Người thuộc cung Bảo Bình hãy đặt đồng hồ sáng mai để ngắm trận mưa sao băng hấp dẫn nhất tháng 5/2018

Oct, Theo Helino 11:53 06/05/2018

Đây là một trong những trận mưa sao băng sở hữu vệt sao sáng bậc nhất trong năm.

Danh hiệu mưa sao băng đẹp nhất năm luôn thuộc về Perseid diễn ra vào tháng 8. Tuy nhiên nếu dậy sớm vào rạng sáng mai, bạn cũng có thể quan sát được một trận mưa sao băng đang đạt ngưỡng cực đại, và nó rất có ý nghĩa với những người thuộc cung Bảo Bình.

Đó là vì trận mưa sao băng này có tên là Eta Aquarid, có trung tâm là chòm sao Aquarius (còn gọi là Bảo Bình) sẽ đạt đỉnh vào rạng sáng ngày 7/5.

Người thuộc cung Bảo Bình hãy đặt đồng hồ sáng mai để ngắm trận mưa sao băng hấp dẫn nhất tháng 5/2018 - Ảnh 1.

Theo Bill Cooke, người đứng đầu văn phòng Môi trường thiên thạch của NASA, trận mưa năm nay sẽ có khoảng 15 - 20 vệt sao mỗi giờ. Thời điểm quan sát phù hợp nhất là từ 3h đến rạng sáng.

Quan sát như thế nào

Trận mưa sao băng này bắt nguồn từ Eta Aquarii - một trong những ngôi sao sáng nhất của chòm Bảo Bình. Người quan sát ở Việt Nam sẽ phải hướng về phía Đông, nơi có chòm Bảo Bình ở đó. 

Cách tốt nhất là chọn một nơi có tầm nhìn rộng, trải một tấm thảm và nằm xuống để... tránh mỏi cổ. Ngoài ra nhớ mang theo chăn nếu ở vùng núi, vì sương đêm xuống có thể khiến bạn nhiễm lạnh.

Người thuộc cung Bảo Bình hãy đặt đồng hồ sáng mai để ngắm trận mưa sao băng hấp dẫn nhất tháng 5/2018 - Ảnh 2.

Nhìn về phía Đông. Nơi mưa sao băng xuất phát sẽ chếch về phía trên chòm Bảo Bình (Aquarius)

Tuy nhiên, thời điểm mưa sao băng năm nay cũng trùng với thời điểm trăng bán nguyệt, nên có thể ánh trăng sẽ che mất một số vệt sao mờ. Nhưng dù sao, Eta Aquarid cũng là trận mưa có các vệt sao sáng nhất - nếu không hơn thì cũng phải ngang ngửa với Perseid nên bạn vẫn sẽ ngắm được thôi.

Và lời khuyên cuối cùng là: Hãy thật kiên nhẫn! Ngắm mưa sao băng là một công việc thú vị nhất, nhưng cũng... buồn ngủ nhất.

Mưa sao băng trên có nguồn gốc từ ngôi sao chổi nổi tiếng 1P/Halley. Trên đường đi sao chổi để lại mảnh vụn, tạo thành những dải thiên thạch dài. Hàng năm khi Trái Đất cắt ngang qua đường đi của sao chổi này, các thiên thạch lao vào khí quyển Trái Đất và cháy sáng.

Tham khảo: Hội thiên văn Việt Nam, Space, NASA.gov