Nhìn đi nhìn lại, gần như chẳng thấy con vật nào có màu xanh nước biển! Tại sao thế?

Bill Cipher, Theo Helino 10:17 12/05/2018

Xanh nước biển là một màu sắc rất khó tổng hợp trong tự nhiên, nên nó cực kỳ hiếm.

Thiên nhiên quanh ta luôn rực rỡ và sống động. Mỗi con vật, loài cây, sinh vật sống - tất cả đều mang một nét đẹp riêng.

Ta có thể bắt gặp hàng ngàn hình dáng, hàng ngàn màu sắc khi ngắm nhìn các loài sinh vật. Nhưng để ý này, trong con số khổng lồ đó, có phải rất hiếm khi bạn nhìn thấy một sinh vật sống có màu xanh lam không?

Tại sao thế nhỉ? Các nhà khoa học đã cố gắng trả lời câu hỏi này từ rất lâu, và phía dưới là một vài giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất.

1. Vì xanh nước biển là màu khó tạo ra

Bạn có biết màu xanh nước biển trong tự nhiên khó tạo ra lắm không? Các loài sinh vật sẽ phải bẻ cong ánh sáng, biến đổi, kết hợp các loại sắc tố, ion và phân tử hữu cơ khác nhau mới tạo ra được màu sắc này.

Nhìn đi nhìn lại, gần như chẳng thấy con vật nào có màu xanh nước biển! Tại sao thế? - Ảnh 1.

Bướm Olivewing là một trong số các loài động vật cực hiếm có khả năng tổng hợp được sắc xanh lam

Ở thực vật, sự hình thành sắc tố vốn đã phức tạp này lại chỉ xảy ra nếu môi trường đạt độ pH nhất định. Thông thường, chỉ có sinh vật sống tại vùng đất mang tính kiềm mới có màu xanh. Tuy nhiên, phần lớn các loại đất đều ở mức trung tính hoặc axit. Nói thế chắc bạn cũng hiểu sắc màu này hiếm đến thế nào.

Còn nếu một ngày bạn thấy hoa màu xanh làm nhiều như quân Nguyên ngày xưa, thì chắc chắn đã có sự can thiệp của con người trong đó.

Nhìn đi nhìn lại, gần như chẳng thấy con vật nào có màu xanh nước biển! Tại sao thế? - Ảnh 2.

Cẩm tú cầu xanh dương thực ra là một sản phẩm của công nghệ lai tạo chứ không có trong tự nhiên

2. Xanh dương là một màu sắc... vô dụng

Màu sắc của một sinh vật không chỉ để cho đẹp, mà ẩn giấu bên trong là những chiến thuật rất khôn ngoan giúp chúng tồn tại được trong thế giới tự nhiên khắc nghiệt.

Chẳng hạn như hoa có màu sắc sặc sỡ là để thu hút côn trùng đến lấy mật. Đổi lại, côn trùng sẽ phát tán hạt phấn cho cây và giúp cây duy trì nòi giống.

Và nếu vì mục đích ấy, màu xanh dương thực sự rất vô dụng. Màu sắc này dễ bị lu mờ bởi màu xanh của lá cây. Hơn nữa, giới nghiên cứu phát hiện ra rằng côn trùng phần lớn tỏ ra kém nhạy bén đối với màu xanh nước biển - hoặc thậm chí không thể nhìn thấy màu này.

Nhìn đi nhìn lại, gần như chẳng thấy con vật nào có màu xanh nước biển! Tại sao thế? - Ảnh 3.

Các loài ong thường chỉ thấy màu đỏ và các màu cùng tông khác

Còn đối với động vật, ít khi chúng có nhu cầu gây sự chú ý của loài khác mà thiên về hướng ngụy trang để tự vệ hoặc bắt mồi, nên thường có màu dễ lẫn vào môi trường sống. Chỉ một vài loài bướm, ếch, chim… có khả năng nhìn được màu xanh mới dùng màu này để thu hút bạn tình.

Nhìn đi nhìn lại, gần như chẳng thấy con vật nào có màu xanh nước biển! Tại sao thế? - Ảnh 4.

3. Ánh sáng xanh dương luôn bị hấp thụ

Ánh sáng mặt trời là ánh sáng trắng, cấu thành từ rất nhiều màu sắc khác nhau. Ánh sáng này khi chiếu vào một vật sẽ bị vật đó hấp thu một vài dải màu, và những dải còn lại chính là màu của vật mà ta nhìn thấy.

Nhìn đi nhìn lại, gần như chẳng thấy con vật nào có màu xanh nước biển! Tại sao thế? - Ảnh 5.

Quả táo đã hấp thụ tất cả các màu trừ màu đỏ, nên ta thấy nó có màu đỏ

Thực vật hiếm khi có màu xanh dương vì chúng gần như luôn luôn hấp thụ ánh sáng màu này. Màu xanh lá cây không bị hấp thụ, chiếu vào mắt ta nên ta thấy cây có màu đó.

Nguồn: Mother Nature Network, The Straight Dope