Nhạc phim: Những dấu ấn và sự "ăn rơ" quan trọng của một bộ phim thành công

Bảo Anh - Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 16:28 03/01/2018

Dù chỉ xuất hiện không nhiều, nhưng những bài hát trong phim, nhạc phim lại có tác dụng rất lớn trong việc đánh vào tâm lý và cảm xúc của khán giả.

Sau khi xem xong một bộ phim, ngoài việc mổ xẻ tình tiết hay bàn luận về cái kết, hoặc cảm giác dư âm của một điều gì đó thì thứ có thể nhắc nhớ khán giả về bộ phim đó chính là nhạc phim. Thường thì đối với phim truyền hình, nhạc phim sẽ dễ "ăn" hơn vì lặp đi lặp lại. Còn với phim điện ảnh, thường ca khúc phải thật "đắt", gắn liền với tình tiết chuyện phim hoặc như một dấu kết ấn tượng sau khi bộ phim kết thúc thì người xem mới nhớ.

Có những ca khúc gắn liền với một phim nào đó rất dữ dội, lâu đến nỗi trở thành một "bộ phận" không thể tách khỏi "cơ thể" của bộ phim. Ví dụ như "Bài ca Đất phương Nam" gắn với trường thiên về cậu bé An trên mảnh đất Nam Bộ trù phú và loạn lạc thời kháng chiến của phim Đất phương Nam. Ca khúc "Em nhớ anh rất nhiều" trở thành ấn tượng đầu tiên khi nhắc đến phim Gọi giấc mơ về. Hay "Thiên đường mong manh" trở thành "hit" và một kỉ niệm quan trọng của âm nhạc Việt Nam từ khi xuất hiện trong Đồng tiền xương máu cách đây 20 năm.

"Thiên đường mong manh" | Cẩm Vân | Đồng tiền xương máu

Sự thành công của một bản nhạc phim không hẳn nằm ở lượt view khủng trên Youtube ("thước đo" thời nay) hay sự phổ biến trong khán giả, độ "hot" trên các bảng xếp hạng, chương trình nghe đài, mà nằm ở việc nó khiến người ta nhớ đến bộ phim đó.

Đã có không ít những đoạn phim, chính nhờ giai điệu và giọng hát hòa quyện, đẩy được cảm xúc của câu chuyện mà nội dung được truyền tải rất xuất sắc. Khán giả có thể hạnh phúc cùng vai diễn, nhưng cũng có khi vì lời hát mà rơi nước mắt xót xa cho nhân vật. Cùng với những thổn thức trong phim, đã không ít lần khán giả lặng người vì những cảm xúc đầy tràn trong phòng chiếu. Cùng nhớ lại những sự ăn rơ giữa phim và nhạc trong khoảng 2 năm gần đây.

"Thằng Cuội" | Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim kể câu chuyện đầy cảm xúc về quê hương, về gia đình, về thời niên thiếu của mỗi người. Cậu bé Tường (Trọng Khang) ngây thơ, đầy tình thương trong khi Thiều (Thịnh Vinh) là người anh trai ích kỷ, hẹp hòi đến tàn nhẫn. Bên cạnh tình cảm anh em với những yêu thương, ghen ghét, đố kỵ, hối tiếc, ăn năn… còn là tình cảm bạn bè, kỷ niệm thời thơ ấu của lũ trẻ nhà quê nghèo ở miền Trung cuối những năm 1980. Ở đó có những cuộc cãi vã, đánh nhau; những trò chơi trẻ con thú vị; những giấc mơ cổ tích công chúa, hoàng tử; những hờn giận vu vơ, rung động đầu đời…

"Thằng Cuội" | Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được đầu tư khá nhiều về cả hình ảnh và âm thanh. Cùng với những cảnh quay flycam dưới vùng trời Phú Yên, giọng hát trong trẻo của Ngọc Hiển vang lên qua ca khúc "Chú cuội" như đưa khán giả hoà vào với thiên nhiên. Song song với đó là sự rung động khi nhớ về quãng thời thơ ấu của mỗi người.

Thực chất, lời hát của ca khúc không quá rắc rối. Chỉ đơn thuần là những hình ảnh quen thuộc của con trẻ, như bóng trăng trắng ngà, cây đa, thằng cuội… Nhưng với mỗi một độ tuổi, nó lại mang đến một ý nghĩa khác nhau.

Nhạc phim: Những dấu ấn và sự ăn rơ quan trọng của một bộ phim thành công - Ảnh 3.

So với thời điểm 2015 thì thật sự là quá lâu, khán giả nhí Việt Nam mới được ra rạp xem một bộ phim không phải hoạt hình đầy ý nghĩa như vậy. Chúng vui thích khi thấy những người bạn của mình lăn lội ở đồng đi bắt ếch, bắt tôm. Chúng thấy được những tình cảm trong trẻo giữa những người khác giới. Còn với người lớn, đó là tấm vé trở về tuổi thơ mà họ thầm mong nhớ. Tuổi thơ với những ngày trốn ngủ trưa đi chơi, là những trận đánh nhau chỉ vì tranh chấp lấy viên bi, quyển truyện. Và hơn cả, đó là lần rung động đầu đời mà chẳng ai có thể quên được.

Lời hát cứ luôn văng vẳng trong đầu mỗi khán giả. Và sau khi phim đã hết, trong các cuộc thi hát của trẻ con, "Chú cuội" trở thành lựa chọn hàng đầu cho các em, để vừa được hát tiếng mẹ đẻ, vừa thể hiện được đúng những ngây thơ của độ tuổi. Đến bây giờ, sau hơn 2 năm, khi nhắc đến nhạc phim ấn tượng, khán giả vẫn còn nhớ đến "Thằng Cuội".

"Cô Ba Sài Gòn" | Cô Ba Sài Gòn

Cô Ba Sài Gòn là bộ phim có sức ảnh hưởng khá lớn từ trước khi được công chiếu. Không chỉ bởi việc nó được đem tới Liên hoan phim Busan, mà còn bởi những poster đậm chất retro gây sốt suốt quãng thời gian dài. Và điều đặc biệt hơn nữa, chính là nằm ở ca khúc "Cô Ba Sài Gòn" do ca sĩ Đông Nhi thể hiện.

MV "Cô Ba Sài Gòn"

Bài hát với tiết tấu nhanh, ca từ dễ nhớ nhanh chóng trở thành trào lưu dance cover của các bạn trẻ. Đặc biệt là khi đoạn nhạc xuất hiện trong phim lại cực kì hợp, tạo cảm giác rất tốt khi nâng lên không khí rộn ràng trong nhịp sống của Sài Gòn, trái với nhiều dự đoán trước đó khi ca khúc vừa được tung ra.

Nhạc phim: Những dấu ấn và sự ăn rơ quan trọng của một bộ phim thành công - Ảnh 5.

Không dừng lại ở một trào lưu, fanpage "Cô Ba Sài Gòn" còn từng mở một cuộc thi nhỏ để bình chọn ra các nhóm nhảy có màn dance cover thú vị nhất. Cuộc thi được hưởng ứng khá nhiệt tình từ phía các bạn trẻ. Theo đúng phong cách tân thời, các đội dự thi đã diện những tà áo dài truyền thống và đi cao gót để thể hiện bài thi của mình. Hình ảnh Đông Nhi và lịch lãm, vừa sang trọng, lại truyền thống trong Cô Ba Sài Gòn cũng là một điểm nhấn cho hoạt động ca hát năm 2017 của cô.

Nhạc phim: Những dấu ấn và sự ăn rơ quan trọng của một bộ phim thành công - Ảnh 6.

"Cánh hoa tàn" | Mẹ chồng

"Cánh hoa tàn" | Mẹ chồng

Mẹ chồng tiếp tục khai thác một chủ đề đã làm mưa làm gió suốt năm 2017, đó là câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu. Bộ phim khắc họa cuộc sống của những cô con dâu trong dòng họ Huỳnh gia. Cuộc sống ấy đã trôi chảy theo dòng thời gian xuân – hạ - thu – đông như một vòng tuần hoàn khi được chào đón vào nhà chồng, nồng nhiệt trong tình yêu với chồng, hiu quạnh khi chồng buộc phải lấy vợ mới để không mắc tội bất hiếu, và cuối cùng là cuộc sống cô đơn của phần đời còn lại.

Nhạc phim: Những dấu ấn và sự ăn rơ quan trọng của một bộ phim thành công - Ảnh 8.

Cuộc sống ấy được khắc họa thêm qua giọng hát buồn đặc trưng của Hương Tràm với ca khúc "Cánh hoa tàn". Khán giả cứ ám ảnh mãi với những ca từ như cứa vào nỗi xót xa tuổi trẻ đã qua của những người con dâu Huỳnh gia.

"Còn không em, mùa xuân đã qua rồi.

Hạ, thu, đông, đời em vẫn đơn côi.

Còn không em, còn đâu cánh môi cười.

Hạnh phúc đã xa rời, tựa như cánh hoa tàn rơi."

Những người con gái ấy một đời hy sinh vì nhà chồng, nhưng họ nào có khác những người ở không công, chứ nào có được hạnh phúc. Như Ba Trân, ngày duy nhất mà nàng nở nụ cười, ấy là ngày cưới. Hay Tư Thì, Tuyết Mai, và cả Bảy Loan nữa, họ cũng chỉ vì muốn đổi đời với cuộc sống giàu sang của dòng họ lớn nhất làng Đại Điền, nên mới cam chịu sống kiếp nhẫn nhịn.

Đặc biệt, ca khúc "Cánh hoa tàn" được sử dụng trong đoạn phim hay nhất, khi Ba Trân đành đoạn giết chết người tình để bảo vệ địa vị và cuộc sống của hai mẹ con cô, khiến cho nội dung của đoạn phim đó càng ăn sâu vào tâm thức khán giả.

"Chỉ có tình yêu ở lại" | Lôi Báo

Là bộ phim được giới thiệu sẽ khắc họa hình ảnh một người hùng, thế nhưng giá trị sâu kín mà Lôi báo muốn gửi gắm, có lẽ lại là về tình yêu của gia đình đối với mỗi người.

Nhạc phim: Những dấu ấn và sự ăn rơ quan trọng của một bộ phim thành công - Ảnh 9.

"Vì dù là thế nào… Gia đình là để trở về để chở che để quên bao nhiêu ngày tháng bộn bề". Đúng vậy ! Tâm sau khi lăn lộn ngoài xã hội để làm những điều tốt, nhưng rồi đến khi gục ngã, thì còn bên cạnh anh, chỉ có vợ, con và người bố thất lạc nhiều năm. Lời hát như kể lại cuộc sống của Tâm, đưa cho Tâm lời khuyên nhưng cũng là đem đến cho tất cả mọi người một cái nhìn ấm áp về hai chữ "gia đình".

"Chỉ có tình yêu ở lại" | Lôi Báo

Kể về cuộc sống của một "người hùng thị xã", nhưng bài hát lại vô cùng gần gũi và có phần bình yên. Điều này chính là bởi giọng hát của ca sĩ Trọng Hiếu, đã thổi vào đó một hơi ấm mà nếu không phải là anh, khó ai có thể làm được.

Nhạc phim: Những dấu ấn và sự ăn rơ quan trọng của một bộ phim thành công - Ảnh 11.

Có lẽ bởi thế, câu chuyện của Tâm không chỉ là của riêng anh, mà còn là câu chuyện chung của cả một thế hệ những người phải hối hả chạy theo nhịp sống hiện đại. Tất cả cũng chỉ vì lo cho cơm, áo, gạo, tiền, … hay những hư danh mà họ muốn được để lại dấu ấn cho đời. Đi xem "Lôi báo", nghe lại "Chỉ có tình yêu ở lại", ngấm lấy câu chữ "Be the hero in your life", chợt lúc nào đấy, chúng ta muốn được tự điều khiển nhịp sống, muốn bình tĩnh sống để ngắm nhìn những giá trị xung quanh.

"Khi con là nhà" | Khi con là nhà

Vẫn tiếp tục với mạch phim nói về giá trị trân quý của cuộc đời, đó chính là gia đình, Khi con là nhà với bộ phim cùng tên không chỉ đem tới cho khán giả một góc nhìn mới về tình cảm gia đình, mà hơn thế, nó còn nhắc về những bài họ dạy con tinh tế mà bất kì bậc cha mẹ nào cũng đã từng đi qua.

Nhạc phim: Những dấu ấn và sự ăn rơ quan trọng của một bộ phim thành công - Ảnh 12.

Với giọng hát của ca sĩ Khắc Việt, "Khi con là nhà" như một lời tự sự của người cha còn chưa làm tròn trách nhiệm với đứa con bé bỏng của mình. Những tâm sự day dứt, ân hận được bộc bạch tự nhiên qua lời hát.

"Khi con là nhà" | Khi con là nhà

Khó ai có thể kìm lòng được với cái cảnh, bé Bi nước mắt ngắn dài chạy khắp nơi tìm cha, rồi hai cha con cứ luôn đến chậm một bước nên không thể tìm thấy nhau, hay là Quang nghe được tin con trai ở đồn công an, liền vội vã chạy chân trần tới đó ngay, dù biết rằng điều đó đồng nghĩa với việc anh sẽ phải đi tù. Và đỉnh điểm, là cái lúc Bi giật mình buông vội thìa cơm khi nghe giọng ba loáng thoáng trong đồn công an. Những xúc cảm ấy hòa với lời hát, trở thành giọt nước long lanh lăn trên gò má của hầu hết khán giả trong rạp.

Nhạc phim: Những dấu ấn và sự ăn rơ quan trọng của một bộ phim thành công - Ảnh 14.

Thương con phải biết thương mình/ Thương mình ta mới thương được gia đình

Và những ca khúc hot hơn cả phim

Trước giờ, câu chuyện các ca khúc nổi lên từ phim không phải điều gì quá xa lạ, nhưng chuyện các ca khúc ấy trở thành hit, thì lại đáng để khen ngợi. Điều này phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, như là lời hát, giai điệu, giọng hát và đặc biệt là nó nói về một câu chuyện chung của mọi người.

Ca khúc đầu tiên, hẳn phải nhắc đến "Yêu là tha thu" trong bom tấn Em chưa 18. Dù cũng bị dèm pha vì chữ "tha thu" viết theo kiểu của Sơn Tùng M-TP mà không liên quan lắm đến nội dung bài hát, nhưng "Yêu là tha thu" còn "hot" trước khi Em chưa 18 gây bão. Cũng nhờ bài hát, mà bộ phim được thêm một lượng lớn khán giả quan tâm.

Nhạc phim: Những dấu ấn và sự ăn rơ quan trọng của một bộ phim thành công - Ảnh 15.

Nhạc phim: Những dấu ấn và sự ăn rơ quan trọng của một bộ phim thành công - Ảnh 16.

Ngoài ra, Em chưa 18 còn góp phần đẩy luôn hai ca khúc khác trở nên "hot" là "Em chưa 18" (Will ft. Lou Hoàng ft. Kaity Nguyễn) và "Nơi ta chờ em" (Will). Hay "Người ta nói" và "Ngồi hát đỡ buồn" của Trúc Nhân trong Cô gái đến từ hôm qua. Năm trước thì có "Yêu và yêu" (Bệnh viện ma) và Lạc nhau có phải muôn đời (Chờ em đến ngày mai) của Erik hay Ánh nắng của anh của Đức Phúc cũng trong Chờ em đến ngày mai. Đặc biệt, không thể bỏ sót loạt ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã trở thành "hit" trong giới trẻ khi được Miu Lê thể hiện trong Em là bà nội của anh.

"Còn Tuổi Nào Cho Em" | Em là bà nội của anh

Những ca khúc này không thành hit đơn thuần vì hay hoặc bắt tai mà còn tạo được sự nhịp nhàng với bộ phim. Chúng khiến cho mỗi khi người ta nhắc đến phim, sẽ nhớ đến bài hát và ngược lại. Một sự cộng hưởng dễ ăn điểm, ăn view và ăn tiền.

"Yêu và yêu" | Bệnh viện ma

"Ánh nắng của anh" | Chờ em đến ngày mai

Luôn là như vậy, nhạc phim như một phần không thể tách rời đối với một tác phẩm điện ảnh. Hãy nhớ đến La La Land với phần âm nhạc (cả nhạc nền lẫn ca khúc) đều ghi điểm gần như tuyệt đối với người xem, còn được trao giải Oscar danh giá. Không hẳn phải là một phim về âm nhạc thì phần nhạc mới được trau chuốt. Những bộ phim có phần nhạc được đầu tư sáng tác, hòa âm, thể hiện và quan trọng nhất là "ăn rơ" với phim luôn luôn tạo được hiệu ứng khi khán giả xem phim xong. Hy vọng sang năm mới, chúng ta sẽ lại có nhiều ca khúc ấn tượng và hay hơn gắn liền với những bộ phim.

"WeChoice Awards" - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Bình Tĩnh Sống.

Hơn cả sự lạc quan và tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn của cuộc đời, "Bình tĩnh sống" còn có thể hiểu là một lời khích lệ cũng như nhắc nhở về cách sống và cách đối diện với cuộc đời của mỗi người.

Hãy cùng chúng tôi tôn vinh và bình chọn cho những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng tại http://wechoice.vn/.

Thời gian bình chọn từ ngày 21/12/2017 đến ngày 20/01/2018.

WeChoice Awards 2017 rất hân hạnh khi có sự đồng hành của Tập đoàn TH, thương hiệu thức uống thảo dược TH true Herbal trong hành trình Bình tĩnh sống năm nay.

Nhạc phim: Những dấu ấn và sự ăn rơ quan trọng của một bộ phim thành công - Ảnh 21.