"Người phán xử": Bước ngoặt của tư duy phim truyền hình hay chiến thắng có một không hai?

Quân Du, Theo Trí Thức Trẻ 12:09 04/09/2017

"Người phán xử" đã kết thúc, nhưng liệu phim truyền hình Việt còn có thể tạo ra được những "Người phán xử" tiếp theo hay không?

Đã từ lâu rồi, khán giả phim Việt mới có được một sản phẩm đáng để mong chờ, mang tính bước ngoặt như Người phán xử.

Bao lâu rồi mới đến mỗi giờ chiếu phim, người ta lại yên vị trước màn hình tivi, có thể là một mình, cùng nhau hoặc với cả gia đình để xem một bộ phim. Khung giờ vàng chiếu Người phán xử bỗng chốc không còn là của riêng các bà, các mẹ, những người nội trợ nữa mà còn là của cánh đàn ông, những thanh niên mà hằng ngày chỉ mong giành tivi để xem bóng đá. Suốt 4 tháng qua, nhiều khán giả nhận ra phim Việt giờ đây lại đáng xem, đáng theo dõi nếu được thực hiện một cách nghiêm túc và tâm huyết.

Người phán xử: Bước ngoặt của tư duy phim truyền hình hay chiến thắng có một không hai? - Ảnh 1.

Nếu như làn sóng phim Hàn Quốc đang tạo cơn sốt bằng những bộ phim chân dung nghề nghiệp, nơi khán giả có thể chiêm ngưỡng và theo dõi cuộc đời thú vị của những bác sĩ, công tố viên, thậm chí là quân nhân; còn người Trung Quốc lại gây sức hút bằng những bộ phim huyền huyễn tài tử giai nhân thơ mộng, bắt mắt thì phim truyền hình Việt hiện tại vẫn đang trong giai đoạn ăn xổi ở thì và đầy may rủi.

Đây chưa phải là câu chuyện cạnh tranh với các nền điện ảnh trong khu vực mà chỉ mới là việc giữ chỗ đứng trong chính sân nhà của mình. Trên thực tế, những nhà làm phim Việt hiện nay đang phải chật vật tìm cách làm sao để giữ cho khán giả Việt ở lại với phim Việt. Thực tế còn khó khăn hơn nhiều đối với truyền hình phía nam bởi các bộ phim nơi đây đang bị làn sóng các game show hài, vui nhộn lấn át, cạnh tranh khốc liệt. Để giành lại sân chơi đáng ra phải là của mình, nhà đài cần phải có những cải tiến mới mẻ và đột phá hơn nữa. Trong đó, sự tôn trọng với khán giả phải được để lên hàng đầu.

Người phán xử là dự án phim truyền hình được đầu tư lớn của VFC và có thể nói là bước hiện thực hoá đầu tiền của những cải cách đột phá ấy. Cùng với "song sát" là Sống chung với mẹ chồng, 2 bộ phim đã thu hút được số lượng khán giả rất đông và duy trì độ hot ổn định trong quá trình phim phát sóng. Để làm được điều này, không thể không nhắc đến những bước chuyển hoá mạnh tay như sẵn sàng thực hiện các cảnh quay có tính chân thực cao, táo bạo hơn, trực diện hơn.

Người phán xử: Bước ngoặt của tư duy phim truyền hình hay chiến thắng có một không hai? - Ảnh 2.

Đặc biệt là những cảnh đặc tả bạo lực trong giới giang hồ như phân đoạn chặt ngón tay trên bàn phán xử ở ngay tập đầu tiên của Người phán xử hay chi tiết trả thù man rợ của bạo chúa giới giang hồ trong những tập gần cuối. Điều đáng nói ở đây là phim Việt đã bỏ đi tâm thế ngại ngùng, tránh né mà sẵn sàng đi thẳng vào nội dung cần thể hiện, đưa cho khán giả những thứ mà họ muốn thấy suốt bao lâu nay.

Không chỉ về mặt hình ảnh, ngôn ngữ và lời thoại trong Người phán xử cũng táo bạo hơn rất nhiều. Cách các nhân vật nói chuyện thực tế hơn, gần gũi hơn đối với khán giả. Không còn là những đoạn thoại đọc thuộc lòng, khuôn sáo như "google dịch" nữa mà thay vào đó là những câu nói đậm chất đời, thậm chí có phần lí lắc, dí dỏm và thâm sâu. Các câu nói đang "mốt" ngoài đời cũng liên tục được cập nhật vào phim.

Thậm chí có lúc khán giả phải giật mình vì một từ nhạy cảm của tay giang hồ trong phim được xuất hiện. Nếu so với các phim phương Tây, Người phán xử không thể nào "chân thực và tục tĩu" như thế được vì văn hoá Việt Nam với văn hoá các nước Âu Mỹ là rất khác nhau. Tuy nhiên, lời thoại của Người phán xử vẫn có bước chuyển mình khá dài so với các bộ phim cùng đề tài trước đó. Ít ra, khán giả cũng không phải thấy những tay anh chị ăn nói quá sạch sẽ, lịch sự như nhân viên tiếp thị trên màn ảnh.

Người phán xử: Bước ngoặt của tư duy phim truyền hình hay chiến thắng có một không hai? - Ảnh 3.

Tiếp theo phải kể đến sự cách tân trong cách xây dựng kịch bản. Có một đạo diễn nổi tiếng đã từng nói "3 yếu tố để làm lên một bộ phim hay là kịch bản, kịch bản và kịch bản". Quả thực, khi nói đến một bộ phim truyền hình ở Việt Nam, người ta sẽ nhắc đến các gương mặt diễn viên chính trước, thứ đến là đạo diễn, còn biên kịch thì ở sau cùng, thường chẳng ai nhớ đến bao giờ. Nó khác hẳn với các nền điện ảnh tân tiến trong khu vực, nơi biên kịch là người quyền lực nhất, nổi tiếng nhất, là cái tên đầu tiên được nhắc đến khi một dự án được khởi sướng. Đối với những nhà biên kịch lớn như Vu Chính hay Kim Eun Sook thì chỉ có phim của họ làm nên ngôi sao chứ không bao giờ có chuyện những ngôi sao làm nên phim của họ. Người phán xử thành công như vậy là do được thừa hưởng một kịch bản gốc vốn đã quá thành công ở Israel.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra cái khó nhất định cho biên kịch Nguyễn Trung Dũng - người từng khá thành công với bộ phim hình sự Mạch ngầm vùng biên ải - dù bản gốc ít được mọi người biết đến ở Việt Nam nhưng lại mang nặng bản sắc của một nền văn hoá xa lạ như Israel. Tuy nhiên, rất may là Người phán xử đã được Việt hoá rất tốt, xoá bỏ được dấu ấn văn hoá Do Thái của bản cũ, đồng thời giữ được điểm hấp dẫn của phim gốc cùng nhịp phim nhanh, mạnh và dồn dập, không còn kể lể câu giờ như nhiều phim truyền hình Việt trước nay.

Người phán xử: Bước ngoặt của tư duy phim truyền hình hay chiến thắng có một không hai? - Ảnh 4.

Điều này phù hợp với nhu cầu thị hiếu của lớp khán giả mới. Một tập phim phải liên tục có các tình huống để khán giả bắt buộc phải theo dõi. Cuối tập luôn là một cái kết mở để lôi kéo khán giả đến với tập sau. Đã qua rồi cái thời phim giờ vàng có thể vừa xem vừa đan len, vừa chấm bài hay ngồi nói chuyện. Một bộ phim hình sự phải có yếu tố giật gân, cao trào để giữ chân khán giả, thậm chí phải tiết giảm tối đa sự dài dòng trong câu thoại để người xem tự suy nghĩ, rút ra ý nghĩa của các chi tiết trong phim.

Tuy nhiên, dù kịch bản rất quan trọng nhưng chỉ một mình kịch bản thôi vẫn chưa đủ mà cần phải có thêm cả diễn xuất của các diễn viên nữa. Người phán xử có lẽ là một trường hợp khá lạ của điện ảnh trong nước bởi sức hút lớn nhất của bộ phim lại không đến từ những gương mặt trẻ trung, tài năng hợp thời mà lại đến từ những cái tên gạo cội thuộc về thế hệ đi trước. Có lẽ ít ai tưởng tượng được rằng một diễn viên có vóc dáng khiêm tốn như NSND Hoàng Dũng khi lên vai ông trùm vùng biên lại có thể ngầu và uy phong đến thế. Diễn xuất như có thuốc mê của NSND Hoàng Dũng khiến người xem phải trầm trồ trước phong độ của Phan Quân mà quên đi tuổi thật của ông ngoài đời. Điều tương tự cũng xuất hiện ở vai diễn Lương Bổng do NSƯT Trung Anh thể hiện khi mà nhân vật người cộng sự trung thành của ông cũng trở thành một hiện tượng.

Các khán giả cứ được khoảng 2 tập không thấy Lương Bổng là kêu "nhớ", mong nhân vật tái xuất. Thật sự là rất lâu rồi mới có một vai diễn trên phim được khán giả yêu quí và giành nhiều tình cảm thân thương đến thế. Cảm giác các nhân vật không chỉ là những bóng hình xuất hiện trên phim mà còn là một người chú, người anh, người chị rất gần gũi mà ta có thể bắt gặp ở đâu đây thôi. Khoảng cách giữa khán giả và nhân vật không còn xa nữa mà ngày một xích lại gần nhau hơn. Những hình ảnh về Hùng Cá Rô nghĩa khí bản lĩnh, Phan Hải cộc cằn ngang ngược, Bảo Ngậu tài hoa nam tính đã để lại cho người hâm mộ biết bao những cảm xúc cả vui vẻ lẫn xót xa, thấu cảm.

Người phán xử: Bước ngoặt của tư duy phim truyền hình hay chiến thắng có một không hai? - Ảnh 5.

Ngoài những yếu tố về nội dung chuyên môn, Người phán xử vẫn còn những điểm rất đáng nói về sự đổi mới trong cách tiếp cận khán giả. Cụ thể, phía đoàn phim đã phối hợp quá trình phim lên sóng với bình luận trên mạng xã hội rất tốt. Đã không dưới một lần người ta thấy cả diễn viên lẫn đạo diễn tham gia vào tung hoả mù, trêu trọc khán giả trên mạng xã hội.

Thậm chí, khi có khán giả lần mò về bản gốc để xem trước nội dung, kịch bản bị lộ cái kết thì nhà làm phim đã nhanh chóng ứng biến bằng cách thay đổi nội dung, quay bổ sung cái kết mới. Điều này là phổ biến ở các nền điện ảnh như Hàn Quốc, khi bộ phim không được làm trọn bộ từ đầu mà làm với hình thức "cuốn chiếu" – quay tới đâu, chiếu tới đó. Đây không phải là cách làm hấp tấp, ham lợi nhanh mà mục đích là để quan sát phản ứng của khán giả qua từng tập rồi điều chỉnh diễn biến cho vừa lòng "khách hàng".

Người phán xử: Bước ngoặt của tư duy phim truyền hình hay chiến thắng có một không hai? - Ảnh 6.

Không chỉ thế, Người phán xử còn tiếp thu cả cách tri ân khán giả của phương Tây. Chắc hẳn các khán giả vẫn còn nhớ đến tập phim đặc biệt có cả NSND Hoàng Dũng lẫn NSND Lan Hương Bông cùng các diễn viên nổi bật của Người phán xửSống chung với mẹ chồng tham gia. Trong đó, ông trùm Phan Quân lại trở thành quan tòa trong vụ án mẹ chồng – nàng dâu. Đây dù chỉ là một động thái rất nhỏ thôi, một tập phim ngắn hài hước, vô thưởng vô phạt chiếu trên kênh Youtube của nhà đài nhưng nó chính là biểu hiện cho việc cây cầu nối giữa khán giả và bộ phim đã bắt đầu thành hình.

Khán giả chắc hẳn rất bất ngờ khi thấy những bình luận hằng ngày của mình trên mạng xã hội, những clip chế do mình tạo ra được chính các nhà làm phim tiếp thu và tạo thành sản phẩm thật. Họ không chỉ cảm thấy mình được tôn trọng mà còn được chiều chuộng, nâng niu như thượng đế. Rõ ràng, cách làm lấy khán giả làm trọng tâm của Người phán xử đã đem về nhiều cái lợi không chỉ là về nội dung. Doanh thu quảng cáo gần 4 tỷ sau mỗi tập phim cũng là một thành tựu đáng nể để các nhà làm phim của VFC tiếp tục đầu tư cho các dự án tâm huyết sau đó.

Người phán xử: Bước ngoặt của tư duy phim truyền hình hay chiến thắng có một không hai? - Ảnh 7.

Fanart Lương Bổng - Phan Quân của tác giả Nguyễn Linh

Bộ phim cuối cùng đã kết thúc sau 4 tháng với sự quan tâm rất lớn, tạo ra bất ngờ cho cả người trong nghề lẫn khán giả đại chúng. Quả thực, với độ dài khiêm tốn chỉ với 47 tập phim nhưng Người phán xử vẫn hàm chứa trong nó rất nhiều những ý nghĩa lớn cả về trong lẫn ngoài nội dung. Bộ phim không chỉ dừng ở mức một hiện tượng mà còn là sự kết tinh từ một kế hoạch bài bản, sự liều lĩnh, nỗ lực dấn thân và tâm thế sẵn sàng lật đổ một nền tảng cũ.

Tuy nhiên, để biết được rằng phim Việt đã thực sự lột xác hay chưa thì vẫn cần phải chờ đợi sự đón nhận đối với các tác phẩm sau này. Bởi vì chính khán giả mới là người phán xử cuối cùng, chứ không phải nhà đài, đạo diễn hay bất kì ai khác. Chính những sản xuất, đầu tư mới cần nhận ra rõ hơn ai hết rằng Người phán xử không phải một "tấm khiên" cho phim truyền hình Việt từ nay về sau. Bộ phim chỉ là một người tiên phong mà nếu những tướng lĩnh đi sau không tận dụng được thế mạnh hay "binh pháp" mà người tiên phong đã dùng thì đâu sẽ lại vào đấy. Cần nhất lúc này chính là những tác phẩm có tầm vóc và nội dung như Người phán xử trở lên, và đặc biệt là thật nhiều, liên tục mới mong thay đổi được cái nhìn của đại chúng với phim truyền hình một cách lâu dài.