Nhân vật của Glee Việt còn thiếu những điều này để trở nên hay ho hơn!

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 13:49 24/10/2017

Là một dự án tiềm năng, lại phải so sánh với một công thức gần như đi vào huyền thoại của bản gốc, Glee Việt Nam còn thiếu quá nhiều để có thể chinh phục khán giả.

Trong tập vừa rồi của Glee Việt, CLB Glee đã có một chương trình bán bánh để gây quỹ. Kết quả lần đầu tiên là họ chỉ bán được duy nhất một cái. Và nếu giả sử như toàn bộ vai diễn trong Glee là những chiếc bánh, thì họ còn thiếu những gì mà khiến khán giả chưa hứng thú như vậy.

Minh Ánh (Cindy V) – Thiếu muối

Nhân vật của Glee Việt còn thiếu những điều này để trở nên hay ho hơn! - Ảnh 1.

Dù chỉ là thành phần nhỏ xíu trong một công thức bánh, nhưng nếu không có muối, bánh sẽ khó để đậm đà. Vai diễn Rachel trong bản gốc là nhân vật đinh của Glee. Rachel tạo được ấn tượng với khán giả không chỉ bởi giọng hát, mà bởi cả thần thái trong diễn xuất. Mà điều này thì Minh Ánh lại hoàn toàn chưa có. Mỗi lần xuất hiện, Minh Ánh luôn mang theo vẻ mặt không cảm xúc đến phát mệt.

Nhân vật của Glee Việt còn thiếu những điều này để trở nên hay ho hơn! - Ảnh 2.

Cộng thêm đó là giọng nói như học sinh cấp 1 đọc bài. Khán giả thực sự phát bực mỗi khi Minh Ánh trình bày một vấn đề gì đó bởi giọng nói kéo dài cả chục cây số mới dứt của cô. Kể cả những tình huống gây hài, nhưng vào tay Minh Ánh thì nó lại thành một chuyện hài nhạt nhẽo mà người ta vẫn hay gọi là "thiếu muối". Lần duy nhất mà khán giả thấy ưng với diễn xuất của cô, có lẽ là khi được uống "thần dược" của Thảo Trang phát. Thiết nghĩ, Minh Ánh nên xin Thảo Trang cho mình nhiều nhiều để dùng dần.

Hạ Quyên (Angela Phương Trinh) – Thiếu đường

Vào vai một cô nàng đội trưởng đội cổ vũ, Hạ Quyên khá thành công khi xây dựng được sự hững hờ, lạnh nhạt với mọi người. Đây vừa là điểm cộng, vừa là điểm trừ của Hạ Quyên. Đồng ý rằng, phải có được khí chất như thế mới tương xứng với chức danh Queen Bee ở trường. Nhưng nếu với người yêu mà vẫn có thái độ như vậy, thì tình yêu ấy có vẻ hơi nhạt. Trong cách biểu lộ của mình, người ta thấy nhiều những sự ve vãn hơn là tình cảm mà Hạ Quyên dành cho Đăng Phương.

Nhân vật của Glee Việt còn thiếu những điều này để trở nên hay ho hơn! - Ảnh 3.

Đối với một chiếc bánh ngon, nếu như chỉ có vẻ ngoài đẹp, dĩ nhiên sẽ thu hút người thưởng thức. Nhưng ngay khi ăn được một miếng, họ sẽ thấy lợn cợn và dừng lại. Đối với vai diễn Hạ Quyên cũng vậy. Bằng kinh nghiệm diễn xuất từ nhỏ của mình, Angela Phương Trinh tạo được sự chú ý khi Glee công bố dàn diễn viên, nhưng cô lại đang gây thất vọng cho khán giả. Hơn thế, điều mà Angela đang làm chưa tốt nhất, chính là khoản ca hát. Vẫn biết cô đầu tư hơn về vũ đạo để át được giọng hát không xuất sắc. Nhưng khi tham gia một bộ phim ca nhạc, cô cần thời gian luyện kĩ càng hơn.

Đăng Phương (Rocker Nguyễn) – Thiếu lửa

Thiếu lửa ở đây không chỉ là được tôi luyện chưa kĩ, mà là thiếu nhiệt huyết trong diễn xuất tại Glee. Có thể Rocker Nguyễn đã có một số kinh nghiệm góp nhặt từ những vai diễn trước đó, nhưng với vai diễn Đăng Phương thì anh lại chưa thể hiện thực sự tốt.

Nhân vật của Glee Việt còn thiếu những điều này để trở nên hay ho hơn! - Ảnh 4.

Đăng Phương vs. Finn

Khi vai diễn Finn về Việt Nam, không ít khán giả đã nhận xét rằng, vẻ ngoài có phần ngây thơ của Rocker hoàn toàn không hợp với nụ cười nhếch mép mà anh đang cố thể hiện (không chỉ trong Glee Việt). Hơn thế, Finn không có thái độ như vậy trong diễn xuất. Có lẽ, Rocker Nguyễn nên xem xét lại về cách Việt hóa Finn. Trong cách tiếp nhận sự quan tâm từ Minh Ánh, người ta vẫn thấy Đăng Phương đang có vẻ hách dịch và ban phát sự đồng ý hơn là một sự đồng cảm. Còn đối với thái độ dành cho Hạ Quyên, anh cũng chưa thực sự là một người yêu tốt.

Phi Long (Hữu Vi) – Thiếu nước

Khá khen cho mái tóc, làn da và cả gu thời trang của Hữu Vi khi xuất hiện trong Glee. Thậm chí cả diễn xuất cũng tốt hơn nhiều so với những gì người ta nghĩ. Nhưng có những điểm mà Hữu Vi chưa thể đem đến cho nhân vật Phi Long. Vẫn còn kiểu nói nhát gừng, giật cục nghe đến bực mà anh chưa thay đổi.

Nhân vật của Glee Việt còn thiếu những điều này để trở nên hay ho hơn! - Ảnh 5.

Vài tập gần đây, Phi Long đã thoát xác để trở thành một anh chàng lãng tử hơn, nhẹ nhàng hơn. Nhưng những cái trợn mắt, những cách gọi các bạn diễn thì người ta vẫn cảm nhận được của riêng bản thân Hữu Vi. Mà điều này thì Noah lại không hề thể hiện. Bởi Noah được khắc họa là nhân vật có khả năng cân bằng giữa kiêu ngạo, đáng ghét và hồn nhiên, dễ thương. Nếu như nhân vật Phi Long được bơm thêm chỉ một chút mềm mại trong diễn xuất, hẳn sẽ tuyệt vời hơn.

Cả dàn diễn viên còn lại – Thiếu topping

Nhân vật của Glee Việt còn thiếu những điều này để trở nên hay ho hơn! - Ảnh 6.

Sở dĩ nói như vậy là bởi với mỗi chiếc bánh, topping là thứ làm nên bản sắc riêng cho loại bánh đó. Mà với Glee Việt Nam thì "đầu bếp" Nguyễn Phan Quang Bình lại bỏ quên điều đó. Là một bản remake, Glee đang quá chú trọng đến việc "copy", chứ chưa tạo được nét đặc biệt cho bộ phim.

Điều này thể hiện rất rõ trong việc biên tập lời thoại rất cứng nhắc. Không thể nào quên được những đoạn thoại phát ớn của cô Lan Phương, của Minh Ánh hay của cặp đôi Đăng Phương – Hạ Quyên, và cả những triết lý của cô Hạ Vi nữa. Cùng với đó là những phân cảnh dựng y đúc không khác tí nào so với bản gốc. Remake không có nghĩa là copy lại, mà là phải làm lại, và phải làm thế nào cho nó giữ được nét cũ nhưng vẫn có điểm mới, để người ta thấy tò mò mà xem những tập tiếp theo.

Tóm lại, là một mẻ bánh mới, lại phải so sánh với một công thức gần như đi vào huyền thoại của bản gốc, Glee Việt Nam còn thiếu quá nhiều để có thể chinh phục khán giả. Giả như Glee Việt có nhiều thời gian hơn để chăm chút cho kịch bản, để diễn viên hiểu mình đang tạo ra một nhân vật mới chứ không phải diễn lại một bộ phim khác thì có lẽ đã hấp dẫn hơn rất nhiều.

Vẫn biết sau những thành công của rất nhiều bộ phim cả điện ảnh lẫn truyền hình trong thời gian vừa qua, khán giả đã phần nào bắt đầu hứng thú với điện ảnh nước nhà. Nhưng, phải thực sự hay ho thì mới có thể sống giữa cái thời đại mà có quá nhiều sự lựa chọn mỗi khi người ta quyết định ấn nút "Play" hoặc dừng lại ở một kênh nào đó.