Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân

Thu Hường - Ảnh: Mai Lân, Theo Trí Thức Trẻ 07:05 25/06/2016

Tai nạn giao thông đã khiến cả hai lâm vào tận cùng tuyệt vọng. Một người bị liệt hai chân, một người bị mù hai mắt. Thế nhưng, bằng cách nào đó, họ vẫn vươn lên, sống thật mạnh mẽ để rồi đến 1 ngày, người phụ nữ ấy nhận được sự giúp đỡ nhiệt tâm từ người đàn ông đồng cảnh ngộ.

9h sáng tại Trung tâm dạy học toán online do Thủ khoa trường ĐH Khoa học Tự nhiên năm 2013 - Đỗ Duy Hiếu sáng lập, cuộc sống như trở nên vội vã, quay cuồng giống một chiếc chong chóng gặp phải trận gió lớn.

Hình ảnh của người phụ nữ đầy nghị lực vượt qua bóng tối để vươn lên sống mạnh mẽ hơn. Thực hiện: Kiên Nguyễn

Trong văn phòng tư vấn qua điện thoại, các nhân viên trực tổng đài tất bật làm việc. Mỗi người đều vừa một tay liên tục giữ điện thoại, một tay không ngừng ghi chép lại những thông tin cơ bản của khách hàng để nhập liệu vào máy tính.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 2.

Phòng tư vấn qua điện thoại tại trung tâm của anh Hiếu.

Giữa không gian như thế, anh Hiếu ngồi bình tĩnh, hướng dẫn một nhân viên nữ đang học việc. Tiếng nói anh nhẹ nhàng, điệu bộ khoan thai, có phần tách biệt hẳn với không khí làm việc bên cạnh.

Tôi muốn nói về anh Hiếu (SN 1987, quê Thanh Hóa), cựu sinh viên dang dở của ĐH Bách khoa Hà Nội. Có câu, "Nắng Bách Khoa thiêu đốt đời trai trẻ - Mây Hà thành che phủ tuổi thanh xuân". Thế mà, giữa lúc đang yêu đời phơi phới như thế, khi đang là sinh viên năm thứ 2, anh Hiếu bất ngờ bị tai nạn giao thông, chịu nhiều di chứng và bị liệt cả hai chân.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 3.

Anh Đỗ Duy Hiếu, thủ khoa ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2013.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 4.

Sau vụ tai nạn, đôi chân anh Hiếu bị liệt hoàn toàn.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 5.

Còn đôi tay và khối óc, anh Hiếu vẫn không ngừng cố gắng vươn lên.

Bánh xe cuộc đời anh Hiếu tưởng như đã bị trật đường, rơi dần xuống dốc. Thế nhưng không, người đàn ông nghị lực này đã vươn lên một cách mạnh mẽ, trở thành Thủ khoa đầu ra của một trường ĐH danh tiếng và giờ đây, là chủ một Trung tâm dạy học online có hơn 40.000 học sinh.

Tôi gặp anh Hiếu trong căn phòng tư vấn chật chội. Người phụ nữ đang được anh hướng dẫn, ngồi cạnh anh, đôi mắt nhìn thẳng vào khoảng không trống rỗng. Trong một khoảnh khắc vô tình, chị bỏ chiếc kính cận đang đeo ra, lúc tôi bất chợt động vào người làm chị giật mình thì tôi hiểu, đó là một người khiếm thị.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 6.

Anh Hiếu bận rộn với việc dạy nghề cho một nhân viên nữ, ngay tại căn phòng tư vấn chật hẹp.

Cuộc đời anh Hiếu là một mảnh ghép nhiều bất hạnh. Nhưng ở đây, ngay trong gian phòng nhỏ này, ngoài anh, vẫn còn một thanh âm rất khác, đó chính là người phụ nữ bên cạnh.

Cú ngã vì tai nạn giao thông và vết trượt dài đến tận cùng tuyệt vọng

Người phụ nữ khiếm thị này là chị Dương Thị Hiền (sinh năm 1986, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội). Năm 2014, khi đang công tác tại trường tiểu học song ngữ Brendon, chị bị tai nạn giao thông, từ đó bị mù, mất đi khả năng làm mẹ và chịu nhiều thương tổn về sức khỏe.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 7.

Chị Hiền ngồi nghe anh Hiếu hướng dẫn công việc.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 8.

Nhìn vẻ ngoài, ít ai nghĩ chị là người khiếm thị.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 9.

Thế nhưng, nhìn cách chị dò dẫm bước đi cùng với sự hỗ trợ của người khác như thế này, ai cũng có thể hiểu rằng, chặng đường để chị tìm đến với trung tâm của anh Hiếu không hề dễ dàng.

Chị Hiền có giọng nói rất nhẹ nhàng, dáng vẻ bình tĩnh và kiên nhẫn. Tôi vẫn nghĩ, một người như thế mà đi làm nghề "gõ đầu trẻ", hẳn sẽ được các em nhỏ yêu quý lắm! Giữa thanh xuân và cũng là lúc ở đỉnh cao của sự nghiệp, khi chỉ còn ngày mai nữa thôi là bước vào kỳ thi giáo viên giỏi, chị gặp tai nạn.

Mọi thứ diễn ra vội vã như là một cơn ác mộng. "Tôi chỉ nhớ mình bị một chiếc xe máy lao tới, hất văng ra rồi thiếp đi, chẳng còn biết gì nữa", chị Hiền kể. Sau đó, lúc đang ở bệnh viện, khi mở mắt ra, dù đã cố gắng hết sức, phía trước chị vẫn chỉ là một khoảng tối đen kịt!.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 10.

Chị Hiền nhớ lại vụ tai nạn xảy đến với mình.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 11.

Đôi bàn tay run lên vì xúc động, phải co dần lại.

"Nhiều đêm nằm trong bệnh viện, tôi thấy hoảng sợ, cảm giác như không có ai bên cạnh và mình tôi, rơi vào khoảng tối đen ngòm rộng lớn".

Không chỉ mất đi đôi mắt, các bác sĩ còn chẩn đoán chị khó có khả năng sinh con do tuyến yên bị ảnh hưởng. Đau khổ, sợ hãi, bất lực, chị Hiền dần ý thức được, có lẽ, cuộc đời mình đã bị bàn tay vô hình nào đó, nhấc bổng lên và lạnh lùng, ném vào một hố sâu u buồn.

"Nhưng khi đó tôi vẫn chưa thực sự hiểu hết nỗi buồn của mình. Phải đến khi ra viện, trở lại cuộc sống hàng ngày, tôi mới hiểu, cuộc sống của mình giờ đây là như thế nào... Trong nhiều đêm, tôi thấy mẹ mình khóc vì thương con. Tôi thấy buồn vì nghĩ, từ một người trụ cột cho gia đình, tôi đã trở thành gánh nặng... và tôi, đôi lần nghĩ hay là mình chết đi để giải thoát cho mình và cả bố mẹ".

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 12.

Chịu nhiều nỗi bất hạnh, người phụ nữ này từng có lúc muốn quay lưng, dứt bỏ tất cả.

Thế nhưng, khi chọn phương án tiếp tục sống, chị Hiền muốn mình sống thật mạnh mẽ hơn, không còn là nỗi lo của người khác.

"Tôi tham gia vào Hội người mù Hà Nội, học chữ nổi, đánh máy tính, tập làm quen với cuộc sống của một người khiếm thị". Cuộc sống sau ngày gặp tai nạn với chị Hiền, chẳng hề dễ dàng. Thế nhưng, chị chấp nhận những vết thương không thể chữa lành, tin vào chính mình, tin vào cuộc đời vốn không thể khác... để tiếp tục đứng lên.

Nơi những người khuyết tật gặp nhau, đùm bọc nhau trong sự bình đẳng

Chị Hiền tâm sự, ước mơ lớn nhất của chị là được trở lại bục giảng. Có đôi lần, chị trở lại thăm trường Brendon, tiếng cười, nói của các em học sinh trở thành nỗi ám ảnh khiến chị day dứt trong lòng.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 13.

Nụ cười của chị Hiền khi nhớ lại những kỉ niệm làm giáo viên.

Thế nhưng, hơn ai hết, chị Hiền hiểu rõ, việc tiếp tục làm giáo viên sẽ là một giấc mơ rất xa vời. Qua sự giới thiệu của một người bạn, chị Hiền xin vào làm công việc tư vấn viên qua điện thoại tại trung tâm dạy học online của anh Hiếu.

Vừa nghe kể về hoàn cảnh của chị Hiền, chưa đầy 2 phút, anh Hiếu lập tức gật đầu đồng ý. Anh Hiếu chia sẻ, mặc dù chị Hiền là người khuyết tật nhưng anh luôn kỳ vọng rất cao ở chị.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 14.

Anh Hiếu nghe chị Hiền kể về cuộc đời mình với thái độ rất chia sẻ.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 15.

Anh Hiếu trực tiếp dạy nghề cho chị Hiền trong khi việc này, lâu nay thường do nhân viên cấp dưới anh thực hiện.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 16.

Và anh đặt vào rất nhiều kỳ vọng, mong chị có thể mạnh mẽ, cố gắng làm tốt công việc của mình.

"Cô ấy từng là giáo viên thì chắc chắn sẽ nắm bắt tâm lý phụ huynh, học sinh tốt hơn. Hơn nữa, những người như tôi và cô Hiền, đều chỉ biết lấy công việc làm vui thì hẳn nhiên, hiệu quả làm việc phải cao hơn người thường (cười)".

Theo lời anh, khi tham gia làm việc tại trung tâm, anh sẽ đối xử với chị Hiền như tất cả các nhân viên khác. "Cô ấy cũng phải cạnh tranh, cần làm việc như tất cả mọi người. Không có sự khác biệt giữa người khuyết tật và người thường về cơ hội, chỉ có điều, những người như tôi và cô ấy phải cố gắng hơn họ rất nhiều".

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 17.

Chị Hiền hào hứng với công việc mới.

Mức lương cơ bản ở đây là 4 triệu, nếu làm tốt, con số có thể tăng đến 10 triệu đồng. Theo anh Hiếu, đây là cách đãi ngộ khá cạnh tranh, đủ giúp chị Hiền trang trải cuộc sống.

Cả chị Hiền và anh Hiếu đều là những người trải qua nhiều đắng cay. Thế nhưng, họ không giữ lòng hận thù hay đổ lỗi cho số phận. Tất cả đều sẵn sàng vươn lên, sống mạnh mẽ, tốt hơn và luôn quan tâm, giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ bằng tấm lòng chân thành nhất có thể.

Người phụ nữ mù và những ngày học việc ở Trung tâm của một ông chủ liệt hai chân - Ảnh 18.

Chị Hiền quan niệm, cuộc sống thì vẫn luôn tiếp tục và điều chúng ta cần làm là dũng cảm đối mặt với số phận.

Hạnh phúc rồi sẽ đến từ những điều bất ngờ nhất và có ai nghĩ được, ngày hôm nay, chị Hiền đang được chính một người từng bị tai nạn giao thông, chịu khuyết tật nặng ngang ngửa mình giúp đỡ?

Giống như chị Hiền từng nói với tôi, chúng ta cứ đi đến tận cùng của tuyệt vọng để chấp nhận tất cả rồi mạnh mẽ vươn lên. Cuộc sống rồi sẽ không có những kết thúc đáng buồn bởi chỉ cần bạn dám đối mặt, ngày mai khi ánh mặt trời chiếu lên mặt đất, thế giới này vẫn tuyệt đẹp biết bao!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày