Nghịch lý trong tình yêu: Càng yêu nhau càng dễ cãi nhau vào những dịp đặc biệt

Ngọc Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 23:59 16/03/2017

Các cặp đôi hay cãi nhau vào những dịp đặc biệt là xuất phát từ tâm lý cầu toàn, đặt nhiều hy vọng vào đối phương sẽ cùng mình tạo nên kỷ niệm đẹp. Khi mọi chuyện không diễn ra theo đúng ý họ, họ sẽ nổi giận, không kiềm chế được mình mà dẫn đến việc cãi nhau.

Có một hôm, chị tôi mặt nặng như chì, vùng vằng gọi tôi ra bảo, "Hôm nay là kỷ niệm 3 năm yêu nhau của hai đứa, thế mà bọn chị lại cãi nhau, bao nhiêu công sức chuẩn bị đổ xuống sống xuống biển hết, bực cả mình." Tôi mới hỏi, "Sao lại thế?" Chị giận giữ trả lời, "Tính chị thì thích đúng giờ, nhưng anh ấy bận việc nên đến muộn. Chị nói vài câu trách móc, xong tự dưng anh ấy nổi đóa lên, chị không chịu nhịn, thành ra cãi nhau. Đấy, có ăn uống được gì đâu, chở nhau về luôn đây này."

"Không chịu nhịn."

"Việc gì phải nhường."

"Nhường người ta xong người ta đè đầu cưỡi cổ mình à."

Có lẽ đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến các cặp đôi dễ dàng giận giữ và cãi nhau liên miên, bất kể họ đang ở đâu, đang làm gì. Không phải ai cũng chịu xuống nước trước để dỗ dành người mình yêu, thay vào đó càng muốn chứng minh mình đúng, thể hiện cái tôi cao vút của mình. 

Nhiều người nghĩ xuống nước trước đôi khi chẳng khác nào tự hạ thấp vị trí của mình trong một mối quan hệ, mình sẽ bị đối phương coi thường, lời nói không có trọng lượng... Càng yêu nhau lâu, người ta sẽ càng có suy nghĩ này chứ không phải ngược lại như nhiều người vẫn tưởng. Bởi ham muốn muốn chứng tỏ bản thân với người mình yêu là không giới hạn.

Nghịch lý trong tình yêu: Càng yêu nhau càng dễ cãi nhau vào những dịp đặc biệt - Ảnh 1.

Cũng chính vì lý do đấy mà không chỉ trong những sự việc đơn giản hàng ngày, vào mỗi dịp đặc biệt, có ý nghĩa với các cặp đôi càng khiến họ dễ nổi cáu và cãi nhau hơn. Từ những chuyện nhỏ như con kiến đến những chuyện to như con voi, họ càng không thể bình tĩnh để nói chuyện với nhau.

Anh bạn tôi cũng vừa trải qua một ngày Valentine không mấy vui vẻ chỉ bởi khi đi ăn với người yêu, anh lỡ trêu cô ấy mấy câu mà bị giận trong suốt bữa ăn, cho tới tận vài ngày sau. Xét trong một buổi đi chơi bình thường, vào một ngày bình thường thì mấy câu trêu chọc ấy chẳng có vấn đề gì, nhưng vì hôm đó là ngày lễ nên cô người yêu mới tự dưng trở nên khó tính như vậy. 

Xét từ tâm lý bình thường của con người, đặc biệt là những người đang yêu, họ luôn có một tiêu chuẩn nhất định cho nửa kia của mình. Khi đối phương không đáp ứng được yêu cầu đó, họ sẽ nổi giận là chuyện đương nhiên. Như chị tôi là thói quen đúng giờ, người yêu của anh tôi là không thích bị trêu chọc. Trong một hoàn cảnh không mấy đặc biệt, họ có thể mắt nhắm mắt mở cho qua những "tội lỗi" nho nhỏ đó của người yêu. Nhưng vào một ngày có nhiều ý nghĩa, họ trở nên khó tính và khắt khe hơn vì tâm lý cầu toàn của mình.

Nghịch lý trong tình yêu: Càng yêu nhau càng dễ cãi nhau vào những dịp đặc biệt - Ảnh 2.

Thường thì ai cũng hy vọng và cực kỳ mong chờ một ngày đặc biệt sẽ diễn ra suôn sẻ theo đúng ý mình. Họ đặt nhiều niềm tin vào việc đối phương sẽ phối hợp ăn ý để có một kỷ niệm đẹp cùng nhau. Xuất phát từ tâm lý ấy mà chỉ cần một lỗi nho nhỏ trong cả quá trình hoàn hảo họ đã vạch ra từ trước, họ sẽ không thể giữ nổi bình tĩnh mà gây lộn với người yêu. Đó cũng là điều dễ hiểu. 

Cộng thêm việc không nhún nhường, không xuống nước, nên có khi chỉ từ một việc vô cùng nhỏ, có thể dễ dàng giải quyết mà ngọn lửa tức giận càng được thổi bùng lên. Chị tôi tức giận vì người yêu đến muộn, còn anh ấy không hiểu vì sao chị lại giận dữ đến thế. Cả hai cùng cảm thấy đối phương không tôn trọng mình, thế là lời qua tiếng lại, không ai còn tâm trạng vui vẻ khi ngồi cùng nhau nữa. Một khi ngọn lửa đã được nhóm lên, luôn luôn phải có một người cầm xô nước dội cho nó nguội lại. Không ai chịu làm việc đó thì cãi vã là điều tất yếu sẽ xảy ra. 

Hơn nữa, khi đã yêu nhau lâu, tình cảm dành cho người kia càng nhiều, kỳ vọng đặt vào họ càng lớn. Ai cũng nghĩ từng ấy thời gian là đủ để cho họ hiểu được mình muốn gì và cần gì. Thế nên khi đối phương không giống với kỳ vọng của chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng và chán nản, chỉ muốn cãi nhau để giải toả cảm xúc. 

Nhưng thật ra, con người cũng có lúc nhớ lúc quên, không phải lúc nào họ cũng nhớ được mình cần làm gì hay nói gì. Anh tôi là một người hài hước, hay bông đùa, nên dù biết người yêu không thích trêu chọc, nhưng đôi khi vì vui quá, anh lại không kiềm chế được mình. Chẳng thể định tội anh tôi, càng không thể lên án người yêu anh ấy. Có chăng là hai người nên thấu hiểu và nhường nhịn lẫn nhau hơn mà thôi. 

Nghịch lý trong tình yêu: Càng yêu nhau càng dễ cãi nhau vào những dịp đặc biệt - Ảnh 3.

Tóm lại, các cặp đôi hay cãi nhau vào những dịp đặc biệt là xuất phát từ tâm lý cầu toàn, đặt nhiều hy vọng vào đối phương sẽ cùng mình tạo nên kỷ niệm đẹp. Khi mọi chuyện không diễn ra theo đúng ý họ, họ sẽ nổi giận, không kiềm chế được mình mà dẫn đến việc cãi nhau. Chẳng thể trách được ai trong việc này, chỉ là hai người nên học cách hạ cái tôi xuống, thấu hiểu với cảm xúc của đối phương hơn và luôn nhớ câu của các cụ đã dạy: "Một điều nhịn là chín điều lành." 

Một câu xin lỗi hay dỗ ngọt để đối phương dịu lại cơn giận sẽ giúp cả hai vui vẻ với nhau hơn. Nhường nhịn người yêu không phải là kém cỏi hay hèn nhát, mà điều đó chỉ chứng tỏ bạn rất coi trọng mối quan hệ đang có và người yêu xứng đáng nhận được những gì tốt đẹp nhất từ bạn mà thôi. 

Để tránh những xung đột, cãi vã không cần thiết trong mỗi dịp đặc biệt, các cặp đôi nên thống nhất ý kiến và nói rõ mong muốn của mình cho nửa kia được biết để họ có thể sắp xếp thời gian, công việc cũng như hiểu được phần nào nguyện vọng của bạn, để cả hai có thể tạo ra những kỷ niệm đẹp cùng nhau.