Nhà nghèo, cơm không đủ ăn, chồng bạo bệnh, con suy dinh dưỡng nặng

Mạnh Mường, Theo Trí Thức Trẻ 23:31 22/08/2018

"Khổ quá, khổ không tưởng được. Hắn là người làng Trầu, túng thiếu lắm, ra ở đây thì nhà xin, đất mượn, cơm không đủ ăn 3 bữa, lại bệnh tật".

Nhà nghèo, cơm không đủ ăn, chồng bạo bệnh, con suy dinh dưỡng nặng - Ảnh 1.

Chồng bệnh nặng, không tiền, không thuốc men, chỉ nằm chờ chết, hai con gái suy dinh dưỡng nặng, năm học tới mà các bé còn chưa có sách vở, áo quần đi học... Căn nhà dựng tạm bằng tre nứa nhỏ như túp lều, xiêu vẹo, chưa biết sập lúc nào...

Đó là hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Lê Thị Huyền (tên thường gọi Như), người dân tộc Thổ, sinh năm 1986, ở xóm Quế, Yên Lễ, Như Xuân, Thanh Hóa.

Nhà xin, đất mượn, cơm gạo đi vay

Cha mẹ nghèo, nhà đông con, thiếu ăn liên miên, chị Lê Thị Huyền phải nghỉ học từ năm lớp 4. Hơn 10 năm trước, chị theo chồng là anh Lê Văn Gửi (sinh năm 1990) về làm dâu xóm Trầu (cùng xã).

Nhà anh Gửi cũng nghèo không kể xiết, nghèo đến nỗi không có "đất cắm dùi", bố mẹ anh vốn ở trên đám đất của người cậu bên ngoại cho từ trước.

Vì thế, ngày cưới anh chị cũng làm cái lễ giản dị, rồi về ở chung với nhau.

Bố mẹ chồng có ba người con trai, lần lượt hai con trai lớn cũng lập gia đình, sinh con, đẻ cái. Hơn 10 người chen chúc nhau trong ngồi nhà chật hẹp.

Thương con, xót cháu, mẹ chị Huyền xin cho con mang cháu về bên ngoại, chia cho con gái miếng đất nhỏ để dựng tạm ngôi nhà.

Nói là nhà nhưng thực tế, trông giống một căn lều nhỏ lụp xụp trên đỉnh đồi. Gỗ làm nhà thì xin từ nếp nhà bếp cũ của hàng xóm. Còn toàn bộ tấm lợp được mẹ vợ cho.

Nhà nghèo, cơm không đủ ăn, chồng bạo bệnh, con suy dinh dưỡng nặng - Ảnh 2.

Ngồi nhà nhỏ chỉ như túp lều nằm trên đỉnh đồi, là chỗ chui ra chui vào của vợ chồng anh Gửi, chị Huyền và hai cô con gái nhỏ.

Thế rồi, vợ chồng con cái cũng có chỗ chui ra, chui vào. Tính ra cũng đã được hơn 5 năm, giờ đây, ngôi nhà trở nên ọp ẹp, mối mọt, xiêu vẹo, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Ở đây, ai cũng biết, gia đình chị Huyền, anh Gửi khó khăn, khổ sở nhất vùng. Hàng ngày gạo không đủ ăn, phải đi vay mượn ở quán quen hoặc vay tạm nhà máy xay xát rồi chờ lúa chín mới đi trả.

"Khổ quá, khổ không tưởng được. Hắn là người làng Trầu, túng thiếu lắm, ra ở đây thì nhà xin, đất mượn, cơm không đủ ăn 3 bữa, lại bệnh tật. Hàng xóm cũng chưa giúp được gì nhiều, thi thoảng cho bò gạo thôi vì chúng tôi cũng còn khó khăn lắm", ông Lê Thiên Hỡi (hàng xóm) chia sẻ.

"Gạo còn không có ăn, lấy tiền đâu ra chữa bệnh"

Hơn một năm nay, sức khỏe của anh Lê Văn Gửi đột nhiên xấu đi, ban đầu chán ăn, mệt mỏi, da vàng vọt, sau đó bụng cứ to dần.

Mãi tận tháng 4 năm nay, thấy bụng chồng to lên nhiều quá chị Huyền vay mượn được ít tiền, đưa chồng đi siêu âm ở trên huyện hết 80.000 đồng. Theo kết luận của bác sỹ, anh Gửi bị xơ gan cổ trướng.

Nhà nghèo, cơm không đủ ăn, chồng bạo bệnh, con suy dinh dưỡng nặng - Ảnh 3.

Kết quả siêu âm của anh Lê Văn Gửi.

Đưa chồng về nhà nằm chờ chết, chị Huyền đau lòng vô cùng nhưng cũng đã hết cách. Từ đó đến nay, bụng anh Gửi ngày càng phình to hơn.

Nhà nghèo, cơm không đủ ăn, chồng bạo bệnh, con suy dinh dưỡng nặng - Ảnh 4.

Anh Lê Văn Gửi (SN 1990) được chẩn đoán bị xơ gan cổ trướng. Da bụng ngày càng căng như mặt trống, lộ rõ từng mạch máu.

"Cũng biết bệnh vậy nhưng không biết làm thế nào, nhà còn không có gạo ăn, lấy tiền đâu ra mà chữa bệnh, đành để anh ấy ở nhà với mẹ con em, được ngày nào hay ngày đấy thôi ạ", chị Huyền bùi ngùi tâm sự.

Ngồi nói chuyện với khách, anh Gửi có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, thi thoảng lại đứng dậy đi lại. Anh nói, đêm thức dậy cả chục lần vì khó thở, toàn thân mỏi, mệt không tài nào ngủ được.

"Nhà có cái mỗi cái giường, bốn người nằm, bụng em ngày càng trương phình ra nên chật chội hơn. hai cái áo bình thường hay mặc thì giờ cũng chật cả rồi", anh Gửi chia sẻ.

Trong căn nhà nhỏ, đúng ngày mưa bão đang về, gió, mưa xung quanh hắt vào bức vách làm bằng phên nứa hở tứ phía, trên đầu thì nước mưa chảy qua các lỗ thủng của tấm lợp xuống lênh láng.

Từ ngày bố ốm, một tay mẹ lo toan, kiếm tiền trang trải cuộc sống, hai đứa trẻ cũng ít được quan tâm hơn, các cháu dường như cũng quen với việc thiếu ăn, thiếu mặc.

Bé Lê Thị Uyên (10 tuổi) và bé Lê Thị Phượng (6 tuổi) trông rất xanh xao, gầy gò. Uyên khoe, mấy hôm trước được hàng xóm trong nhà nội cho cái phông để mặc, con rất vui, nhưng áo đó không mặc đi học được, con chỉ ước có được quần áo mới, sách vở như các bạn.

Nhìn quanh, trong ngôi nhà nhỏ, ngoài mấy cái bát mẻ ăn cơm, vài cái xoong cũ, cả 4 người có chưa đầy 10 bộ quần áo treo ở sát vách nhà.

Nhà nghèo, cơm không đủ ăn, chồng bạo bệnh, con suy dinh dưỡng nặng - Ảnh 5.

Vợ chồng anh Gửi, chị Huyền cùng hai con là bé Uyên và bé Phượng trong ngôi nhà xiêu vẹo.

"Mong ước cuối cùng của em, là nếu trời cho khỏe lại thì em sẽ cố gắng sửa sang lại cái nhà cho mẹ con nó ở, không thì mưa gió, không biết sập lúc nào", anh Gửi nói với chúng tôi trong nước mắt.

Giờ đây, chị Huyền cũng chẳng biết trông vào đâu. Cả gia đình dựa vào 1 sào ruộng nhà ngoại cho và 1 sào ruộng đi thuê lại của hàng xóm. Năm nào thuận lợi thì có chút gạo ăn, năm mất mùa thì lại thêm nợ tiền đầu tư cây giống, phân bón...

Thi thoảng ở trong làng có ai thuê thì chị Huyền đi làm, bất kể việc gì chị cũng nhận, nhưng không phải lúc nào cũng có việc làm. Chị nói, tháng có nhiều tiền nhất là kiếm được 500.000 đồng.

Bày tỏ về nỗi lo sợ lớn nhất, chị Huyền nói: "Thực sự bây giờ chỉ lo chồng em chết, lo các con phải nghỉ học giữa chừng, rồi bọn nó lại nghèo khổ như vợ chồng em thôi".

Bà Bùi Thị Cành (mẹ chị Huyền) dù thương các con, các cháu, nhưng bất lực vì mình cũng quá nghèo.

"Các con tôi khổ quá, nghèo đến mức không có tiền đi chuyển khẩu nữa. Tôi có 4 sào ruộng nhường cho con 1 sào, có mảnh đất nhỏ cũng cho con một góc để dựng nhà về đây", bà Cành bùi ngùi nói.

Nhà nghèo, cơm không đủ ăn, chồng bạo bệnh, con suy dinh dưỡng nặng - Ảnh 6.

Bà Bùi Thị Cành - mẹ đẻ chị Lê Thị Huyền

Ông Nguyễn Văn Lương – trưởng xóm Quế chia sẻ: "Dù chưa chuyển khẩu về đây nhưng thôn vẫn quản lý. Hoàn cảnh chị Huyền quá khó khăn, quanh năm ngày tháng đi làm thuê, ruộng nương thì không có".

Trưởng xóm Lương mong mỏi có những tấm lòng hảo tâm trên khắp cả nước giúp đỡ để gia đình chị Nguyệt, anh Gửi có được gian cửa, gian nhà để tránh mưa, tránh nắng. Xa hơn nữa, là có chút ít để anh Gửi đi chữa bệnh.

Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ. Ghi rõ nội dung, nhân vật cần ủng hộ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline: 0943.113.999

Hoặc ủng hộ trực tiếp: chị Lê Thị Huyền/Như ở xóm Quế, Yên Lễ, Như Xuân, Thanh Hóa.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày