Nhà trường tăng lịch học thêm, phụ huynh dũng cảm viết đơn cho con không đi nhưng lý do đưa ra mới đáng ngưỡng mộ

M52, Theo Helino 17:24 12/01/2020

Lá đơn dài và đầy thuyết phục của chị Thái Thị Diễm Trúc (An Giang) xin cho con không đi học thêm buổi chiều khiến ai nấy sửng sốt. Đặc biệt, mọi người rất tán dương quan điểm dạy con của người mẹ này.

Quá tải là một vấn đề thường gặp ở các em học sinh hiện nay ở nhiều nơi, từ thành thị tới nông thôn. Muốn con theo kịp bạn bè, học hành giỏi giang, đạt thành tích tốt, không ít phụ huynh cũng tặc lưỡi cho con theo các lớp phụ đạo để nắm chắc kiến thức .

Tuy nhiên, nhiều trường hợp lịch học dày kín, lượng kiến thức bị nhồi nhét quá nhiều trong cùng một khoảng thời gian lại gây phản tác dụng. Vậy nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ tâm lý để nhận ra điều ấy.

Nhà trường tăng lịch học thêm, phụ huynh dũng cảm viết đơn cho con không đi nhưng lý do đưa ra mới đáng ngưỡng mộ - Ảnh 1.

Rất nhiều trẻ em đang cảm thấy quá tải với lịch học. (Ảnh minh họa)

Mới đây, một phụ huynh ở An Giang gây xôn xao cộng đồng mạng khi chị đã làm đơn xin nhà trường cho con không phải học thêm buổi chiều. Được biết, người mẹ dũng cảm này tên là Thái Thị Diễm Trúc, phụ huynh của một học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Lê Văn Nhung, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Nguồn cơn của lá đơn này là bởi từ Tết Dương lịch tới nay, chị Diễm Trúc thấy con đi học một ngày 2 buổi thay vì 1 buổi như trước. Bên cạnh đó trường cũng ban hành một thời khóa biểu 2 buổi mà không thông qua phụ huynh. Chính vì lẽ đó, chị Diễm và nhiều phụ huynh khác cảm thấy không được dân chủ và có những bức xúc.

"Cháu nói mỗi tuần phải học thêm 3 buổi chiều làm tôi hết sức bất ngờ. Mọi sinh hoạt trong gia đình gần như xáo trộn. Cơ thể cháu thuộc dạng yếu, thể lực kém, việc học thêm 1 buổi với thời gian ít hơn 1 tiếng đồng hồ tôi thấy không có hiệu quả về mặt kiến thức nhưng kéo theo hàng loạt hệ lụy như mất đi giấc ngủ trưa, mất thời gian tự học ở nhà" - người mẹ viết.

Nhà trường tăng lịch học thêm, phụ huynh dũng cảm viết đơn cho con không đi nhưng lý do đưa ra mới đáng ngưỡng mộ - Ảnh 2.

Một phần cuối của lá đơn xin cho con trai không đi học thêm của chị Diễm.

Đặc biệt, người mẹ này tỏ ra rất hiện đại, tâm lý khi không quan tâm thành tích mà chú trọng thực lực của bé: "Dưới góc độ cha mẹ, tôi chỉ kết hợp được với nhà trường cho cháu học buổi sáng, con tôi cần được nghỉ ngơi, vui chơi, lấy sức và tự học vào thời gian còn lại của ngày.

Rất mong Quý lãnh đạo nhà trường và ngành giáo dục quan tâm đến các "sản phẩm" của ngành và quan tâm đến mong mỏi của cha mẹ học sinh.

Chúng tôi không muốn con mình bị biến thành những chú gà công nghiệp với cái cặp nặng đến gù lưng và đôi kính cận trên mắt.

Gia đình chúng tôi và xã hội này cần những thanh niên khỏe mạnh, cường tráng, có đủ kỹ năng sống, có đạo đức tốt và lòng thương người hơn là những thanh niên có cái đầu chứa đầy kiến thức sáo rỗng".

Lá đơn của chị Diễm đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của khá nhiều dân mạng. Bởi, chị Diễm đã nói hộ những điều mà không ít phụ huynh dù rất muốn nhưng vẫn không dám nói.

- Mom này cá tính quá, phục thật.

- Đúng đấy, đi học cả ngày chỉ thêm cận thị và chán học thôi, đến mình còn chán nữa là bọn trẻ.

- Ngưỡng mộ bà mẹ này quá, mình thì không đủ can đảm, vẫn phải ký vào cái đơn được soạn sẵn với cái gọi là TỰ NGUYỆN.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng cho rằng còn tùy vào điều kiện của gia đình. Ví dụ bố mẹ đi làm giờ hành chính ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, nếu không cho con đi học cũng không quản lý được, không có ai trông càng thêm nguy hiểm. Hiện tại, lá đơn này vẫn tiếp tục nhận nhiều ý kiến của các bậc phụ huynh.

Lá đơn xin cho con nghỉ học chiều của chị Diễm rất dài, nguyên văn như sau:

Con tôi là L.T.P. theo học tại Trưởng Tiểu học Lê Văn Nhung. Gia đình tôi rất mừng vì đã tìm được cho cháu một ngôi trường học rất thân thiện, các thầy cô của trường hết sức tận tâm tận lực và yêu thương học sinh. Dù là trung tâm thành phố Long Xuyên nhưng trường Tiểu học Lê Văn Nhung không phải là nơi chạy theo thành tích mà nhà trường tôn trọng thực học của các cháu.

Thời gian qua các con tôi đã rất vui vẻ, trưởng thành và học được vô vàn điều bổ ích từ nhà trường. Gia đình tôi luôn ghi ơn dạy dỗ của thầy cô trường Tiểu học Lê Văn Nhung đối với các con tôi.

Con lớn của tôi đã lên lớp 7, cũng từng học trường Tiểu học Lê Văn Nhung. Gia đình tôi rất tự hào về các cháu và chúng tôi luôn nói với nhiều người: Đây là ngôi trường tốt, thành tích là thực sự chứ không ảo như một vài ngôi trường chạy theo thành tích, cho học sinh ngồi nhầm lớp như báo chí đã từng đưa tin.

Hết năm nay, bé T.P. sẽ rời trường để lên lớp 6. Từ bây giờ đến cuối năm học cũng còn 1 học kỳ phía trước, kết quả này rất quan trọng đối với cháu để quyết định cháu học trường cấp 2 nào sau này.

Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề tôi quan tâm hàng đầu đối với con tôi hiện nay mà tôi quan tâm nhất ở chuyện:

Từ sau Tết Dương lịch năm 2020 đến nay, tôi thấy cháu đi học mỗi ngày 2 buổi thay vì 1 buổi như từ đầu năm đến giờ.

Bên cạnh đó, trường cũng ban hành một thời khóa biểu mới cho việc học 2 buổi.

Cháu nói với tôi mỗi tuần phải đi học thêm 3 buổi chiều. Việc này làm tôi hết sức bất ngờ.

Mọi sinh hoạt trong gia đình gần như xáo trộn vì phải sắp xếp thời gian cho cháu trong khi vợ chồng tôi là những người làm việc thời gian không cố định.

Cơ thể cháu thuộc dạng yếu, thể lực kém, việc học thêm một buổi chiều với thời gian ít ỏi hơn một tiếng đồng hồ tôi thấy không có hiệu quả nhiều về kiến thức nhưng kéo theo hàng loạt hệ lụy liên quan đến việc này.

Như ảnh hưởng thời gian nghỉ ngơi của cháu, ảnh hưởng công việc của gia đình, quan trọng nhất là mất đi giấc ngủ trưa, mất thời gian nghỉ ngơi, tự học ở nhà của cháu.

Chỉ qua mấy ngày học 2 buổi mà tôi thấy con tôi đã suy nhược đi nhiều vì cơ bản cháu là một đứa yếu sức lực.

Ngành giáo dục khác với đại đa số ngành nghề khác trên xã hội này bởi vì sản phẩm của ngành giáo dục là những con người, là sự phát triển thể chất, đạo đức mới đến trí tuệ, kiến thức… sự giáo dục ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình phát triển của một người sau này.

Ban giám hiệu nhà trường Lê Văn Nhung không hề có thông báo trước lý do, mục đích, yêu cầu của việc tự tăng thời gian học buổi chiều cho học sinh với cha mẹ các em. Thầy chủ nhiệm cũng không nói đến lý do tại sao phải học thêm 3 buổi chiều vào 1 tuần. Việc áp đặt này của Ban giám hiệu nhà trường vào con tôi và tất cả các học sinh của trường là vô lý, chỉ gây phiền phức mà không thấy trước chất lượng.

Về góc độ cha mẹ học sinh, tôi thấy nhà trường rất thiếu tôn trọng phụ huynh khi tự ý soạn thảo ra 1 lịch học mới mà không tổ chức họp phụ huynh để lấy ý kiến. Việc làm này rất mất dân chủ, mang tính quyền lực áp đặt 1 cách nặng nề. Tôi và nhiều phụ huynh khác rất bức xúc.

Chính vì lý do đó, tôi làm đơn này nhờ các cấp lãnh đạo ngành giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường Lê Văn Nhung cùng các thầy cô xem xét lại việc bố trí thêm lịch học buổi chiều cho học sinh nhằm mục đích gì? Học thêm vậy có thu học phí hay không? Căn cứ vào quy định nào của ngành?

Nếu không có câu trả lời chính đáng thì tôi xin phép thầy chủ nhiệm lớp 5A và Ban giám hiệu nhà trường Lê Văn Nhung cho phép con tôi là học sinh L.T.P. được không đi học vào các buổi chiều phụ thêm trong trường.

Gia đình chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về thành tích học tập của cháu, nếu cháu không đủ kiến thức để lên lớp 6 thì chúng tôi cũng đồng ý cho cháu ở lại lớp 5 mà không có bất cứ thắc mắc hay khiếu nại gì.

Bởi vì, dưới góc độ cha mẹ, tôi chỉ kết hợp được với nhà trường cho cháu học buổi sáng, con tôi cần được nghỉ ngơi, vui chơi, lấy sức và tự học vào thời gian còn lại của ngày.

Rất mong Quý lãnh đạo nhà trường và ngành giáo dục quan tâm đến các "sản phẩm" của ngành và quan tâm đến mong mỏi của cha mẹ học sinh.

Chúng tôi không muốn con mình bị biến thành những chú gà công nghiệp với cái cặp nặng đến gù lưng và đôi kính cận trên mắt.

Gia đình chúng tôi và xã hội này cần những thanh niên khỏe mạnh, cường tráng, có đủ kỹ năng sống, có đạo đức tốt và lòng thương người hơn là những thanh niên có cái đầu chứa đầy kiến thức sáo rỗng.

Người làm đơn:

Thái Thị Diễm Trúc.