Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017

Thục Hạnh, Theo Thời Đại 00:00 16/12/2017

Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), năm 2017, thiên tai đã làm 385 người chết và mất tích, 654 người bị thương; 8.126 nhà bị đổ, sập, trôi; 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 59.300 tỷ đồng.

Năm 2017 vừa qua, nền nhiệt độ (đặc biệt ở miền Bắc) cao hơn so với trung bình nhiều năm, rét đậm, rét hại không kéo dài. Nhưng cũng chính vì nền nhiệt cao, những ngày đầu mùa hè vào tháng 6 người người dân miền Bắc đã phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục trong vòng hơn 4 thập kỷ.

Năm nay, mùa bão và mùa mưa cũng đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Trong 12 tháng, có tổng cộng 14 cơn bão tiến vào hải phận, địa phận nước ta và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, cơn bão số 12 là cơn bão mạnh nhất trong vòng nhiều năm đổ lại, những hậu quả do bão số 12 gây ra đến giờ vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn. 

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của bão, tình trạng lũ quét, sạt lở, ngập lụt cũng xảy ra với diễn biến khó lường, đặc biệt tại khu vực Tây Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Trung Bộ. 

Nắng nóng lịch sử trong vòng 46 năm 

Những ngày đầu tháng 6, ở nhiều quận tại Thủ đô Hà Nội ghi nhận mốc nhiệt độ chưa từng có là 42,5 độ C, vượt xa kỷ lục năm 2015 là 40,8 độ C và mức cao nhất tại Hà Nội nói chung là 40,4 độ (năm 1971). 

Cùng thời điểm, nhiệt độ ghi nhận tại Lạng Sơn là 38,8 độ C (kỷ lục năm 2012 là 38,4 độ C), Bắc Giang 40,5 độ C (kỷ lục 1994 là 38,7 độ C), Phủ Liễn (Hải Phòng) 39,5 độ C (kỷ lục 2001 là 39 độ C)...

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 1.

Nhiều đợt nắng nóng liên tiếp xảy ra trong suốt mùa hè, miền Bắc được ví như chảo lửa, lò sấy khổng lồ. Nắng nóng gay gắt, không khí nóng bức, oi nồng khiến người dân khó chịu. Hơi nóng luôn rát bỏng phả vào người đi đường dù đêm đã khuya. Nhiệt độ lúc 22h ở Hà Nội bằng nhiệt độ cao nhất ngày ở Sài Gòn lúc giữa trưa và suốt cả ngày không lúc nào xuống dưới 30 độ C.

Nắng nóng khiến người dân khổ sở khi ra đường. Thậm chí người ta có thể rán trứng giữa đường do nhiệt độ ngoài trời quá cao.

Do nắng nóng, Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Trưa ngày 5/6, một người phụ nữ ngoài 60 tuổi điều khiển xe máy trên đường Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Đến gần ngã tư Xã Đàn - Nam Đồng, bà tạt xe vào lề đường rồi ngồi bệt xuống vỉa hè, gục xuống bất tỉnh.

Hơn 15 phút sau khi lực lượng y tế có mặt, nhân viên cứu nạn xác định người phụ nữ đã ngừng thở, nghi do nắng nóng. Mức nhiệt độ ngoài trời ghi nhận tại thời điểm đó trên 45 độ C.

Trước đó, ngày 3/6, một người đàn ông trú tại huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng được phát hiện đã tử vong bên đường dưới thời tiết nắng nóng, nhiệt độ lên đến 41-42 độ C.

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 3.

Cũng vì nắng nóng, nhiều bệnh liên quan đến hô hấp, virus của trẻ em cũng xảy ra nhiều hơn. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng từ 3.200-3.500 bệnh nhi đến khám chủ yếu là các bệnh sốt virus, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…

Tại Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, mới chỉ trong những ngày đầu tiên Hà Nội bước vào nắng nóng gay gắt, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám cũng gia tăng với các bệnh chủ yếu như bệnh đường hô hấp, tai biến mạch máu não…

Nhiều bệnh viện quá tải do lượng bệnh nhân đổ về quá đông trong đợt nắng nóng.

14 cơn bão "nối đuôi" nhau đổ bộ 

Cơn bão số 1 đổ bộ vào biển Đông nước ta vào ngày 11/6 với tên quốc tế là Merbok. Đây được xem là hiện tượng thời tiết khá bất thường bởi hàng năm, bão nhiệt đới thường xuất hiện tại biển Đông vào khoảng giữa đến cuối tháng 7.

Trong năm 2017, cả nước đã phải hứng chịu 14 cơn bão. Trong số đó, có những cơn bão hình thành và tan nhanh trên biển, không đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, phần lớn các cơn bão đều tiến thẳng càn quét đất liền và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt có thể kể đến là cơn bão số 10 (Doksuri) và cơn bão số 12 (Con Voi).

Theo các chuyên gia thời tiết, cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước ta trong năm 2017 là cơn bão số 12 (có tên quốc tế là Ramsey - Con Voi).

Sáng 4/11, cơn bão số 12 - bão Con Voi đã đổ bộ vào ven biển các tỉnh Khánh Hòa-Phú Yên với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135km/h), giật cấp 15. Tại Khánh Hoà, cường độ gió rất mạnh, liên hồi giật rít khiến nhiều tấm tôn, cây xanh ngã đổ trên đường, nhiều nhà dân bị tốc mái. 

Dù đã được cảnh báo từ trước nhưng do không kịp ứng phó, nhiều người dân ở Khánh Hòa đã rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất" vì nhà bị tốc mái, tài sản hư hỏng nặng do cơn bão số 12.

Đến ngày 14/12, sau hơn 1 tháng kể từ ngày cơn bão số 12 đi qua, hậu quả của cơn bão này mới có thể được chính thức công bố với số thiệt hại ước tính lên tới 1 tỷ đô-la.

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 8.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cơn bão số 12 là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm đã đổ bộ vào nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người, cơ sở hạ tầng và sản xuất kinh doanh. Bão số 12 đã làm 107 người chết, 16 người mất tích và 342 người bị thương. Hơn 165.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó hơn 3.500 nhà bị thiệt hại hoàn toàn.

Trước đó, cơn bão số 10 với tên gọi quốc tế là Doksuri đã càn quét miền Trung với sức mạnh kinh hoàng. Với sức gió lên tới 115km/h, bão số 10 quét qua các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và để lại nhiều hậu quả vô cùng khủng khiếp.

Cơn bão số 10 hình thành trên biển Đông vào ngày 12/9 và đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình vào ngày 15/9.

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 10.

Bão số 10 mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14, là cơn bão rất mạnh đổ bộ nước ta trong vòng 3 năm trở lại đây.

Do ảnh hưởng của siêu bão Doksuri, đã có 6 người chết, hơn 200 người bị thương, 200.000 ngôi nhà ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế bị sập, tốc mái, hư hỏng, ngập. Một tháp truyền hình bị đổ ở thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), 2.440 cột điện bị đổ gãy, 71 tàu cá, thuyền bị chìm, cuốn trôi...

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 12.

Chiếc xe máy không thể di chuyển trong cơn bão số 10 do bị gió tạt.

Lũ quét kinh hoàng ở miền Bắc và những mất mát thương tâm

Từ ngày 9 đến 12/10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to, nhiều khu vực ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội bị ngập sâu, có nơi ngập tới 2 mét. Miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. 

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 13.

Lũ quét xảy ra bất ngờ do mưa lớn, lũ dâng cao hơn do nhiều địa phương xả hồ thủy điện khiến nhiều khu vực dân cư bị cô lập do mưa lũ, tài sản không kịp di dời chìm sâu trong biển nước.

Nước ngập cao ngang nóc nhà, người dân phải dùng thuyền bè di chuyển trên đường. Nước lũ bất ngờ kéo vào ngập ngang nhà làm hư hại nhiều tài sản, chết nhiều vật nuôi. Mất điện, mất nước, hàng quán đóng cửa, học sinh nghỉ học...hàng chục ngày sau lũ, cuộc sống của người dân vẫn chưa thể trở lại bình thường. 

Ngày 16/10 theo ước tính, mưa lũ đã làm 72 người chết, 30 người mất tích, chủ yếu ở Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa. Lũ dữ đi qua, đau thương ở lại, đến giờ người dân cả nước vẫn còn ám ảnh những tai nạn kinh hoàng trong cơn lũ.

Rạng sáng 12/10, bờ suối tại xóm Khanh thuộc xã Phú Cường (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) bất ngờ sụt lún, vùi lấp 4 căn nhà cùng 18 người dân.

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 15.

Nhiều ngày sau tai nạn khinh hoàng, lần lượt thi thể từng nạn nhân mới được lực lượng cứu hộ tìm thấy, có người thi thể còn nguyên vẹn, người thì mất nhiều bộ phận do bị cả ngàn mét khối đất đá đổ ập lên. Trong số 18 nạn nhân, có cháu bé chỉ mới hơn 3 tháng tuổi.

Mượn tạm bãi đất trống ngay quốc lộ, các gia đình dựng bạt đơn sơ tổ chức đám tang cho những người xấu số. Lúc này, không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh những chiếc quan tài xếp cạnh nhau.

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 17.

Sáng 15/10, đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn phát hiện thi thể một người phụ nữ, 2 cánh tay chị lúc này đang ôm chặt lấy đứa con trai bé bỏng. Cảnh tượng đau buồn và đầy thương xót.

Trước đó, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, sự cố đau đớn xảy ra khi chiếc cầu Thia dài gần 200m bắc qua sông Thia, nối huyện Văn Chấn với thị xã Nghĩa Lộ bất ngờ bị sập. Lúc này trên cầu có 5 người đều bị rơi xuống dòng nước lũ, cuốn trôi mất tích. Trong số 5 người họ, có anh phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư, một cô giáo mầm non cùng đứa con nhỏ chỉ 3 tuổi.

Đến ngày 13/10, thi thể phóng viên Đinh Hữu Dư mới được tìm thấy tại khu vực cầu Văn Phú (TP Yên Bái), cách hiện trường tai nạn khoảng 100km.

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 18.

Phóng viên Đinh Hữu Dư ra đi ở tuổi 29.

Ngoài những mất mát về người, đợt lũ quét kinh hoàng cũng làm thiệt hại về tài sản rất nghiêm trọng. 

Sáng 13/10, dòng nước lũ đục ngầu chưa rút khỏi khu vực ngoại đê sông Hép (huyện Yên Định, Thanh Hóa). Nằm cách Trại giam số 5 (Tổng cục 8, đóng tại thị trấn Thống Nhất) khoảng 3 km, trang trại nuôi lợn rộng lớn chừng 2 ha thuê trên đất xã Yên Giang chìm sâu trong biển nước, làm chết gần 6000 con lợn nuôi trong trang trại, giá trị ước tính hàng chục tỷ đồng.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua tại khu vực miền núi phía Bắc, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu gây ra những đợt mưa lũ bất thường còn có cả nguyên nhân chủ quan do phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người.

Sạt lở nghiêm trọng, lũ lụt lịch sử ở miền Trung

Giữa tháng 10, do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, một lượng mưa kỷ lục đã trút xuống các tỉnh miền Trung gây ra đợt lũ lụt kinh hoàng. Tại Thừa Thiên-Huế, nước lũ lên cao và nhanh chóng, nhiều đường phố ngập sâu trong hơn 1 mét nước, lũ ở các sông chỉ kém 1 gang tay là đạt đến mức lũ lịch sử của cơn Đại hồng thủy năm 1999.

Hơn nửa tháng sau trận lũ lụt, Thừa Thiên-Huế ghi nhận đã có  9 người chết, 3 người bị thương, toàn tỉnh có hơn 70.000 ngôi nhà bị ngập từ 0,3 – 1m; 80% tuyến đường ở TP.Huế bị ngập từ 0,5 – 1,5m; các địa phương còn lại nhiều vùng bị ngập nặng từ 0,5 – 2m.

Ở Hà Tĩnh, mưa lớn kèm hồ thủy điện xả lũ làm nhiều nhà dân bị ngập đến nóc, các tuyến đường bị chia cắt, các khu dân cư bị cô lập, chìm trong biển nước.

Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 12 (bão Con Voi), bắt đầu từ sáng 5/11 phố cổ Hội An và vùng trũng Đà Nẵng ngập lụt nặng nề. Lúc này phố phường ngập nước mênh mông, phương tiện chủ yếu của người dân là thuyền bè. Đúng thời điểm này, TP. Đà Nẵng lại đăng cai tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC, nước lũ dâng ngập khu phố cổ khiến Đà Nẵng phải huy động lực lượng quân đội phối hợp cùng người dân khẩn trương khắc phục hậu quả của lũ, đảm bảo giao thông cho sự kiện kinh tế lớn nhất năm.

Bên cạnh những đợt lũ dâng cao, cùng thời điểm, miền Trung cũng phải hứng chịu nhiều trận sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là 2 vụ sạt lở xảy ra liên tiếp ở Quảng Nam khiến gần 10 người tử vong. 

19h ngày 5/11, nguyên quả đồi sạt lở xuống một nhà dân tại khu vực giáp thôn Đàn Nước và Mậu Cà, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam khiến 8 người trong 2 gia đình bị vùi lấp. Sau nhiều nỗ lực, lực lượng cứu hộ chỉ cứu sống được 4 người, 4 nạn nhân còn lại đã tử vong, thi thể nằm dưới hàng trăm khối đất đá.

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 23.

Khung cảnh tan hoang của những căn nhà sau khi bị đất đá đổ xuống.

Sau đó chỉ 1 ngày, cũng tại Quảng Nam, khoảng 15h tại nóc U Tuân (thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp 4 ngôi nhà khiến 5 người tử vong. Được biết, tại nóc này chỉ có 4 hộ dân sinh sống, nay đã bị vùi lấp hoàn toàn.

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 24.

Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân bị sạt lở đất.

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 25.

Cũng do sạt lở ở nhiều vị trí, giao thông ở Nam Trà My bị chia cắt, huyện bị cô lập hoàn toàn nhiều ngày liền. Gần 28 nghìn người dân Nam Trà My sống cảnh không điện, không nước sạch, lương thực thực phẩm cạn kiệt trong hơn 4 ngày.

Nhìn lại những hiện tượng thời tiết, thiên tai khiến người dân Việt Nam điêu đứng năm 2017 - Ảnh 26.

Trong đợt mưa lũ, sạt lở vừa qua, theo tính toán sơ bộ, tại tỉnh Quảng Nam có ít nhất 23 người chết, nhiều người bị thương, hàng chục nhà dân bị chôn vùi. Riêng tại huyện Bắc Trà My có 12 người chết, huyện Phước Sơn có 6 người chết.

Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), năm 2017, thiên tai đã làm 385 người chết và mất tích, 654 người bị thương; 8.126 nhà bị đổ, sập, trôi; 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 59.300 tỷ đồng.

Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày