“Nhiều người Việt lười tìm hiểu nhưng luôn viện cớ: Tôi mới đi máy bay lần đầu nên không biết!"

Định Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 10:01 29/04/2016

“Nhiều người Việt Nam mình khi đi máy bay vẫn nghĩ, tôi có tiền thì tôi là thượng đế và không chịu tìm hiểu về quy định hàng không mà có thói quen nhờ vả”, ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã nói như vậy khi nói về văn hóa đi máy bay của người dân.

Nhiều người dân nghĩ rằng "Tôi có tiền thì tôi là thượng đế"

Máy bay hiện nay là phương tiện di chuyển được nhiều người lựa chọn vì tính tiện lợi, nhanh chóng của nó. Đây cũng là phương tiện giao thông cao cấp trong số những phương tiện hiện có tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên những chuyến bay, không ít những hành khách đã có hành động không mấy đẹp mắt. Đó là lý do khái niệm văn minh hàng không được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.

“Nhiều người Việt lười tìm hiểu nhưng luôn viện cớ: Tôi mới đi máy bay lần đầu nên không biết! - Ảnh 1.

Ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Văn minh hàng không cũng bao gồm những quy chuẩn ứng xử xã hội thông thường. Bởi vậy, việc hành khách hành xử thiếu văn hóa khi đi máy bay trước hết sẽ tạo ra hình ảnh không đẹp cho chính hành khách đó. Ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời gian gần đây liên tục xuất hiện những hình ảnh "xấu xí" của một bộ phận người Việt khi lựa chọn di chuyển bằng máy bay như: cởi trần, gác chân lên ghế trước, có hành vi thô lỗ… gây phản cảm, để lại ấn tượng xấu trong mắt mọi người và du khách.

"Tồn tại những điều đó theo tôi nguyên nhân có nhiều nhưng phần lớn do bản thân người đó có trình độ văn hóa thấp. Trước đây, những người có thu nhập cao thì mới đủ sức mua vé máy bay để di chuyển nhưng giờ đây thế giới phát triển nhanh hơn, các loại hình kinh tế phát triển mạnh hơn cho nên ra đời các loại hình hàng không giá rẻ.

“Nhiều người Việt lười tìm hiểu nhưng luôn viện cớ: Tôi mới đi máy bay lần đầu nên không biết! - Ảnh 2.

Ông Sơn cho rằng những hình ảnh như thế này sẽ gây phản cảm với nhiều người khác.

Chẳng hạn, bay một chuyến từ Hà Nội sang Singapore bây giờ, có khi không bằng một nửa giá ngày trước bay vào TP. HCM. Vì thế, rất nhiều người dân lựa chọn dịch vụ hàng không giá rẻ. Có thể nhận định, văn hóa của người tham gia hàng không có nhiều cấp độ khác nhau từ trí thức cũng có, sinh viên, học sinh, đến cả người lao động tự do… Trình độ văn hóa thấp là một trong những nguyên nhân chính gây nên những hành động ứng xử không đẹp", ông Sơn cho hay.

Theo ông Sơn, những hành vi phản cảm còn tồn tại thời gian qua đã ít nhiều gây ra hình ảnh xấu trong mắt mọi người và du khách nước ngoài. "Những hành vi, cũng như cách ứng xử chưa đúng sẽ gây phản cảm đối với cộng đồng người đi cùng chuyến bay với mình. Ngoài ra, việc đó để lại ấn tượng không tốt đối với cả hành khách nước ngoài, họ sẽ đánh giá văn hóa của Việt Nam chưa được đẹp".

“Nhiều người Việt lười tìm hiểu nhưng luôn viện cớ: Tôi mới đi máy bay lần đầu nên không biết! - Ảnh 3.

Hình ảnh vụ đánh ghen trên máy bay khiến chuyến bay bị lỡ 28 phút. Hậu quả của sự hiểu lầm tai hại này là mỗi người chịu mức phạt 7,5 triệu đồng.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, không chịu học hỏi, tìm hiểu những quy định khi đi máy bay cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những hình ảnh chưa đẹp.

"Ở các nước phát triển, hành khách đến sân bay thường chú ý quan sát, nhìn bảng biển, đọc hướng dẫn rồi thực hiện. Còn người Việt Nam có điều rất đặc thù là vừa đến, chưa xem bảng biển hướng dẫn mà cứ thấy người nào mặc áo đồng phục nhân viên là ra hỏi luôn, đa phần không chịu tìm hiểu", ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng, hơn 10 năm nay, những vụ việc xảy ra liên quan đến trật tự tàu bay, ứng xử văn hóa đã có rất nhiều trường hợp bị xử phạt và báo chí đã từng phản ánh nhưng dường như không thấm sâu vào tâm trí mỗi người.

"Ví dụ là khi người dân ra nước ngoài vốn ngoại ngữ kém, bên kia yêu cầu cởi thắt lưng là tuân thủ ngay. Nhưng trong nước, khi nhân viên hàng không yêu cầu cởi thắt lưng… thì phản ứng, có trường hợp phản ứng rất gay gắt. Họ nghĩ rằng tôi có tiền thì tôi là thượng đế nhưng lại không hiểu đủ nghĩa của từ thượng đế", ông Sơn chia sẻ.

Đa phần người dân có thói quen hỏi mà không chịu tự tìm hiểu

Ông Sơn cũng chỉ ra rằng, trước khi đi máy bay, mọi người nên tìm hiểu các quy định hàng không. Tuy nhiên số người tìm hiểu thông tin về các quy định rất ít, đa phần là họ sẽ hỏi han, yêu cầu nhân viên huớng dẫn và dần dà biến thành thói quen.

“Nhiều người Việt lười tìm hiểu nhưng luôn viện cớ: Tôi mới đi máy bay lần đầu nên không biết! - Ảnh 4.

Hành khách la hét, gào khóc trên máy bay khiến cho nhân viên hàng không phải trói tay lại để khống chế và đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

Đồng quan điểm với ông Sơn, một chuyên gia hàng không (xin được giấu tên) cho rằng, nhiều người Việt không chịu tìm hiểu khi đi máy bay và viện lý do: "Tôi mới đi máy bay lần đầu nên không biết". Vô hình trung những lý do đó tạo thành thói quen xấu cho người khác học theo".

Theo vị chuyên gia này, vấn đề cũng tồn tại thêm nữa đó là việc ý thức của một bộ phận người khi đi máy bay chưa tốt. "Chẳng hạn có quy định việc khách hàng được mang tối đa 7kg hành lý lên tàu bay vì ngăn đựng hành lý đã có quy chuẩn chung nhưng nhiều người mang quá số lượng đến 2 - 3 kg. Khi hỏi thì họ bảo mang thêm một vài cân đáng gì, nhưng nếu ai cũng mang thêm như vậy thì những người đi sau họ sẽ không còn chỗ nữa. Từ chuyện nhỏ đó cũng có thể gây ra những việc không hay".

Làm sao để mọi người hiểu được câu chuyện về văn hóa máy bay? Câu hỏi đó cũng khiến ông Sơn tỏ ra băn khoăn. Ông cho rằng, việc trước tiên cần làm là tuyên truyền quy định pháp luật của hàng không để mọi người không vi phạm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu những thông tin liên quan đến hàng không cũng như kiểm soát hành vi của mình làm sao cho có văn hóa.

Ông Sơn cho biết, Cục Hàng không Việt Nam luôn chú trọng trong công tác tuyên truyền để mọi người hiểu được văn hóa hàng không. Đầu năm 2016, Cục Hàng không Việt Nam đã biên soạn một cuốn sổ tay cho hành khách để mọi người hiểu được cần làm những gì khi đi máy bay.

Hơn nữa, ở trình độ văn hóa nào thì sẽ đưa ra quy tắc ứng xử tương ứng, còn nếu áp dụng quy chuẩn như các nước văn minh vào thực hiện sẽ có nhiều bất cập.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày