Một năm trước Đen, Ngọt, Vũ,… còn là những cái tên ít người biết đến. Thế nhưng bây giờ, tên tuổi và những bản nhạc của họ đã được đón nhận và có một cộng đồng fan riêng, yêu thứ âm nhạc mộc mạc của những nghệ sĩ underground trẻ và đầy đam mê này.

Nếu bạn là một người quan tâm đến âm nhạc, hẳn sẽ nhận ra trong khoảng một năm trở lại đây, bên cạnh ồ ạt những sản phẩm âm nhạc được đầu tư kỹ càng, với màu sắc và hình ảnh catchy - đến từ các ekip lớn và những nghệ sĩ tham vọng, thì người ta đã bắt đầu truyền tay những bản nhạc có cái tên... lạ lạ, của những nghệ sĩ cũng lạ nốt. Họ là những người trẻ, đến với âm nhạc bằng một niềm đam mê vô cùng trong sáng. Chẳng màu mè rình rang, chẳng có clip tiền tỉ hay một chiến thuật "đánh chiếm" thị trường, những ca khúc underground cứ thế nhẹ nhàng len lỏi và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa nghe nhạc của giới trẻ. 

Chọn cách tiếp cận bằng sự chân thật và cảm xúc chân thành – nhạc underground chính là minh chứng cho câu nói "cái gì làm từ trái tim thì sẽ đến được trái tim." Một năm trước Đen, Ngọt, Vũ,… còn là những cái tên ít người biết đến nhưng giờ đây, cả tên tuổi lẫn âm nhạc của họ đều đã trở nên quen thuộc. Và bài viết này chính là dành cho họ, những người trẻ rất mực giản dị, đã yêu và chơi với âm nhạc bằng một niềm đam mê vô tư nhất. 

Nghệ sĩ Underground Việt: Thế giới của những người chơi với nhạc, chẳng cần phải giống ai! - Ảnh 1.

Điều khiến tôi khó chịu nhất, à không, đúng hơn là phát điên mỗi khi ngồi bàn luận về nhạc underground đó chính là quan niệm underground chỉ bao gồm hiphop và rap, hoặc khá khẩm hơn chút nữa thì có thêm RnB. Tuy nhiên underground không phải là từ để diễn tả về thể loại hay phong cách âm nhạc mà chính xác hơn là nói về cách thức mà những người nghệ sĩ đưa hình ảnh và sản phẩm của mình đến với khán giả, đến với công chúng. Hình dung đơn giản thế này, sản phẩm của những nghệ sĩ underground đa phần đều phát hành online, nếu có phiên bản đĩa thì con số cũng chỉ mấp mé từ vài chục đến vài trăm bản, khác hẳn với các nghệ sĩ thị trường ít nhất cũng phải vài ngàn bản. Và "kế hoạch truyền thông" càng là một khái niệm xa xỉ đối với họ. Ra là xong, tui đi làm chuyện khác, ai thích thì share, tui hông "care"!

Nghệ sĩ Underground Việt: Thế giới của những người chơi với nhạc, chẳng cần phải giống ai! - Ảnh 2.

Phút ban đầu của Thái Vũ đã từng "tạo sóng" trên Facebook không kém gì hit của một ca sĩ thị trường nào.

Trong những năm gần đây, nhờ có sự phát triển của các mạng xã hội, đặc biệt là Soundcloud – mạng xã hội âm nhạc phổ biến nhất Thế giới mà các nghệ sĩ underground – những người sở hữu tình yêu âm nhạc thuần khiết - ngày càng có nhiều cơ hội để đưa những tác phẩm đến với khán giả. Đồng thời tìm được những cộng đồng có chung niềm đam mê và xích lại gần nhau hơn.

Nhiều người có thể còn ngờ ngợ khi nghe đến cái tên Dalab, nhưng nhắc đến "Một nhà" với câu mở đầu từng một thời làm mưa làm gió "Khi hai ta về một nhà, khép đôi mi chung một giường" thì chắc chắn không ai là không biết. Tương tự với Đen và Linh Cáo cùng bản hit của năm 2015 "Đưa nhau đi trốn" hay Thái Vũ cùng một loạt những bản ballad ngọt ngào đến tan chảy như "Phút ban đầu", "Lời yêu em", "Còn anh"… Và nếu như bạn vẫn còn nghi ngờ về thứ gọi là "làn sóng underground" thì có thể lên Google tìm ngay clip hàng trăm bạn trẻ trên đường cùng nhau nhảy nhót và nghêu ngao theo ca khúc "Bài ca tuổi trẻ" cùng với nhóm PKL. Tên tuổi của những nghệ sĩ underground có thể còn mới mẻ, thậm chí lạ lẫm. Tuy nhiên âm nhạc và tinh thần của họ thì đã len lỏi vào khắp mọi ngõ ngách và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa thưởng thức âm nhạc của những người trẻ hiện đại ngày nay.

Nghệ sĩ Underground Việt: Thế giới của những người chơi với nhạc, chẳng cần phải giống ai! - Ảnh 4.

Người ta thích cách những nghệ sĩ underground thẳng thắn nhìn vào vấn đề, không lảng tránh, không tô vẽ thêm bớt, không cố gắng nhìn nó qua một lăng kính màu hồng mà luôn để mọi thứ ở thể nguyên bản. Bao nhiêu hỉ - nộ - ái - ố, bao nhiêu vất vả của cuộc đời đều được thể hiện hết qua những câu từ trong từng ca khúc. Bạn biết vì sao "Thật bất ngờ" của Trúc Nhân lại nổi bần bật như thế không? Vì hiếm hoi lắm mới có một ca sĩ overground dám nói lên những mảng màu tiêu cực của cuộc sống – trong khi đó lại là điều mà các nghệ sĩ underground bao năm nay vẫn đang làm.

Một cái tên khác gần gũi hơn với công chúng: Suboi. Suboi là một nghệ sĩ trẻ mà tôi rất tôn trọng vì tính "thật". Thật từ tính cách cho đến những sản phẩm, thật đến mức nếu lần đầu nghe nhạc của Suboi, bạn sẽ có cảm giác… bị dội ngược vì quá lạ lẫm. Từ tận 4-5 năm về trước, Suboi đã thẳng thừng đến mức đủ để khiến nhiều người nóng mặt khi hát "Mặc ai ra sức tạo dáng dân chơi có chuyện cứ ba mặt một lời" (1000 Watts). Và cho đến tận bây giờ khi đã trở thành một nghệ sĩ có sức ảnh hưởng, một hình tượng cho nhiều bạn trẻ thì Suboi vẫn luôn giữ được tính cách đậm chất underground của mình. Bạn sẽ phải đi qua thật nhiều cung bậc cảm xúc với những sản phẩm của Suboi, sẽ phải lặng người khi nghe "Nói với em" vì một chuyện tình dang dở, sẽ phải bật cười với "Trò chơi" nói về sự éo le của cuộc sống và sẽ phải cảm thấy phẫn nộ, bất lực khi nghe đến "Đời".

Nghệ sĩ Underground Việt: Thế giới của những người chơi với nhạc, chẳng cần phải giống ai! - Ảnh 5.

Cuộc sống chính là chất liệu làm nên nghệ thuật. Còn nghệ thuật phải luôn phản ánh được cuộc sống, dù nó có xấu đẹp ra sao đi chăng nữa. Đúng thế, đời là vậy, tại sao phải ngại! Suboi cũng như nhiều nghệ sĩ underground khác, luôn khiến người khác khó hiểu vì những câu chữ, lời hát của mình. Nhưng đằng sau nó là cả một câu chuyện mà đến khi hiểu được rồi, tất cả những gì bạn có thể dành cho họ chính là sự tôn trọng vì suy cho cùng, đó chính là ruột gan, là những gì thật nhất mà họ có thể gửi vào tác phẩm.


Nghệ sĩ Underground Việt: Thế giới của những người chơi với nhạc, chẳng cần phải giống ai! - Ảnh 6.

"Mùa hạ mà anh yêu nhất là mùa hạ mà em đi qua

Mùa hạ trời lên cao ngất, gay gắt thêm dặm đường xa nhà…"

Hai câu trên nằm trong bài hát mang tên "100 Ngày Hạ" của Cam – một cái tên nổi bật của cộng đồng Soundcloud Việt Nam. Bài hát nói về mối tình bỏ ngỏ của một cậu xe ôm với một cô gái đưa thư. Trong 100 ngày xuyên suốt mùa hạ, cả hai không nói với nhau điều gì mà chàng trai chỉ biết gửi cô gái những lá thư với người nhận "Mùa hạ". Tuy nhiên cô gái này lại chẳng hề hay biết mà vẫn luôn nghĩ rằng đây là một trò đùa. Mãi cho đến ngày thứ 100…


"Ngày 100, quả chò như rơi thật chậm

Bức thư đầu tiên em trao, là một chiếc thiệp hồng đỏ thắm."

Và rồi ngày 102...

"Trong vô thức, em đã bóc một lá ra xem

hết lá này đến lá khác, tất thảy 99 lá

ngồi gục xuống hiên nhà, em thấy mùa hạ vừa trôi qua…"


Một nhịp tim chợt hẫng đi. Một tiếng thở dài bất ngờ xuất hiện trong vô thức rồi nhẹ nhàng biến mất vào hư không để lại một không gian im lìm. Cảm giác không còn giống như đang nghe một bài hát hay câu chuyện của người khác nữa mà tôi đã thực sự bị cuốn vào nó và đồng cảm với những gì mà nhân vật trong bài hát đã trải qua.

Nghệ sĩ Underground Việt: Thế giới của những người chơi với nhạc, chẳng cần phải giống ai! - Ảnh 8.

Cách mà những nghệ sĩ underground dẫn dắt cảm xúc người nghe rất khác biệt. Họ không viết về những chuyện tình chung chung như những ca khúc thị trường khác mà thay vào đó, họ đem nỗi lòng mình ra để bộc bạch, để tìm kiếm sự đồng cảm. Trong khi nghệ sĩ overground bị nhốt mình trong những bức tường khuôn phép, bị giữ lại sau những thanh chắn vô hình, những ánh mắt soi mói thì những nghệ sĩ underground lại chính là những người tự do nhất, thỏa sức vùng vẫy trong mớ cảm xúc hỗn độn của chính mình. Có lẽ cũng vì vậy mà nỗi đau của họ cũng "thấm" hơn.

Một người dù đang tận hưởng dư vị ngọt ngào của tình yêu vẫn có thể cảm thấy chông chênh khi vừa nghe tiếng hát xen lẫn tiếng khóc nấc của Trịnh Thanh Vân trong "Vì mất đi ánh mặt trời". Một người dù đã trải qua những tháng ngày đau khổ nhất của cuộc đời nhưng có thể vẫn sẽ nhói nhẹ nơi ngực phải khi nghe đến đoạn "Đêm qua mơ thấy anh quay về.[…] Thức giấc môi cười. Ôi, là mơ thôi. Buồn tôi ơi, khi nào mày vơi!" của "Ai chờ ai" (FloDft. M!). Ngay đến chính tôi cũng không ít đêm ngụp lặn trong cảm giác mông lung khi playlist Soundcloud vô tình bật đến một loạt những ca khúc của Binz như "Điều bí mật", "Rời xa", "Sunshine Alone"…


Nghệ sĩ Underground Việt: Thế giới của những người chơi với nhạc, chẳng cần phải giống ai! - Ảnh 9.

Âm nhạc với những nghệ sĩ underground đi liền với cảm xúc, mà bạn biết đấy, cảm xúc thì rất khó để nắm bắt. Biết đâu được hôm nay âm nhạc là tình yêu lớn nhất của họ nhưng ngày mai mọi chuyện đã thay đổi thì sao. Tôi không dám chắc về những thứ mà tôi không phải là một phần của nó. Tuy nhiên tôi biết chắc rằng đâu đó ở những góc nhỏ trong làng nhạc Việt, vẫn có một thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ rất trẻ, đang làm việc âm thầm nhưng mang đầy đam mê nghệ thuật chân chính. Có thể họ sẽ gặp ít nhiều khó khăn khi không sở hữu một bộ máy truyền thông hay một ekip hùng mạnh đứng sau chăm lo, nhưng những gì xuất phát từ cảm xúc và đam mê chân thành thì sớm muộn gì cũng sẽ chạm đến được trái tim của công chúng.

Nam Anh, Thắng và Tuấn là một cái tên xa lạ với mọi người. Nhưng khi kết hợp lại với nhau, chúng ta đã có một Ngọt Band với rất nhiều bài hát như "Cá hồi", "Cho tôi đi theo", "Không làm gì"... Ít ai biết họ đến với nhau bằng âm nhạc khi cả ba chỉ vừa mới tốt nghiệp THPT. Sự tin tưởng lẫn nhau và tình yêu âm nhạc đã gắn kết ba cá thể hoàn toàn khác biệt, đồng thời lan tỏa tình yêu đó đến cho vô số khán giả khác.

Nhiều người biết đến Đen nhờ bản hit "Đưa nhau đi trốn" làm mưa làm gió, nhưng không phải ai cũng biết vào năm 2011, Đen – tên thật là Nguyễn Đức Cường cùng Võ Việt Phương đã cho ra một sáng tác chung mang tên "Cây bàng" cũng là ca khúc đã giành giải thưởng "Ca khúc ấn tượng" tại Liveshow Bài hát Việt tháng 8/2011. Từ một chàng trai yêu âm nhạc chỉ biết đăng tải những sáng tác của mình lên một diễn đàn về rap không mấy tên tuổi cho đến việc nhận được giải thưởng danh giá trên sóng quốc gia - đó là một hành trình dài hi sinh âm thầm vì nghệ thuật mà không phải ai cũng biết.

Nhìn vào lượt nghe của những ca khúc như "Một nhà", "Đưa nhau đi trốn", "Người và ta", "Bài ca tuổi trẻ", "Ai chờ ai"… trên những trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến hay Youtube, có thể thấy rõ được làn sóng underground đang phát triển mạnh mẽ như thế nào. Sản phẩm của những nghệ sĩ underground giờ đây cũng được mong đợi trông chờ không kém những ca sĩ thị trường mà không cần đến bất kì chiêu trò nào. Những buổi mini liveshow của Vũ, Ngọt Band, Linh Cáo hay streetshow của Đen luôn trong tình trạng cháy vé. Nhìn những căn phòng chật kín người với sân khấu bé tí hin, ca sĩ đứng vỏn vẹn một góc nhưng hễ nhạc lên tất cả lại cùng hòa chung lời ca, cùng khóc, cùng cười khiến ai cũng phải nổi da gà và muốn trở thành một phần của bữa tiệc âm nhạc thuần khiết đó.

Tôi cứ xem đi xem lại màn trình diễn ca khúc "Đưa nhau đi trốn" của Đen và Linh Cáo trong một buổi lễ trao giải âm nhạc. Dù tác phẩm của họ đã được ghi danh là sản phẩm của năm, dù có bao nhiêu bạn trẻ biết đến và vô số cơ hội mở ra nhưng khi đứng trên sân khấu, họ vẫn mộc mạc, giản dị. Không cần đến những thứ dàn dựng màu mè, không gian âm nhạc chỉ còn là sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả.

Hay cậu bé đánh trống trong ban nhạc Cá Hồi Hoang chẳng hạn, tham gia vào một sự kiện lớn quy tụ toàn những tên tuổi hàng đầu ở nhiều lĩnh vực khác nhau với vô số máy ảnh khắp nơi nhưng em đến diễn chỉ với một chiếc áo thun đỏ hơi sờn cũ cùng đôi dép giản dị đến lệch pha so với không khí của sự kiện. Em nhắm nghiền mắt khi trình diễn, phiêu theo giai điệu, lắc lư cái đầu. Diễn xong thì cười hề hề chào khán giả rồi lại dọn dẹp đồ đạc đi vào.

Với tôi, những hình ảnh đấy là hình ảnh của những người yêu nhạc đích thực, và nó thật sự rất đẹp.

"Em rất muốn

Chúng ta nắm tay nhau đi suốt con đường này

Ừ đường hơi xa đấy

Nhưng với anh đây rồi em biết chi mệt nhoài

...

Ừ đường hơi xa đấy

Ừ, thì đường xa.."

Nghệ sĩ Underground Việt: Thế giới của những người chơi với nhạc, chẳng cần phải giống ai! - Ảnh 12.