Những áp lực cuộc sống tại Hàn Quốc khiến nhiều người trẻ rơi vào "hố sâu" trầm cảm

HANA, Theo Helino 10:07 20/12/2017

Hiện nay, nhiều người trẻ ở Hàn Quốc đang gặp phải những áp lực vô hình từ chính xã hội mang lại đến mức muốn trốn chạy khỏi đó theo những cách thức tiêu cực nhất.

Được thế giới biết đến với làn sóng Hallyu sôi động, trẻ trung, những chuyện tình drama lãng mãn, ngọt ngào và công nghệ thẩm mỹ hàng đầu châu Á, Hàn Quốc hiện lên trong mắt nhiều người là một quốc gia lý tưởng để sống và làm việc, thế nhưng, khuất sau vẻ ngoài bóng bẩy, hào nhoáng là một xã hội được gói gọn trong hai chữ "áp lực".

Dưới đây là 5 loại áp lực có thể gặp phải khi sống ở Hàn Quốc đến mức bạn muốn trầm cảm:

1. Áp lực từ công việc và nỗi sợ hãi thất nghiệp ở giới trẻ Hàn Quốc.

Những áp lực cuộc sống tại Hàn Quốc khiến nhiều người trẻ rơi vào hố sâu trầm cảm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đã qua cái thời phát triển như vũ bão của nền kinh tế Hàn Quốc vào những năm 1960, 1970, hiện tại, người trẻ nước này đang phải chịu đựng rất nhiều áp lực từ tỉ lệ thất nghiệp ngày một gia tăng. Ở xứ sở Kim Chi, có một việc làm ổn định trở thành yếu tố quyết định khẳng định giá trị bản thân trong xã hội. Chính điều này đã dẫn dến những vấn đề nổi cộm như áp lực thi cử đối với học sinh, sinh viên và xu hướng chết do lao lực giống với đất nước láng giềng Nhật Bản.

Nhiều người trẻ tuổi ở Hàn Quốc thừa nhận, họ đang vật lộn tìm ra lối thoát cho bản thân, thậm chí là muốn rời bỏ đất nước để trốn tránh áp lực mà xã hội mang lại. Môi trường học tập và làm việc trở nên cạnh tranh cũng đã kéo theo số người mắc chứng trầm cảm và vấn nạn tự sát tăng cao. Theo báo cáo của tổ chức WHO năm 2017, Hàn Quốc một lần nữa tiếp tục là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất châu Á và thứ 4 thế giới với khoảng 284 người tự tử/ ngày.

2. Áp lực vì mối quan hệ cấp bậc

Những áp lực cuộc sống tại Hàn Quốc khiến nhiều người trẻ rơi vào hố sâu trầm cảm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Dù đã phát triển đến mức trở thành một trong 4 "con rồng Châu Á", Hàn Quốc vẫn tồn tại những hệ tư tưởng đặc trưng của nền văn hóa Á Đông và chịu ảnh hưởng rất nặng từ giáo lý Khổng Tử. Chính điều này đã khiến đất nước này đề cao vai trò của văn hóa cấp bậc. 

Những cụm từ "tiền bối", "hậu bối" trở thành những thứ thân quen hơn bao giờ hết khi người ta tiếp cận với xã hội Hàn Quốc. Cùng với đó, mặt trái của loại văn hóa này đã khiến không ít người trẻ tuổi phải chịu đựng những áp lực không tên mà không có cách thể nào thoát ra được.

Ở đất nước Đông Á này, mối quan hệ tiền bối – hậu bối không dựa vào độ tuổi mà gắn chặt với trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên. Bên cạnh những lợi ích như nâng cao tính đoàn kết, phát triển đội ngũ tập thể thì tình trạng "ma cũ bắt nạt ma mới", chèn ép, sai vặt hay yêu cầu vô lý được đưa ra từ những tiền bối mà những hậu bối chỉ có thể "ngậm đắng nuốt cay" làm theo.

Bên cạnh đó, quan hệ cấp bậc còn được thể hiện giữa những người lớn tuổi với người nhỏ tuổi hơn, cha mẹ với con cái... mà ở đó, những đứa trẻ ở Hàn Quốc thường phải mang gánh nặng do chính những bề trên đặt lên.

3. Áp lực từ việc phải có ngoại hình đẹp

Những áp lực cuộc sống tại Hàn Quốc khiến nhiều người trẻ rơi vào hố sâu trầm cảm - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Ở xứ sở Kim Chi, một khuôn mặt được cho là đẹp bao gồm: da trắng mịn, mũi cao, mắt to hai mí, khuôn mặt nhỏ, cằm nhọn và hàm răng phải trắng đều tăm tắp. Người Hàn Quốc có khái niệm làm đẹp từ rất sớm, họ thường tranh thủ thời gian cho việc trang điểm mọi lúc mọi nơi bất kể nam hay nữ.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra cho thấy các công ty, doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đều đòi hỏi ở nhân viên một ngoại hình vừa mắt, có phong thái, thời trang bên cạnh học vấn và năng lực. Không ít công ty thậm chí còn công khai từ chối những người có hình xăm hay để râu đến xin việc. 

Do vậy, người dân nước này dường như bị một áp lực là phải ... đẹp để đảm bảo cuộc sống "dễ thở" hơn và những người xấu xí dù tài năng đến mấy cũng ít được coi trọng trong xã hội.

4. Bắt nạt học đường

Những áp lực cuộc sống tại Hàn Quốc khiến nhiều người trẻ rơi vào hố sâu trầm cảm - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Ngày 1/9/2017, một nữ sinh 14 tuổi sống tại Busan đã bị chính những người bạn cùng trang lứa đánh đập đến mức mặt mũi biến dạng, thân thể bầm dập và phải chịu tổn thương tinh thần trong suốt cuộc đời. Sự việc đã gây chấn động đất nước này trong một thời gian dài đồng thời dấy lên thực trạng bạo lực học đường đang ngày một gia tăng ở đất nước này.

Theo một khảo sát được thực hiện bởi Quỹ Phòng chống bạo lực thanh thiếu niên Hàn Quốc vào tháng 11 và 12 năm 2009, 22% trong số 4.073 học sinh ở 64 trường tiểu học và trung học cho biết, các em từng bị bắt nạt ở trường. 

Học sinh Hàn Quốc thường chơi theo hội, nhóm. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bạn phải là người hòa đồng hoặc bị ghét thì khả năng bị đánh hội đồng, tẩy chay, bắt nạt... là rất cao.

5. "Búa rìu" dư luận

Những áp lực cuộc sống tại Hàn Quốc khiến nhiều người trẻ rơi vào hố sâu trầm cảm - Ảnh 5.

Ảnh minh họa.

Sống trong một xã hội nền tảng gắn kết, dư luận Hàn Quốc cũng xây dựng cho mình một mạng lưới lớn mạnh và nổi tiếng nghiêm khắc. Có những khi chỉ một lời đồn vô căn cứ cũng có thể khiến người dân nước này dậy nên những đợt sóng gió mà bản thân người trong cuộc, về một mặt nào đó, luôn là những người bị tổn thương nhiều nhất.

Đặc biệt trong giới giải trí, từng có thời điểm, thế giới liên tục rúng động trước những vụ tự sát của hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng. Nhiều ngôi sao đã tìm đến cái chết khi không thể tiếp tục gồng mình gánh chịu sức ép của sự nổi tiếng, từ dư luận và cả nỗi sợ hãi của việc bị lãng quên.

Trên thực tế, kể cả những người bình thường cũng sẽ bị "ném đá", vùi dập nếu làm trái với tiếng nói của số đông hay khi không được dư luận nước này chấp nhận.

(Tổng hợp)