Người phụ nữ bị cưỡng bức đến sống thực vật 42 năm: Không giành được cái chết nhân đạo cho mình nhưng thay đổi cả luật pháp đất nước

IMACHO, Theo HELINO 00:10 29/05/2019

Tương lai của cô gái trẻ 25 tuổi bị đóng sầm trước mắt sau biến cố kinh hoàng. Hung thủ sau đó chỉ phải nhận bản án nhẹ nhàng trong khi nạn nhân dành hơn 42 năm chiến đấu vì quyền lợi của bản thân nhưng vẫn thất bại.

Năm 18 tuổi, Aruna Shanbaug rời bỏ quê hương ở Karnataka, Ấn Độ, một thân một mình đến thành phố Mumbai ăn học để thực hiện ước mơ trở thành y tá. Sau khi tốt nghiệp, bà được nhận vào làm tại bệnh viện King Edward Memorial. Khi đó, Aruna dường như có mọi thứ trong tay từ sự nghiệp đến tình yêu. Vị hôn phu của Aruna là một bác sĩ, cả 2 thậm chí còn lên kế hoạch kết hôn và tậu nhà mới. Chẳng ai ngờ biến cố lớn ập đến năm 25 tuổi làm thay đổi cuộc đời bà hoàn toàn.

Người phụ nữ bị cưỡng bức đến sống thực vật 42 năm: Không giành được cái chết nhân đạo cho mình nhưng thay đổi cả luật pháp đất nước - Ảnh 1.

Aruna được miêu tả là một người xinh đẹp và làm việc có trách nhiệm. Bà từng bắt gặp nhân viên vệ sinh Sohanlal Bhartha Walmiki ăn cắp của công và lên tiếng cảnh cáo người này. Đây chính là nguồn cơn bắt đầu khiến hắn cảm thấy giận dữ và lên kế hoạch trả thù.

Tối ngày 27/11/1973, Aruna hoàn thành ca trực đêm và thay đồ chuẩn bị cho buổi hẹn hò cùng chồng sắp cưới thì bị Sohanlal tấn công. Tên này lao đến khống chế, siết cổ bà bằng một sợi dây xích chó trước khi cưỡng bức, cướp một vài món trang sức của nạn nhân rồi rời đi. Phải đến 11 tiếng sau, nhân viên bệnh viện mới phát hiện Aruna nằm giữa vũng máu trong tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do thiếu khí oxy.

Người phụ nữ bị cưỡng bức đến sống thực vật 42 năm: Không giành được cái chết nhân đạo cho mình nhưng thay đổi cả luật pháp đất nước - Ảnh 2.

Chân dung Sohanlal, người đã hủy hoại hoàn toàn cuộc đời của Aruna.

Được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng Aruna vẫn bị liệt, mất thị lực, khả năng giao tiếp, đi lại và ăn uống, sống đời sống thực vật phụ thuộc vào sự chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ, những người xem bà như người thân. Vị hôn phu của Aruna cũng ở bên cạnh bà lúc nguy kịch nhất nhưng 4 năm sau, cũng rời đi với một người phụ nữ khác.

Trong chớp mắt, Aruna đánh mất tất cả, đến quyền được sống như người bình thường cũng bị tước đi. Ấy vậy mà án phạt dành cho kẻ thủ ác lại quá nhẹ nhàng không khỏi khiến dư luận phẫn nộ. Sohanlal bị bắt ngay sau khi gây án nhưng hắn chỉ bị phạt 7 năm tù giam cho tội danh cướp của và cố ý giết người. Từ đầu đến cuối, tên này chưa từng thừa nhận cáo buộc cưỡng bức. Hắn một mực khẳng định Aruna bị thương trong quá trình 2 bên xảy ra xô xát.

Người phụ nữ bị cưỡng bức đến sống thực vật 42 năm: Không giành được cái chết nhân đạo cho mình nhưng thay đổi cả luật pháp đất nước - Ảnh 3.

Năm 1980, Sohanlal được trả tự do. Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, tên này còn kể khổ về cái chết của con gái hắn trong lúc hắn ngồi tù. Ám ảnh từ vụ việc khiến Sohanlal không dám động vào người vợ mình trong suốt thời gian dài. Bằng chứng được đưa ra là cậu con trai ra đời tận sau 11 năm hắn ra tù.

Những gì Sohanlal trải qua không bằng một góc sự chịu đựng của Aruna trong suốt hơn nửa cuộc đời còn lại của bà. Theo lời các nhân viên bệnh viện kể, Aruna thường nằm trên giường với tay chân co quắp khiến họ liên tục phải giúp bà duỗi thẳng chúng ra. Có lúc không biết vì lý do gì, Aruna gào khóc dữ dội trong nhiều giờ liền.

"Một ngày thường bắt đầu với việc kiểm tra sức khỏe, cho bà ăn và uống thuốc. Thời gian còn lại, chúng tôi làm mọi thứ để đảm bảo bà không bị lở loét vì nằm trên giường quá lâu" - nhân viên y tế kể lại. Aruna cứ tồn tại như thế đến khi bà trút hơi thở cuối cùng hơn 4 thập kỷ sau đó.

Người phụ nữ bị cưỡng bức đến sống thực vật 42 năm: Không giành được cái chết nhân đạo cho mình nhưng thay đổi cả luật pháp đất nước - Ảnh 4.

Vào năm 2010, nữ nhà báo Pinki Virani đã đứng lên chiến đấu cho vụ việc của Aruna. Cô biết đến Aruna qua những lời kể của mẹ về một người phụ nữ độc lập, làm việc chăm chỉ và phá bỏ giới hạn bị mặc định dành cho phái yếu. Sau này khi lớn lên và tìm gặp Aruna, Pinki thật sự mong muốn chấm dứt tất cả những nỗi đau mà người phụ nữ đáng thương này đang phải chịu đựng. Thời điểm đó, bà đệ đơn lên Tòa án tối cao Ấn Độ yêu cầu ban cho Aruna cái chết nhân đạo.

Nỗ lực của Pinki và Aruna được đền đáp khi tạo ra thay đổi cực kỳ quan trọng trong luật pháp Ấn Độ. Vào năm 2011, tòa án tối cao quyết định thiết bị y tế hỗ trợ sự sống có thể được rút bỏ một cách hợp pháp khỏi một số bệnh nhân ở giai đoạn cuối. Theo đó, lần đầu tiên bệnh nhân được phép an tử.

Tòa án cũng cho hay việc rút bỏ thiết bị hỗ trợ sự sống có thể được thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt, gia đình yêu cầu và có sự giám sát của bác sĩ cũng như tòa án. Sở dĩ phải có sự giám sát là để ngăn chặn các thành viên gia đình có ý định trục lợi từ cái chết của người thân mình.

Đáng tiếc, trường hợp của Aruna bị tòa bác bỏ vì bà không còn người thân trong khi Pinki lại không đủ tư cách pháp lý để đưa ra quyết định cho bệnh nhân. Thêm nữa, lời thỉnh cầu của Pinki còn gặp phải sự phản đối kịch liệt của đội ngũ chăm sóc cho Aruna ở bệnh viện. Những người này cho rằng không có lý do gì để ngừng cung cấp sự sống cho bà.

Nằm trên giường bệnh quá lâu khiến Aruna bị viêm phổi. Bà được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và sử dụng thiết bị trợ thở trước khi qua đời vào sáng ngày 18/5/2015, khép lại 42 năm chịu đựng nỗi đau thể xác lẫn tinh thần.

Người phụ nữ bị cưỡng bức đến sống thực vật 42 năm: Không giành được cái chết nhân đạo cho mình nhưng thay đổi cả luật pháp đất nước - Ảnh 5.

Dù không giành được chiến thắng cho mình nhưng Aruna đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi điều luật, giúp đỡ những người có hoàn cảnh tương tự. Giống như Pinki từng nói: "Bởi vì người phụ nữ ấy không bao giờ nhận được sự công bằng nên sẽ không có một người nào khác phải chịu đựng những điều mà bà phải trải qua".

(Nguồn: Tổng hợp)