Nhân đợt rét mướt nhất năm: Tại sao cứ khi nào trùm chăn kín cổ rồi chúng ta mới bắt đầu... buồn "hái hoa"?

J.D, Theo Helino 16:06 16/12/2017

Tất nhiên, mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó, và khoa học đã có lời giải cho chuyện này.

Theo như dự báo thời tiết công bố, 16/12 chính là ngày đầu tiên toàn miền Bắc đón đợt lạnh nhất năm. Trong đó, tại những khu vực thuộc vùng núi, nhiệt độ có thể xuống tới 1 độ C.

Hà Nội được dự đoán là khá hơn, nhưng nhiệt độ cũng xuống mức xấp xỉ 10 độ C, thậm chí còn giảm mạnh hơn sau đêm ngày 16.

Trong tiết trời rét mướt, chẳng có gì sung sướng hơn khi được cuộn tròn trong chăn ấm nệm êm. Nhưng có một câu chuyện như thế này: bạn đánh răng rửa mặt xong xuôi, lao lên chiếc giường êm ái, cuộn mình lại trong chăn ấm. Mọi thứ rất hoàn hảo cho một giấc mộng đẹp, cho đến khi bạn đột nhiên... mắc tiểu.

Nhân đợt rét mướt nhất năm: Tại sao cứ khi nào trùm chăn kín cổ rồi chúng ta mới bắt đầu... buồn hái hoa? - Ảnh 1.

Tại sao?????

Dám chắc không ít người trong chúng ta đã từng trải qua cảm giác này. Tại sao phải đợi lúc chui vào chăn rồi "ông" bàng quang mới bắt đầu "giở quẻ"? Mà quan trọng hơn lại là giữa đêm đông?

Mọi chuyện đều có nguyên do của nó

Hiện tượng này được gọi là "lợi tiểu mùa lạnh" - cold diuresis, và nguyên nhân gây ra nó vẫn chưa được khoa học xác nhận.

Nhân đợt rét mướt nhất năm: Tại sao cứ khi nào trùm chăn kín cổ rồi chúng ta mới bắt đầu... buồn hái hoa? - Ảnh 2.

Giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất đến thời điểm hiện tại là vào mùa lạnh, các mạch máu trong cơ thể sẽ thít chặt lại để giảm nhiệt lượng thoát ra, và điều này khiến máu chảy lên bề mặt da ít đi.

Huyết áp sẽ tăng, vì cùng một lượng máu ấy phải lưu thông qua những không gian hẹp hơn. Lúc này, thận sẽ phản ứng lại, tiết ra nhiều chất lỏng hơn để hạ huyết áp, và nó khiến bạn buồn tiểu. 

"Bàng quang quá đầy cũng là lý do khiến cơ thể mất nhiệt nhanh hơn, nên bạn cần phải giải phóng nó để giữ nhiệt" - theo Rick Curtis, giám đốc chương trình thể thao của ĐH Princeton.

Nhân đợt rét mướt nhất năm: Tại sao cứ khi nào trùm chăn kín cổ rồi chúng ta mới bắt đầu... buồn hái hoa? - Ảnh 3.

Đi WC kiểu này được không?

Hay nói cách khác, tần suất đi tiểu vào mùa đông của bạn sẽ nhiều hơn, dù lượng nước nạp vào có thể ít hơn một chút. Và chu kỳ đi tiểu ấy cũng vô tình trùng với thời điểm chúng ta đi ngủ mà thôi.

Trên thực tế, không có ngưỡng nhiệt độ nào cụ thể để gây ra hiện tượng này. Mỗi độ tuổi, giới tính, chế độ ăn... sẽ cho cơ thể có phản ứng khác với tiết trời. Tuy nhiên, có một cách giúp bạn kìm nén nó lại, ấy là chăm tập thể dục, thể thao nhiều hơn. 

Vậy nên, nếu không muốn lồm cồm chui ra khỏi chăn giữa đêm đông thì chăm chỉ vận động vào nhé.

Nguồn tham khảo: Princeton, Quora...