Người Sài Gòn, Hà Nội lãng phí 1 giờ mỗi ngày vì tắc đường và sự bùng nổ của trào lưu... đi nhờ xe

A.D, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 05/12/2017

Một thế hệ trẻ năng động, có thu nhập cao nhờ hội nhập tốt vào thời đại công nghệ với công việc đến từ nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, các rào cản thuế quan được nới lỏng, giải pháp tài chính ngày càng đa dạng… giúp cho giấc mơ tậu ôtô của người Việt không còn quá xa vời.

Tuy nhiên, những khảo sát gần đây cho thấy rất nhiều người không còn mặn mà với việc sở hữu xe riêng. Đâu là lý do?

Có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến đa số người được hỏi đắn đo trong việc có nên chọn mua ôtô riêng trong tương lai hay từ bỏ chiếc ôtô mà mình đang sở hữu hay không. Trước mắt, chúng ta phải xem qua infographic dưới đây!

Người Sài Gòn, Hà Nội lãng phí 1 giờ mỗi ngày vì tắc đường và sự bùng nổ của trào lưu... đi nhờ xe - Ảnh 1.

Vấn nạn giao thông và bãi đỗ xe công cộng

Dễ thấy rằng, những năm gần đây, các công trình giao thông công cộng tại Việt Nam đã được chú trọng phát triển nâng cấp hiện đại hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự đô thị hóa quá nhanh tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam làm cho cơ sở hạ tầng đặc biệt là đường xá không thể đáp ứng kịp. Dòng người đổ về các thành phố lớn ngày một đông kéo theo việc các phương tiện cá nhân tăng đột biến dẫn tới sự khủng hoảng về môi sinh, chỗ ở cũng như các công trình công cộng. Dĩ nhiên, nạn kẹt xe ngày càng trở nên trầm trọng.

Giao thông gần như chính là nguyên nhân dẫn tới những tác động trực tiếp trong việc quyết định có nên sở hữu hay không các phương tiện giao thông cá nhân của người Việt trẻ hiện nay. Tình trạng thường gặp khi sở hữu ôtô riêng tại các thành phố lớn là nạn tắc đường và khó tìm được bãi đậu xe công cộng.

Theo khảo sát do Uber phối hợp cùng công ty Audience Project thực hiện tại TP.HCM, có 62% cho biết vấn đề lớn nhất họ gặp phải là tiêu tốn quá nhiều thời gian vì nạn kẹt đường. Khó khăn khi tìm chỗ đậu xe xếp thứ 2 với 57% đồng tình.

Trung bình người tham gia giao thông tại Hà Nội và TP.HCM lãng phí 1 tiếng mỗi ngày hay 15 ngày mỗi năm vì kẹt xe. Con số này chắc chắn sẽ khó có thể giảm trong thời gian tới khi tỉ lệ tăng dân số tới 2 thành phố này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong khi rất nhiều các dự án giao thông lớn nhỏ đang gặp khó khăn về tài chính, vận hành cũng như giải phóng mặt bằng.

Tình trạng thiếu bãi đậu xe tại các khu vực trung tâm cũng là một ám ảnh đối với người sử dụng xe ôtô riêng. Việc thiếu quy hoạch ngay từ đầu khi không lường trước được sự gia tăng đột biến của dân số cũng như phương tiện cá nhân khiến cho quỹ đất dành cho các bãi đậu xe công cộng trở nên thiếu hụt trầm trọng. Còn các giải pháp đậu xe thông minh giúp tiết kiệm diện tích theo xu hướng của các nước phát triển thì đòi hỏi chi phí quá lớn và không có nhiều nhà đầu tư hứng thú.

Khảo sát của Uber cũng cho thấy 68% người sở hữu ô tô riêng tại TP.Hồ Chí Minh đã từng bỏ lỡ hoặc trễ việc quan trọng vì gặp rắc rối khi tìm chỗ đậu. Trong đó, lễ cưới là sự kiện quan trọng bị trễ giờ nhiều nhất. 65% cho biết họ đã từng dự đám cưới trễ vì vấn đề chỗ đậu xe.

Người Sài Gòn, Hà Nội lãng phí 1 giờ mỗi ngày vì tắc đường và sự bùng nổ của trào lưu... đi nhờ xe - Ảnh 2.

Nạn kẹt xe đang là một vấn đề đáng báo động trong các đô thị lớn Việt Nam

Phương tiện công cộng và sự bùng nổ của dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing)

Với những thông điệp rõ ràng từ chính phủ, phương tiện giao thông công cộng ngày càng được cải thiện về dịch vụ, thời gian cũng như chất lượng: trang bị công nghệ thân thiện môi trường, máy lạnh tiêu chuẩn, thanh toán thông minh, bus nhanh, bus đường thuỷ… Cùng với đó là sự hình thành của các tuyến đường sắt đô thị ở TP.HCM và Hà Nội nên rất nhiều người, đặc biệt là sinh viên, học sinh, công nhân viên chức đang ưu tiên lựa chọn các loại hình phương tiện công cộng và sẵn sàng gắn bó lâu dài nếu loại hình này.

Có thể là hệ quả của thời buổi công nghệ hoặc cũng có thể là thế hệ trẻ ngày nay đang ít nhiều có đủ may mắn để lựa chọn. Sự phát triển của hình thức chia sẻ xe (ridesharing) trong vài năm gần đây là giải pháp hiệu quả khác cho việc di chuyển trong các đô thị ở các nước phát triển lẫn đang phát triển. Khái niệm chia sẻ xe (ridesharing) tưởng chừng xa lạ, thực chất chính là Uber, Grab với dịch vụ quen thuộc với người dân trong vòng 3 năm trở lại đây. Tên gọi ridesharing xuất phát từ bản chất của dịch vụ là người dân thành phố trở thành “tài xế công nghệ”, chia sẻ phương tiện giao thông của mình để người khác cùng tận dụng. Hiện nay, hầu như bất kì ai cũng cài ít nhất một ứng dụng gọi xe như Uber. Thậm chí nhiều doanh nghiệp Việt đã thích ứng và triển khai chia sẻ xe tương tự.

Hải Thy - Freelance về truyền thông đang sống tại Hà Nội nói vui: “Uber vài năm gần đây đang là trend đấy! Bạn bè bọn em ai cũng dùng dịch vụ này! Nếu đi tiệc tùng thì chọn ôtô, không phải đội mũ bảo hiểm để bị hỏng hết tóc, nếu đi ăn uống linh tinh thì cứ moto mà chọn, vừa rẻ vừa không phải lo gửi xe mà giá cả thì cũng rẻ nữa”.

Với việc đã được thử thách tại nhiều đô thị lớn cũng như vài năm “thực nghiệm” ngay tại Việt Nam là một minh chứng rõ cho xu hướng di chuyển này mang đến một giải pháp tốt và được người trẻ đón nhận. Một tỉ lệ lớn người dân tin rằng dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) có thể thay thế việc sở hữu phương tiện cá nhân với ba ưu điểm chính: Có tính linh hoạt cao, chi phí thấp hơn sử dụng taxi, không phải tiêu tốn thời gian tìm bãi đậu xe.

Tại TP.Hồ Chí Minh, 42% người được hỏi đồng ý các dịch vụ chia sẻ phương tiện là phương thức khả thi để thay thế ô tô cá nhân. 31% cho rằng dịch vụ này có thể thay thế ô tô cá nhân hoàn toàn.

Giá trị của những lựa chọn

Nhiều người được hỏi qua khảo sát cho rằng họ không chọn sở hữu ô tô riêng vì nó vượt quá khả năng kinh tế hoặc chưa phù hợp với mức thu nhập của họ. Nhưng ngay cả khi đủ khả năng nhiều người cũng không chọn ô tô riêng vì cho rằng số tiền họ bỏ ra không hợp lý với giá trị nhận được. Một số người đang sở hữu ôtô còn cho rằng nếu như nhìn thấy nhiều bất cập trong việc sở hữu ô tô riêng họ đã chọn đầu tư số tiền mua xe vào việc khác hiệu quả, thiết thực hơn.

Chị Thu Hà - Trưởng phòng Kinh doanh một công ty Bảo hiểm đóng tại Quận 1 chia sẻ: “Cả mình và chồng đều là người ở tỉnh lên thành phố nên nghĩ đơn giản rằng muốn có ôtô để tiện cho việc gia đình, con cái cùng về quê mỗi dịp cuối tuần hay để phục vụ cho các chuyến đi du lịch gần. Tuy nhiên, đôi khi di chuyển trong phố mình thật sự bực mình, vừa kẹt xe, vừa phải tìm điểm đậu xe và khi kiếm ra thì quá xa nơi cần đến. Bước bộ vài trăm mét trên đôi giày cao gót từ bãi đỗ xe đến quán ăn thì bạn mới thấy bi kịch thật sự”.

Quay lại với giới trẻ, phải nói rằng người trẻ hiện đại đang thật sự có cái nhìn tích cực vào xu hướng “YOLO”. Họ biết rằng, bên cạnh việc sở hữu thì trải nghiệm cũng là điều mà tuổi trẻ cần đặc biệt hướng tới. Họ dành nhiều thời gian hơn cho những chuyến du lịch, những trải nghiệm, thử thách mới cũng như việc học tập, kết giao thêm nhiều mối quan hệ tích cực. Đây là nhóm người thích sự di chuyển và thường chọn các giải pháp giao thông công cộng hoặc dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) để tiết kiệm được một khoản đầu tư ban đầu rất lớn khi sở hữu phương tiện riêng cũng như các chi phí đắt đỏ phải trả cho chỗ việc dừng đỗ, bảo trì xe…

Trong cuộc sống hiện đại, yếu tố tiện ích và hiệu quả thường quyết định sự lựa chọn của mỗi người. Ở các thành phố lớn, rõ ràng việc sở hữu ô tô riêng sẽ gây không ít phiền toái cho chủ nhân của nó. Sự phát triển của các phương tiện công cộng, dịch vụ chia sẻ xe vì thế cũng là lựa chọn của rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ luôn đặt sự tiện lợi lên hàng đầu.

Vào giờ cao điểm tình trạng kẹt xe khiến nhiều người phải thay đổi các hình thức di chuyển bằng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng hoặc các hình thức chia sẻ xe.