NASA phát trực tiếp cảnh "tự sát" của tàu thăm dò tỉ đô, và đây là cách để theo dõi

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 16:50 15/09/2017

Tàu thăm dò Cassini của NASA sẽ chính thức chấm dứt hành trình kéo dài 20 năm bằng một vụ "oanh tạc" lên bề mặt sao Thổ. Và NASA đã quyết định cho cả thế giới xem khoảnh khắc đó.

Nếu có thể bằng cách nào đó bay được đến sao Thổ ngay bây giờ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh tượng rất thú vị. Lơ lửng trên vành đai đã thành thương hiệu, sẽ có một vật thể phát sáng, lao thẳng xuống bề mặt của hành tinh, vỡ tung ra thành hàng triệu mảnh giống như một thiên thạch vậy.

Chỉ có điều đấy không phải là thiên thạch, mà là con tàu thăm dò chạy bằng động cơ hạt nhân trị giá tỉ đô của NASA - tàu Cassini.

NASA phát trực tiếp cảnh tự sát của tàu thăm dò tỉ đô, và đây là cách để theo dõi - Ảnh 1.

Tàu thăm dò Cassini

Cụ thể, vào lúc 6h32 EDT sáng 15/9 (tức 5h32 chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), NASA sẽ "kết liễu" con tàu thăm dò trị giá 3,26 tỉ Mỹ kim, bằng cách cho nó "oanh tạc" xuống bề mặt của sao Thổ.

NASA đã quyết định phát trực tiếp khoảnh khắc cuối cùng của Cassini vào lúc 6h chiều ngày 15/9, và bạn có thể theo dõi tại ĐÂY. Theo dự tính, những tín hiệu cuối cùng xác nhận Cassini đã phát nổ sẽ về đến Trái đất vào khoảng 6h56 phút.

Tại sao NASA phá hủy Cassini?

Năm 1997, Cassini rời Trái đất và thẳng tiến về hướng sao Thổ. Con tàu tiếp cận được hành tinh vào năm 2004, và kể từ đó gửi về cho chúng ta những thông tin vô giá về vành đai của sao Thổ, cùng các Mặt trăng bí ẩn xoay quanh nó. 

Nhưng rồi, Cassini đã có những phát hiện gây chấn động, và đó cũng là lý do khiến nó buộc phải "chết". 

NASA phát trực tiếp cảnh tự sát của tàu thăm dò tỉ đô, và đây là cách để theo dõi - Ảnh 2.

Vào năm 2005, con tàu tìm thấy một cột nước phóng lên từ Enceladus - một trong những Mặt trăng của sao Thổ, từ đó xác nhận rằng Enceladus có một đại dương khổng lồ bên dưới lớp băng trên bề mặt. Sau đó đến lượt Titan - một Mặt trăng khác với kích cỡ tương đương sao Thủy - cũng có dấu hiệu chứa nước dạng lỏng.

"Việc tìm thấy những đại dương mang tiềm năng nuôi dưỡng sự sống ở cách xa Mặt trời (xa gấp 10 lần khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất) đã mở ra một hướng đi mới để tìm kiếm sự sống, cả trong lẫn ngoài Thái dương hệ." - Linda Spilker, chuyên gia của NASA cho biết. 

NASA phát trực tiếp cảnh tự sát của tàu thăm dò tỉ đô, và đây là cách để theo dõi - Ảnh 3.

Cột nước trên Enceladus

Enceladus và Titan đều có khả năng nuôi dưỡng sự sống. Nhưng mặt khác, Cassini đã gần cạn kiệt nhiên liệu, không biết sẽ rơi khi nào và ở đâu. Rốt cục NASA đành đi trước một bước, để con tàu kết thúc sứ mệnh 20 năm trên chính hành tinh nó làm nhiệm vụ.

NASA phát trực tiếp cảnh tự sát của tàu thăm dò tỉ đô, và đây là cách để theo dõi - Ảnh 4.

"Chúng tôi cần bảo vệ những địa điểm này cho các chuyến du hành trong tương lai" - Jim Green, lãnh đạo chương trình Khoa học hành tinh của NASA chia sẻ.

Nguồn: Business Insider