Nhai son cả thỏi cũng chưa sao, nhưng cứ dùng son kiểu "vừa bôi vừa ăn" thì sẽ phải hối hận

J, Theo Trí Thức Trẻ 22:04 17/04/2017

Việc lạm dụng son môi quá mức ở con gái có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Có lẽ, thông tin khiến cho giới chị em phải giật mình thon thót ngày hôm nay chính là về một nữ MC bị nhiễm chì do sử dụng son quá nhiều

Cụ thể, thông tin do PGS. TS Phạm Duệ cung cấp tại hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc 2017. Trong đó, ông cho biết nữ MC bệnh nhân của mình có viền lợi xám đen, lấp lánh ánh kim loại, đồng thời sau khi xét nghiệm nhận thấy lượng chì trong máu gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép - lên tới 32 microgram/dL. Và nguyên nhân được cho là vì cô đánh son quá đậm hàng ngày.

Nhai son cả thỏi cũng chưa sao, nhưng cứ dùng son kiểu vừa bôi vừa ăn thì sẽ phải hối hận - Ảnh 1.

Theo GS Duệ, sự nhiễm độc chì trong cơ thể người khá nguy hại. Được biết, lượng chì trong máu an toàn ở Việt Nam là 10 mcg/dL.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi rằng, chẳng lẽ chỉ vì đánh son mà nhiễm chì nặng đến vậy?

Đúng là bạn có nhai cả thỏi soi cũng chưa chết được đâu...

Theo thống kê thì ngoại trừ những loại son được làm từ nguyên liệu 100% thiên nhiên, thì đa số các dòng son hiện nay, kể cả từ hãng nổi tiếng nhất, đều có chứa một hàm lượng chì nhất định trong đó.

Lý do có sự xuất hiện của chì trong son đơn giản chỉ là để tăng độ bám, đồng thời giúp sắc đỏ trong son đậm hơn. Đấy cũng là lý do những dòng son lỳ, màu đỏ hoặc cam đậm cũng là những thỏi có tỉ lệ chì cao nhất.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, có một tỉ lệ chì được phép xuất hiện trong son. Theo quy định từ FDA, son thành phẩm chỉ được phép chứa 10 phần triệu chì, tức là 1kg son chỉ được chứa khoảng 10mg chì. Ngoài ra, một cây son có tỉ lệ chì khoảng 0,36 phần triệu sẽ được coi là độc hại.

Ước tính, một thỏi son nặng 3gram sẽ chỉ chứa khoảng 1,08 microgram chì. Trong khi đó, lượng chì trong máu đủ để gây độc rơi vào khoảng 1 microgram/100ml máu (hay 1mcg/dL). Vậy nên với tỉ lệ như vậy, bạn có nhai và nuốt vài cây son cũng chưa có vấn đề gì cả đâu.

Nhưng hệ quả trong dài hạn thì thật đau khổ...

Son là một phụ kiện không thể thiếu của phái đẹp, là thứ được sử dụng hàng ngày. Vì thế sẽ không có thứ gì gọi là "tỉ lệ chuẩn" về lượng chì trong son khi tác hại nó đem lại là trong dài hạn.

Dù có thể không gây chết người, nhưng sử dụng son có nhiều chì trong thời gian dài đã được chứng minh là gây tổn hại cho não, tim, thận, cùng một số bệnh tiêu hóa khác. 

Nhai son cả thỏi cũng chưa sao, nhưng cứ dùng son kiểu vừa bôi vừa ăn thì sẽ phải hối hận - Ảnh 2.

Trên thực tế, nhiều chị em phụ nữ ngày nay có thói quen đánh son theo kiểu "vừa bôi vừa ăn". Lấy thử ví dụ về một ngày bình thường của con gái như sau:

1. Sáng dậy chuẩn bị đi làm, đánh một đường cơ bản

2. Từ nhà đến cơ quan phải đeo khẩu trang - son phai đến nơi đánh lại.

3. Trưa đi ăn - son phai, ăn xong làm mấy đường cơ bản.

4. Chiều hơi đói - lại ăn, lại tô.

5. Đi làm về son có phai cũng không sao, nhưng nếu có hẹn đi chơi thì... tiếp tục đánh son.

6. Ăn tối xong muốn đi chơi tiếp, lại đánh son

Bên trên chỉ là bản liệt kê không đầy đủ những việc làm khiến con gái phải tô son mỗi ngày, và tính sơ sơ cũng phải 5 - 6 lần tô son. Theo khảo sát, một người phụ nữ đánh son ngày từ 2 - 3 lần, trong 10 năm sẽ tiêu thụ 220gram son. Vậy nếu đánh 6 lần, con số sẽ là 440gram, tương đương 158,4 microgram chì.

Một người trưởng thành trung bình có 5l máu. Chia ra, tỉ lệ chì trong máu sẽ rơi vào khoảng... 31,68 mcg/dL - tức là gần tương đương tỉ lệ đang khiến cô MC đầu bài nhiễm độc. Cơ thể sẽ có đào thải chì, nhưng ở một tốc độ rất chậm nên chúng ta sẽ không đề cập ở đây.

Những con số nêu trên chỉ là giả định, nên thực tế thậm chí có thể còn khủng khiếp hơn, nhất là khi bạn dùng phải son fake kém chất lượng, chứa nhiều kim loại nặng như nhôm và mangan nữa.

Kết

Son là một phụ kiện gắn liền với phái đẹp, nên việc từ bỏ bôi son là điều không thể. Có điều, hãy kiểm soát số lần bôi son mỗi ngày, khống chế trong khoảng từ 2 - 3 lần. 

Ngoài ra, hãy hạn chế sử dụng dòng son lì, màu đậm, và chỉ nên chọn những hãng son uy tín và có tên tuổi, đừng vì tiếc tiền mà mang tật vào người. 

Nguồn: Future Derm, NY Times, The Huffington Post