Nghiên cứu bia rượu từ góc nhìn “vi khuẩn học”: vì sao đồ uống này gây hư răng, hôi miệng kinh khủng đến vậy?

Đạt Lê, Theo Helino 12:10 30/04/2018

Càng uống nhiều bia rượu, nước bọt càng chứa nhiều vi khuẩn gây hại và ít đi những vi khuẩn có lợi. Kết quả đáng sợ là...

Từ trước đến nay, cả khoa học lẫn số đông mọi người đều cho rằng uống nhiều bia rượu sẽ gây hại to lớn đến sức khỏe. Nhiều người chưa già nhưng đã hư hết răng, hơi thở bốc mùi rất nặng, lại mắc các bệnh về tim mạch, tiêu hóa... Nhưng lí do là vì đâu?

Trong số vô vàn lời giải thích về nguyên nhân gây bệnh của bia rượu, các nhà nghiên cứu từ ĐH New York đã đem đến 1 góc nhìn mới đầy thuyết phục. 

Họ tìm hiểu về tác động của đồ uống có cồn đối với vi khuẩn trong khoang miệng, từ đó hình thành bệnh. Nghiên cứu này vừa được công bố ngày 23/4 trên tạp chí Microbiome.

ĐH New York đã bắt đầu cuộc nghiên cứu trên bằng việc khảo sát 1.044 người Mỹ trong độ tuổi 55 - 84. Họ lấy mẫu nước bọt của những người này, đồng thời thu thập thông tin về thói quen ăn uống, mức độ tiêu thụ bia rượu...

Theo thống kê trên đối tượng khảo sát, có 270 người không uống bia rượu, 614 người ít uống và 160 người thường xuyên dùng bia rượu. Nam giới uống trung bình từ 2 ly/ngày và nữ giới từ 1 ly/ngày trở lên sẽ được xếp vào nhóm "thường xuyên".

Sau khi lấy mẫu, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích các vi khuẩn tìm thấy trong nước bọt. Kết quả cho thấy, đối với người thường xuyên dùng bia rượu, tình trạng vi khuẩn trong nước bọt của họ thật đáng lo ngại.

Cụ thể, mẫu nước bọt có chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh nướu răng - một trong những lí do dẫn tới hôi miệng. Số lượng vi khuẩn thuộc nhóm Neisseria cũng cao hơn. Đây là loại vi khuẩn có thể sản sinh ra chất acetaldehyde - tiềm ẩn nguy cơ ung thư.

Mặt khác, nước bọt của người uống nhiều bia rượu lại ít ỏi các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe răng miệng như Lactobacillales (giúp canxi ít bị ăn mòn).

Càng uống nhiều bia rượu, nước bọt càng chứa nhiều vi khuẩn "xấu" và ít vi khuẩn "tốt"

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm rằng trong khoang miệng có đến 700 loài vi khuẩn, bên cạnh đó là virus và nấm. Điều đáng nói là tình trạng cân bằng giữa vi khuẩn "tốt" và "xấu" sẽ có thể thay đổi do bia rượu.

Những thay đổi này làm suy giảm hệ miễn dịch, phá hủy răng, thậm chí thay đổi cấu tạo tuyến nước bọt. Kết quả sẽ làm phát sinh hay trầm trọng thêm các bệnh liên quan đến bia rượu như bệnh răng miệng, ung thư ở đầu, cổ và hệ tiêu hóa.

Tình trạng mất cân bằng vi khuẩn trong nước bọt có thể dẫn đến bệnh nguy hiểm về răng miệng và tiêu hóa

Tuy vậy, nghiên cứu lần này vẫn chưa chỉ ra chính xác mức độ gây hại của vi khuẩn trong rất nhiều nguyên nhân phát bệnh ở người nghiện rượu. 

Trên thực tế, nghiện bia rượu cũng thường đi kèm với những thói quen xấu khác như hút thuốc lá hay ăn uống không lành mạnh.

Sắp tới các nhà khoa học ĐH New York sẽ tiếp tục nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi trên, đồng thời thực hiện thêm khảo sát trên những đối tượng trẻ và đa dạng hơn.

Nghiên cứu bia rượu từ góc nhìn “vi khuẩn học”: vì sao đồ uống này gây hư răng, hôi miệng kinh khủng đến vậy? - Ảnh 4.

Nữ không nên dùng quá 1 ly đồ uống có cồn/ngày. Nam giới không nên uống quá 2 ly/ngày.

Dù sao, nghiên cứu lần này cũng được cho là quy mô, dễ hiểu nhất về ảnh hưởng của bia rượu đối với các vi khuẩn trong khoang miệng. 

Nó giúp giải thích vì sao những người thường xuyên uống bia rượu lại bị hôi miệng cũng như mắc rất nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Và cũng cần lưu ý rằng uống trên 2 ly/ngày đã được xem là nhiều rồi đấy! Vậy nên hãy biết dừng đúng lúc, đừng để quá chén mà khiến cuộc vui không trọn vẹn, đặc biệt là vào những ngày nghỉ lễ này bạn nhé!

Nguồn: Gizmodo, NBC