Ngày lễ vẫn cứ ru rú ở nhà: bạn là người hướng nội hay “xa lánh xã hội”? Đừng nhầm lẫn, 2 điều này khác nhau xa

Đạt Lê, Theo Helino 21:35 30/04/2018

“Xa lánh xã hội” nghe có vẻ quen tai nhưng chưa chắc bạn đã biết biểu hiện và nguyên nhân thực sự của nó. Và liệu nó có giống với tính cách người hướng nội?

Thỉnh thoảng khi 1 đứa bạn từ chối đi chơi vào ngày lễ, chúng ta lại "quở trách" nhau là xa lánh xã hội. Ổn thôi, đùa vui 1 chút ấy mà! Nhưng vui thôi đừng vui quá, vì bạn có biết hội chứng "xa lánh xã hội" là 1 vấn đề tâm lí đáng quan tâm hay không?

Biểu hiện nổi bật nhất của hội chứng này là sợ bị giám sát và đánh giá bởi người khác. Theo ước tính, vấn đề tâm lí này được tìm thấy trên 15 triệu người Mỹ! Đây là hội chứng bệnh, trong khi hướng nội là tính cách cá nhân, hai chuyện này khác nhau xa lắm.

Và việc hiểu được sự khác nhau giữa chúng sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân mình. Đồng thời, biết đâu bạn có thể cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với những người gặp chứng "xa lánh xã hội"?

1. Người hướng nội là TÍNH CÁCH TỰ NHIÊN. Người "xa lánh xã hội" do ĐƯỜNG ĐỜI XÔ ĐẨY

Ngày lễ vẫn cứ ru rú ở nhà: bạn là người hướng nội hay “xa lánh xã hội”? Đừng nhầm lẫn, 2 điều này khác nhau xa - Ảnh 1.

Theo nhà tâm lí học Ellen Hendriksen, hướng nội là 1 tính cách bẩm sinh, đã "thâm căn cố đế" trong những người sở hữu đặc điểm này.

Ngược lại, đối với "xa lánh xã hội" - có thể ai đó sinh ra đã có khuynh hướng như vậy, nhưng nó chỉ bộc phát do hoàn cảnh tác động mạnh mẽ. Ví dụ như bị bắt nạt, bị cô lập, kỳ thị ngay từ thời thơ bé... là những trường hợp thường gặp.

2. Người hướng nội KHÔNG THÍCH đám đông. Người "xa lánh xã hội" SỢ đám đông

Khi phải đến 1 buổi tiệc đông đúc, cả người hướng nội lẫn người xa lánh xã hội đều cảm thấy không thoải mái, trong lòng lo lắng bất an.

Ngày lễ vẫn cứ ru rú ở nhà: bạn là người hướng nội hay “xa lánh xã hội”? Đừng nhầm lẫn, 2 điều này khác nhau xa - Ảnh 2.

Tuy vậy, người hướng nội hoàn toàn có thể kiểm soát nỗi lo đó, hiểu rằng mình không thích đám đông là do tính cách của bản thân mà thôi.

Ngược lại, đối với người mắc hội chứng xa lánh xã hội, nỗi lo sẽ gay gắt hơn nhiều. Nó nằm ngoài vòng kiểm soát, khiến họ nghĩ đến những thứ rất sâu xa như địa vị xã hội, định kiến... Giữa đám đông, họ không thể hiện được năng lực của mình, cảm giác như toàn thân bị tê liệt, đóng băng.

3. Trước buổi tiệc, người hướng nội dành thời gian THƯ GIÃN cho riêng mình. Còn người "xa lánh xã hội" thì ĐỨNG NGỒI KHÔNG YÊN

Ngày lễ vẫn cứ ru rú ở nhà: bạn là người hướng nội hay “xa lánh xã hội”? Đừng nhầm lẫn, 2 điều này khác nhau xa - Ảnh 3.

Trước khi đi đến chỗ đông đúc, người hướng nội hoàn toàn đắm chìm trong thời gian riêng tư. Họ bình tĩnh đọc sách, nghe nhạc... Đó là cách để "sạc pin", lấp đầy năng lượng trước khi tiêu hao vào những cuộc chuyện trò sắp đến.

Ngược lại, cả trước - trong và sau khi gặp đám đông luôn là khoảng thời gian ác mộng với người "xa lánh xã hội". Họ sợ hãi và stress, đứng ngồi không yên, khó tập trung vào việc gì, tay chân đổ mồ hôi, cổ họng khô khốc, trống ngực, trống bụng thay phiên nhau đập thình thịch...

4. Người hướng nội KHÔNG NGẠI PHÁT BIỂU trước đám đông. Người "xa lánh xã hội" thì luôn E DÈ vì sợ chỉ trích

Người hướng nội không gặp vấn đề gì lớn trong việc thuyết trình hay phát biểu. Họ chỉ không mặn mà với những chuyện phiếm bên lề mà thôi. Về bản chất, họ không ngại thể hiện mình: tôi là ai, tôi nghĩ như thế nào...

Ngày lễ vẫn cứ ru rú ở nhà: bạn là người hướng nội hay “xa lánh xã hội”? Đừng nhầm lẫn, 2 điều này khác nhau xa - Ảnh 4.

Ngược lại, người "xa lánh xã hội" luôn sợ đám đông, sợ làm việc nhóm. Một trong những "tác dụng phụ" của nỗi sợ này là sự cầu toàn. Một vài người rất thông minh nhưng chẳng thể bày tỏ bản thân.

Mỗi khi muốn nói điều gì, họ lại bị bao vây bởi hàng tá giả định tự đặt ra trong đầu như: lỡ mình nói sai thì sao, giọng mình tức cười quá, tụi nó sẽ chế nhạo cho coi... Nếu không một lần thử để rồi thay đổi cách nhìn, thì những tảng đá tâm lí ấy sẽ mãi đè nặng lên đầu óc họ.

Tạm kết

Như đã nói, hướng nội là tính cách, còn "xa lánh xã hội" là 1 hội chứng tâm lí. Và theo các chuyên gia, nhiều người sẽ có cả tính cách lẫn mắc phải hội chứng này!

Mặt khác, mỗi cá nhân chúng ta đều là bản thể đầy phức tạp, nên chẳng có gì sai khi bạn vẫn chưa thực sự hiểu mình cả. Vậy thì nhân cơ hội nào đó thích hợp, hãy thử trò chuyện với bạn bè, người thân hay nhờ đến bác sĩ tâm lí nhé.

Còn vào những ngày lễ này, nếu bạn muốn ở nhà hơn thì... cứ vậy đi (đừng ngủ nhiều quá là được). Vì chẳng phải ý nghĩa quan trọng của ngày lễ là để tái tạo năng lượng hay sao? Chúc bạn nghỉ lễ thật vui và tìm thấy khoảng thời gian hạnh phúc cho riêng mình!

Nguồn: HuffPost