Người "nghệ nhân" đan lá dừa nước hiếm hoi trên đường phố Hà Nội: Ai cũng từng có một tuổi thơ đẹp như thế!

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 07:21 14/08/2019

Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, anh Thắng quay trở về với những tàu lá dừa nước từng gắn bó hơn 10 năm qua. Và khi từng cánh bướm, chuồn chuồn, cào cào "tung bay", người đi đường lại bất chợt "trật" một nhịp giữa phố thị ồn ã của Hà Nội: Ai cũng từng có một tuổi thơ đẹp như thế!

Với một tàu lá dừa nước, bạn sẽ làm được gì? Có thể là không gì cả. Nhưng cũng có những người, như anh Nguyễn Mạnh Thắng (40 tuổi, quê Nam Định) lại nhìn ra tiềm năng kinh tế từ những thứ nhỏ nhất, đơn sơ nhất và tưởng như vô dụng nhất. 

Ở Miền Tây, người ta rất chuộng lá dừa nước. Họ dùng chúng để dựng nhà, lợp mái. Cách đây nhiều năm, nhiều "nghệ nhân" đường phố miền Bắc đã từng chứng minh sức ảnh hưởng của mình thông qua những sản phẩm tỉ mỉ, trau chuốt từ thứ vật liệu đó, như cánh bướm, chuồn chuồn và cào cào. 

Nhưng, cho đến bây giờ, phải hiếm hoi lắm mới có thể bắt gặp một "nghệ nhân" còn sót lại trên đường phố Hà Nội. Anh Thắng nằm trong số ít những người mà đôi tay còn thoăn thoắt đưa trên từng thớ lá dừa nước. Anh làm nhanh, đẹp, trau chuốt và hơn hết, anh đặt cả tâm hồn mình trong đó. 

Người nghệ nhân đan lá dừa nước hiếm hoi trên đường phố Hà Nội: Ai cũng từng có một tuổi thơ đẹp như thế! - Ảnh 1.

"Gánh hàng rong" trên phố của anh Nguyễn Mạnh Thắng.

Người "nghệ nhân" đan lá dừa nước hiếm hoi trên đường phố Hà Nội: Ai cũng từng có một tuổi thơ đẹp như thế! Thực hiện: Minh Nhân. 

Một tàu lá dừa - một đôi tay thoăn thoắt - một vé về tuổi thơ

Lúc đó, những năm 2006 - 2007, anh Thắng tự học gấp 2 lá dừa nước rồi mở "gánh hàng rong" trên con đường Thanh Niên, sau lan ra cả một dãy phố. Thời kì mà nếu làm chăm chỉ, khi đồng tiền còn chưa mất giá, anh đủ mua 2 chỉ vàng cứ mỗi 3 ngày. 

Anh tự nhận mình là một kẻ ưa tự do, ghét sự gò bó. Công việc văn phòng chưa bao giờ là sự lựa chọn hàng đầu với anh. Sau đó nhiều năm, anh xây dựng gia đình và chuyển sang một số lĩnh vực khác. 

Anh bắt đầu quay lại với những tàu dừa nước gần năm nay. Và khi "gánh hàng rong" của anh cùng cánh bướm, chuồn chuồn "tung bay" trên phố, người ta lại bất chợt "trật" một nhịp giữa phố thị ồn ã: "Hoá ra, chúng ta đã từng có một tuổi thơ đẹp như thế, bên những đôi cánh của ngày xưa".

Anh Thắng lặp lại rất nhiều lần: "Công việc này rất vui!", "Vui là khi được mọi người đón nhận", "Mỗi lần tới trường mầm non hay tiểu học dạy các cháu đan lá, cảm giác rất vui", "Hay kể cả nhiều khi ngồi ở lề đường chăm chú làm, ngước mắt nhìn lên vô tình thấy người ta nhìn mình, dù không mua đâu, nhưng họ nhoẻn miệng cười tủm tỉm, trông rất vui". 

Nói chung, anh rất vui mỗi khi được đan lá dừa nước trên phố.

Người nghệ nhân đan lá dừa nước hiếm hoi trên đường phố Hà Nội: Ai cũng từng có một tuổi thơ đẹp như thế! - Ảnh 3.

Anh Thắng đan dừa nước trên phố, đó là niềm đam mê 13 năm qua của anh.

Đôi bàn tay thoăn thoắt, khéo léo mà cũng đầy tỉ mỉ.

Để làm được những bông hoa đẹp, những con vật ngộ nghĩnh, thì phải chọn lá dừa còn non vừa phải, đảm bảo được độ mềm, dẻo. Nếu chọn lá quá non sẽ rất khó tạo hình, còn lá quá già rất dễ gãy. Tàu lá lớn có thể dành làm hoa, lá vừa phải dùng để cắt chữ hoặc làm đuôi con chuồn chuồn. Anh làm nhanh, đôi tay thoăn thoắt, khoảng 4 phút anh xong một sản phẩm. 13 năm qua, anh đan lá nhanh đến độ, nhắm mắt anh cũng "xỏ" được con cào cào. 

Trung bình, mỗi ngày anh có thể làm được 50 đến 60 sản phẩm, giá dao động từ 15.000 - 20.000 đồng. Những bó hoa được kết từ 7 tàu lá có giá đắt hơn, 100.000 đến 150.000 đồng. Tính ra, anh bán được từ vài trăm đến 1 triệu đồng/ngày.

Mỗi bông hoa, cào cào, hay chuồn chuồn lá có thể để trang trí trong vòng 4 - 5 ngày nếu biết cách tưới nước, chăm sóc cẩn thận. Sau đó chúng sẽ phai màu dần, ngả về màu trắng như nón lá. Anh hoàn toàn không ngâm, tẩm nguyên liệu vào hóa chất.

"Lá dừa nước thân thiên với môi trường, không độc hại. Đấy là lý do ưu tiên hàng đầu của tôi. Bản thân tôi mày mò, sáng tạo vì không chỉ riêng lá dừa nước, tôi còn làm ra các sản phẩm khác thân thiện với môi trường từ nhựa hay vỏ lon bỏ đi" - anh nói. 

Người nghệ nhân đan lá dừa nước hiếm hoi trên đường phố Hà Nội: Ai cũng từng có một tuổi thơ đẹp như thế! - Ảnh 5.

Một chú cào cào được sinh ra dưới bàn tay của người "nghệ nhân" đan lá dừa nước hiếm hoi ở Hà Nội.

Thêm cả cánh bướm, con cua, bó hoa khắc chữ. 

Khi có nhu cầu khai thác thiên nhiên, con người phải biết cách đền đáp nó

Ở miền Tây, dừa nước quá dồi dào nên anh Thắng nhờ họ hàng thu hoạch rồi chuyển ra Hà Nội, anh chỉ mất tiền cước vận chuyển là chính. Loại lá này nếu giữ ẩm đúng cách thì tươi màu được vài tuần, thậm chí cả tháng. Riêng Hà Nội, đây là thứ nguyên liệu vô cùng khan hiếm. Anh dự tính thay lá dừa bằng mo cau, lá cọ, để sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác phục vụ cuộc sống mà không bị hạn chế về nguyên liệu. 

"Những chiếc mo cau nhặt về, thay vì bị người dân đốt, tôi có thể cắt thành đôi dép hay cái túi, thay cho túi nylon" - anh nhấn mạnh.

Từ "gánh hàng rong" trên khắp phố phường Hà Nội, anh được nhiều người biết đến và mời về làm sản phẩm cho các sự kiện, hoặc mở lớp dạy ngoài giờ cho học sinh mầm non, tiểu học. Nếu có thời gian, anh vẫn sẽ đặt "bộ đồ nghề" ngồi bên góc đường Tố Hữu (quận Hà Đông, Hà Nội). Vào giờ tan tầm, xe cộ qua lại tấp nập, ngay giữa ngã tư đèn xanh - đèn đỏ, anh ngồi đó, đôi bàn tay thoăn thoắt và đợi chờ những ánh mắt cùng nụ cười tủm tỉm của người dân.

Một sản phẩm bằng lá dừa nước, nếu tính thành tiền thì không được bao nhiêu. Bởi thế, anh Thắng cho rằng, đây không hẳn được xem là một "nghề" ở Hà Nội. Vì nếu theo đuổi, có thể nhiều người sẽ không thể tồn tại lâu dài. 

Người nghệ nhân đan lá dừa nước hiếm hoi trên đường phố Hà Nội: Ai cũng từng có một tuổi thơ đẹp như thế! - Ảnh 7.

Dù đã được nhiều nơi đặt làm bên sự kiện, thỉnh thoảng anh Thắng vẫn mang gánh hàng của mình ra đặt giữa góc phố đông người qua lại.

Người nghệ nhân đan lá dừa nước hiếm hoi trên đường phố Hà Nội: Ai cũng từng có một tuổi thơ đẹp như thế! - Ảnh 8.

Anh trao cho họ một lọ hoa lá, nhận về nụ cười tủm tỉm và ánh nhìn vui tươi.

"Tôi tồn tại cho đến bây giờ với nghề này, hơn hết thảy là bằng đam mê. Để mà nói, nhiều công việc tôi làm ra tiền hơn. Muốn theo nghề thì phải kiên trì, chứ đừng vì ánh mắt khinh thường mà chấp nhận từ bỏ. Có thể người ta cho rằng nghề này bắt nguồn từ những tàu lá "không vốn", nghĩa là cho không, rụng đầy đường. Nhưng họ đâu biết, để có một tàu lá từ miền Tây ra Hà Nội, qua bàn tay đan lát, nó chất chứa nhiều tình cảm biết nhường nào.

Mọi người không làm được, nhưng mình cố gắng, mình vượt qua thì mình sẽ được đền đáp".

Đan lá hay bất cứ hoạt động nào tác động đến thiên nhiên, liệu đó có là một hành động phá hoại? Điều này thuộc về kĩ năng của một người thành thạo, biết cách chọn từng kẽ lá, để sao cho, khi mình chặt đi, cây sẽ không chết mà ngược lại còn phát triển hơn trước. Khi tìm được giá trị và có nhu cầu khai thác thiên nhiên, con người phải biết cách đền đáp nó.

"Như 1 cây dừa nước bên trong có tầm 3 tàu lá, tôi sẽ không lấy tàu quá non, mà chọn lá đủ độ trưởng thành để khi chặt đi, nó sẽ kích thích cây phát triển hơn. Nếu không biết cách khai thác thì chẳng khác gì là phá hoại. Mình tận dụng từ nó, thu lợi từ nó, thì phải biết trồng nó. Và hiện giờ, người thân, bạn bè của tôi vẫn đang cố gắng gìn giữ những vựa lá dừa nước đó, để tôi có thể tiếp tục công việc của mình".

Người nghệ nhân đan lá dừa nước hiếm hoi trên đường phố Hà Nội: Ai cũng từng có một tuổi thơ đẹp như thế! - Ảnh 9.

Góc phố này, người dân vẫn sẽ có thói quen vừa chờ đèn đỏ vừa ngoái đầu nhìn "cơ đồ" của một gã "nghệ nhân" đan lá dừa nước.