Nhiều người bàn tán về màu áo của các bị cáo trong phiên toà xét xử Văn Kính Dương: Luật quy định thế nào về trang phục hầu toà?

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 12/05/2019

Trong các phiên toà xét xử trùm ma tuý Văn Kính Dương và các đồng phạm, mỗi ngày các bị cáo đều mặc một trang phục khác nhau. Nhiều người còn cho rằng màu áo của Văn Kính Dương trong một buổi xét xử khá sặc sỡ, làm giảm tính nghiêm minh. Luật quy định thế nào về trang phục ra tòa của bị cáo?

Vừa qua TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý do Văn Kính Dương cầm đầu. 

Có tất cả 10 bị cáo trong đường dây ma tuý bị đưa ra xét xử gồm Văn Kính Dương, Vũ Hoàng Anh Ngọc (Ngọc Miu), Lê Văn Mang, Phạm Bảo Quân, Nguyễn Đức Kỳ Nam và Nguyễn Bá Thành, Lê Hương Giang, Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Đắc Huy, Phạm Thị Thu Huyền. 

Trong 3 ngày xét xử, ngoài những tình tiết nổi bật qua lời khai của các bị cáo và lời bào chữa từ phía luật sư, việc trang phục của Văn Kính Dương và đồng phạm trong phiên tòa này cũng khiến nhiều người chú ý và đặt câu hỏi.

Theo đó, mỗi ngày xét xử các bị cáo đều mặc một trang phục khác nhau. Thậm chí, có bị cáo thay đổi trang phục sau mỗi buổi hầu toà. Các bị cáo chủ yếu mặc trang phục áo thun, quần jean, dép tông khá thoải mái khi đến toà.

Nhiều người bàn tán về màu áo của các bị cáo trong phiên toà xét xử Văn Kính Dương: Luật quy định thế nào về trang phục hầu toà? - Ảnh 1.

Có bị cáo trong mỗi buổi xét xử lại mặc 1 trang phục khác nhau, chủ yếu là áo phông, quần jean.

Nhiều người bàn tán về màu áo của các bị cáo trong phiên toà xét xử Văn Kính Dương: Luật quy định thế nào về trang phục hầu toà? - Ảnh 2.

Ông trùm Văn Kính Dương với màu áo sặc sỡ khiến nhiều người thắc mắc liệu có phù hợp với sự trang nghiêm chốn công đường, và luật pháp quy định như thế nào về việc này?

Vào năm 2010, thời điểm dư luận rúng động về vụ án Nguyễn Đức Nghĩa sát hại bạn gái tại chung cư ở Hà Nội rồi phân xác phi tang, tên hung thủ này khi hầu toà đã mặc áo phạm nhân sọc trắng đen. Nhiều người thắc mắc, liệu có phải các bị cáo trong vụ án ma tuý của Văn Kính Dương phạm tội ít nghiêm trọng nên được mặc thường phục?

Nhiều người bàn tán về màu áo của các bị cáo trong phiên toà xét xử Văn Kính Dương: Luật quy định thế nào về trang phục hầu toà? - Ảnh 3.

Nguyễn Đức Nghĩa mặc đồng phục phạm nhân hầu toà hồi tháng 7/2010. Ảnh: Zing

Xét theo hành vi và khung hình phạt phù hợp với hành vi của các bị cáo trong vụ án của ông trùm ma tuý Văn Kính Dương, tội của các bị cáo là không hề ít nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo trong vụ án này bị VKS đề nghị thấp nhất là 20 năm tù, cao nhất là tử hình. Trong số 10 bị cáo này thì có 6 người bị đề nghị tử hình.

Như vậy, việc các bị cáo mặc thường phục hay áo phạm nhân khi hầu toà không hề liên quan đến mức độ hay tính chất hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra.

Cách đây 15 năm, các bị cáo khi ra trước vành móng ngựa, dù bị tạm giam hay không, đều xuất hiện với "trang phục tù nhân" là bộ đồng phục trại giam sọc trắng đen. Với bộ này, xã hội mặc nhiên nhìn bị cáo với con mắt của một tù nhân, dù có thể bị cáo được tuyên vô tội, phóng thích ngay tại toà. 

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, trước khi bị tòa tuyên án và bản án của tòa có hiệu lực thì không ai được coi là người có tội. Theo đó, bộ đồng phục sọc trắng đen mà các bị cáo mặc trước tòa bị cho là nhìn rất phản cảm. 

Luật pháp cho phép các bị cáo được mặc thường phục, chỉ cần đảm bảo tính trang nghiêm.

Vì vậy, vào ngày 24/12/2004 một nghị quyết mới ra đời để xoá bỏ việc áp đặt cho bị cáo mặc trang phục tù nhân khi hầu toà.

Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 743 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào năm 2004 nêu rõ: Tại phiên toà xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải bảo đảm sự trang nghiêm; bị cáo là quân nhân tại ngũ sử dụng quân phục thường dùng, nhưng không đeo quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu.

Bị cáo là người đang chấp hành hình phạt tù khi ra phiên toà thì sử dụng trang phục dành riêng cho họ theo quy định của Chính phủ. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 29/1/2005.

Về việc áp biện pháp ngăn chặn là xích chân khi dẫn giải, theo quy định, được dùng đối với các bị cáo được cho là phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm. Quy định này được áp dụng theo quyết định 810/2006/QĐ-BCA-C11 của Bộ Công An.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày