Những cái chết được báo trước: Bi kịch tại khu tị nạn lớn nhất thế giới, nơi bạo lực, bắt cóc, giết người ngang nhiên tồn tại

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 18/11/2021

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, 8 người đã bị ám sát tại khu tị nạn Rohingya của Bangladesh, làm câm lặng những người dám đứng lên chống lại các băng đảng tội phạm đang ngang nhiên lộng hành.

Một đêm ở trại tị nạn, bên trong chiếc lán chỉ có những bức vách mỏng bao quanh, Mohammed đang chờ đợi. Anh chờ những kẻ đang tới để giết mình.

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, 8 người đã bị ám sát ở khu tị nạn dành cho người Rohingya phía đông nam của Bangladesh, triệt hạ tất cả những ai dám đứng ra lên tiếng chống lại các băng đảng bạo lực đang hoành hành ở đó. Giống như với Mohammed, các nạn nhân đều được báo trước về việc trở thành mục tiêu, để rồi phải sống trong nỗi kinh hoàng đến tận thời khắc cuối cùng.

"Như thể tôi đang sống với một con dao kề bên cổ" - Mohammed, một nhà tổ chức cộng đồng không dám lộ tên thật vì những rủi ro đang phải hứng chịu. "Tôi từ Myanmar tới Bangladesh vì có thể bị giết ở đó. Nhưng ngay cả ở đây, mạng sống của tôi cũng chẳng được đảm bảo".

Những cái chết được báo trước: Bi kịch tại khu tị nạn lớn nhất thế giới, nơi bạo lực, bắt cóc, giết người ngang nhiên tồn tại - Ảnh 1.

Bi kịch ở khu tị nạn lớn nhất thế giới

Cuộc sống tại khu trại tị nạn lớn nhất thế giới đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Người ở đây vốn phải trốn chạy khỏi những cơn khủng hoảng đe dọa sinh mạng của họ từ quê hương và chấp nhận sống trong khu trại chật chội nhất tinh cầu này, để rồi phải đối mặt với một nguy cơ khác khi các băng đảng liên tục gõ cửa để tuyển quân, tuyển lính buôn ma túy, hoặc bắt cóc phụ nữ và trẻ em.

Nhưng tệ nhất là việc họ có rất ít hy vọng và nguồn lực có thể dựa vào. Một số nạn nhân trước khi bị giết trong tháng qua đã cảnh báo chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế rằng tên của họ nằm trong danh sách bị tấn công bởi nhóm vũ trang lớn nhất: Quân đội cứu thế Arakan Rohingya, gọi tắt là ARSA.

Những cái chết được báo trước: Bi kịch tại khu tị nạn lớn nhất thế giới, nơi bạo lực, bắt cóc, giết người ngang nhiên tồn tại - Ảnh 2.

ARSA là một nhóm lực lượng vũ trang nổi dậy chống lại quân đội Myanmar, và hiện đang tìm cách áp quyền kiểm soát vào toàn bộ khu trại. Các binh lính của ARSA khẳng định rằng họ có mọi quyền hành - cả về tôn giáo lẫn chính trị đối với hơn 1 triệu người tị nạn tại đây. Nhưng họ lại thu lợi từ nhưng giao dịch buôn bán trái phép đang ngày càng nở rộ, đồng thời đụng độ với nhiều băng nhóm tội phạm khác. Nó tạo cảm giác nơi này ngày càng trở nên phi luật lệ mỗi khi có thi thể ai đó được tìm thấy.

Công việc của Mohammed đã khiến anh phải đối đầu với các thành viên của ARSA, và hệ quả là bị lọt vào danh sách săn đuổi của chúng. Anh nhiều lần gửi kiến nghị lên chính phủ Bangladesh và Hội đồng tị nạn Liên Hợp Quốc (U.N.H.C.R), cầu xin được chuyển đến một nơi an toàn hơn.

Mohammed không dám đặt chân ra khỏi căn lán của mình kể từ cuối tháng 9, khi Mohib Ullah - một người bạn của anh - bị sát hại. Nỗi sợ càng nhân lên gấp bội khi 7 người khác từng đứng lên chống lại ARSA bị bắn, hoặc bị đâm tới chết. Gia đình các nạn nhân khẳng định ARSA là thủ phạm, và một số người liên quan đến vụ việc đã bị chính phủ bắt giữ. Tuy nhiên trên mạng xã hội, ARSA khẳng định họ không gây ra các vụ việc đó.

Những cái chết được báo trước: Bi kịch tại khu tị nạn lớn nhất thế giới, nơi bạo lực, bắt cóc, giết người ngang nhiên tồn tại - Ảnh 3.
Đêm xuống là lúc Mohammed cảm thấy sợ nhất

Nhưng gia đình Mohammed cũng phải rời căn lán để giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân. Và lần nào cũng vậy, anh đều cảm thấy lo sợ. Sợ nhất là khi đêm xuống, lúc lực lượng hành pháp của Bangladesh rời khu trại. Tiếng chân, tiếng gió, mọi âm thanh đều như tra tấn tinh thần anh.

"Tôi chẳng có thứ gì để bảo vệ mình nữa, ngoài cầu nguyện".

Những cái chết được báo trước

Một tháng trước khi chết, anh Mohib Ullah - người cùng hoạt động trong tổ chức nhân quyền với Mohammed đã viết thư xin các nhà chức trách để xin một nơi trú ẩn. Trong thư, anh kể về việc mình và 70 nhà hoạt động nhân quyền khác đã bị các tay súng đe dọa sát hại như thế nào.

"Tôi đã rất sợ hãi vì nhóm ARSA có rất nhiều vũ khí nguy hiểm" - Mohib Ullah giải thích trong thư.

Nhưng rốt cục, chẳng có động thái nào xuất hiện. Những kẻ giết Ullah hét lên rằng chúng chính là "thủ lĩnh" của khu trại, theo lời em trai anh, người chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối.

Johannes van der Klaauw, đại diện của U.N.H.C.R tại Bangladesh ghi nhận sự nguy hiểm đang gia tăng tại các khu trại, nhưng chỉ có thể nói rằng công tác an ninh là trách nhiệm của quốc gia sở tại.

Những cái chết được báo trước: Bi kịch tại khu tị nạn lớn nhất thế giới, nơi bạo lực, bắt cóc, giết người ngang nhiên tồn tại - Ảnh 4.

"Các cuộc thảm sát tại đây - bao gồm cái chết của Mohib Ullah - là một hồi chuông cảnh tỉnh đòi hỏi nhà chức trách phải thực sự hành động". Liên Hợp Quốc thì khẳng định một số trường hợp đã được đưa đến nơi trú ẩn an toàn.

Sau vụ ám sát Mohib Ullah, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bangladesh Abdul Momen khẳng định "nhà chức trách cam kết sẽ tiến hành điều tra và đưa những kẻ thủ ác ra ánh sáng".

Những thiếu sót tại trại tị nạn Rohingya đã vơi bớt "nhờ" đại dịch Covid-19, khi những lệnh hạn chế giúp các nhà hoạt động nhân quyền được an toàn. Tuy nhiên, ARSA và các tổ chức vũ trang khác lại dấy lên một chiến dịch kinh hoàng, đòi tiền và tuyển mộ binh lính công khai - theo lời người dân tại khu trại.

"Tại sao số phận lại bắt tôi trở thành dân tị nạn" - Saiful Arkane, nhà hoạt động nhân quyền cho biết. "Không ai bảo vệ chúng tôi cả".

Arkane cùng các anh em của mình đã hoạt động tại đây nhiều năm, ghi lại tình trạng tồi tệ của khu trại. Bất chấp áp lực phải giữ im lặng trước sự hoành hành của ARSA, Arkane vẫn tiết lộ các binh sĩ đang công khai dựng trại huấn luyện, với kinh phí từ những hoạt động phi pháp như buôn ma túy. Một số người từng đến báo cảnh sát về việc ARSA muốn dùng trường học làm thao trường. Tất cả bị thảm sát sau đó.

Lực lượng tàn nhẫn

Cuộc đối đầu giữa quân đội Myanmar và tổ chức ARSA từ năm 2017 đã đẩy 3/4 trên tổng số hơn 1 triệu người Rohingya phải bỏ trốn đến Bangladesh chỉ trong vòng vài tuần, tạo ra cuộc tị nạn lớn nhất trong 1 thế hệ trở lại đây.

Những cái chết được báo trước: Bi kịch tại khu tị nạn lớn nhất thế giới, nơi bạo lực, bắt cóc, giết người ngang nhiên tồn tại - Ảnh 5.

Bangladesh, vốn đã phải đón nhận rất nhiều người Rohingya đến tị nạn, nay càng thêm quá tải. Một khu trại của họ - Kutupalong - có tới 600.000 người sinh sống trên một mảnh đất có diện tích 13km2 - mật độ nhiều gấp 9 lần so với Dải Gaza. Trong một diện tích như thế, họ phải cố gắng duy trì phẩm giá của mình bất chấp vô vàn khó khăn như sạt lở đất, hỏa hoạn, lũ lụt, buôn người, bạo hành, và cả những con voi bất chợt nổi điên. Họ cũng chẳng thể đi đâu, vì luật pháp quy định họ không được làm việc hay học tập bên ngoài khu trại.

Tháng 10/2021, U.N.H.C.R. và Bangladesh ký kết biên bản ghi nhớ, dọn đường cho 80.000 người Rohingya di chuyển tới đảo Bhasan Char. Trước đó, đã có 20.000 người được chuyển tới đây sinh sống.

Những cái chết được báo trước: Bi kịch tại khu tị nạn lớn nhất thế giới, nơi bạo lực, bắt cóc, giết người ngang nhiên tồn tại - Ảnh 6.

Trong số những người đến đây có cộng đồng Rohingya theo Công giáo - một nhóm nhỏ trong cộng đồng vốn đã là thiểu số, thường xuyên là nạn nhân bị bắt cóc trong các khu trại tị nạn. Cảnh sát cho biết, một gia đình thuộc nhóm này đã phải cầu xin sự bảo vệ của Liên Hợp Quốc, sau khi bị binh sĩ ARSA đe dọa bắt cóc. Họ được trú ẩn 1 đêm trong nhà an toàn của U.N.H.C.R, nhưng sau đó buộc phải rời đi.

Abdu Taleb, một người họ hàng đã giúp gia đình này lên một chiếc xe bus để trốn khỏi ARSA. Kế hoạch thất bại. Nhóm binh sĩ đã chặn chiếc xe, bắt cóc cả gia đình, nhốt họ ở một nơi tối tăm suốt 6 tháng kế tiếp và tra tấn họ một cách tàn độc.

Taleb được giải cứu và đưa đến đảo Bhasan Char. Cuối cùng, anh cũng có thể cảm thấy thanh thản.

"Tôi đến đây để được an toàn, và đã tìm được nó".

Nguồn: NY Times