Nghi xuất hiện bảo kê gặt lúa, người dân lại khốn đốn

Văn Nguyễn, Theo Thời Đại 11:25 12/09/2018

Mặc dù bị chủ thầu máy gặt thu giá cao hơn so với giá UBND xã niêm yết, nhưng người dân xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn phải chấp nhận vì không đồng ý thuê thì chỉ còn cách gặt lúa bằng tay.

Ngày 12/9, ông Lê Đình Đức, Trưởng Công an xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xác nhận, có một chủ máy gặt đang hoạt động trên địa phương và thường lấy giá cao hơn mặt bằng chung.

Trước đó, khi vào vụ thu hoạch vụ lúa hè - thu, UBND xã Kỳ Xuân đã ra thông báo về quy định giá máy gặt lúa. Theo đó, căn cứ vào địa hình đồng ruộng trên địa bàn không bằng phẳng, bậc thang nên UBND xã Kỳ Xuân đưa ra mức giá gặt lúa cho 1 sào ruộng (500 m2) dao động từ 140.000 - 160.000 đồng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có một người đã đưa máy gặt đến địa phương và tự đặt ra với mức giá 180.000 - 200.000 đồng/sào.

"Cả một cánh đồng rộng lớn lúa đã chín vàng nhưng chỉ có một máy gặt. Chúng tôi lại nghe thông tin bão đang vào nên dù đắt hơn so với UBND xã quy định vẫn phải thuê máy gặt của người này", một người dân cho biết.

Nghi xuất hiện bảo kê gặt lúa, người dân lại khốn đốn - Ảnh 1.

Người dân không có tiền thuê máy đành phải gặt tay

Có lần người dân chung tiền thuê máy gặt khác nhưng sau đó không hiểu sao họ lại hoảng hốt gọi điện từ chối. Theo người dân địa phương, cả xã làm ruộng nhưng không có máy gặt nào cả, bởi vì có một đối tượng có tiền án tiền sự đang "bảo kê", nên các máy khác không dám vào.

Tình trạng bảo kê máy gặt đã xảy ra trong thời gian dài nhưng nông dân vẫn phải "cắn răng" chấp nhận vì không có máy nào khác để lựa chọn.

"Nông dân chúng tôi khổ lắm. Làm một sào lúa thuê máy cày hết 200.000, tiền gặt 180.000, rồi tiền giống, tiền phân, tiền thuốc sâu, thuốc cỏ... Tính ra chẳng còn gì, chỉ bỏ công làm lãi để có lúa mà ăn. Vậy mà còn thêm khốn khổ vì máy gặt làm quyền làm thế nữa thì uất ức lắm", một nông dân than vãn.

Nghi xuất hiện bảo kê gặt lúa, người dân lại khốn đốn - Ảnh 2.

Thông báo của UBND xã Kỳ Xuân về tiền gặt nhưng thực tế chủ máy đang lấy cao hơn rất nhiều

Ông Lê Đình Đức cho biết thêm, đúng là UBND xã Kỳ Xuân đã có văn bản yêu cầu chủ máy gặt chỉ được lấy tối đa 160.000đ/sào nhưng thực tế chủ máy đang lấy cao hơn nhiều. Điều đáng nói, khi cơ quan chức năng hỏi thì người dân không dám nói thật vì sợ bị trả thù.

"Chúng tôi bức xúc lắm nhưng cũng không có cơ sở để xử lý. Nguyên do dân sợ nên không dám tố", ông Đức nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày