Người sáng tạo ra công nghệ nhựa hóa xác người thật: Đã mở nhiều triển lãm khắp thế giới và đều gây ra tranh cãi lớn

Mây, Theo Helino 14:45 05/07/2018

Tiến sĩ Gunther von Hagens, cha đẻ của công nghệ nhựa hóa xác người thật đã từng nhận nhiều ý kiến trái chiều khi mở triển lãm tại các quốc gia trên thế giới.

Ngày 4/7, sự kiện triển lãm sức khoẻ cộng đồng mang tên "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" diễn ra tại Nhà Văn hoá Thanh Niên (quận 1, TP. HCM), đã thu hút sự quan tâm chú ý và nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng Việt Nam. Triển lãm được trưng bày với khoảng 131 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người) đã được nhựa hoá (plastic hoá) bởi một công nghệ tiên tiến của y học trong bảo tồn xác người là công nghệ Plastination.

Người sáng tạo ra công nghệ nhựa hóa xác người thật: Đã mở nhiều triển lãm khắp thế giới và đều gây ra tranh cãi lớn - Ảnh 1.

Triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" tại Hồ Chí Minh (Ảnh: Internet)

Dù chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam thế nhưng trước đây trên thế giới đã từng diễn ra nhiều triển lãm tương tự, làm dấy lên những tranh cãi và phản ứng kịch liệt về đạo đức và tính nhân đạo.

Cha đẻ của công nghệ "nhựa hóa" cơ thể người

Tiến sĩ Gunther Von Hagens, nhà giải phẫu nổi tiếng người Đức là người đã sáng tạo ra kỹ thuật nhựa hóa các xác chết.

Gunther Von Hagens sinh ngày 10/1/1945 ở Skalmierzyce - nay thuộc miền tây Ba Lan và lớn lên ở miền đông nước Đức. Là người bị chứng máu khó đông nên từ nhỏ Hagens thường xuyên phải ra vào bệnh viện, do đó khi trưởng thành, Hagens quyết định theo đuổi lĩnh vực y khoa, theo học Đại học Jena (Đức). Đến năm 1975, Hagens lấy bằng tiến sĩ y khoa tại ĐH Heidelberg. Năm 1979 ông phát minh ra phương pháp plastic hóa để bảo quản tử thi và từ đó chuyển sang theo đuổi lĩnh vực giải phẫu tạo hình, sáng tạo ra Viện Phẫu thuật tạo hình plastic hóa ở Heidelberg năm 1993.

Người sáng tạo ra công nghệ nhựa hóa xác người thật: Đã mở nhiều triển lãm khắp thế giới và đều gây ra tranh cãi lớn - Ảnh 2.

Tiến sĩ Gunther von Hagens (Ảnh: Internet)

Trong 20 năm đầu kể từ khi ra đời, kỹ thuật nhựa hóa được Von Hagens dùng để bảo tồn các mẫu vật phục vụ cho nghiên cứu y học. Tới đầu những năm 1990 mới xuất hiện các phương tiện hiện đại giúp nhựa hóa toàn bộ cơ thể người, với mỗi cơ thể có thể mất tới 1.500 giờ công để hoàn tất.

Mặc dù vấp phải không ít phản đối từ dư luận, Hagens vẫn tự hào: "Tôi là người làm đẹp cho các thi hài và biến chúng thành vật có ích. Nhờ đó, chúng có thể trở thành bất tử. Những cuộc triển lãm giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về cơ thể mình và biết cách sống khỏe mạnh. Bạn có thể thấy sự khác nhau giữa một lá gan khỏe mạnh và một lá gan bệnh tật của một người nghiện rượu hay giữa một lá phổi lành lặn với một lá phổi bị ám khói. Với trẻ nhỏ, đây quả thật là hình thức giáo dục trực quan và sinh động hơn bao giờ hết".

Các cuộc triển lãm cơ thể người trên thế giới

Khi có trong tay số lượng kha khá các xác chết được nhựa hóa, Von Hagens đã tổ chức cuộc triển lãm cơ thể người đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1995. Trong vòng 2 năm tiếp theo, ông mở rộng quy mô các cuộc triển lãm, đặt cho nó cái tên Body Worlds, trong đó trưng bày nhiều cơ thể người chết đã được nhựa hóa, được đặt trong các tư thế khác nhau giống như trong đời thật, mô phỏng lại nhiều hoạt động của đời sống con người. Những thi thể này phần lớn được hiến tặng, và sẽ được lưu giữ tại Plastinarium Guben - viện bảo tàng do Hagens sáng lập tại thị trấn Guben, sát biên giới Đức - Ba Lan.

Người sáng tạo ra công nghệ nhựa hóa xác người thật: Đã mở nhiều triển lãm khắp thế giới và đều gây ra tranh cãi lớn - Ảnh 3.

Triển lãm cơ thể người đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1995 (Ảnh: plastinarium)

Kể từ đó, triển lãm đã xuất hiện trên hơn 50 thành phố ở khắp thế giới, thu hút nhiều người quan tâm đồng thời làm dấy lên những phản ứng kịch liệt về đạo đức và tính nhân đạo. Các nhóm tín ngưỡng, nhất là những người theo Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo đã gay gắt phản đối triển lãm của Von Hagens, cho rằng ông không tôn kính người đã khuất. 

Triển lãm "Body Worlds 2" được tổ chức tại bảo tàng khoa học Franklin (Mỹ) vào năm 2009 

Bản thân Hagens cũng gặp rắc rối về mặt pháp lý khi liên quan đến những cáo buộc về việc vận chuyển, giải phẫu tử thi trái phép. Năm 2002 von Hagens từng phải ra tòa làm chứng cho vụ xét xử nhà nghiên cứu bệnh học người Nga Vladimir Novosylov do liên quan đến việc vận chuyển và buôn bán trái phép 56 tử thi từ Nga sang Heidelberg (Đức). Sang tháng 10.2003, Hagens tiếp tục bị cáo buộc đã nhận và giải phẫu trái phép các thi thể từ những nhà tù, bệnh viện ở Kyrgyzstan mà không thông báo trước cho gia đình những người này.

Một triển lãm cơ thể người khác có tên ""Real Bodies: The Exhibition" diễn ra vào đầu tháng 4/2018 tại Sydney (Úc) cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận nước này. Một nhóm các luật sư, học giả và các nhà hoạt động nhân quyền tại Úc đã kêu gọi chính phủ liên bang đóng cửa triển lãm vì nghi ngờ nguồn gốc của các thi thể đang trưng bày.

Tuy gặp phải nhiều sự chỉ trích cũng như rắc rối về pháp lý nhưng các cuộc triển lãm Body Worlds 2, 3 và 4 của Von Hagens vẫn đón nhận hơn 26 triệu khách tham quan trên toàn thế giới. Hiện tại có hơn 9.000 người đăng ký hiến tặng xác cho bảo tàng Plastinarium Guben, trong đó có cả tên Hagens và những người thân!

(Tổng hợp)