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với hậu quả của thiên tai mà hiếm nơi nào trên thế giới có được.

1. Người đàn ông không tên hy sinh bản thân để cứu sống 3 mẹ con thoát chết khỏi cơn sóng thần

Câu chuyện được kể bởi Sophie, một nữ sinh 18 tuổi sinh sống tại Los Angeles về cách 3 mẹ con người bạn Nhật Bản của cô thoát chết khỏi cơn sóng thần tại tỉnh Sendai, nước Nhật. 

Khi cơn động đất diễn ra, bạn của Sophie cùng mẹ và em trai 2 tuổi đang ở trên phố. Họ vội vàng trốn vào một căn nhà bên đường, nhưng mực nước càng lúc càng dâng cao khiến họ không biết xoay sở làm sao.

Những câu chuyện đầy xúc động về thảm họa kép tại Nhật Bản năm 2011 không ai có thể quên - Ảnh 1.

Bức ảnh một người phụ nữ ngồi và khóc trong tình trạng tuyệt vọng trên sàn tầng hai của một căn hộ sập vì động đất và sóng thần ở thành phố Natori, tỉnh Miyagi.

Họ không ngừng kêu cứu, và một người đàn ông đã nhìn thấy họ từ ban công căn nhà phía sau. "Người đàn ông đó ngay lập tức nhảy xuống khỏi ban công xuống nước, giúp bạn tôi, mẹ cô ấy và cậu em trai trèo lên ban công vào căn nhà. Nước lúc đấy càng ngày càng mạnh, không thể đứng vững được nữa. Mẹ bạn tôi kiên quyết để những đứa con của mình lên trước, sau đó người đàn ông đứng dưới đỡ bà ấy lên".

"Sau khi cả ba người trèo lên ban công yên ổn, mẹ của bạn tôi nắm lấy tay người đàn ông và kéo ông ấy lên. Bất chợt một chiếc ô tô (trong hàng trăm chiếc) bị nước cuốn tràn tới đúng hướng người đàn ông đó. Mọi người ở bên trên gào thét, nhưng rồi đột nhiên, người đàn ông ấy giật khỏi tay mẹ bạn tôi, khi mà chiếc ô tô tràn tới, để bà ấy không bị kéo theo xuống nước. Chiếc ô tô đâm vào ông ấy và cuốn ông hất đi".

Có lẽ nếu không nhảy xuống nước cứu sống gia đình cô gái, người đàn ông ấy có thể sống sót an toàn trong tòa nhà. Nhưng chính sự hi sinh của người đàn ông mà 3 mẹ con cô gái có thể bình an qua khỏi con sóng dữ.

Không ai biết người đàn ông dũng cảm ấy là ai, nhưng đối với bạn của Sophie và gia đình chị, "ông ấy là một người hùng thực sự".

2. Người cha tạm biệt vợ và con gái để làm nhiện vụ tại nơi nhà máy rò rỉ phóng xạ

Cơn động đất sóng thần Tohuku không chỉ cướp đi mạng sống, nhà cửa của hàng chục nghìn người dân Nhật Bản mà còn khiến cả dân tộc này rơi vào cảnh hoang mang, lo lắng cực độ khi hay tin những lõi hạt nhân bên trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima tan chảy chỉ trong 3 ngày, bất chấp nỗ lực của chính phủ Nhật Bản. 

Hàng trăm nghìn người dân phải đi di tản khỏi quê hương, không ít trong số đó bị nghi ngờ nhiễm phóng xạ đã phải cách ly với người thân, gia đình.

Những câu chuyện đầy xúc động về thảm họa kép tại Nhật Bản năm 2011 không ai có thể quên - Ảnh 2.

Cho đến giờ, quá trình xử lý các lò phản ứng vẫn là thách thức lớn với Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Vậy nhưng, bất chấp nồng độ phóng xạ vượt tới mức nguy hiểm cho tính mạng con người, những nhân viên cuối cùng của nhà máy điện hạt nhân số 1 ở Fukushima vẫn không rời bỏ vị trí. Tại đây, người ta hạ áp suất bằng cách mở van giữ hơi nước trong bể chứa lò phản ứng trong khi thiết bị đo nồng độ phóng xạ bên người các nhân viên vẫn giữ ở con số 400 milisievert, đủ để gây chết người bất cứ lúc nào.

Một trong 180 nhân viên cuối cùng ở lại nhà máy đã động viên vợ con bằng những dòng e-mail vội vã: "Em và con hãy tiếp tục sống thật tốt, anh sẽ phải vắng nhà một thời gian. Mọi người ở nhà máy đang chiến đấu".

Người đàn ông ấy và 119 nhân viên khác của nhà máy đã chấp nhận nguy hiểm tính mạng để  ngăn phóng xạ rò rỉ ra môi trường bên ngoài và làm sạch môi trường.

 "Tôi phải nuốt nước mắt vào trong khi nghe tin bố tôi, dù sẽ nghỉ hưu sau sáu tháng nữa, đã tình nguyện ở lại – con gái ông bày tỏ trên Twitter – Ở nhà bố có vẻ như không phải là người làm được việc lớn, nhưng hôm nay tôi thật sự tự hào về bố". 

"Mẹ tôi chưa bao giờ khóc nấc lên như vậy. Bố đã đi đến nhà máy hạt nhân. Mọi người ở đó đang hi sinh bản thân để bảo vệ tôi và các bạn. Cầu cho bố còn sống trở về!"

3. "Ông cụ phóng xạ" tình nguyện ở lại một mình để chăm sóc vật nuôi trong vùng nhiễm xạ

Sau khi vụ rò rỉ nhiễm phóng xạ ở tỉnh Fukushima xảy ra, chính quyền địa phương đã cho di tản các khu vực xung quanh nhà máy số 1 và số 2 ra xa từ 3km đến 20km. Nhưng có một người đàn ông đã bất chấp để bản thân nhiễm phóng xạ chỉ với mục đích quay trở lại chăm sóc đàn vật nuôi bị bỏ lại phía sau và đang đối mặt với nguy cơ chết đói. Đó là ông Naoto Matsumura, người duy nhất sống trong vùng nhiễm phóng xạ ở thị trấn Tomioka, quận Futaba, tỉnh Fukushima.

Ăn ở trong môi trường độc hại suốt nhiều năm, nhưng ông Naoto Matsumura cho biết ông không lo sợ điều gì, cả ông và đàn vật nuôi vẫn đang khỏe mạnh

Ông cũng ngăn cản những nhân viên được điều đến để kết liễu đàn gia súc nhiễm bệnh bởi: "Nếu họ giết những con vật này để lấy thịt, tôi sẽ không băn khoăn gì, vì đó là cuộc sống. Nhưng giết chúng chỉ vì muốn chúng chết đi ư? Không thể nào!".

Những câu chuyện đầy xúc động về thảm họa kép tại Nhật Bản năm 2011 không ai có thể quên - Ảnh 3.

Ông Naoto Matsumura - người duy nhất sống trong vùng nhiễm phóng xa khi quyết định quay trở lại chăm sóc đàn vật nuôi bị bỏ lại phía sau.

Sự kiên nhẫn và hy sinh của người đàn ông đã thu hút nhiều người dân địa phương trở lại thăm ông, mang theo thức ăn, nhu yếu phẩm cho ông và đàn gia súc. Tuy vẫn chưa ai có ý định trở lại và sinh sống như ông Naoto. 

Hàng ngày, ông vẫn một mình làm bạn với đám động vật nhiễm phóng xạ trong khu vực: "Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Tomioka. Khi tôi chết, tôi sẽ chết ở Tomioka".

Ông cụ Naoto được người dân Nhật gọi là "ông cụ phóng xạ" vì những bài kiểm tra y tế đã nồng độ phóng xạ cao gấp 17 lần người bình thường trong cơ thể ông và ông cụ cũng là người phơi nhiễm phóng xạ nhiều nhất ở nước Nhật.

Tuy nhiên, ông Naoto biết không quá lo lắng về điều này. Ông cho rằng, sẽ cần phải 30-40 năm ông mới có thể chết vì nhiễm phóng xạ, mà trước khi điều đó xảy ra thì tuổi tác đã đến tìm ông trước rồi, vì vậy, không cần phải sợ hãi.