Gặp cô gái chuyển giới gây chú ý trong So you think you can dance mùa 4

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 03/08/2015

Ở vòng casting khu vực TP.HCM của "So You Think You Can Dance 4", sự xuất hiện của Quốc Trí khiến giám khảo và khán giả ấn tượng. "Trước đây hơn một năm việc thoải mái nói ra giới tính của mình là rất khó, nhưng nay thì khác, em có thể tự tin nói cho một đứa con nít biết rằng em là con gái!", Quốc Trí chia sẻ với giám khảo sau phần thi.

Nếu bạn tình cờ gặp một cô gái tóc ngắn, đeo khuyên tai, mặc áo thun rộng, phong cách như một cô nàng tomboy chính hiệu đến mức người ta lầm tưởng đó là một người đồng tính nữ, thì có thể người bạn gặp đó chính là Trần Lê Quốc Trí, một người nam chuyển giới nữ.

1-cbc03
Trần Lê Quốc Trí, cô gái chuyển giới có phong cách bụi bặm, cá tính như một cô nàng tomboy.

Quốc Trí sinh năm 1997, quê Phan Thiết. Ba năm trước, Trí đã vào Sài Gòn để theo đuổi bộ môn nghệ thuật múa đương đại và cũng là để thoát khỏi sự kỳ thị ngay tại quê hương mình. Dù là người chuyển giới nữ nhưng bạn bè trong cộng đồng LGBT hầu như chưa bao giờ thấy Trí mặc váy, cô cũng không thích để tóc dài hoặc trang điểm quá lòe loẹt, tuy vậy, khi trò chuyện và nghe cô tâm sự, mọi người dường như thấy được một cô gái có tâm hồn mỏng manh, e thẹn ẩn đằng sau vẻ ngoài bụi bặm và lạnh lùng của Trí.

Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện với cô gái chuyển giới vừa tròn 18 tuổi này ngay sau khi cô ấy vừa giành được tấm vé vàng để đi tiếp vào vòng sau trong chương trình truyền hình thực tế "Thử thách cùng bước nhảy - So You Think You Can Dance" mùa thứ 4.

150729tvSYT44-714ea

150729tvSYT41-714ea
Những hình ảnh của Quốc Trí trong đợt ghi hình Vòng Audition khu vực phía Nam diễn ra tại nhà hát Bến Thành ngày 29/7.

150729tvSYT43-714ea
 Trí nhận được cả 3 sự đồng ý của ban giám khảo để nhận lấy tấm vé bước vào vòng bán kết của chương trình.

Xin chào Quốc Trí, bạn có thể chia sẻ lý do vì sao lại quyết định rời ghế nhà trường để theo đuổi đam mê trở thành diễn viên múa không? Đã bao giờ bạn thấy hối tiếc khi việc học của mình dang dở?

Nếu bạn biết mình đã phải trải qua những gì trong trường học, bạn sẽ thấy quyết định của mình là điều nên làm. Ở quê mình, mọi người ít tiếp cận với internet, họ vẫn còn cái nhìn khắt khe với những người thuộc cộng đồng LGBT, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Ngay những năm tiểu học, mình đã bị bạn bè chê cười, gọi là "thằng bê-đê", biến thái, thậm chí bị bạn bè chặn đánh ngay trước cổng trường học, chẳng vì lý do gì cả. Những lúc đó mình chỉ biết trốn vào một góc rồi khóc. Ngày nào đến trường cũng là một ngày tồi tệ, kinh khủng và đầy nước mắt, không một ai đứng ra bênh mình cả. Cho đến năm lớp 7, mình vẫn bị miệt thị, xúc phạm nặng nề, một số thầy cô phân biệt đối xử với mình chỉ vì cho rằng mình là một học sinh không-bình- thường.

3-473ee

Mình nghĩ, chắc vì mình không cư xử bình thường như một đứa con trai mà luôn e dè, rụt rè, yểu điệu như con gái, nên mới phải chịu những điều như thế. Mình cũng còn quá nhỏ để biết cách phản kháng lại những câu nói xúc phạm đó từ bạn bè, chỉ âm thầm chịu đựng. Một đứa trẻ dù học dốt, dù không được lòng thầy cô, thì nó vẫn còn bạn bè và vẫn còn muốn đến trường để hòa nhập trong thế giới của nó. Nhưng mình chẳng có ai cả, một vài bạn nữ thông cảm nhưng cũng không thể đưa mình ra khỏi sự cô lập từ tất cả những người khác. Đến năm lớp 9, vì không chịu nổi những điều đó, mình xin mẹ rút học bạ và bỏ dở việc học từ đó. Một người chị thân với gia đình mình đã đưa mình lên Sài Gòn để học múa theo đam mê từ nhỏ của mình. Từ khi lên Sài Gòn, cuộc sống của mình bắt đầu sang trang mới.

Nhìn con mình bị bạn bè kỳ thị như thế, hẳn là bố mẹ của bạn rất đau xót? Họ đã biết bạn là người chuyển giới từ khi nào?

Bố mình đã mất từ khi mình được 3 tháng tuổi, mình được mẹ nuôi nấng từ nhỏ, nên mẹ rất hiểu và nhìn thấy những sự thay đổi "khác thường" của mình từng ngày. Mẹ kể, không hiểu sao ngày xưa khi đi chợ cùng mẹ, mình chỉ thích chọn mua những con búp bê, nơ cài tóc, bút chì có hình vẽ dễ thương như con gái. Mình không thích banh bóng và những món đồ chơi của con trai.

Khi đi mua quần áo với mẹ tại cửa hàng, mẹ chọn cho mình một cái áo rồi bảo mình cởi áo cũ ra để mặc thử áo mới, lúc đó mình chỉ mới 6,7 tuổi nhưng cương quyết không cởi áo mà phải vào phòng thay đồ vì mình thấy rất... ngại, dù mẹ cứ một mực nói: "Con trai mà sợ cái gì?". Mẹ đã thấy lạ từ đó nhưng đến năm 12 tuổi thì mẹ mới hỏi thẳng: "Con có bị bê-đê không?"

Mình không trả lời vì thực sự lúc đó mình chưa đủ hiểu biết, chưa đủ kiến thức và trưởng thành để biết mình là ai, mình muốn gì. Chỉ biết rất rõ là khi nhìn mình trong gương, mình thấy mình là một cô gái. Cách đây hơn 1 năm, mình mới biết mình được gọi là người chuyển giới nữ và mình gọi điện về nói sự thật với mẹ. Do mẹ đã lờ mờ đoán ra nên cũng không bất ngờ gì, mẹ chỉ chờ mình khẳng định điều đó một cách chắc chắn và có trách nhiệm với điều mình nói ra mà thôi.

Từ khi lên Sài Gòn và được theo đuổi đam mê của mình, bạn cảm nhận cuộc sống bây giờ như thế nào?

Có thể nói là rất ổn. Lên Sài Gòn, mình thi tuyển vào trường Trung cấp Múa TP. HCM. Xương mình từ nhỏ đã yếu, thể lực thì lại bị đánh giá là... yếu hơn cả nữ giới nên mình cứ tưởng đã rớt rồi nhưng may sao mình vẫn được xét tuyển vào trường vì tỷ lệ cơ thể hoàn hảo cho một diễn viên múa. Khi đậu vào trường, mình đã rất cố gắng và nỗ lực tập luyện, sau một năm, mình lọt vào Đoàn múa đương đại Arabesque.

5-473ee

Lúc trước mình vừa đi học, vừa là giáo viên dạy ngoại khóa môn múa nghệ thuật tại trường quốc tế Đinh Thiện Lý, quận 7. Gần đây vì không sắp xếp được thời gian nên mình nghỉ dạy và chỉ chuyên tâm tự học múa tại nhà, sinh hoạt trong nhóm múa của mình. Tuy nhiên xin việc khác tại thành phố này, với những người chuyển giới, đồng tính thật sự khá khó khăn. Mình đã thử xin rất nhiều việc nhưng không phù hợp, có vài chỗ ban đầu thì nhận vào làm nhưng về sau lại loại mình vì bảo nhìn mình... tiểu thư quá, không dám nhận!

Bạn có nghĩ đến chuyện sẽ đi phẫu thuật chuyển giới để có thân hình như một cô gái thực sự không?

Hầu như người chuyển giới nào cũng muốn đi phẫu thuật nhưng riêng mình thì không. Mình đã suy nghĩ, khi chuyển giới xong, trở về Việt Nam, mình được cái gì? Việc phẫu thuật để có thân hình nữ giới có giúp mình theo đuổi đam mê múa dễ dàng hơn không, hay chỉ đổi lấy sự thỏa mãn khi có một thân thể như ý? Nếu mình sống tốt thì việc chuyển giới chỉ là một phần trong cuộc sống thôi. Mình không quá quan trọng chuyện đó.

IMG_2198-89c83

Nhiều người chuyển giới nữ đều mong muốn có một ngoại hình nữ tính, đều thích tóc dài, mặc váy, trang điểm... Vì sao bạn lại chọn cho mình phong cách ăn mặc chỉ với áo thun và quần ngố?

Mình không thích mặc váy, mình quan niệm khi khoác lên người trang phục gì, thì nó phải hợp với bản thân, cá tính và hình thể của mình trước đã, mình không muốn nhìn vô mình trông... dị dạng. Mình muốn dù mặc đồ như thế nào thì mình cũng là một cô gái. Nếu như một người chuyển giới dựa vào chuyện ăn mặc, son phấn để nhận diện thì đó là... hóa trang chứ không phải chuyển giới nữa. Nhận biết một cô gái không phải nhận biết trên quần áo hay son phấn.

Ngoại hình mình như thế, nhưng tâm lý mình thì như một cô gái. Trước mặt bạn bè, mình vẫn là mình, nhưng trước mặt người mình thích, mình rụt rè, e thẹn như một cô gái vậy.

4-473ee

Vậy bạn đã tìm được tình yêu đích thực của mình chưa?

(Cười) Chuyện tình yêu của những người chuyển giới đều là những chuyện tình buồn, bạn ạ! Vì đa số mọi người như mình đều chỉ yêu đơn phương. Bởi vì những chàng trai thì thích những cô gái, những chàng gay thì thích gay, mà người chuyển giới nữ như mình thì hầu như đều thích "trai thẳng" hoặc gay trong khi họ lại không thể yêu những người chuyển giới như chúng mình.

Hiện giờ mình cũng yêu đơn phương một anh nhưng không dám nói ra vì sợ mất đi một người bạn. Cứ âm thầm quan tâm và theo dõi người ấy từng ngày thôi.

Cảm ơn Trí về buổi trò chuyện và chúc bạn luôn hạnh phúc với con đường mình đã chọn.