Nghệ thuật của Netflix: Hô biến "The Cloverfield Paradox" từ “xịt phẩm” thành một mỏ vàng

EricVo, Theo Trí Thức Trẻ 06:00 10/02/2018

Sau tất cả, chỉ có nghệ thuật thỏa thuận mới đem lại lợi ích, chứ không phải nghệ thuật trong điện ảnh. Ít nhất là đối với "The Cloverfield Paradox".

Bộ phim mà người viết nói tới ở đây chính là The Cloverfield Paradox. Tất nhiên là phim không đến nỗi dở tệ, nhưng thực chất nó chỉ ở mức trung bình. Và chính phim này, nếu lỡ mà được đưa ra công chiếu ở rạp, thì bản thân hãng phim (ở đây là Paramount Picture) sẽ lỗ sặc gạch, đó là điều khá chắc chắn. Đó là còn chưa kể đến việc phim sẽ nhận kha khá "gạch đá" từ các nhà phê bình, và cả từ phía người xem. Và hẳn mọi người cũng hiểu là hiệu ứng truyền miệng tiêu cực có thể giết một bộ phim nhanh như thế nào.

Từ một bộ phim có tiềm năng xịt rất cao

Để giải thích một cách cụ thể hơn vì sau The Cloverfield Paradox đã có thể trở thành bom xịt ngay tại các rạp, chúng ta phải đi sâu hơn một chút về quá trình thực hiện phim. Điều đầu tiên ở đây là kinh phí của phim trước khi thực hiện các hoạt động quảng bá này nọ, đã phình lên tới 40 triệu đôla.

Tiếp theo đó là việc liên quan đến nhà sản xuất của phim là J.J. Abrams. Theo các nguồn tin thì có vẻ như Abrams đã không thể toàn tâm toàn ý tập trung vào dự án The Cloverfield Paradox, vì ông vừa nhận lời làm đạo diễn và cả biên kịch cho Star Wars IX thay thế cho Colin Trevorrow. Sau khi Cloverfield Paradox hoàn tất và Abrams muốn tham gia thực hiện phần hậu kỳ thì mọi sự đã có hơi muộn màng. Và nếu như có ai đó đã xem thì chắc các bạn cũng sẽ nhận ra những vấn đề của phim.

Nghệ thuật của Netflix: Hô biến The Cloverfield Paradox từ “xịt phẩm” thành một mỏ vàng - Ảnh 1.

J.J.Abrams đã cố cứu vãn nhưng có vẻ như không kịp

The Cloverfield Paradox chắc chắn sẽ ngốn không ít tiền chỉ để quảng bá, làm trailer này nọ, và ngay sau khi bị chê bởi các nhà phê bình thì ngay lập tức sẽ có hàng loạt các bài báo khác viết về việc vì sao phim dở, hay vì sao phim thất thu, hoặc phim đã gặp rắc rối trong giai đoạn sản xuất này nọ (giống như bài viết này)… Tóm lại: Nếu phim được đưa ra rạp theo cách truyền thống, thì chẳng khác nào ông lớn Paramount Picture tự mình công khai rằng họ đang chơi trò "ném tiền qua cửa sổ".

Sự xuất hiện của Netflix và đôi bên cùng có lợi

Và rồi Netflix đến giải nguy bằng một con số rất cụ thể: 50 triệu đôla. Nếu Paramount Picture chấp nhận bán phim với mức giá này, họ ngay lập tức có lợi, và tất nhiên là hãng phim đã nắm lấy cái phao cứu sinh này ngay lập tức. Cầm trong tay 50 triệu đô, vừa được lời, lại vừa phải khỏi đau đầu với canh cánh việc phải quảng bá thế nào, phải bù lỗ ra sau, rồi thương hiệu có bị ảnh hưởng không… Ký vài tờ giấy, và điều kỳ diệu xảy ra: The Cloverfield Paradox giờ là vấn đề của Netflix.

Kế đến, Netflix cho thực hiện Super Bowl ad (quảng cáo phát trong khoảng nghĩ của Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ). Và đúng là quảng cáo này tốn kém thật, nhưng nó sẽ đỡ tốn hơn cả một chiến dịch quảng bá phim. Hơn thế nữa, bản thân quảng cáo này không chỉ quảng bá cho phim, mà còn tiếp thị ý tưởng của Netflix: Chúng tôi luôn có những sự bất ngờ. Chỉ một cái quảng cáo và một bộ phim, Netflix đã thu về nhiều hơn cả những gì mong đợi: Sự chú ý của công chúng.

Nghệ thuật của Netflix: Hô biến The Cloverfield Paradox từ “xịt phẩm” thành một mỏ vàng - Ảnh 2.

Quảng cáo phim "Cloverfield Paradox" của Netflix

Netflix đâu cần bán vé, cái họ cần là việc dân chúng biết đến nền tảng xem phim trực tuyến của họ. Và quảng bá một bộ phim thế này, ngay tại sân vận động lớn nhất của Mỹ, với hàng ngàn khán giả đang ngồi, quả là một cách quảng bá thương hiệu rất hữu hiệu. Trong mắt nhiều người, Netflix nghiễm nhiên trở thành một trang web xem phim nơi mọi thứ đều có thể xảy ra, và họ có thể tung ra những phim điện ảnh thuộc hàng dữ dội thế này. Vậy nên tại sao không ấn nút đăng ký cơ chứ?

Nói thật thì bản thân chúng ta không thể biết được là đã có bao nhiêu người xem Cloverfield Paradox, nhưng có thật sự cần phải biết hay không? Netflix mua một bộ phim với những gương mặt tên tuổi tham gia thực hiện, từ dàn diễn viên cho đến nhà sản xuất, hô biến nó trở thành một thông điệp quảng bá cho cả thương hiệu này: Một dịch vụ xem phim trực tuyến luôn đem lại bất ngờ lớn. Trong khi đó Paramount cầm một ít tiền lời trong tay, tránh được một khoản lỗ lớn. Cả hai đều có lợi.

Nghệ thuật của Netflix: Hô biến The Cloverfield Paradox từ “xịt phẩm” thành một mỏ vàng - Ảnh 3.

Netflix giờ đã thu hút được sự quan tâm của công chúng

Vậy còn những người đã xem phim này trên Netflix thì sao? Phim vẫn không hay, nhưng người xem phản ứng ít tiêu cực hơn. Lý do vì độ kỳ vọng ở một phim được phát hành online trên trang Netflix thường sẽ luôn thấp hơn một phim được công chiếu ở rạp, khi mà người xem phải tốn cả chục đô chỉ để mua một vé và tận hưởng một phim mà họ không biết sẽ hay hoặc dở. Và thậm chí nếu họ không thích phim thì cũng không thành vấn đề, vì như đã nói: Netflix khiến mọi người tin rằng họ hoàn toàn có khả năng tung ra những phim điện ảnh "cỡ này", và người dùng tốt nhất hãy đăng ký trên trang của họ để đón nhận thêm bất ngờ mới.

Lời kết

Không thể không thừa nhận rằng bài viết này chỉ mới chạm tới phần nổi, và có thể còn những chi phí hay tổn thất khác mà chỉ Paramount và Netflix biết với nhau. Dù vậy, thì đây cũng được xem là một thương vụ thành công, khi mà cả hai bên nếu như không có lời, thì cũng đã làm rất tốt việc giới hạn tối đa tổn thất và tận dụng thật tốt những gì mình đang có, dù rằng "cái đang có đó" cũng chẳng hay gì cho cam.

Và bạn, những người đã đăng ký trên Netflix, dù có thích hay không thích The Cloverfield Paradox, thì hẳn bạn cũng đang nghĩ rằng đồng tiền mình bỏ ra cho Netflix là rất đáng, vì bạn không biết được liệu họ còn bất ngờ nào khác, và đó đã là thành công cho Netflix lẫn Paramount rồi.