Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt (Phần 1)

Ngân Long, Theo Trí Thức Trẻ 18:23 19/10/2017

Dẫu cho còn non trẻ, nền điện ảnh Việt Nam chưa từng quên tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Nhân dịp 20-10 đang đến, hãy cùng nhìn lại một số bộ phim mà người phụ nữ Việt Nam đã được khắc họa chân thực và đầy sức sống.

Điện ảnh và truyền hình Việt Nam không có nhiều tác phẩm dành riêng cho nữ giới, nhất là những phim đương đại. Nhưng có không ít các phim của thế kỉ trước lại khắc họa khá sắc sảo hình tượng người phụ nữ. Cùng điểm lại một số phim nên xem nhân dịp ngày phụ nữ Việt Nam sắp đến.

1. Ngã ba Đồng Lộc (1997)

Điện ảnh Việt gắn liền với hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ. Thế nên không ngạc nhiên chút nào khi những bộ phim kể về hình tượng người phụ nữ Việt Nam không ít thì nhiều cũng sẽ gắn với hai cuộc chiến này. Bộ phim Ngã ba Đồng Lộc dựa trên một sự kiện có thật tại Hà Tĩnh năm 1968: 10 cô gái thanh niên xung phong đang trong độ tuổi xuân thì, đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ tại ngã ba Đồng Lộc. Bộ phim truyện nhựa sản xuất năm 1997 này có sự tham gia của các nghệ sĩ Thúy Hường, Hương Dung, Ngọc Dung, Yến Vy, Xuân Bắc, và kịch bản của Nguyễn Quang Vinh.

Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt (Phần 1) - Ảnh 1.

Cảnh trong phim Ngã ba Đồng Lộc

Giữa chiến trường khốc liệt đầy bom đạn, những cô gái Nhỏ, Rạng, Hà… vẫn tươi cười lao động, vẫn yêu mãnh liệt và vững niềm tin. Họ không còn gói gọn trong hình ảnh người phụ nữ của một quốc gia, mà là hình tượng tiêu biểu của nữ giới: đem lại tình yêu và hi vọng cho một thế giới hoang tàn.

Cảnh phim về buổi chiều định mệnh cướp đi sinh mạng của các cô thật ngắn, nhưng những câu chuyện vui buồn xuyên suốt 90 phút phim khiến người xem phải hụt hẫng và tiếc thương các cô như những người bạn. Một bộ phim đáng xem để thêm trân trọng hòa bình, cũng như thêm yêu những người phụ nữ Việt đầy cao cả.

2. Áo lụa Hà Đông (2006)

Trong nghệ thuật, đôi khi tác giả sử dụng một hình ảnh ẩn dụ để nói về một sự vật nào đó. Bộ phim Áo lụa Hà Đông với vai nữ chính là cô Dần (Trương Ngọc Ánh đóng) không chỉ nói về thân phận long đong của người phụ nữ thời chiến, mà còn nói về số phận của nước Việt thời chiến qua hình tượng cô Dần và gia đình nhỏ đầy bất hạnh của cô.

Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt (Phần 1) - Ảnh 2.

Cảnh trong phim Áo lụa Hà Đông với Trương Ngọc Ánh và Quốc Khánh

Thật vậy, mở đầu phim là cảnh Gù (Quốc Khánh) và Dần dắt díu nhau vào đến Hội An để tránh chiến tranh. Họ có một gia đình nhỏ gồm 3 đứa con và gia tài duy nhất là chiếc áo lụa Hà Đông quấn quanh người Gù khi anh bị bỏ bên đường. Những tưởng với sự tần tảo của Dần, sự nỗ lực của Gù, gia đình họ có thể đổi vận. Nhưng rồi chiến tranh tàn ác đã cướp đi sinh mạng của những thành viên trong gia đình.

Câu hỏi "Hòa bình có đẹp không hả bố?" của bé An con Dần đã ám ảnh những kiếp người trong phim và vang vọng mãi trong lòng người xem. Trương Ngọc Ánh đã có một vai diễn để đời khi cô không chỉ hóa thân thành người mẹ tuyệt vọng vì mất con, mà còn là đất mẹ Việt Nam phải oằn mình gánh chịu những đau thương do chiến tranh trong suốt lịch sử dân tộc. Có lẽ chính vì tính hình tượng cao, mà bộ phim này không chỉ giành 5 giải Cánh Diều Vàng năm 2006, giải khán giả bình chọn của liên hoan phim Busan năm 2006 mà còn đại diện Việt Nam tham dự Oscar 2006 với đề mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

3. Mẹ vắng nhà (1979)

Người ta vẫn nói " Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Nhưng trong thời chiến, người mẹ không chỉ đơn thuần là chăm sóc các con, mà còn phải đứng lên để giữ gìn mái ấm, bảo vệ các con của mình. Trong bộ phim Mẹ vắng nhà dựa trên truyện cùng tên của tác giả Nguyễn Thi, đạo diễn đã phát huy được nét độc đáo của truyện và đưa vào phim.

Đó là không để cho người mẹ, chị Út Tịch, xuất hiện nhiều mà khai thác hình ảnh đám con của chị khi mẹ vắng nhà. Sự đảm đang, tháo vát của chị thể hiện qua hình ảnh cô con gái lớn tên Bé chăm sóc các em. Tinh thần vui vẻ, lạc quan cũng như sự hồn nhiên của bọn trẻ cho thấy chúng rất tin tưởng rằng mẹ sẽ bảo vệ chúng.

Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt (Phần 1) - Ảnh 3.

Vân Dung trong vai chị cả Bé

Diễn xuất xuất sắc của nghệ sĩ ưu tú Ngọc Thu cộng với nét hồn nhiên của dàn diễn viên nhí thủ vai con chị đã đem lại cho bộ phim giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim quốc gia năm 1980, giải Lọ hoa pha lê tại Liên hoan phim quốc tế Các-lô-vy Va-ry năm 1981. Nếu những bộ phim ở đầu danh sách xoáy sâu vào đau thương mất mát, thì Mẹ vắng nhà là một nụ cười rạng rỡ át đi tiếng bom của một thời đại ác liệt.

4. Người đẹp Tây Đô (1997)

Gian khổ không phải là thuốc thử tốt nhất cho sự kiên định của con người. Mà là cám dỗ đến từ cuộc sống xa hoa và những lạc thú trong đời. Nhân vật Bạch Cúc trong phim Người đẹp Tây Đô, chính là hình ảnh của người phụ nữ tài hoa, sắc sảo và không bị cám dỗ làm mờ mắt.

Bộ phim Người đẹp Tây Đô đánh dấu bước tiến trong sự nghiệp của nữ diễn viên Việt Trinh, cũng như trở thành một biệt danh, một hình tượng để đời của cô. Sau bộ phim này, cô liên tục xuất hiện trong các bộ phim truyền hình Việt Nam vào những năm sau đó như Nợ đời, Sương gió biên thùy.

Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt (Phần 1) - Ảnh 4.

Cảnh trong phim Người đẹp Tây Đô

Cốt truyện phim dựa trên cuộc đời của nữ chiến sĩ tình báo Lâm Thị Phấn. Phim kể về Bạch Cúc (Việt Trinh đóng). Cô là một nữ sinh học giỏi, xinh đẹp. Những tưởng cuộc đời cô sẽ được hưởng được vinh hoa, phú quý. Nhưng Bạch Cúc đã phải trải qua nỗi bất hạnh đầu đời con gái: bị gả về nhà địa chủ, làm vợ một anh chàng thuộc loại công tử Bạc Liêu. Tại nhà chồng, Bạch Cúc bị biến thành món hàng cho chàng công tử nhiều tiền, quen sống hưởng thụ kiểu thực dân. Và cô đã đứng về phía những người bị áp bức, bước chân theo đoàn quân khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.

Bạch Cúc trở thành nữ chiến sĩ quân báo, và được đưa về Cần Thơ, nhân dịp thực dân Pháp rải truyền đơn kêu gọi những người trong vùng kháng chiến hồi cư. Thế là nhờ tài khéo léo và sắc đẹp Bạch Cúc đã thành ngôi sao sáng trong giới thượng lưu Cần Thơ, giao du với tất cả giới cầm quyền thực dân Pháp ở đây. Trong suốt 8 năm liền (1946- 1954) Bạch Cúc trở thành đối tượng săn đuổi củà các sĩ quan Pháp- Việt, trong quân đội và tình báo Pháp. Cô trở thành người tình đơn phương của họ. Những tình nhân, đối thủ của cô lần lượt bị đo ván trong cuộc đấu tranh sống mái.

Có thể thấy, với cốt truyện độc đáo và nhân vật đặc sắc, Người đẹp Tây Đô là một bộ phim thành công trong việc xây dựng nhân vật kiểu mẫu: một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn và biết nhìn về những điều cao đẹp.

(còn tiếp)