Ted Osius và Clayton Bond gặp nhau trong buổi tiệc của những nhà ngoại giao chuyên nghiệp thuộc cộng đồng LGBTQI tại Mỹ. Bài viết này sẽ khắc họa hành trình của họ trong suốt mười bốn năm qua, gặp gỡ, yêu nhau, kết hôn và đặc biệt khi làm cha của hai thiên thần nhỏ.
Nhà mình có Dada và Papa: Tổ ấm đặc biệt của 2 ông bố đồng tính giữa Sài Gòn! - Ảnh 1.

Chúng tôi đến thăm gia đình Ted Osius và Clayton Bond vào một chiều chủ nhật. Trái với hình ảnh lịch lãm, sang trọng trong những bộ vest đắt tiền, họ chào đón chúng tôi với combo quần jeans, áo thun và nụ cười rạng rỡ trên môi. Thật khó để người lần đầu tiếp xúc nhận ra đây chính là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp hàng đầu nước Mỹ.

Nằm trong một khu dân cư sang trọng, ngôi nhà của hai vị đại sứ lại gần gũi và ấm áp đến lạ thường. Những khung ảnh gia đình được tận dụng treo một cách tối đa, trong phòng khách, trên tường nhà và cả lối cửa ra vào. Ngôi nhà đem đến sự thoải mái, không chỉ bởi cách bài trí mà còn bởi các khối đồ chơi rực rỡ sắc màu của hai thiên thần nhỏ là Tabo và Lucy.

Tabo là đứa trẻ đầu tiên được Ted và Clayton nhận nuôi. Cậu bé có đôi mắt to, tròn, hơi nhút nhát khi gặp người lạ và rất hay làm nũng cha mình. Trái với anh ruột, cô bé Lucy 3 tuổi với mái tóc xoăn tít lại tinh nghịch và dạn dĩ hơn hẳn. Ôm Tabo và Lucy trong vòng tay, hai người bố vừa cho chúng tôi xem những bức ảnh kỷ niệm, vừa kể lại hành trình suốt mười bốn năm giữa hai người, từ gặp gỡ, yêu nhau, kết hôn đến khi trở thành cha.


Nhà mình có Dada và Papa: Tổ ấm đặc biệt của 2 ông bố đồng tính giữa Sài Gòn! - Ảnh 3.

Cách đây 14 năm, Ted Osius gặp Clayton Bond lần đầu trong một buổi tiệc tổ chức riêng cho những nhà ngoại giao thuộc cộng đồng LGBTQI. Trong gian phòng rộng lớn đó, họ ngồi đối diện và nhìn thấy nhau. Lần đầu Clayton chú ý đến Ted là khi ông bắt gặp ánh mắt người kia đang chăm chú nhìn mình, chăm chú đến mức khiến chàng trai Clayton ngày ấy bối rối và tự hỏi bản thân đã làm gì sai.

Nhà mình có Dada và Papa: Tổ ấm đặc biệt của 2 ông bố đồng tính giữa Sài Gòn! - Ảnh 4.

Như có một sức mạnh vô hình của vũ trụ, Ted và Clayton quyết định đến làm quen với nhau vào giờ giải lao. Buổi tiệc có sự xuất hiện của nhiều chính trị gia và nhà ngoại giao điển trai nhưng cả hai nhận ra mình bị thu hút đặc biệt bởi người còn lại. Ted để lại chiếc xe đạp mình hay đi tại buổi tiệc và cùng Clayton tản bộ về nhà. Cuộc nói chuyện đầu tiên trên đoạn đường hôm ấy thật bình yên và dễ chịu. Đến khi nói lời tạm biệt trước cửa nhà Clayton, Ted hiểu rằng mình phải tìm cách gặp lại chàng trai này một lần nữa.

Tuy không trao đổi số điện thoại, Ted và Clayton vẫn dễ dàng liên lạc với nhau thông qua một đồng nghiệp trong cơ quan ngoại giao. Ted đã gọi cho Clayton trước, và buổi hẹn hò đầu tiên diễn ra tự nhiên như tình cảm của họ.

Ban đầu, cả hai chưa hề có ý niệm tính toán chuyện lâu dài. Thế nhưng, chỉ  sau sáu tháng bên cạnh nhau, họ quyết định đeo lên tay chiếc nhẫn đính ước, thể hiện cam kết và trách nhiệm với người còn lại. Không lâu sau đó, cả hai tiến đến hôn nhân. Tuy đều là người Mỹ, Ted và Clayton lại tổ chức đám cưới đầu tiên ở Vancouver (Canada) do thời điểm đó chỉ có quốc gia này hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Sáu tháng sau, vào tháng 7/2006, cả hai tổ chức một buổi tiệc đính ước nhỏ bên gia đình và bạn bè thân thiết tại quê nhà. Hai người đã đọc lời thề nguyện, hứa cùng nhau trải qua những niềm hạnh phúc cũng như những sóng gió, khó khăn nhất trong quãng đời còn lại. Và cứ như vậy, họ đã vun vén và xây dựng cuộc hôn nhân đó bền bỉ suốt 12 năm qua.

img
img
img

Cuộc hôn nhân giữa hai người đàn ông lúc bấy giờ là một điều vô cùng khó chấp nhận, kể cả với một xã hội vô cùng tiên tiến như Mỹ. Chàng trai Clayton khi ấy không nhận được sự ủng hộ của cả cha lẫn mẹ. Tuy vậy, họ vẫn quyết định chọn tình yêu và sống thật với bản thân mình. Khi được làm bản thân mình, con người vẫn có thể hạnh phúc dù không nhận được sự ủng hộ của gia đình hay mọi người xung quanh.

Sau khi kết hôn, cả hai tiếp tục làm công việc ngoại giao chuyên nghiệp tại các nước như Ấn Độ, Indonesia và Mỹ. Khi công việc và đời sống hôn nhân ổn định cũng là lúc Ted muốn thực hiện ước mơ suốt 20 năm của mình: trở thành một người cha.


Nhà mình có Dada và Papa: Tổ ấm đặc biệt của 2 ông bố đồng tính giữa Sài Gòn! - Ảnh 6.

Có con luôn là niềm ao ước và mong mỏi lớn nhất của Ted Osius. Không lâu sau khi kết hôn, ông đã bàn bạc điều này với Clayton và cả hai bắt đầu tìm kiếm cơ hội có con từ lúc đó. Họ đã quyết định chọn cách nhận xin con nuôi thay vì mang thai hộ, vì theo Ted, điều duy nhất mà thế giới thiếu không phải là trẻ con mà là tình yêu thương và sự chăm sóc dành cho trẻ em trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, nỗ lực liên lạc với các trung tâm nhận con nuôi của Ted và Clayton không đem lại kết quả trong suốt thời gian dài. “Có lẽ vì hồ sơ lý lịch của chúng tôi không đủ để các bà mẹ tin tưởng”, Clayton bình thản nói, “nhưng cũng có thể do định mệnh sắp đặt sẵn như vậy rồi.” Những điều tốt đẹp nhất luôn đến khi con người ít mong chờ nhất, và hạnh phúc cuối cùng cũng đã gõ cửa cả hai, theo một cách bất ngờ và kịch tính nhất.

Nhà mình có Dada và Papa: Tổ ấm đặc biệt của 2 ông bố đồng tính giữa Sài Gòn! - Ảnh 7.

Đó là một ngày bình thường trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh của hai nhà ngoại giao. Khi ấy, Ted và Clayton đang trên một chuyến bay để thăm người bạn ở nước khác. Đến khi dừng chân quá cảnh, họ bất ngờ khi nhận được hàng chục cuộc gọi đến từ bạn bè và người thân trong gia đình. "Trung tâm cho nhận con nuôi đã liên lạc với hai anh mấy lần mà không được. Có một đứa trẻ đang cần được nhận nuôi. Nếu hai anh quan tâm thì gọi cho họ ngay nhé.” Ted lặp lại rõ ràng từng từ từng chữ mà ông nghe được trong cuộc đối thoại định mệnh ấy.

Và như không thể nhanh hơn, cả hai đã liên lạc lại với trung tâm để xác nhận làm cha đứa bé. “Chính xác là tôi và Clayton đã gọi sớm mười phút trước khi cặp đôi tiếp theo liên lạc tới. Nên có thể nói rằng nếu chúng tôi không phản hồi nhanh như vậy thì đã không thể đón được Tabo về với gia đình. Đó là mười phút quyết định. Mười phút tạo nên mọi sự khác biệt.” Ted rưng rưng kể lại.

Cũng nhờ mười phút định mệnh ấy, niềm hạnh phúc thứ hai mang tên Lucy đã đến với cặp đôi. Một năm sau khi nhận nuôi Tabo, cả hai nhận được thông tin rằng mẹ đẻ của cậu mang thai lần nữa và mong muốn tiếp tục gửi gắm con gái cho gia đình. Với linh tính một người mẹ, bà tin rằng những đứa con của mình sẽ được yêu thương, được chăm sóc, học hành đầy đủ và mở mang tầm mắt hơn dưới vòng tay của Ted và Clayton. Sống chung dưới một mái nhà, Tabo và Lucy vẫn là một anh em, với ý nghĩa trọn vẹn nhất.

Trở thành cha mẹ là việc trọng đại và có sức ảnh hưởng nhất đến cuộc đời mỗi người, và điều này cũng đúng với cả hai người cha. Từ cảm xúc buồn bã, hồi hộp đến hạnh phúc tột độ khi nhận con, Ted và Clayton bỗng cảm thấy hoảng sợ. Từ hai cá nhân độc lập, cặp đôi phải học cách chịu trách nhiệm cho người khác - những cậu bé cô bé không có khả năng chăm sóc bản thân. “Tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi, nhưng đột nhiên một đứa trẻ xuất hiện trong gia đình và thế là có rất nhiều việc phải làm.” Ted chia sẻ về khoảng thời gian làm cha bỡ ngỡ ban đầu. Thậm chí, họ đã phải hỏi xin lời khuyên từ tất cả mọi nguồn, người thân trong gia đình, sách, báo và cả internet. Tuy nhiên cuối cùng, cả hai đã chọn lời khuyên từ em gái út của Ted, cũng chính là lời khuyên đơn giản nhất: “Trong năm đầu đời của đứa trẻ, bé chỉ cần ba điều: Cần được ăn no, cần được sạch sẽ, cần được yêu thương, và chỉ vậy là đủ.”  Với kinh nghiệm này, Ted và Clayton đã vượt qua những khủng hoảng ban đầu của việc làm cha để nuôi hai thiên thần Tabo và Lucy trở thành những đứa trẻ đáng yêu, kháu khỉnh.

img
img
img
img
img
img

Vốn là những người chịu ảnh hưởng lớn từ gia đình, Ted và Clayton nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong việc làm cha. Đối với Clayton, người cha chính là người thầy đầu tiên của con mình và phải có trách nhiệm hướng dẫn, chăm sóc và cung cấp tất cả những gì con cần để đứa trẻ trở thành người công dân tốt. Ông khẳng định đây là công việc mà không ai làm thay được, vì không một ai có thể yêu thương con, hiểu và gắn bó với con hơn chính cha mẹ của chúng. Chính vì vậy, Ted và Clayton luôn cố gắng thống nhất cách dạy con. Nếu Ted hiền và vui vẻ thì Clayton sẽ cứng nhắc hơn với những lời khuyên và quy tắc. “Lập tức đồng ý để làm con vui thì dễ thôi, nhưng cả bốn người chúng tôi sẽ phải trả giá nếu con không có kỷ luật.” Clayton tâm sự. Rồi Tabo và Lucy sẽ lớn, sẽ bắt đầu tự đi tìm hiểu, học hỏi bạn bè và thế giới xung quanh. Tuy vậy, bất cứ khi nào cả hai nhìn lại cũng sẽ nhớ đến bố của mình, nhớ đến những bài học đầu tiên về cách làm người tử tế, về tính lịch sự, ân cần và có trách nhiệm trong mọi công việc.

Giống như mọi gia đình bình thường, Tabo và Lucy vẫn cần sự chăm sóc từ những người phụ nữ. Những người phụ nữ như bà ngoại, bà nội, mẹ nuôi, cô giúp việc và những thành viên khác đã đem đến tình yêu thương và xóa đi khái niệm gia đình truyền thống trước đây đối với bọn trẻ. Clayton kể rằng, ông luôn trân trọng và muốn con mình hiểu về sự đa dạng trong gia đình: “Ừ, có rất nhiều bạn có bố và mẹ nhưng không phải ai cũng vậy. Gia đình là một sự kết hợp đa dạng, và không có gì sai khi có hai cha, hai mẹ, một cha, một mẹ hay tương tự vậy.” Chính vì vậy, mỗi khi Tabo và Lucy hỏi về mẹ mình, Ted Osius chỉ vui vẻ trả lời con rằng dù không có mẹ, con đã có cả Papa và Dada rồi. Và bằng một cách nào đó, đây chính là câu trả lời mà bọn trẻ cần.

Nhà mình có Dada và Papa: Tổ ấm đặc biệt của 2 ông bố đồng tính giữa Sài Gòn! - Ảnh 9.

Với đặc trưng công việc, thật sự rất khó để hai người cha có thể toàn tâm chăm sóc và nuôi dạy con mình. Bên cạnh những kỷ niệm vui vẻ, cả Ted lẫn Clayton đều có những nuối tiếc riêng với con. Ted kể rằng có một lần vì quá bận rộn mà cả hai phải đưa Tabo đi nhà trẻ dù thằng bé còn rất nhỏ. Sau hôm đó, cậu bé ốm nặng dù uống đủ mọi loại thuốc. Rất may mắn là qua nhiều nỗ lực, cặp đôi cũng tìm ra được loại thuốc điện giải để chữa cho con. Tuy vậy khi nhìn lại, vẫn không có điều gì trên đời khiến ông sợ hãi như cảm giác ngày hôm đó. Đối với Clayton, ông chỉ ước mình có thể dành nhiều thời gian bên cạnh Lucy trong năm đầu đời của con bé. Dù quá khứ là điều không thể thay đổi, Ted và Clayton vẫn giữ những ký ức trên như những bài học cảnh tỉnh, nhắc nhở bản thân phải luôn yêu thương và đặt việc chăm sóc con lên hàng đầu.

Ban đầu, có con là mong muốn lớn nhất của Ted, nhưng đối với Clayton bây giờ, không còn gì quan trọng hơn việc chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa trẻ đáng yêu này mỗi ngày. Con cái thường được xem như món quà tuyệt vời nhất trong đời mỗi người, và đối với hai người cha, Tabo và Lucy chính là cơ hội giúp họ hoàn thiện bản thân cũng như khám phá thêm về nửa kia. “Sau khi có con, tôi nhận ra một điều vô cùng quan trọng ở Clayton. Anh ấy là một người cha tuyệt vời. Anh ấy kiên nhẫn hơn tôi, vừa kiên nhẫn lại vừa kiên định trong việc dạy dỗ con cái. Tôi muốn con mình có tính cách tốt bụng, lịch sự và sống tình cảm như anh ấy. Thật lòng mà nói, tình yêu của tôi cho Clayton lớn hơn rất nhiều sau khi hai chúng tôi có con.” Ted nắm tay Clayton, nghẹn ngào nói “Không một ai, không một ai trên đời này khiến tôi tin tưởng hơn Clayton. Khi tôi gặp khó khăn trong quyết định, tôi muốn nghe suy nghĩ của Clayton, quyết định của Clayton. Chúng tôi cứ như vậy bên nhau suốt 12 năm đấy.”

Cách đây vài ngày, Lucy thấy Ted và Clayton ôm nhau. Cô bé hỏi có phải hai cha là bạn thân không, và đúng là họ là bạn thân thật. Từ lời nguyện ước cách đây 12 năm trong đám cưới chính thức ở Canada cho đến lời nguyện ước tại Mỹ 6 tuần sau đó và gần đây nhất vào năm 2015 ở Hà Nội, họ vẫn nắm tay nhau, cùng nguyện ước bên nhau tận hưởng niềm hạnh phúc và vượt quá những khó khăn, thử thách đến cuối cuộc đời. Mong rằng khi được lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến, Tabo và Lucy sẽ trở thành những công dân tốt,  tiếp tục lan tỏa giá trị tốt đẹp đến cộng đồng như hai cha của em đã làm.

img
img
img
img

Mỹ Nguyên Long
Thẩm Quỳnh Trân
nhatanhngx
KingPro
Theo Trí Thức Trẻ16.06.2018